top of page
Hung Tran
May 31, 2023
Từ Tân ước có nghĩa là Giao ước mới khác với Giao ước cũ mà Đức Chúa Trời hành động qua dân Do-thái để báo trước về việc Đấng Christ sẽ đến...
BÀI 1: THẾ GIỚI THỜI TÂN ƯỚC
I. ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ GIAO ƯỚC MỚI
Giao ước là thỏa ước giữa hai bên.
* Cựu ước là Giao ước cũ giữa Đức Chúa Trời và dân Do-thái. Theo Giao ước cũ, phần của Đức Chúa Trời là khiến cho con cháu của Áp-ra-ham trở thành một dân tộc đặc biệt được Ngài ban phước (Sáng-thế Ký 12:1-3); phần của người Do-thái là vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời (Xuất Ai-cập 19:5). Nếu họ không vâng lời, Giao ước sẽ bị xóa bỏ. Giao ước cũ không thành công bởi vì người Do-thái đã không vâng lời Chúa.
* Từ Tân ước có nghĩa là Giao ước mới khác với Giao ước cũ mà Đức Chúa Trời hành động qua dân Do-thái để báo trước về việc Đấng Christ sẽ đến.
Từ “Ước” (Testament) thường chỉ một sự thỏa thuận sẽ có hiệu lực khi người thực hiện giao ước qua đời. Sự chết của Chúa Giê-xu khiến Giao ước mới có hiệu lực (Hêb. 9:15-17).
* Giao ước mới giữa Đức Chúa Trời và con người là Giao ước của Chúa Giê-xu. Là Đấng Trung Gian nên Ngài đứng giữa Đức Chúa Trời và con người. Qua Chúa Giê-xu chúng ta tiếp nhận những Lời hứa được ban cho bởi Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời phán: “Nếu con tin Chúa Giê-xu, Ta sẽ ban cho con sự sống đời đời” (Giăng 3:16). Phần của Đức Chúa Trời là ban sự cứu rỗi, sự sống đời đời và tiếp nhận chúng ta làm con trong gia đình Ngài; phần của chúng ta là tin Con Ngài, là Chúa Giê-xu.
* Tân ước mở đầu bằng sự bày tỏ về Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời là Đấng đã trở nên loài người. Nhưng sách cuối cùng của Tân ước đưa ra cho chúng ta sự khải thị mới về Đức Chúa Trời cao trọng, được cất lên cao, được ngồi bên hữu Đức Chúa Cha trong sự vinh quang, tôn trọng.
Đó là sự khải thị trọn vẹn của Đức Chúa Trời cho con người.
II. BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ
1. Việc hình thành Đế quốc La-mã:
* Thiết lập từ năm 753TC, năm 146TC. La-mã bành trướng quyền lực đến năm 63TC đã mở sự cai trị đến Giu-đa.
* Sê-sa Au-gút-tơ trở thành Hoàng đế La-mã đầu tiên vào năm 30TC. Chúa Giê-xu Giáng sanh trong thời kỳ nhiệm chức của ông (27 TC đến 14 SC),
* Ti-bê-ri-út, con nuôi của Sê-sa Au-gút-tơ, nối ngôi ông cai trị từ năm 14-37 SC, và là người cai trị trong thời gian Chúa Giê-xu chịu chết, Gai-út cai trị từ năm 37-41 SC trong thời kỳ đầu chức vụ của Phao-lô, Cơ-lốt cai trị từ năm 41-54 SC, là người ra chỉ dụ đuổi người Giu-đa ra khỏi thành Rô-ma (Công 18:2). Nê-rô (54-68 SC) đã bắt bớ Cơ-đốc nhân ở Rô-ma, Phao-lô và Phi-e-rơ đã tử đạo trong giai đoạn bách hại này. Domitian (81-96 SC) buộc mọi người thờ phượng mình như “Chúa và Thần” khiến cho nhiều người nghĩ rằng đây là sự bách hại kinh khiếp mà Khải-huyền đã đề cập (Khải 2:13; 3:10).
2. Đặc tính Đế quốc La-mã:
* Nổi tiếng về việc duy tri luật pháp và trật tự với cac tổng trấn.
* Lãnh thổ: Kéo dài từ Điạ Trung Hải phía Tây đến Ơ-phơ-rát ở Cận Đông.
3. Ảnh hưỡng của Đế Quốc La-mã:
* Tạo được 1 thời kỳ hòa bình dưới triều Sê-sa Au-gút-tơ nhờ Luật pháp Trật tự và tiềm năng quân sự ưu việt.
* Hệ thống đường sá hoàn chỉnh (lát đá) và an toàn, đi lại dễ dàng.
* Tiêu cực: Suy đồi luân lý, tôn giáo (tôn giáo nhà nước hình thức, triết học thiếu sức sống, phái huyền bí giao thông các thần linh) tạo niềm khao khát một sự cứu chuộc.
III. BỐI CẢNH XÃ HỘI
1. Nước Do-Thái:
* Người Do-thái bị đày sang Ba-by-lôn vào năm 586TC trong thời trị vì của Nê-bu-cát-nết-sa.
* Vua Si-ru người Mê-đi đã ra chiếu chỉ cho tất cả người Do-thái được trở về Xứ Thánh vào năm 538 TC.
Phần lớn người Do-thái vẫn ở lại Ba-by-lôn nhưng có khoảng 42 ngàn người từ chi phái Giu-đa, Bên-gia-min và Lê-vi đã trở và họ đã bắt đầu dựng lại đền thờ.
* Năm 458TC, một phái đoàn nữa trở về dưới sự lãnh đạo của Ê-xơ-ra (E-xơ-ra 7:1-10) và 13 năm sau Nê-hê-mi cũng tham gia vào việc này và vận động mọi người xây lại vách thành Giê-ru-sa-lem đã bị hủy phá (Nê-hê-mi 6:15-16). E-xơ-ra và Nê-hê-mi đã thiết lập lại việc thực hành nghiêm chỉnh luật pháp Môi-se (Nê. 8:1-8).
* Sau khi Pompey chinh phục Pa-lét-tin năm 63 TC, La-mã cho phép vua chư hầu bản xứ Hê-rốt Đại Đế cai trị Pa-lét-tin (37-4 TC). Sau đó các con ông phân chia lãnh thổ để cai trị, A-chê-la-u (Mat. 2:21-23) cai trị xứ Giu-đê, Sa-ma-ri và I-du-mê. An-ti-pa (Mác 6:14- 29) thừa hưởng xứ Ga-li-lê và Bê-rê. Hê-rốt Ạc-ríp-ba I là cháu nội của Hê-rốt Đại đế đã sát hại Gia-cơ và bỏ tù Phi-e-rơ (Công 12), Hê-rốt Ạc-ríp-ba II, cháu của Hê-rốt Ạc-rípba I, là người đã nghe lời biện minh của Phao-lô (Công 25-26).
2. Bối Cảnh Xã Hội:
* Xã hội Do-thái: trong thời Tân Ước có khoảng 4 triệu người Do-thái sống ở những vùng rải rác xứ A-léc-xan-tri, An-ti-ốt và Rô-ma thuộc Đế quốc La-mã nhưng chỉ có 700 ngàn người sống ở Pa-lét-tin.
* Ngôn ngữ chung là tiếng A-ram, tiếng Hê-bơ-rơ được các thầy tế lễ dùng và cũng có nhiều người nói tiếng Hy-lạp.
* Do-thái giáo có những người thuộc tầng lớp quý tộc giàu có, nhiều người Sa-đu-sê nằm trong hệ thống cai trị Giu-đê. Họ kiểm soát việc kinh doanh tại đền thờ để bán những con vật dâng tế lễ và đổi tiền. Một số khác là những điền chủ giàu có. Phần lớn những người Pa-lét-tin là những nông dân nghèo, thợ thủ công và thương gia. Tình trạng nô lệ không phổ biến lắm giữa vòng những người Do-thái.
IV. BỐI CẢNH TÔN GIÁO
1. Các Tôn Giáo Dân Ngoại:
* Thần giả: Con người thừa hưởng những tín ngưỡng qua nhiều loại tôn giáo khác nhau. Trong thời kỳ đầu của La-mã mỗi gia đình đều thờ các thần của trang trại và gia đình họ. Các thần này là hiện thân của những thế lực họ đối diện trong đời sống hằng ngày.
Khi La-mã nổi lên và chinh phục được Hy-lạp thì thần của Hy-lạp là Zeus và Hera trở thành thần chính của họ.
* Thờ Hoàng Đế: Trong thế kỷ đầu tiên người ta thờ phượng hoàng đế La-mã, cho nên những Cơ-đốc nhân nào từ chối thờ phượng sẽ bị bách hại.
* Những tôn giáo thần bí: Có nguồn gốc từ Đông Phương. Các tôn giáo này mang lại mối liên lạc cá nhân với thần linh và hứa hẹn con người sẽ được bất tử thể hiện qua những trải nghiệm về cảm xúc. Nhiều người đã theo cách hành đạo mê tín huyền bí này.
* Trí huệ giáo: Những người có giáo dục thỏa mãn niềm khát khao tôn giáo bằng cách tìm đến nhiều loại triết học khác nhau. Họ chủ trương Đức Chúa Trời tối cao không có liên quan đến thế giới hữu hình. Một số trở thành những người khổ tu, một số khác sống vô đạo đức vì những hoạt động của thân thể không ảnh hưởng đến linh hồn. Ngoài ra còn có các tư tưởng khác ảnh hưởng đến xã hội Do-thái lúc bấy giờ.
* Thuyết hưởng lạc Ê-pi-cua chủ trương rằng lạc thú là là cực điểm tốt lành.
* Thuyết Xtô-íc: Nhấn mạnh đến đức hạnh thay vì khoái lạc, cố gắng chịu đựng khi đối diện nghịch cảnh và chấp nhận số phận con người.
* Thuyết khuyến nho (synicism) bác bỏ mọi tiêu chuẩn và thông lệ đời thường để cố gắng sống theo những nhu cầu đơn giản nhất. Skeptics từ bỏ hy vọng tìm kiếm một lẽ thật hoàn hảo.
2. Tôn giáo Do-thái:
* Do Thái giáo xuất phát từ người Do-thái nhưng cũng mở rộng cho nhiều người cải đạo. Họ nhấn mạnh vào duy nhất thần thuyết dựa trên Kinh Thánh là sự khải thị từ Đức Chúa Trời.
* Thần học Do-thái giáo: Tin vào một Đức Chúa Trời do đó họ lên án việc thờ thần tượng. Tín ngưỡng của họ dựa trên những hành động cụ thể của Đức Chúa Trời trong lịch sử chứ không dựa vào thần thoại hay suy đoán. Thánh Kinh Cựu Ước nhấn mạnh đến số phận của cả một quốc gia. Cuộc lưu đày sau này của dân tộc khiến họ quan tâm đến trách nhiệm cá nhân, đức tin cá nhân, nếp sống cá nhân và sự sống lại cá nhân.
* Người Do-thái dự ngôn về Đấng Giải Cứu của Đức Chúa Trời, tức Đấng Mê-si-a, là Đấng mà theo họ sẽ giải cứu dân tộc khỏi sự áp bức chính trị bằng cách hủy diệt kẻ thù của họ. Họ không được chuẩn bị để chấp nhận một Đấng Mê-si-a sẽ chịu khổ vì nhân loại hoặc cứu chuộc họ bằng sự chết của chính Ngài.
* Đền thờ: là trung tâm chính của sự thờ phượng tại Giê-ru-sa-lem. Sau khi đền thờ bị hủy phá năm 586TC, người Do-thái thiết lập nhà hội. Những người Do-thái bị A-sy-ri và Ba-by-lôn đuổi ra khỏi Xứ Thánh lập nhà hội ở các thành phố lớn trong đế quốc La-mã. Nhà hội là nơi để học hỏi và giảng dạy luật pháp, hướng dẫn con trẻ và là trung tâm để thông công trong xã hội.
* San-đơ-rin: Là tòa án tối cao của Do-thái.
Hoàng đế La-mã cho phép người Do-thái giải quyết những vấn đề pháp lý của họ, do đó cũng có vô số những tòa án địa phương để giải quyết những vấn đề ở địa phương. Thầy tế lễ cả điều khiển 70 thành viên trong tòa án tối cao gồm có cả người Sa-đu-sê và người Pha-ri-si.
* Lịch thánh của người Do-thái: có bảy kỳ lễ quy định việc thờ phượng hằng năm. Năm kỳ lễ đầu có trong luật pháp Môi-se, hai kỳ lễ cuối có nguồn gốc từ sau kỳ lưu đày.
Các kỳ lễ của Do-thái:
1. Lễ Vượt Qua và Lễ Ăn Bánh Không Men (một lễ mà thôi, Giăng 13:1).
2. Lễ Ngũ Tuần (Công 2:1).
3. Lễ Năm Mới (Rosh Hashanah).
4. Ngày Lễ Chuộc Tội (Yom Kippur, Công 27:9).
5. Lễ Đền Tạm (Giăng 7:2).
6. Lễ Cung Hiến (Hanukkah, Giăng 10:22)
7. Lễ Purim (hay Ánh Sáng).
V. KINH THÁNH.
1. Văn chương Do-thái:
* Bản Kinh Cựu Ước của người Do-thái ngoài bản gốc bằng tiếng Hê-bơ-rơ còn có bản dịch bằng tiếng Hy-lạp, bản dịch tiếng A-ram, bản này có thêm một số tư liệu không có trong Kinh Thánh.
* Một số sách khác không có trong Kinh Điển Cựu Ước:
1) Thứ Kinh, có nghĩa là “kín giấu” hoặc “bí mật”, đây là những sách lịch sử, hư cấu, tục ngữ của Do-thái. Sách này được Giáo hội Công giáo La-mã thừa nhận nhưng hệ Tin Lành không công nhận.
2) Ngụy Kinh, là những sách lấy danh của những vị nổi tiếng trong Cựu Ước làm tên tác giả để được công nhận thẩm quyền nhưng chỉ là ngụy tạo.
3) Các Cuộn Biển Chết, được tìm thấy trong các hang động gần Biển Chết, là những tác phẩm của phái Essenes của Do-thái từ năm 200 TC cho đến 70 SC.
2. Các hệ phái của Do-thái giáo:
* Phái Pha-ri-si: Được thành lập năm 135 TC.
Họ giữ luật pháp nghiệm ngặt, tin vào sự tồn tại của thiên sứ và thần linh, và trông đợi sự sống lại của thân thể. Đây là hệ phái lớn nhất và có ảnh hưởng nhiều nhất trong Do-thái giáo.
* Phái Sa-đu-sê: Có quyền lực chính trị mạnh.
Phần lớn những gia đình thầy tế lễ đều thuộc phe Sa-đu-sê. Họ chủ trương giải nghĩa luật pháp Môi-se từng lời từng chữ và chỉ công nhận năm sách đầu tiên của Kinh Thánh. Họ không công nhận lời truyền khẩu và chủ trương trái ngược với phe Pha-ri-si.
* Phái Essenes: Tín ngưỡng mang tính thần học giống phe Pha-ri-si nhưng họ giữ luật Cựu Ước còn nghiêm ngặt hơn. Họ tránh kết hôn và có nếp sống như tu hành trong thời Tân Ước.
* Phái Xê-lốt: là nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc cách cuồng nhiệt và chủ trương dùng bạo lực để giải phóng khỏi La-mã.
* Phái Hê-rốt: là nhóm thiểu số Do-thái ủng hộ triều đại của Hê-rốt và sự cai trị của La-mã. Quan điểm chính trị của họ trái ngược với phe Xê-lốt, thực ra họ cũng không phải là một hệ phái tôn giáo.
3. Kinh Điển Tân Ước
* Trải qua nhiều thế kỷ các hội thánh mới thừa nhận tất cả các sách Tân Ước. Các thư của Phao-lô và các sách Phúc Âm được công nhận nhanh chóng nhưng có một số sách như Hê-bơ-rơ, Khải-huyền, II và III Giăng, II Phi-e-rơ sau một thời gian dài mới được thừa nhận quyền tác giả.
* Giáo Hội Nghị tại Carthage năm 397 đã công nhận 27 sách có thẩm quyền. Các Cơ-đốc nhân đều tin rằng Đức Chúa Trời đã hướng dẫn họ trong việc lựa chọn các sách này đưa vào kinh điển.
* Một số tiêu chuẩn để quyết định một sách có phải kinh điển hay không (ngoài ý tưởng chủ đạo là được Chúa soi dẫn):
- Thứ nhất, tác giả phải là sứ đồ hoặc người cộng sự của sứ đồ.
- Thứ hai, những sự dạy dỗ trong sách phải phù hợp với giáo lý của sứ đồ.
- Thứ ba, các sách này phải có tính giáo dục đạo đức và được thừa nhận rộng rãi trong các hội thánh.
VI. HIỂU BIẾT VỀ CÁC SÁCH TÂN ƯỚC.
1. Lưu truyền và dịch thuật Tân Ước
* Bản Kinh Thánh chép tay: ban đầu được viết bằng chữ in hoa to và không có chấm câu cũng như chia đoạn. Sau này được viết bằng chữ thảo và phân chia đoạn khi được in ấn vào thế kỷ 16. Ban đầu các bản này được chép trên giấy papyrus, sau này người ta dùng một số vật liệu tốt hơn như giấy da dê, da cừu.
* Các bản dịch Thánh Kinh Tân Ước:
- John Wycliffe là bản dịch tiếng Anh từ tiếng La-tinh năm 1382.
- William Tyndale là bản dịch từ tiếng Hy-lạp năm 1525.
- King James là bản dịch năm 1611.
Từ khi các học giả nắm được nguyên tắc dịch thuật có thêm nhiều bản dịch khác ra đời như: Revised Standard Version (1946), New American Standard Bible (1960), New English Bible (1961) và New International Version (1973). Các tác giả Kinh Tân Ước: có ít nhất là 8 đến 9 tác giả trong các sách Tân Ước là Ma-thiơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Phao-lô, Gia-cơ, Phi-e-rơ, Giu-đe, và một tác giả sách Hê-bơ-rơ không rõ danh tánh.
2. Nội dung và việc giải nghĩa Tân Ước
* Nội dung: Có ít nhất hai cách để chia nhóm các sách Tân Ước.
[1]. Chia theo nội dung và tác giả của sách
a) Các sách lịch sử:
Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng, Công-vụ.
b) Các thư tín Phao-lô:
Rô-ma, I Cô-rinh-tô, II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I Tê-sa-lô-ni-ca, II Tê-sa-lô-ni-ca, I Ti-mô-thê, II Ti-mô-thê,Tít; Phi-lê-môn.
C) Các thư tín chung:
Hê-bơ-rơ, Gia-cơ, I Phi-e-rơ, II Phi-e-rơ, I Giăng, II Giăng III Giăng, Giu-đe.
d) Các thư khác:
Khải-huyền.
[2]. Chia theo Niên đại của các sách
- Năm 6 TC-29 SC: Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca, Giăng.
- Năm 29-63 SC: Công vụ, Rô-ma, I & II Cô-rinh-tô, Ga-la-ti, Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se, I & II Tê-sa-lô-ni-ca, Phi-lê-môn, và Gia-cơ.
- Năm 63- 96 SC: I & II Ti-mô-thê, Tít, Hê-bơ-rơ, I& II Phi-e-rơ, I, II & III Giăng, Giu-đe, Khải-huyền.
* Cách giải nghĩa Tân Ước: có một số nguyên tắc để giải nghĩa các câu Kinh Thánh Tân Ước.
(1) Nguyên tắc giải thích theo nghĩa đen: nguyên tắc này được áp dụng để hiểu các sự kiện Chúa Giê-xu chết và sống lại là sự kiện lịch sử có thật.
(2) Hiểu biết về bối cảnh: đó là mục đích viết sách, nơi chốn và cơ hội để viết sách, cũng cần phải biết hoàn cảnh của người viết và bối cảnh xung quanh vấn đề sách đề cập.
(3) Giới hạn về sự khải thị của Đức Chúa Trời: Đức Chúa Trời không bày tỏ một câu trả lời cho mọi vấn đề thuộc linh mà chúng ta hỏi. Chúng ta cần thừa nhận sự kém hiểu biết của chúng ta về mục đích toàn hảo của Đức Chúa Trời và cầu xin ân điển Chúa trong sự yếu đuối của chúng ta.
(4) Phân biệt giữa giải thích và ứng dụng: phân đoạn Kinh Thánh chỉ có một ý nghĩa nhưng chúng ta có thể có nhiều bài học áp dụng.
(5) Dùng phân đoạn có ý nghĩa rõ hơn: dùng phân đoạn có ý nghĩa rõ ràng hơn để giải thích những đoạn khó hiểu.
ÔN TẬP:
Tự trả lời các câu dưới đây. Bạn có thể viết câu trả lời trong một quyển tập khác.
1. Kể ra hai tôn giáo ngoại bang thời Tân Ước và cho biết điều họ nhấn mạnh.
2. Nhà hội góp phần gì trong tôn giáo của người Do-thái?
3. Thứ Kinh và Ngụy Kinh là gì?
4. Chủ trương của phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê là gì?
5. Các Cơ-đốc nhân đầu tiên đã dùng những tiêu chuẩn nào để xác định Kinh Điển Tân Ước?
6. Kể ra ba nguyên tắc cần có để giải nghĩa Kinh Thánh cách chính xác.
bottom of page