top of page

Khảo Cổ Kinh Thánh ( Mẫu Tự B )

Hung Tran

May 16, 2023

Hàng ngàn các chứng cớ “ngoại tại” chứng thực các câu chuyện kể trong Kinh Thánh đang được phơi bày...



BAALBEK: Ở giữa bình nguyên Bekaa phì nhiêu, giữa rặng núi Li-băng và Đối Li-băng chính là đống hư tàn khổng lồ của Baalbek, nơi mà người Hy-lạp và người La-mã gọi đó là Heliopolis, “thành phố mặt trời.”

Khởi thủy thành phố này có từ rất lâu đến nỗi nó thất lạc trong truyền thuyết cổ đại của Ba-anh “vị thần kiểm soát vận mệnh con người.” Trong các thế kỷ đầu tiên của thời đại Cơ-đốc chúng ta, Baalbek đã hết sức thịnh vượng mà còn nổi tiếng nữa. Các tòa nhà mà chúng ta biết ngày nay là do Hoàng đế La-mã Antonius Pius (138-161 SC) khởi công và được tiếp tục bởi Septimius Severus và những nhà cai trị khác cho đến Caracalla (211-217). Người La-mã xây dựng Baalbek để tôn vinh thần Jupiter, Ba-anh và thần Bachus. cũng nhằm tạo ấn tượng về sức mạnh và vĩ đại của La-mã đối với các quốc gia Cận Đông. Là một trung tâm thờ phượng mặt trời, nó được vinh dự như ngôi đền thánh vì được nhiều nhà cai trị cũng như những nhân vật lừng danh xa gần đến viếng thăm.

Dưới thời Constantine, đền thờ Baalbek trở thành nhà thờ Cơ-đốc, nhưng khi người Ả-rập chiếm thành phố vào năm 634 SC thì họ biến toàn bộ đền thờ thành một pháo đài vững chắc có vai trò quan trọng trong chiến tranh thập tự quân vào thời Trung Cổ. Baalbek đã bị cướp phá và hầu như bị tàn phá một đôi lần nhưng vẫn tồn tại. Vào năm 1664 và năm 1750 là các trận động đất dữ dội làm cho nó mãi mãi không phục hồi nữa.

Lần đầu tiên châu Âu biết đến Baalbek thông qua hai kiến trúc sư người Anh, Wood và Dawkings, họ đã thăm viếng hiện trường vào năm 1751. Sau chuyến đi Giê-ru-sa-lem và Đa-mách vào năm 1898, Kaiser Wilhelm II và hoàng hậu Đức đã viếng Baalbek. Họ đến nơi vào lúc chiều tối, dựng lều trại trên khu đất trống giữa đống hư tàn, và rời khỏi đó vào sáng hôm sau. Tuy nhiên, cuộc dừng chân ngắn ngủi nầy cũng đủ để thuyết phục vị vua người Đức này làm hết sức mình để bảo tồn đống hư tàn hùng vĩ ấy cho thế hệ mai sau. Sau khi trở về Berlin, vua Kaiser Wilhelm II đã có những biện pháp cần thiết, trong vài tuần sau đó các chuyên gia Đức đã có mặt tại hiện trường. Vào năm 1900, dưới sự giám sát của nhà khảo cổ Otto Pucchstein và kiến trúc sư Bruno Schutz, các chuyên gia và công nhân bắt đầu dọn đống gạch vụn, một tháng sau thì công việc khai quật bắt đầu. Khoảng năm 1904 công việc chính yếu coi như hoàn tất; hàng tấn gạch vụn được dọn sạch và trật tự thay cho sự hỗn độn trước đó. Hiện trạng của thành phố là kết quả công việc được thực hiện cách đây khoảng 75 năm.

Kể từ khi Baalbek được người ta viếng thăm và nhiều du khách đã kinh ngạc về nơi nầy, họ dễ dàng nhận ra rằng Baalbek là một trong những đống hư tàn nổi tiếng nhất vùng Địa Trung Hải. Chỉ có đền thờ Amon tại Karnak, đống hư tàn tại Palmyra và Parthenon (đền thờ nữ thần Athena của Hy-lạp, xây xong vào khoảng 438 TC) tại Athens mới sánh nổi với Baalbek. Baalbek tồn tại được lâu dài một phần nhờ sự xây dựng kiên cố, dầu đây là một công trình có quy mô khổng lồ. Đống hư tàn chỉ có diện tích khoảng 290m x 198m (950feet x 650 feet), nhưng nó là hỗn hợp của công trình kiến trúc La-mã lẫn đông phương, như một nhà quan sát đã nhận xét “đó là sự pha trộn giữa sự đồ sộ và sự duyên dáng”, để đem lại cho người xem “một cảm giác thanh thản sâu xa.”



BABYLON: Thành phố hùng vĩ nhất của thế giới cổ đại, phần lớn được xây dựng bởi nỗ lực của Hammurabi (1728-1686 TC) và Nê-bu-cát-nết-sa II (604-562 TC). Nó suy tàn theo sự sụp đổ của Nebuchadnezzar, và càng suy sụp hơn dưới thời Bên-xát-sa, cuối cùng tàn lụi dưới tay của người Parthian vào năm 130 TC.

Nieebuhr, Rich và Rassam đã thăm dò kỹ lưỡng đống hư tàn của Ba-by-lôn nằm dọc hai bên sông. Nhưng công lao thuộc về Robert Koldeway và các nhân viên của ông với sự khai quật kỹ lưỡng trong suốt 14 năm ròng rã tại Ba-by-lôn từ 1899 đến 1913.

Các khám phá tại Ba-by-lôn không kém gì những khám phá phi thường. Trong số các khám phá quan trọng hơn gồm có: (1) một bức tường quanh thành phố chính với chiều dài hơn 14 dặm, bề dày khoảng 41,5m (136,5feet); (2) nhiều cổng thành phố, trong số đó có cổng Ishtar có 575 bức hình tráng men các con rồng, bò đực, sư tử là nổi bật nhất; (3) “con đường lễ rước” đi vào thành phố theo Cổng Ishtar ở phía bắc, đi ngang hoàng cung, rồi xuyên thẳng qua thành phố chính đến đền thờ Marduk “Đấng Sáng Tạo, Vua của vũ trụ”; (4) cung điện trang hoàng lộng lẫy của Nê-bu-cát-nết-sa với phòng yến tiệc và phòng đặt ngai vua 51,2m x 17m (168feet x 56feet; (5) nền móng và đường nét bên ngoài của Tháp Ba-bên, có tên là “E-Temen-an.Ki” (Nhà của bệ móng Trời và Đất), người ta tin rằng đó là tàn tích của tháp Ba-bên xấu số được đề cập trong sách Sáng Thế Ký; (6) Vườn Treo hay một đống hư tàn trải rộng như hình tứ giác, tạo nên một hầm mộ với mái vòm cao, hoặc như căn phòng nằm dưới mặt đất được chống đỡ bởi vòm gạch, phía trên phủ bằng bụi bẩn và gạch vụn. Các nhà khai quật tin rằng những đống hư hàn nầy là tàn tích của cấu trúc nền Vườn Treo lừng dành (một trong Bảy Kỳ Quan Của Thế Giới Cổ Đại); (7) và khoảng 300 phiến đá chữ hình nêm đều nói về sự phân phối dầu ăn và lúa mạch cho các tù nhân, công nhân lành nghề đến từ nhiều nước và sống ở Ba-by-lôn và những vùng lân cận, trong khoảng thời gian 595-570 TC. Trong số những con người được đề cập là “yow-keen” (Joiachin) “Vua của xứ Yehud” (Judah hay Giu-đa) và năm người con trai trẻ của ông đang nằm trong tay của Keniah chính là người hầu cận của họ.


BEERSHEBA: Trung tâm của đời sống tộc trưởng, có nghĩa là “Giếng của lời thề”, tên nầy bắt nguồn từ lời thề giữa Áp-ra-ham và A-bi-mê-léc, vua của Ghê-ra (SaSt 21:31). Hai trong số những cái giếng ở vùng này đã có từ xưa, người ta nghĩ rằng chúng liên quan đến các tộc trưởng - rất có thể là chính những cái giếng mà tộc trưởng và gia nhân đào lấy. Những cái giếng hình tròn và giếng lớn có đường kính khoảng 3,8m (12,5feet) và sâu chừng 20,1m (66feet). Vào năm 1874, trên một trong những viên đá xây nền được lót trong thành giếng, Condor đã tìm thấy dòng chữ ghi ngày tháng cho biết việc sửa chữa đã được thực hiện vào thế kỷ 12 SC. Thành giếng bằng gạch cũ xưa này bị dây thừng xói rãnh trong nhiều thế kỷ nay được thay bằng một miệng giếng mới hơn và một cái bơm nước có phần nào cận đại. Nhưng nhiều lạc đà, trâu bò, cừu vẫn uống nước ở đây hàng ngày bằng các viên gạch đẽo và máng xi-măng.


BELVOIR: Là một pháo đài danh tiếng của thập tự quân với một trong những bức tường công sự đẹp nhất, trải dài về phía đông từ núi Moreh. Belvoir ở độ cao 426,7m (1400feet), phía trên thung lũng Giô-đanh và cũng chính nhờ tọa lạc ở độ cao như vậy nên có thể quan sát các hoạt động xảy ra trên mọi nẻo đường giữa Ti-bê-ri-át và Beth Shan. Belvoir có thể nhìn rõ hai xa lộ đi lên từ thung lũng Giô-đanh về hướng tây vào trong nội địa, một hướng theo ngã thung lũng Jezreel và một hướng theo lối đi của thung lũng Tabor.

Trong thời La-mã, thì pháo đài của Agrippina được xây tại đây. Vào năm 1168, thập tự quân chiếm nơi nầy và dựng lên Belvoir như là một trong các pháo đài của họ. Belvoir đẩy lùi lực lượng hùng mạnh của người Hồi giáo cho tới tháng 1.1191, khi tháp phía đông bị phá hoại ngầm và bị tiêu diệt. Thấy được cảnh tiếp tục chiến đấu vô vọng, các thập tự quân cầu hòa và được phép tự do đi đến Ty-rơ. Belvoir bị phá hủy vào năm 1241, và một làng Ả-rập đã mọc lên trên đống đổ nát của Belvoir và cuối cùng bị bỏ hoang từ năm 1948.

Vào năm 1966-1967, M.Ben-Dor đại diện Cơ Quan Phụ Trách Công Viên Quốc Gia Do-Thái tiến hành việc khai quật khu vực nầy, đã tìm thấy chuồng trại, nhà kho, bể chứa nước, một nhà bếp, một đại sảnh rất đẹp với các cộ bằng đá bazan đen được khám phá gần đống đổ nát của một nhà thờ.


BETHANY: Nhà của Ma-ri, Ma-thê và La-xa-rơ, ngày nay gọi là el-Azarieh (“nơi của La-xa-rơ”). Nó nằm trên dốc phía đông của núi Ô-li-ve, cách Giê-ru-sa-lem hai dặm về hướng đông.

Tàn tích cổ xưa gồm có một cái hang mộ, một số người coi đó là mồ của La-xa-rơ, và có một đống đổ nát của hai căn nhà được người ta nói với du khách rằng đó là nhà của người phung có tên Simon và nhà của Ma-ri, Ma-thê, La-xa-rơ nhưng thật ra chẳng có gì đáng tin cậy cả.

Nơi gọi là “mồ của La-xa-rơ” là một hang động, đi xuống bằng 25 bậc thang. Ta thấy ít có khả năng cái hàng nầy lại có liên quan gì đến mồ mả của La-xa-rơ, tuy vậy người ta đã gọi như thế từ 300 SC. Đống đổ nát hai tháp được người ta biết đến như là nhà của người phung tên Si-môn, tại đó Chúa Giê-xu đã được xức dầu cam tòng hương qúi giá (Mac Mc 14:3-9) thì có nguồn gốc từ thời trung cổ. Nơi tàn tích không mái nhà được cho là nơi Ma-thê “đã mở cửa để chào đón Chúa” (LuLc 10:38) thì khó có thể là că nhà mà Chúa Giê-xu và các môn đồ của Ngài đến thường xuyên tại Bê-tha-ni. Tuy vậy, thì ba đống đổ nát nầy đã tưởng niệm các sự kiện thiêng liêng trong cuộc đời của Chúa chúng ta.


BETHEL - (“Nhà của Đức Chúa Trời”) Là nơi mà Áp-ra-ham xây bàn thờ thứ nhì, tại đó Gia-cốp đã thấy khải tượng thiên sứ đi lên đi xuống trên thang bắc lên đến tận trời, cũng tại đó, sau hai mươi năm. Gia-cốp đã trở lại theo lời thề hứa để xây một bàn thờ cho Chúa và đặt tên là “El Bethel, vì là nơi Đức Chúa Trời đã hiện ra cùng người…” (SaSt 35:2-7). Giê-rô-bô-am đã làm ô uế nơi này khi ông ta dùng một con bê bằng vàng dâng làm của lễ.

Tiến sị Albright của Học Viện Nghiên Cứu Đông Phương Hoa Kỳ tiến hành thăm dò chiều sâu tại đây vào năm 1927, và có thêm sự tham gia của Tiến sĩ J.L.Kelso của Thần Học Viện Pittsburgh Xenia cùng với nhóm các nhà khảo cổ trẻ vào năm 1934. Công việc khai quật được Tiến sĩ J.L.Kelso thực hiện tiếp tục vào năm 1954.

Các khám phá cho thấy tại đây có sự định canh định cư vào khoảng năm 2000 TC, rồi một đám cháy dữ dội đã phá hủy nơi này vào thế kỷ 13 TC, có thể là vào thời kỳ hỗn loạn của Các Quan Xét, hoặc như một số người đã đồng ý, người Y-sơ-ra-ên nhập cư vào thời Giô-suê đã tàn phá nơi đây. Thị trấn đã được tái thiết vào thế kỷ thứ 9, bị người A-si-ri tàn phá vào 724-722 TC, cùng thời gian với sự bao vây Sa-ma-ri, Bê-tên đã phục hồi nhưng lại bị một đám cháy lớn làm tàn lụi vào năm 597 TC, có lẽ là do quân đội của Nê-bu-cát-nết-sa. Tái thiết vào cuối thời kỳ Ba-tư, Bê-tên phồn thịnh cho đến 70 SC thì bị người La-mã tàn phá, cùng lúc với người La-mã tàn phá Giê-ru-sa-lem.

Những bức tường thành có sớm hơn trước đó là một trong những vật được khám phá quan trọng nhất tại Palestine của thời kỳ ấy và tại đó có một hệ thống mương lót đá được xây dựng cực kỳ tốt đi phía dưới sàn trát thạch cao và dẫn nước mưa cũng như nước tiêu (?) bên ngoài tường thành. Ở cấp độ thành phố ban sơ người ta thấy có nhiều đồ vật cúng tế của người Ca-na-an, nhưng sau khi người Y-sơ-ra-ên chiếm thành phố thì chẳng còn hình tượng nào hoặc đài tưởng niệm dành cho thần giả - chẳng hề còn bết tích của con bê bằng vàng.


BETHESDA: Là một cái ao được cấp nước từ một con suối, xung quanh có năm vòn cửa, tại đây Chúa Giê-xu đã chữa lành người bệnh 38 năm (GiGa 5:2).

Sự ghi nhận duy nhất chỉ ra vị trí của Bê-tết-đa “gần Cửa Chiên.” Hiển nhiên Bê-tết-đa nằm ở phần đông bắc của thành phố, bởi vì dựa theo Josephus và các chuyên gia cổ đại thì khu chợ chủ yếu bán chiên cừu tại Giê-ru-sa-lem nằm phía bắc khu vực Đền Thờ, cũng như chợ cừu Ả-rập trong thời đại gần đây được đặt bên ngoài Cổng Hê-rốt. Bản đồ Medeba (thế kỷ thứ 5) cũng cho biết vị trí của cái ao trong khu vực nầy mang tên là Bezetha.

Vào năm 1888 việc trùng tu được thực hiện ở nhà thờ Thánh Ann nằm tại khu vực đông bắc của Giê-ru-sa-lem, lúc đó dường như có một cái hồ lớn chứa nước ở đây. Giáo sư Conrad Schick đã làm tư vấn và tổ chức cho một cuộc thám hiểm và đã khám phá toàn bộ khu vực xuống đến cấp độ La-mã, họ phát hiện hai cái ao lớn có nằm vòm cửa và vô số mảnh vụn của trụ và cột - tất cả theo kiểu kiến trúc La-mã, nhưng hiển nhiên có phần nào muộn hơn thời kỳ của Chúa Giê-xu. Dẫn xuống ao là những bậc thang dốc, ngoằn ngoèo và trên một bức tường lồi ra từ một vòm cửa ao, người ta thấy một bức tranh tường đã phai mờ vẽ một thiên sứ trong nước đang khuấy động. Theo truyền thuyết của giáo hội ban đầu thì đây chính là Bê-tết-đa.



BETHLEHEM: Thành phố Đa-vít cách Giê-ru-sa-lem về phía nam khoảng 5 dặm. Tại đây Ra-chên đã được chôn cất và Ru-tơ đã mót lúa trên cánh đồng của Bô-ô, Đa-vít đã được xức dầu để làm vua, Đấng Christ đã ra đời trong máng cỏ và các nhà thông thái đến từ đông phương để tìm thờ Cứu Chúa.

Ngày nay ngôi mộ của Ra-chên nằm bên cạnh xa lộ, tại lối vào thành phố. Người Hồi-giáo, Do-thái giáo, Cơ-đốc giáo đều quý trọng ngôi mộ này, và nó được coi là một trong những địa điểm xác thực nhất của Thánh Địa.

Nhà thờ Chúa Giáng Sinh do Helena (mẹ của hoàng đế Constantine) xây vào năm 328-330 SC trên mảnh đất truyền thống nầy, ngày nay nhiều người tin rằng đó chính là nơi sinh ra Chúa Giê-xu. Hoàng đế Justinian (527-565 SC) tái thiết nhà thờ vào thế kỷ thứ 6. Dù điêu tàn nhưng ngôi nhà thờ nầy vẫn tồn tại ở Bết-lê-hem. Vào 1934, ông William Harvey tiến hành việc khai quật hạn chế, ở độ sâu 45,8cm (18 inches) dưới sàn nhà của nhà thờ hiện tại, ông đã khám phá một phần của sàn lắp ghép của nhà thờ nguyên thủy do Helena và Constantine xây dựng. Một số tranh lắp ghép có hình hoa lá, hoa quả, chim chóc; những hình khác là các hình học. Trong các hình trang trí nầy chẳng hề có cảnh tôn giáo bởi vì sàn này được dùng để bước trên đó.

Dưới khu vực ban hát, ở tận phía đông của nhà thờ là dãy cầu thang dẫn xuống hang của Nơi Giáng Sinh, cách sàn nhà độ 7,6m (25feet). Nguyện đường có dạng caai hang này có kích thước 3,65m x 12,2m (12 x 40feet). Các bức tường hoàn toàn bị ẩn khuất bởi các tấm thảm và có những đèn treo rất đẹp trên trần nhà.

Ở cuối phía đông của nguyện đường là một cái hầm mộ nhỏ, sàn đá hoa được lắp một sao bằng bạc màu đỏ son và thắp sáng bằng 16 ngọn đèn bằng bạc và sàn được bao quanh bởi một câu khắc đơn giản bằng tiếng La-tinh tuyên bố một sự kiện lạ lùng nhất của lịch sử: “Tại đây, Giê-xu Christ sinh bởi Nữ Đồng Trinh Ma-ri”. Gần đó là một máng cỏ làm đầy đủ ý nghĩa của lời tuyên bố sâu sắc: “người sinh con trai đầu lòng, lấy khăn bọc con mình, đặt nằm trong máng cỏ, vì nhà quán không còn chỗ cho họ ở.” (LuLc 2:7).


BETHSAIDA: Quê hương của Phi-líp, Anh-rê, Phi-e-rơ, nằm tại bình nguyên Batiha, phía đông và phía bắc là nơi sông Giô-đanh chảy vào biển Ga-li-lê. Bình nguyên trải dài 2 dặm dọc theo Giô-đanh và dọc theo núi hướng đông khoảng 1 dặm.

Et Tell, là một mô đất nhỏ trên rìa bắc của bình nguyên, thường được người ta xác nhận là Bết-sai-đa. Nhưng một đống đổ nát mang tên el-Araj nằm trên bờ biển, và ngay tại phía đông là nơi mà con sông chảy vào thì được một số người nghĩ rằng đó là địa điểm của Bết-sai-đa “làng chài.” Một số giả thuyết cho rằng “Bết-sai-đa tại Ga-li-lê” theo sứ đồ Giăng (GiGa 12:21) ám chỉ rằng có hai nơi mang tên Bết-sai-đa, một nơi ở phía tây Giô-đanh gần hơn Ca-bê-na-um. Nhưng theo lời thuật lại trong sách Tin Lành, thì nói chung, dường như chỉ có một Bết-sai-đa, và các truyền thuyết xa xưa hơn đồng ý với quan điểm này. Việc khai quật trong tương lai có lẽ sẽ giải quyết được vấn đề, nhưng có điều chắc chắn là vị trí chính xác của nơi này không ảnh hưởng đến sự tường thuật trong sách Tin Lành.


BETH SHAN: Nằm tận cuối phía đông của thung lũng Jezreel, và nằm trên bơ2 sông phía nam của sông Jalud. Nó canh giữ xa lộ giữa các thung lũng Jezreel và Jordan và vì vậy nó hết sức quan trọng về mặt chiến lược.

Công cuộc khai quật của Đại học Pennsylvania giữa năm 1921 và 1933 do Clarence Fisher, Alan Rowe và G.W.Fitz Gerald tuần tự diễn ra đã mang lại nhiều khám phá và đưa ra ánh sáng cho phần lịch sử của thành phố cùng vai trò của nó trong vở kịch mà Ai-cập, Y-sơ-ra-ên và Phi-li-tin đóng vai chính. Khoảng chín cấp độ cư ngụ đã được khai quật, và người ta đã tìm thấy trong những địa tầng khác nhau những bằng chứng văn hóa như đồ sứ, tượng, đá quý, đồ trang sức hình bọ hung, dấu ấn và hủ bằng vàng nặng cỡ 3kg (6 pound) để dâng thần Ba-anh. Mười ba bia khắc hoặc đài tưởng niệm có khắc chữ đã được khám phá. Hai bia khắc trong số đó có mang câu khắc của Seti I (1318-1301 TC) và một bia của Rameses II (1301-1234 TC) và một cái là tượng của Rameses III (1198-1167 TC).

Bia khắc đầu tiên của Seti I kể lại rất chi tiết rằng ông ta đã gửi “quân đội đầu tiên của Ra” đến Bết-sê-an bằng cách nào để lật đổ liên mih của nhân dân địa phương đang đe dọa sự thống trị của người Ai-cập. Bia khắc đi có nội dung liên quan đến việc đẩy lùi “người Apiru trên núi của Jordan” là người đang muốn bành trướng. Bia khắc này hàm ý nói rằng rất có thể bộ tộc Ma-na-se “không đuổi được dân cư của Bết-sê-an…và các dân cư ở xung quanh họ” (Cac Tl 1:27).

Bia khắc cao 2,74m (9 feet) của Rameses II được đề ngày là năm thứ chín lúc ông trị vì. Hai mươi bốn dòng chữ trên bia khá mòn, nhưng nó đã mô tả vị vua như là “một con chim ưng giữa bầy chim” là người khiến kẻ thù “bay như lông hồng trước gió.” Trong những lời khoác lác của mình, có đề cập đến thành phố Rameses (hoặc Raamses) ở Ai-cập. Đáng tiếc là nguời ta cho rằng bia khắc có đề cập đến thành phố Rameses có nghĩa là các lao công nô lệ châu Á đã xây dựng thành phố đó. Báo chí tuyên truyền rộng rãi khám phá này khiến cho nhiều người tin rằng Rameses II phải là Pha-ra-ôn áp bức, còn Merenptah cùng con trai và người kế vị là Pha-ra-ôn trong Xuất Ê-díp-tô ký. Sau đó, khi báo cáo chính thức được công bố thì công chúng được thông báo rằng dù thành phố Rameses được đề cập nhưng chẳng hề ám chỉ đến việc xây dựng thành phố, cũng chẳng có liên quan gì đến việc thuê mướn người Hê-bơ-rơ hay người châu Á. Alan Rowe, người khai quật đã nói thẳng thắn rằng: “bài văn chẳng đề cập đến hoạt động xây dựng nào mà cũng chẳng nhắc đến người Do-thái.”

Tàn tích của nhiều công trình lớn về tôn giáo đã được khám phá trong lúc khai quật mô đất lớn của Bết-sê-an - một đền thờ Hồi giáo, một nhà thờ Cơ-đốc, một đền thờ Do-thái giáo, và khoảng 5 hay 6 đền thờ dùng để tiến hành lễ nghi tôn giáo được mô tả là “của người Ca-na-an nhưng với bề ngoài là của Ai-cập.” Vị thần được tôn thờ trong hầu hết những đền thờ đó là “Mekal, Chúa (Ba-anh) của Bết-sê-an”. Ở cấp độ thứ 5 người ta phát hiện hai đền thờ mà cả hai đều bị tiêu hủy vào khoảng năm 1000 TC. Theo các dấu hiệu cho biết thì cái đền ở phía bắc mô đất là đền Át-tạt-tê (Asbtoreh) và bên trong bức tường của đền có treo áo giáp của Sau-lơ như là một chiến lợi phẩm sau cái chết thê thảm của ông tại núi Ghinh-bô-a (ISa1Sm 31:8). Ngôi đền ở phía nam có kích thước 24,4m x 18,9m (80feet x 62feet) theo hướng từ đông sang tây. Nó gồm một đại sảnh ở chính giữa với ba tảng đá tròn ở mỗi bên. Những nhà khai quật kết luận rằng đây phải là đền thờ Đa-gôn tại đó có treo đầu của Sau-lơ (ISu1Sb 10:10; ISa1Sm 31:10). Bên ngoài tường thành treo xác của Sau-lơ cùng các con trai của ông.

Thành phố của cấp độ thứ năm dường như đã bị Đa-vít chiếm lấy và tàn phá vào khoảng năm 1000 TC, sau đó nó tiếp tục là đống đổ nát cho đến khi các tòa nhà Hellenistic mọc lên vào năm 300 TC.


BETH SHEARIM: Một ngày của tháng 3 năm 1936, hai đứa bé trai đi ngang qua con sông cạn (chỉ có nước vào mùa mưa) chảy qua phía tây của mô đất Sheikh Abreik, nằm tại một sườn đồi ở phía tây nam của Ga-li-lê, ngay lúc đó chúng nó thấy một con cáo chui tọt vào trong một miệng hang. Bò theo con cáo vào trong hang thì chúng khám phá mình đang ở bên trong một hầm mộ, với các khoang chôn cất mà trên tường có những câu viết và hoa văn được khắc hay sơn đỏ.

Hai đứa bé liền thông báo cho Tiến sĩ Benjamin Maisler về những gì chúng đã thấy, tiến sĩ bèn tập họp ngay một nhóm học giả cùng đi vào hầm mộ, họ đã phát hiện một vài câu khắc trên tường có tên của những hiền nhân Do-thái. Tiếp tục đi theo con lộ lớn dưới mặt đất, họ khám phá rằng mình đang ở trong một nghĩa trang lớn được ẩn giấu bên dưới mô đất Sheikh Abreik, họ kết luận đó phải là hiện trường của Beth Shearim cổ đại.

Theo Josephus, bộ luật Talmud dân sự và tôn giáo Do-thái cùng với các văn hiến Do-thái cổ đại thì Beth Shearim phải có vị trí đâu đó trong khu vực nầy, và thị trấn ấy có một nghĩa trang lớn. Một vài học giả Do-thái đã từng sống ở đây và quản lý một học viện giáo sĩ Do-thái. Thỉnh thoảng toà án Do-thái tối cao họp tại đây. Cái làng trở nên hết sức nổi tiếng bởi vì đó là nơi cư ngụ của “Rabbi”, tộc trưởng của Judah I. Bộ luật Talmud Do-thái mô tả về cuộc đời và việc làm của vị tộc trưởng nầy, về học viện mà ông đã dạy, về sự chôn cất trong ngôi mộ được ông chuẩn bị lúc sinh thời. Những kẻ khác muốn được chôn cất gần đó và nó trở thành nơi mai táng không những chỉ dành cho người Do-thái ở Beth Shearim mà còn cho nhiều người ở các xứ sở khác.

Các thủ lĩnh của nhà hội tại Ty-rơ, Si-đôn, Beirut, cũng như các lãnh tụ và thân nhân trong gia đình của các quốc gia lân cận được đưa đến mai táng tại đây - ra-bi, văn sĩ, viên chức nhà nước, thương gia và thợ thủ công. Niềm tin trở nên phổ biến cho rằng “hễ ai được chôn cất trong Đất của Y-sơ-ra-ên cũng chẳng khác gì được chôn dưới bàn thờ,” và hơn một thế kỷ Beth Shearim là nơi chôn cất của vô số người Do-thái - cả khi họ đã qua đời tận Ba-by-lôn hay miền Nam Ả-rập. Như một học giả đã bình luận: “Thật ra đây là một dạng tụ tập những người Do-thái sau khi chết vì khi sống họ phân tán ở ngoài Đất Thánh.”

Tiến sĩ Maisler nhanh chóng tổ chức một cuộc khai quật dưới sự tài trợ của Hiệp Hội Thám Hiểm của Người Do-thái tại Palestine, với Pessach Bar-Adon là trưởng trợ lý và kiến trúc sư Zvi Bar-Adon. Khi tiến hành thám hiểm sơ bộ thì Zvi Bar-Adon bị nhiểm sốt hang và Jacob Kaplan đã thay thế ông.

Việc khai quật tại Beth Shearim được triển khai quanh năm từ 1936-1939. Tổng cộng 11 hầm mộ được dọn sạch, thêm vào đó là một nhà hội ở trên đỉnh mô đất cũng được khai quật. Nhiều hầm mộ có sân, hành lang và đại sảnh. Đại sảnh có nhiều phòng, có kích thước khác nhau với vô số hốc huyệt mộ lõm vào tường. Sân ở phía trước sảnh mai táng thì khá rộng và một vài sân được lót với các mảnh ghép màu mè. Lối vào có cửa bằng đá, hầu hết vẫn còn quay được bằng bản lề. Vài cửa còn nguyên vẹn, nhưng hầu hết đã bị bọn xâm lược làm vỡ.

Trong hầm mộ số 11,16 đại sảnh với cửa đá được phơi bà. Những đại sảnh này có nhiều phòng với vô số hốc huyệt mộ lõm vào tường. Người ta đếm được khoảng 400 chỗ mai táng. Các quan tài làm bằng gỗ, đá, chì hoặc đá hoa và thường được trang trí bằng một trong những biểu tượng truyền thống của người Do-thái như: đèn bảy ngọn (XuXh 37:17-24), tù và bằng sừng dê, xẻng hương. Hầm mộ số 20 có một cái sân rộng với ba lối vào có vòm dẫn tới một đại sảnh dài 50m (164feet) trải dài cả hai phía. Tại đây người ta tìm thấy 130 quách bằng đá vôi, cùng với vô số mảnh vụn của quách cẩm thạch. Hầu hết quan tài đều được chạm trổ đẹp và có ghi những câu khắc đầy ý nghĩa. Khoảng 200 câu khắc được phát hiện, đại đa số bằng tiếng Hy-lạp, chỉ có khoảng 10% bằng tiếng Hê-bơ-rơ. Có lẽ câu khắc nổi bật nhất là ở trên một phiến đá vỡ bằng đá hoa mà nguyên thủy thì nó được gắn trên tường của lăng tẩm hầm mộ số 11. Văn bia trên phiến đá mỏng này cung cấp bằng chứng xác thực rằng các tàn tích khảo cổ tại Sheikh Abreik là thực sự tuộc về Beth Shearim cổ đại. Câu khắc ấy, được cố giáo sư Moshe Schwabe công bố trước tiên như sau:

“Justusa, con trai của Leontios và Sappho, nằm yên nghỉ tại đây, và sau khi ta đã hái trái của mọi trí khôn, ta đã để lại ánh sáng, người cha mẹ khốn khổ thương khóc không dứt. Và những huynh đệ của ta. Thống khổ cho ta tại Besa (ra).(của ta).”

Sau khi xuống âm phủ, ta, Justus nằm ở đây.

Với nhiều người của ta, cho số phận ngặt nghèo đã được định như vậy.

Hãy yên ủi, Justus, chẳng có ai là bất tử.


BETH SHEMESH: “Nhà của mặt trời” được tọa lạc cách Giê-ru-sa-lem 24 dặm về phía tây, trên một đỉnh đồi nhìn xuống thung lũng Sorek. Đây là nơi quan trọng bởi vì nó là thành phố của người Lê-vi, và là một đồn biên phòng giữa Giu-đa và Phi-li-tin. Đây cũng là nơi hòm giao ước được đưa trở về trên một chiếc xe do hai con bò sữa kéo, sau khi hòm giao ước bị lọt vào tay người Phi-li-tin.

Mô đất được Tiến sĩ Duncan Mackenzie (1911-1912) khai quật thay cho Quỹ Thám Hiểm Palestine, và bởi Elihu Grant (1928-1931) của Đại học Haverford. Những nhà khai quật tìm thấy năm thành phố chồng lên nhau - thành phố đầu tiên có từ năm 2000 TC, và thành phố cuối cùng bị Nê-bu-cát-nết-sa tàn phá vào 586 TC.

Họ phát hiện các kiến trúc rộng có từ thời kỳ người Ca-na-an, người Y-sơ-ra-ên và người Phi-li-tin. Người ta tìm thấy một lượng lớn đồ sứ rất đẹp, vũ khí, đá quý, đồ trang sức hình bọ hung và vài tay quai của bình có câu khắc. Một tay quai đáng hết sức quan tâm đã ghi “Thuộc về Ê-li-a-kim, quản gia của Yokin (Giê-hô-gia-kin).” Trong cấp độ thế kỷ 14, Grant tìm thấy một mảnh sành có các ký tự Hê-bơ-rơ cổ khắc bằng mực. Ông ta cũng tìm thấy một phiến đá bằng đất sét viết bằng chữ hình nêm tương tự với nhiều văn bản của Ras Shamra (Ugarit). Những thứ nầy cho thấy chữ viết theo chữ cái đã được sử dụng rộng rãi vào thời ấy.


BETH ZUR: Một thành phố pháo đài quân sự nổi tiếng cách Hếp-rôn 4 dặm về phía bắc, được O.R.Sellers và W.F.Albright cùng với năm nhà khảo cổ trẻ khai quật vào 1931.

Họ phát hiện rằng Beth Zur đã có người cư ngụ trong Thời Đại Đồ Đồng giữa (2000-1500 TC), nhưng bị tàn phá vào khoảng 1580 TC, lúc đó Hyksos bị trục xuất khỏi Ai-cập và Palestine. Beth Zur được xây vào thời các quan xét, bị cháy vào khoảng 1000 TC, được Giê-rô-bô-am xây công sự vào khoảng 930 TC và đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Mác-ca-bê. Một pháo đài đã được xây và bị phá hủy ba lần trong thời Giu-đa, Giô-na-than và Si-môn. Thành phố nầy suy sụp dưới thời John Hyrcanus và bị bỏ hoang trước khi kỷ nguyên Cơ-đốc bắt đầu.

Trong một chiến dịch khai quật ngắn ngủi, người ta tìm thấy những bức tường xây hồ vững chắc, một pháo đài, một nơi nhóm chợ, một phòng chứa của tiệm tượu, nhiều cái lò, một hầm chứa, một hồ chứa nước, các phòng tắm rộng, tất cả là của thời kỳ Hê-lê-nít. Tại đây cũng có đồ trang sức hình bọ hung của Rameses II và Thutmose III, và một dấu ấn Hê-bơ-rơ với dòng chữ “Của Ge'alyahu, con trai của Vua.” Người ta cũng tìm thấy nhiều đồ vật nhỏ, chẳng hạn những quả cân có khắc chữ và không có khắc chữ, con lăn cọc sợi và con sút, nút, khuy, hạt (của xâu chuỗi), nhẫn, kim, đầu tên, mũi giáo và 279 đồng xu - một tuyển tập tuyệt hảo nhất về các đồng tiền xưa được phát hiện từ trước đến nay trong một chiến dịch ngắn ngủi như vậy. Tuy nhiên “ở đây không có nơi chôn giấu báu vật, và chỉ có hai trường hợp là hai đồng tiền được tìm thấy cùng lúc.” Sáu đồng tiền trong số nầy là của thời kỳ Ba-tư, và nhằm chỉ rằng người Do-thái đã sử dụng các tiêu chuẩn đo lường A-tên (?)trong thời Nê-hê-mi, E-xơ-ra như đã nói trong các sách Sử-ký.

Các tài liệu văn học liên quan đến Beth Zur như ta thấy trong Kinh Thánh, I Mác-ca-bê và Josephus cho ta sự xác nhận nổi bật thông qua những đồng tiền và các chứng cớ khảo cổ dồi dào được phám phá trong lúc khai quật.


Viện Thần Học.



bottom of page