top of page

1. 2 MỘT VÀI ĐIỀU PHẢN ĐỐI

Hung Tran

Apr 19, 2024

Nhưng cảm thấy muốn giúp khác với cảm thấy nên giúp dù muốn dù không?...



PHẦN MỘT - ĐÚNG VÀ SAI LÀ ĐẦU MỐI Ý NGHĨA VŨ TRỤ


1. 2 MỘT VÀI ĐIỀU PHẢN ĐỐI.



Nếu...

...đây là nền tảng, thì tôi nên làm cho nền tảng ấy vững chắc trước khi nói tiếp. Một số các bức thư tôi nhận được cho thấy rằng có nhiều người không hiểu luật Thiên Nhiên, hoặc luật Đạo Đức, hay Luật về cách cư xử Đúng, là luật gì?


Thí dụ có người viết cho tôi bảo rằng: “Phải chăng Luật Đạo đức là bản năng hợp quần của chúng ta, và phải chăng bản năng này cũng đã được phát triển giống như các bản năng khác?” Tôi không phủ nhận là chúng ta có bản năng hợp quần: nhưng đây không là điều tôi muốn nói khi nói về Luật Đạo Đức. Ai trong chúng ta đều biết cảm giác thúc giục để hành động theo một đường hướng nào đó và dĩ nhiên đôi khi chúng ta cảm thấy muốn giúp đỡ người khác và không có gì để nghi ngờ rằng ước muốn này là do bản năng hợp quần mà ra. Nhưng cảm thấy muốn giúp khác với cảm thấy nên giúp dù muốn dù không?

Thí dụ, bạn nghe tiếng kêu cầu của một người đang bị nguy hiểm. Có thể bạn sẽ có hai ước muốn - một là ước muốn giúp đỡ (do bản năng hợp quần) hai là ước muốn tránh nguy (do bản năng sinh tồn). Nhưng bạn sẽ tìm thấy trong bạn, ngoài hai sự thúc giục này, còn có một cái thứ ba khuyên bạn nên theo thúc đẩy này, và quyết định nên khuyến khích thúc đẩy nào, không thể là một trong hai thúc đẩy đó. Cũng như bạn không thể nói là tờ âm nhạc bạn đang dùng để chơi các nốt nhạc trên đàn dương cầm lại chính là một trong những phím đàn. Luật Đạo Đức cho chúng ta biết chúng ta nên chơi điều đàn nào; còn các bản năng của ta chỉ là các phím đàn.


Còn một cách khác để thấy rằng Luật Đạo Đức không phải là một trong các bản năng của con người. Nếu có hai bản năng đối chọi nhau, và nếu ngoài hai bản năng này không còn gì khác trong tâm trí và nếu bản năng này không còn có gì khác trong tâm trí con người, thì dĩ nhiên bản năng nào mạnh hơn sẽ thắng. Nhưng khi mà chúng ta ý thức được Luật Đạo Đức mạnh mẽ nhất, thì lại là lúc Luật này khuyên chúng ta hãy làm theo bản năng yếu hơn của hai bản năng. Thí dụ, chắc hẳn là bạn muốn an toàn hơn là muốn giúp người bị chết đuối: nhưng Luật Đạo Đức lại bảo bạn nên giúp anh ta. Và Luật này thường bắt chúng ta cố gắng để làm cho thúc đẩy Đúng trở nên mạnh hơn bình thường. Tôi muốn nói là chúng ta thường cảm thấy có bổn phận khuyến khích bản năng hợp quần, bằng cách khơi dạy trí óc tưởng tượng và kêu gọi lòng thương hại...Để có đủ năng lực làm điều đúng. Nhưng rõ ràng là chúng ta không hành động theo môt bản năng nào đó khi ta muốn làm bản năng này trở nên mạnh mẽ hơn. Chẳng hạn cái điều nói với bạn; “Bản năng hợp quần của bạn đang ngủ quên. Hãy đánh thức nó dậy” thì điều này tự nó không thể chính là bản năng hợp quần. Cái mà thúc bạn đánh nốt nhạc nào đó mạnh hơn không thể chính là nốt nhạc ấy được.


Còn có cách thứ ba để nhận thấy điều này. Nếu Luật Đạo Đức là một trong các bản năng của chúng ta, thì chúng ta phải có thể chứng minh được rằng có một động lực thúc đẩy nào đó trong chúng ta, mà chúng ta gọi là “tốt”, luôn luôn đồng ý với luật cư xử đúng...Nhưng bạn không thấy có như vậy.

Không có một động lực thúc đẩy nào của chúng ta mà Luật đạo đức không có lúc nào đó bảo chúng ta kiềm chế hoặc khuyến khích. Chúng ta nghĩ sai nếu chúng ta cho rằng một số động lực thúc đẩy của chúng ta - như là tình mẫu tử, hoặc lòng ái quốc - là luôn luôn tốt, và một số khác như tính dục, hoặc bản năng chiến đấu là sai. Chúng ta thực sự muốn nói rằng, bản năng chiến đấu, và lòng ham muốn tính dục cần được kiềm chế thường xuyên, hơn là tình mẫu tử, hoặc lòng ái quốc. Nhưng có những lúc mà bổn phận của một người chồng khiến người này phải cần đến động lực thúc đẩy tính dục, và bổn phận của một người lính khiến người này cần đến bản năng chiến đấu.

Cũng có lúc mà tình mẫu tử, hoặc tình yêu nước phải được kiềm chế, vì nếu không sẽ dẫn đến sự bất công đối với con cái người khác, hoặc quốc gia khác. Nói cho đúng thì không có động lực thúc đẩy đúng và động lực thúc đẩy sai. Hãy nghĩ đến thí dụ cây đàn dương cầm. Cây đàn dương cầm không có hai loại phiếm đàn khác nhau, “đúng” và “sai”, Mọi phiếm đều đúng ở một lúc, và sai ở một lúc khác. Luật đạo đức không phải là một bản năng hay là nhiều bản năng hợp lại: nhưng là một cái gì điều khiển các bản năng, và tạo thành một âm điệu nào đó (âm điệu mà chúng ta gọi là lối cư xử đúng).


Bạn hãy chú ý đến hậu quả thực tế của điểm này. Điều nguy hiểm nhất mà bạn có thể làm là dùng một động lực thúc đẩy nào đó của bạn, làm tiêu chuẩn để noi theo bảng mọi giá. Không có động lực thúc đẩy nào là không có khả năng để biến chúng ta có thể nghĩ là tình yêu nhân loại nói chung là một tình yêu hoàn toàn, nhưng không đâu. Nếu bạn gạt bỏ sự công bình, thì bạn sẽ thấy có thể vì tình nhân loại bạn bãi bỏ giao ước và đưa ra chứng cớ giả trong các phiên xử, và để rồi trở thành một người độc ác và phản bội.


Có người khác viết cho tôi rằng: “Phải chăng, cái mà ông gọi là Luật Đạo Đức là một tục lệ xã hội mà chúng ta biết được qua nền giáo dục?” Tôi nghĩ là có sự hiểu lầm ở đây. Những người hỏi câu này nghĩ rằng, nếu chúng ta học được một điều gì đó từ cha mẹ, thầy giáo, thì điều đó chỉ là do con người tạo ra. Nhưng không phải như vậy đâu. Chúng ta ai cũng học bản cửu chương ở trường. Một đứa trẻ lớn lên ở sa mạc một mình không biết bản cửu chương. Nhưng điều này không có nghĩa là bản cửu chương là do người phát minh ra, và nếu muốn, người ta có thể làm được cho nó khác đi. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng chúng ta có thể học được Luật cư xử đúng từ cha mẹ và thầy giáo, từ bạn bè và sách vỡ, như chúng ta học các điều khác. Một số các điều chúng ta học được chỉ là những luật lệ có thể thay đổi, chẳng hạn chúng ta có luật đi đường bên tay trái, nhưng cũng có thể theo luật đi đường bên tay mặt, và những qui luật khác là những lẽ thật không thay đổi, chẳng hạn như toán học. Vấn đề ở đây là Luật Đạo Đức thuộc về loại nào?


Có hai lý do để cho rằng Luật Đạo Đức thuộc về loại qui luật giống như toán học. Lý do thứ nhất, như tôi đã nói ở chương đầu, là mặc dù luật đạo đức của thời đại này có thể khác với thời đại khác, hay của quốc gia này khác với quốc gia khác, các sự khác biệt cũng không lớn lắm, không lớn như người ta tưởng - và bạn có thể thấy là tất cả đều cùng một loại quy luật mà ra: trong khi các luật lệ thông thường, như luật đi đường, hoặc lối phục sức, thì khác đi nhiều. Một lý do nữa là khi bạn nghĩ về những khác biệt về đạo đức của dân tộc này với dân tộc khác, bạn có nghĩ là đạo đức của dân tộc này tốt hơn đạo đức của dân tộc kia hay không? Những sự thay đổi có phải để cải thiện hay không? Nếu không, thì dĩ nhiên đã không có sự tiến triển đạo đức. Tiến triển có nghĩa là thay đổi để trở thành tốt hơn. Nếu không có luật đạo đức nào thật hơn, hay tốt hơn, thì không có lý do nào để chọn nền đạo đức văn minh thay vì nền đạo đức dã man, hoặc chọn nền đạo đức Cơ-Đốc thay vì nền đạo đức Đức Quốc Xã.

Dĩ nhiên, ai trong chúng ta cũng tin rằng có một số các luật đạo đức tốt hơn. Chúng ta biết rằng có một số người cố gắng để cải thiện nền đạo đức của thời đại họ, chẳng hạn như nhóm Cải cách, hoặc nhóm Tiền Phong, là những người hiểu vấn đề đạo đức hơn những láng giềng đồng thời của họ. Vậy thì lúc mà bạn nói rằng lụât đạo đức này tốt hơn luật đức kia, tức là bạn so sánh cả hai với cùng một tiêu chuẩn, và cho rằng đạo đức này theo đúng với tiêu chuẩn vừa kể hơn là luật đạo đức kia.

Nhưng tiêu chuẩn dùng để đo lường hai điều nào đó thì không thể là một trong hai điều này. Thật ra bạn so sánh cả hai với một Đạo đức thực thể nào đó, và chấp nhận rằng có một cái gì đó là Đúng, không tùy t heo ý nghĩ con người. Và nhiều người có ý tưởng gần với điều Đúng này hơn là những người khác. Hoặc nói cách khác, nếu ý tưởng đạo đức của bạn có thể đúng hơn, và của Đức Quốc Xã sai hơn, thì phải có cái gì đó một Tiêu chuẩn Đạo Đức Thật - để đo lường ý tưởng đạo đức nào đó đúng hay sai. Lý do mà ý tưởng về Nữu ước có thể đúng hơn hay sai hơn của tôi là vì Nữu Ước là một nơi có thật. nếu khi bạn, hoặc là tôi nói “Nữu Ước” mà mọi người lại có ý nghĩa một trong hai chúng ta có thể có ý nghĩ đúng hơn người kia? Vậy thì không có vấn đề đúng hay sai trong trường hợp này. Tương tự như vậy, nếu luật Cư xử Đúng có nghĩa là “ bất cứ luật lệ nào mà mọi quốc gia quyết định“ thì không có nghĩa lý gì để mà nói rằng, quốc gia này đúng trong vấn đề chấp nhận luật đạo đức hơn quốc gia kia, và thế giới sẽ tiến hay thụt lùi về phương diện đạo đức.


Để kết luận, tôi xin nói rằng có thể các sự khác biệt giữa các ý tưởng về Lời Cư xử đúng làm cho bạn nghĩ là không có luật đạo đức Đúng. Nhưng thực ra những sự khác biệt này làm chúng ta thấy ngược lại. Trước khi tôi chấm dứt đoạn này tôi xin kể là tôi đã có gặp một số người phóng đại các sự khác biệt này vì họ không phân biệt được sự khác biệt về nguyên tắc đạo đức và ý niệm về các sự việc xảy ra. Thí dụ, có một người nói với tôi: “Ba trăm năm trước người Anh xử tử các người phù thủy.” Ông ta gọi hành động này là theo Luật Thiên Nhiên hay Lối Cư Xử Đúng không?

Nhưng chắc hẳn là lý do chúng ta không xử phù thủy là vì chúng ta không tin là có phù thủy. nếu chúng ta tin là có phù thủy, tức là thực sự tin là có người bán linh hồn họ cho ma quỷ, để nhận lấy quyền năng siêu nhiên từ ma quỷ, rồi dùng quyền năng để giết láng giềng, thì chúng ta phải đồng ý là những kẻ dơ bẩn này rất đáng tội chết. Không có một sự khác biệt nào về nguyên tắc đạo đức ở đây: Sự khác nhau là sự việc có xảy ra hay không mà thôi. Có thể không tin có phù thủy là một sự tiến bộ về kiến thức chứ không là một sự tiến bộ đạo đức trong việc không xử tử họ, nếu bạn không tin là có phù thủy thật. Bạn không gọi một người là có lòng thương xót, vì người này không còn để bẫy chuột nữa, nếu lý do là vì anh ta không tin là trong nhà còn chuột.



bottom of page