top of page
Hung Tran
Sep 14, 2023
Một số nhà giải kinh cho rằng Chúa Jesus dùng ẩn dụ về cây vả để tiết lộ cho các môn đồ của Ngài biết về thời điểm Ngài sẽ trở lại trên đất...
Ma...
...-thi-ơ chương 24 là phần Kinh Thánh Chúa Jesus nói tiên tri về thời kỳ sau cùng, trong đó câu 32-35 là phân đoạn Chúa Jesus nêu ẩn dụ về cây vả như sau:
“Hãy nghe lời ví dụ về cây vả, vừa lúc cành đâm chồi, ra lá, thì các ngươi biết mùa hạ gần đến. Cũng vậy, khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con người gần đến, Ngài đang ở trước cửa. Quả thật, ta nói cùng các ngươi, dòng dõi nầy chẳng qua trước khi điều kia chưa xảy đến. Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi.”
Phân đoạn trên gợi cho chúng ta 2 vấn đề quan trọng và cả 2 liên quan với nhau:
1. Khi thấy cành cây vả đâm chồi ra lá thì biết mùa hạ sắp đến. Văn mạch cho thấy rõ “mùa hạ” chỉ về sự trở lại của Chúa Jesus. Như vậy, hình ảnh “cây vả đâm chồi ra lá” ngụ ý chỉ về điều gì?
2. “Dòng dõi nầy” sẽ không qua đi, tức là còn sống để chứng kiến Chúa Jesus trở lại. Như vậy, “dòng dõi nầy” chỉ về ai hay nhóm người nào?
Một số nhà giải kinh cho rằng Chúa Jesus dùng ẩn dụ về cây vả để tiết lộ cho các môn đồ của Ngài biết về thời điểm Ngài sẽ trở lại trên đất.
Chúng tôi sẽ trình bày cách giải thích của vài nhà giải kinh và sau đó nêu lên lời nhận xét về cách giải thích đó và đồng thời trình bày quan điểm của chúng tôi.
A. Một cách giải nghĩa về ẩn dụ cây vả đâm chồi ra lá.
1. Cây vả chỉ về dân Do-thái (Israel).
Một số nhà giải kinh cho rằng Chúa Jesus dùng hình ảnh cây vả để ám chỉ về dân Do-thái. Ý tưởng nầy căn cứ vào các câu Kinh Thánh sau:
• Ô-sê 9:10: “Ta đã gặp Y-sơ-ra-ên, như gặp trái nho trong đồng vắng; ta đã thấy tổ phụ các ngươi như trái chín đầu mùa trên cây vả.”
• Ma-thi-ơ 21:19: “Thấy một cây vả ở bên đường, Ngài bèn lại gần, song chỉ thấy những lá mà thôi, thì Ngài phán cùng cây vả rằng: Mầy chẳng khi nào sanh ra trái nữa! cây vả tức thì khô đi.”
• Giê-rê-mi 8:13: “Đức Giê-hô-va phán: Thật, ta sẽ diệt hết chúng nó. Chẳng còn trái nho trên cây nho; chẳng còn trái vả trên cây vả; lá sẽ khô rụng; những điều ta đã ban cho, sẽ bị cất lấy!”
2. Cây vả đâm chồi ra lá chỉ về ngày thành lập quốc gia Do-thái:
Một số nhà giải kinh tin rằng hình ảnh “cây vả đâm chồi ra lá” ám chỉ về sự kiện lịch sử quan trong đối với dân Do-thái vào năm 1948: Đó là ngày 14 tháng 5 năm 1948, quốc gia Do-thái được chính thức công bố là một nước độc lập và có chủ quyền trên toàn thế giới. Họ trưng dẫn các câu sau:
• Ê-xê-chi-ên 36:24: “Ta sẽ thâu lấy các ngươi khỏi giữa các dân; ta sẽ nhóm các ngươi lại từ mọi nước, và đem về trong đất riêng của các ngươi.”
• Ê-sai 11:12: “Chúa sẽ dựng một cây cờ cho các nước; nhóm những người Y-sơ-ra-ên bị đuổi, thâu những người Giu-đa lưu lạc, từ bốn góc đất.”
3. “Dòng dõi nầy” chỉ về những người Do-thái đang sống ngay trong thời điểm Chúa Jesus tuyên bố ẩn dụ cây vả đâm chồi ra lá.
Chúa Jesus dùng ẩn dụ cây vả để giảng dạy cho dân Do-thái đang lắng nghe Ngài nói. Như vậy, các nhà giải kinh lý luận rằng “dòng dõi nầy” hay “thế hệ nầy” chính là thế hệ người Do-thái đang sống trong thời đểm đó. Đến hôm nay (năm 2020) một số họ vẫn còn sống và sẽ nhìn thấy Chúa Jesus trở lại.
4. Chúa Jesus sẽ trở lại vào năm 2028.
Các nhà giải kinh lập luận như sau: Muốn biết rõ về thời kỳ sau cùng, hãy nhìn vào dân Do-thái:
• “Cây vả” chỉ về dân Do-thái.
• “Cây vả đâm chồi ra lá” chỉ về ngày dân Do-thái lập quốc: năm 1948.
• “Thế hệ nầy không qua đi trước khi các điều trên chưa xảy ra”
“Các điều trên” là tất cả những dấu hiệu, những biến cố về thời kỳ sau cùng trước khi Chúa Jesus tái lâm trên đất (sau 7 năm đại nạn). Tất cả các biến cố đó được Chúa Jesus phán dạy trong Ma-thi-ơ 24:4-31, tức là bắt đầu cho đến kết thúc 7 năm đại nạn trên đất. Như vậy, thế hệ dân Do-thái đang sống trong năm 1948 sẽ không chết trước khi 7 năm đại nạn xảy ra.
Căn cứ vào Thi-thiên 90:10: “Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, Còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi.” Một số nhà giải kinh lý luận rằng một thế hệ tối đa là 80 năm. Như vậy, lấy năm 1948 cộng thêm 80 năm sẽ cho kết quả: 2028. Từ đó, họ đưa đến kết luận: năm 2028 là năm Chúa Jesus trở lại tiếp rước Hội thánh.
B. Nhận xét về cách giải nghĩa lời tiên tri nêu trên.
Sau đây, chúng tôi sẽ trình bày nhận xét của chúng tôi về cách giải nghĩa trên, và nêu lên cách giải nghĩa của chúng tôi.
1. Không có gì chắc chắn để khẳng định cây vả làm hình bóng về dân Do-thái.
Đồng ý là có một số câu Kinh Thánh cho biết “cây vả” làm hình bóng về dân Do-thái, nhưng không thể khẳng định điều nầy đối với ẩn dụ nêu trên.
Trong khi đó có nhiều câu Kinh Thánh khác trình bày rõ ràng “cây nho” làm hình bóng về dân Do-thái hơn là “cây vả”:
• Ê-sai 5:7: “Vả, vườn nho của Đức Giê-hô-va vạn quân, ấy là nhà Y-sơ-ra-ên, và những người của Giu-đa tức là cây mà Ngài ưa thích.”
• Thi-thiên 80:14: “Đức Chúa Trời vạn quân ôi! xin hãy trở lại, Từ trên trời hãy ngó xuống, đoái xem và thăm viếng câu nho nầy.”
• Giê-rê-mi 2:21: “Ta (Chúa Giê-hô-va) đã trồng ngươi (dân Do-thái) như cây nho tốt, giống đều rặc cả; mà cớ sao ngươi đã đốc ra nhánh xấu của gốc nho lạ cho ta?”
• Ô-sê 10:1: “Y-sơ-ra-ên là một cây nho tươi tốt, sanh ra trái nó…”
Ngoài ra, bác sĩ Lu-ca kể lại cùng câu chuyện như sứ đồ Ma-thi-ơ, nhưng Lu-ca lại viết như sau: “Đoạn, Ngài phán cùng họ một lời ví dụ rằng: Hãy xem cây vả và các cây khác (the fig tree and all the trees); khi nó mới nứt lộc, các ngươi thấy thì biết rằng mùa hạ đã gần đến.” (Lu-ca 21:29,30). Lu-ca kể đến nhiều loại cây khác có cùng đặc tính đâm chồi ra lá trước khi mùa hạ đến chứ không riêng gì cây vả.
Như vậy, “cây vả” trong ẩn dụ không chỉ về dân Do-thái, mặc dù trong ẩn dụ nầy Chúa Jesus có đề cập đến dân Do-thái (sẽ trình bày mục số 3 bên dưới). Hình ảnh “cây vả đâm chồi ra lá trước mùa hạ” nên hiểu một cách đơn giản là dấu hiệu báo trước trong lãnh vực trồng trọt của người Do-thái: Khi thấy cây vả đâm chồi ra lá là dấu hiệu sắp bước qua mùa hạ. Chúa Jesus kể ra những dấu hiệu xảy ra trong thời kỳ 7 năm đại nạn (đã được kể ra trong Ma-thi-ơ 24:4-31, khởi đầu với các dấu hiệu như Christ giả xuất hiện, chiến tranh, nạn đói, dịch lệ, bắt bớ ... cho đến những dấu hiệu cuối cùng về mặt trời, mặt trăng, ngôi sao), đó là những dấu hiệu báo trước cho biết Chúa Jesus sắp trở lại, Chúa Jesus nói trong câu 33 “Khi các ngươi thấy mọi điều ấy, khá biết rằng Con Người gần đến, Ngài đang ở trước cửa.”
2. Ngày 14 tháng 5 năm 1948 không phải là lời tiên tri được ứng nghiệm.
Không có câu nào trong các lời tiên tri trong Kinh Thánh liên quan đến sự kiện dân Do-thái lập quốc vào năm 1948. Đúng là có nhiều câu Kinh Thánh chứng minh dân Do-thái sẽ trở về tổ quốc của họ, nhưng không phải là ngày 14 tháng 5 năm 1948.
Căn cứ theo chương trình của Chúa cho dân Do-thái, thì lời tiên tri về sự hồi hương lần cuối của họ phải xãy ra vào thời kỳ sau rốt, là thời đại nạn chứ không phải vào năm 1948. Mục đích của Đức Chúa Trời là đem dân Do-thái vào cơn đại nạn để thanh tẩy họ, để họ ăn năn, tin nhận Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a và sau cùng chuẩn bị họ cho Vương Quốc của Ngài. Ý định đó của Chúa đã được tiên tri Đa-ni-ên ghi chép trong Đa-ni-ên 9:24: “Có bảy mươi tuần lễ định trên dân ngươi và thành thánh ngươi, đặng ngăn sự phạm phép, tiêu trừ tội lỗi, làm sạch sự gian ác, và đem sự công bình đời đời vào, để đặt ấn tín nơi sự hiện thấy và lời tiên tri, và xức dầu cho Nơi Chí Thánh.”
Chúng ta có thể nhận thấy rõ hoàn cảnh và tình trạng thuộc linh của dân Do-thái sau ngày 14/5/1048 hoàn toàn khác hẳn với hoàn cảnh và tình trạng thuộc linh của họ lúc họ hồi hương vào thời kỳ sau cùng được mặc khải qua Kinh Thánh. Ngoài ra, chúng ta còn nhận thấy không phải tất cả dân Do-thái đã trở về quê hương ngày 14/5/1048, vẫn còn rất nhiều người Do-thái chưa hồi hương nhưng sống tản lạc khắp nơi cho đến ngày nay. Lời tiên tri trong Kinh Thánh cho biết đúng vào thời điểm trong ngày sau cùng, Đức Chúa Trời sẽ kêu gọi họ từ khắp nơi trên thế giới trở về cố quốc: “Ta sẽ bảo phương bắc rằng: Hãy buông ra! và bảo phương nam rằng: Chớ cầm lại làm chi! Hãy đem các con trai ta về từ nơi xa, đem các con gái ta về từ nơi đầu cùng đất.” (Ê-sai 43:6)
Để có thêm những bằng chứng trong Kinh Thánh, xin đọc bài “Ngày 14/5/1948 và lời tiên tri về sự hồi hương của dân Do-thái”
3. “Dòng dõi nầy” chỉ về nhóm người nào?
Cách tốt nhất để hiểu cụm từ “dòng dõi nầy” hay “thế hệ nầy” (this generation) là tìm hiểu ý nghĩa của cụm từ đó được dùng ở các chỗ khác trong Kinh Thánh.
Chúa Jesus đã nhiều lần sử dụng đúng cụm từ nầy, nhưng tất cả đều cùng chỉ về một nhóm người, xin trưng dẫn vài câu:
• Ma-thi-ơ 12:41: “Dân thành Ni-ni-ve sẽ đứng lên trong ngày phán xét với dòng dõi nầy mà lên án nó, vì dân ấy đã nghe lời Giô-na giảng và ăn năn; mà đây nầy, có một người tôn trọng hơn Giô-na!.”
Dòng dõi nầy là ai? Câu 38,39 đi trước chỉ rõ đó là các thầy thông giáo, người Pha-ri-si. Chúa Jesus còn cho biết bản chất của họ trong câu 39: “Dòng dõi hung ác và gian dâm xin một dấu lạ.”
• Ma-thi-ơ 23:36: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi điều đó sẽ xảy đến cho dòng dõi nầy.”
Một lần nữa, Chúa Jesus ám chỉ người Pha-ri-si và các thầy thông giáo. Toàn bộ Ma-thi-ơ chương 23 Chúa Jesus kết án người Pha-ri-si và thầy dạy luật. Câu 33 Chúa nói thêm họ là “dòng dõi rắn lục kia”. “Mọi điều đó” trong câu trên chỉ về sự đoán phạt của Chúa trên dòng dõi ấy.
• Lu-ca 17:25: “Nhưng Ngài trước phải chịu đau đớn nhiều, và bị dòng dõi nầy bỏ ra.”
Một lần nữa,“dòng dõi nầy” chỉ về giới lãnh đạo Do Thái, bao gồm các thầy tế lễ, thầy thông giáo, người Pha-ri-si, các trưởng lão và kể luôn dân chúng có cùng một ý hướng như họ. Chúng ta đừng quên người dân Do Thái cũng hiệp ý với giới lãnh đạo Do Thái cùng đóng đinh Chúa Jesus trên thập giá.
Như vậy, Chúa Jesus dùng hình ảnh “dòng dõi nầy” trước hết chỉ về giới lãnh đạo Do Thái cùng với người dân Do Thái không tin nhận Chúa Jesus đang sống trong thời của Ngài, thứ hai, “dòng dõi nầy” cũng chỉ về các dòng dõi kế tiếp của người Do Thái có cùng một bản chất như người Pha-ri-si, thầy thông giáo, thầy tế lễ đang sống trong thời Chúa Jesus. Đó là lý do tại sao Chúa Jesus dùng đặc ngữ “dòng dõi”, vì từ ngữ nầy hàm chứa sự lưu truyền về bản chất.
Xin trưng dẫn vài trường hợp sau đây để chứng minh cho đặc tính di truyền về bản chất:
1. Khi Chúa Jesus bị bắt giải đến nhà Cai-phe, ở đó hội đủ các thành phần chống nghịch Chúa: Thầy tế lễ thượng phẩm, các trưởng lão, thầy thông giáo, người Pha-ri-si. Thầy tế lễ thách thức Chúa Jesus: “Ta khiến ngươi chỉ Đức Chúa Trời hằng sống mà thề, hãy nói cho chúng ta, ngươi có phải là Đấng Christ, Con Đức Chúa Trời chăng? Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Thật như lời; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con người ngồi bên hữu quyền phép Đức Chúa Trời, và ngự trên mây từ trời mà xuống.” (Ma-thi-ơ 26:63,64). Hãy chú ý câu đáp trả của Chúa Jesus “về sau các ngươi sẽ thấy ...” Chúa nói rằng chính họ sẽ nhìn thấy quang cảnh Ngài tái lâm trên đất từ đám mây. Thật lạ lùng! Ngay giờ nầy nhóm người nầy đã chết, thế mà Chúa nói họ sẽ nhìn thấy Chúa quang lâm! (Lúc Chúa tái lâm họ vẫn chưa sống lại để có thể thấy). Câu trả lời là các dòng dõi kế tiếp có cùng bản chất chống nghịch Chúa sẽ nhìn thấy Chúa tái lâm.
2. Trong chương 23 của sách Ma-thi-ơ, Chúa nói về người Pha-ri-si và các thầy thông giáo trong câu 31: “Ấy đó, các ngươi tự làm chứng cho mình rằng thật là con cháu của những người giết các đấng tiên tri.” Kế đó, trong câu 34, Chúa Jesus nhắc lại tổ phụ của họ trong thời Cựu Ước đã giết các tiên tri, các người khôn ngoan, những người rao giảng Lời Chúa do Chúa sai đến, và Chúa Jesus tuyên bố chính họ (giới lãnh đạo Do-thái đang sống trong thời Chúa Jesus) cũng đã giết những sứ giả của Ngài: “các ngươi giết họ …, các ngươi đánh đập họ …, các ngươi đuổi bắt họ …” Câu nầy chứng minh rất rõ ràng sự lưu truyền bản chất. Tất nhiên, chúng ta biết giới lãnh đạo Do-thái trong thời Chúa Jesus đâu có giết các đấng tiên tri trong thời Cựu Ước! Nhưng Chúa Jesus muốn nói rằng bản chất chống nghịch Đức Chúa Trời rồi giết các tiên tri của Ngài của tổ phụ họ trong thời Cựu Ước tiếp tục lưu truyền cho dòng dõi họ hiện tại. Chúa Jesus cũng nói thêm trong câu 34 “các ngươi giết và đóng đinh …” Và đúng như thế, chỉ một thời gian ngắn sau đó, giới lãnh đạo Do-thái cùng với đoàn dân Do-thái hùa theo đã la lớn tiếng trong phiên tòa xử án Chúa Jesus: “Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự! Hãy đóng đinh nó trên cây thập tự!”. (Ma-thi-ơ 27:22,23)
Lu-ca cho biết dân Do-thái cũng đồng thuận với giới lãnh đạo của họ đóng đinh Chúa Jesus: “Vả, Hê-rốt, Phi-lát, các dân ngoại, cùng dân Y-sơ-ra-ên thật đã nhóm họp tại thành nầy đặng nghịch cùng Đầy tớ thánh Ngài là Đức Chúa Jêsus mà Ngài đã xức dầu cho.” (Công-vụ 4:27)
Tóm lại, trong ẩn dụ về cây vả, “dòng dõi nầy” chỉ về tầng lớp lãnh đạo cùng với người dân Do-thái khước từ Chúa Jesus là Đấng Mê-si-a trong thời Chúa Jesus và các thế hệ kế tiếp có cùng một bản chất. Các dòng dõi nối tiếp của họ trong ngày sau cùng sẽ tận mắt nhìn thấy Chúa Jesus tái lâm.
4. Năm 2028 không thể là năm Chúa Jesus trở lại.
Như chúng tôi đã phân tích ở trên, và với cách giải nghĩa của chúng tôi, chúng ta dễ dàng đi đến kết luận: Nếu căn cứ vào các lời tiên tri trong Kinh Thánh, không ai có thể dự đoán được ngày nào, giờ nào, kể cả năm nào Chúa Jesus trở lại. Chúa Jesus nói: “Về ngày và giờ đó chẳng ai biết chi cả.” (Ma-thi-ơ 24:36); “các ngươi không biết ngày cũng không biết giờ.” (Ma-thi-ơ 25:13)
Về cách giải thích dựa vào Thi-thiên 90:10 để xác định 80 năm là một thế hệ, chúng ta nhận thấy cách giải nghĩa nầy khá mơ hồ, vì Thi-thiên 90:10 không có ý khẳng định một thế hệ là 80 năm. Có người sống đến 70 tuổi, có nhiều người sống đến hơn 90 tuổi. Thi-thiên 90:10 chỉ đơn thuần cho biết về tuổi thọ trung bình ở con người, chứ không có ý nghĩa tiên tri.
Không có lời tiên về dân Do-thái lập quốc năm 1948 được Kinh Thánh ghi nhận.
Cả 2 thông số trên đều không chính xác và cũng không hợp lý, thì việc cộng chúng lại: 1948+80=2028 trở thành không còn ý nghĩa gì cả.
Trần Đình Tâm.
bottom of page