top of page
Hung Tran
Feb 13, 2024
Thường thì chúng ta hay nhìn những gì Chúa không làm cho chúng ta thay vì nhìn những gì Ngài đã làm cho chúng ta.
Nếu Chúa Là Tốt Lành, Tại Sao Con Người Đau Khổ?
“Thật vậy, tôi cho rằng những đau khổ hiện tại không đáng sánh với vinh hiển tương lai là vinh hiển sẽ được bày tỏ cho chúng ta.” Rô-ma 8:18
Đề...
...tài chịu khổ là một trong những đề tài khó giảng dạy nhất, nên tôi tiếp cận nó với nhiều sự cầu nguyện và muốn nói ngay từ đầu rằng tôi không cho là mình có hết câu trả lời. Tuy nhiên, tôi không thể viết cuốn sách về sự tin cậy Chúa nếu tôi không bàn đến vấn đề này, vì một trong những câu hỏi hay hỏi nhiều nhất là, “Nếu Chúa tốt lành thì tại sao người ta chịu khổ?”
Là Cơ-đốc nhân, chúng ta không thắc mắc tại sao người không tin chịu khổ - vì suy cho cùng nếu một người không tin Chúa, có lẽ chúng ta có thể hiểu sự đau khổ của họ. Vậy câu hỏi của chúng ta thành ra là, “Tại sao Cơ-đốc nhân chịu khổ?” Chúng ta được dạy phải tin rằng Chúa yêu chúng ta và Ngài muốn chúng ta có một đời sống bình an và vui mừng, và đúng là Ngài muốn thế, nhưng Ngài cũng dạy chúng ta có thể hưởng những điều trên ngay giữa những khổ nạn.
Tôi nghe những câu hỏi như:
• “Có phải Chúa gây ra sự chịu khổ không?”
• “Chúa có cho phép sự chịu khổ không?”
• “Nếu Chúa tể trị, thì tại sao Ngài không chấm dứt sự chịu khổ?”
• “Tại sao Ngài cho phép sự đói khổ, sự lạm dụng, bệnh tật và hàng ngàn những khổ đau khác?”
• “Tại sao trẻ em đôi khi phải gánh chịu bệnh ung thư?”
• “Tại sao người tốt lại chết trẻ?”
• “Tại sao tôi lại mất việc và mất toàn bộ lương hưu?”
• “Tại sao Chúa không làm gì đó về nạn đói hay nạn diệt chủng?”
Những thắc mắc “tại sao?” này có thể làm cho một người điên mất nếu họ không thể chấp nhận nó. Nếu phải trả lời những câu hỏi đó tôi sẽ bắt đầu nói, “Tôi không biết.” Tôi biết Chúa tốt lành, nên tôi chọn tập trung vào điều đó thay vì tập trung vào những gì tôi không hiểu hết. Tôi tin khi chúng ta có sự biết chắc về sự tốt lành của Chúa, nó sẽ giúp chúng ta xử lý những sự chịu khổ của bản thân và sự chịu khổ xung quanh chúng ta mà không rơi vào sự rối trí. Nếu việc bạn vào trong một cái phòng và la lên, “Chúa ơi, tại sao? Tại sao việc này lại xảy ra?” mà mang lại kết quả thì bạn hãy làm đi. Nhưng hãy chuẩn bị cho khả năng không có câu trả lời và giờ thì bạn phải chọn hoặc tin cậy Chúa hoặc tự tra tấn bản thân.
Tôi phải thừa nhận tôi đã phí những năm đầu bước đi với Chúa để thắc mắc “tại sao?” về mọi chuyện mà tôi không hiểu, nhưng tôi cũng đã phí nhiều thời gian sống trong sự bối rối và thất vọng. Những câu hỏi của tôi không được trả lời đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mối quan hệ của tôi với Chúa, cuối cùng tôi không mong Chúa trả lời nữa và quyết định tin cậy Ngài hoàn toàn, đặc biệt trong khi tôi chịu khổ hay không hiểu những điều gì xảy ra trong cuộc đời tôi.
Sau khi chịu khổ kinh khiếp suốt mười lăm năm do bị cha tôi lạm dụng tình dục, rồi thêm hơn hai mươi lăm năm do chịu hậu quả việc lạm dụng đó, tôi có thể nói với bạn là tôi có rất nhiều câu hỏi. Khi còn nhỏ tôi cầu nguyện và xin Chúa đưa tôi ra khỏi hoàn cảnh đó, nhưng Ngài đã không làm. Dù Ngài không giải cứu tôi khỏi cảnh đó, Ngài có ban cho tôi sức mạnh để vượt qua và ân sủng để được phục hồi trở lại. Thường thì chúng ta hay nhìn những gì Chúa không làm cho chúng ta thay vì nhìn những gì Ngài đã làm cho chúng ta. Tôi nghĩ đây là sai lầm lớn nhất của chúng ta! Bạn có thể quyết định vui mừng về những gì bạn có thay vì đau khổ về những điều tưởng chừng không công bằng trong cuộc đời bạn. Đừng để những gì bạn không hiểu che mắt bạn không nhìn thấy sự tốt lành của Chúa.
Tôi không tin rằng không phải lúc nào Chúa cũng giấu khỏi chúng ta về lí do tại sao nhiều việc xảy ra hay không xảy ra. Nhưng chắc chắn có nhiều điều được giấu kín trong sự khôn ngoan vô lượng vô biên của Đức Chúa Trời - những điều mà không thể suy đoán được và vẫn còn huyền nhiệm đối với chúng ta cho tới khi chúng ta về thiên đàng. Hãy xem câu Kinh Thánh này:
“Ôi sâu nhiệm thay là sự giàu có, khôn ngoan, và tri thức của Đức Chúa Trời! Những phán quyết của Ngài không thể nào dò thấu, và những đường lối của Ngài không thể nào hiểu được!” Rô-ma 11:33
Chúa hứa ban cho chúng ta sự hiểu biết về các sự huyền nhiệm và bí mật khi chúng ta tìm kiếm Ngài (xem Ê-phê-sô 1:17), nhưng sứ đồ Phao-lô bảo rằng chúng ta chỉ biết “một phần,” và chúng ta không biết hết cho đến khi chúng ta gặp mặt đối mặt với Chúa Giê-xu (xem 1 Cô-rinh-tô 13:9-10).
Tôi thường nói sự tin cậy đòi hỏi có những thắc mắc không được trả lời. Chúa bày tỏ nhiều điều cho chúng ta và cho chúng ta câu trả lời cho những nan đề phức tạp, nhưng có lúc chúng ta không thể nhận câu trả lời cho một hoàn cảnh nào đó cho dù Chúa có trả lời. Tôi không tin tâm trí hữu hạn của chúng ta có khả năng nắm bắt hết những gì mà chỉ có Đức Chúa Trời mới biết. Tôi tin xác quyết rằng Ngài chỉ bày tỏ những gì hợp cho chúng ta và giấu những gì không thích hợp.
Chúng ta sống hướng về tương lai nhưng chúng ta thường chỉ có thể hiểu cuộc đời bằng cách nhìn lại quá khứ. Có nhiều điều đau đớn tôi không hiểu khi nó xảy ra cho tôi. Nhưng giờ khi tôi nhìn lại, cái nhìn của tôi bây giờ khác với trước đây, vì tôi thấy sự tốt lành đến từ những đau đớn trước đây mà tôi đã chịu đựng hoặc là vì tôi tăng trưởng trong đời sống thuộc linh. Đa-vít nói, “CHÚA ôi, lòng con không dám tự cao; Mắt con chẳng dám kiêu kỳ; Con không dám dự vào những việc lớn lao quá sức, hay dự vào những việc vượt quá khả năng của con.” (Thi-thiên 131:1).
Tôi nghĩ Đa-vít nói có nhiều điều được giấu kín trong sự huyền nhiệm của Đức Chúa Trời mà không người nào có thể hiểu được. Có lẽ chúng ta nên thắc mắc ít hơn và tin cậy Ngài nhiều hơn! Tôi thích câu mà tôi đã nghe Lee Strobel nói, “Câu trả lời cuối cùng của Đức Chúa Trời đối với sự chịu khổ không phải là một sự giải thích, mà là sự nhập thể.” Đức Chúa Trời đã sai Chúa Giê-xu đến chịu khổ và chịu chết cho tội lỗi của chúng ta. Ngài đã hứa giải cứu tất cả những ai tin cậy Ngài, nhưng Ngài không bao giờ nói chính xác thời điểm và cách sự giải cứu đến với chúng ta. Cho đến khi đó, chúng ta có đặc ân tin cậy Chúa và nhận sự an ủi của Ngài qua tất cả những khó khăn.
Khi chúng ta thấy một người thân của mình qua đời do bệnh tật khi còn trẻ, có lẽ chúng ta sẽ nói, “Sự giải cứu của họ sẽ không bao giờ đến, vậy làm sao tôi có thể tin rằng Chúa luôn giải cứu chúng ta?” Tôi khẳng định rằng Ngài luôn giải cứu người nào tin cậy Ngài. Sự giải cứu ấy có thể không phải lúc nào cũng ở trên đất này, nhưng một khi chúng ta ở với Ngài trên Thiên Đàng, thì chẳng còn đau đớn, nước mắt hay đau khổ nào nữa.
Có một lần tôi nghe câu chuyện về một nam thanh niên, lúc bé cậu ta té cầu thang và bị gãy lưng. Cả cuộc đời cậu ta cứ ra vào viện. Tới năm 17 tuổi, cậu đã để mười 13 năm cuộc đời ở trong bệnh viện. Cậu nghĩ Chúa công bằng, nhưng khi người ta hỏi cậu, “Tại sao cậu có thể nghĩ như thế?” Cậu nói, “Ồ, Chúa có cả cõi vĩnh hằng để bù đắp lại cho tôi mà.”
Thật khó để giải thích chính xác điều tôi cảm nhận trong tâm linh khi nghe những câu chuyện thế này hay gặp gỡ những người đã chịu đựng đau khổ kinh khiếp nhưng họ vẫn tin cậy Chúa. Tất cả những gì tôi có thể nói là tôi cảm nhận vẻ đẹp trong sự tin cậy của họ, họ là tấm gương đại diện cho những người có đức tin nơi Chúa trong mọi thời khắc của cuộc đời. Một người tin cậy Chúa khi mọi sự diễn ra theo cách của họ và lời cầu nguyện của họ được đáp lời nhanh chóng là một chuyện, nhưng tin cậy Chúa khi bạn đang chịu khổ và đã cầu nguyện một thời gian dài và đang chờ đợi sự đáp lời lại là chuyện hoàn toàn khác. Quan điểm của tôi là để làm được điều sau đòi hỏi nhiều đức tin hơn điều trước.
Chúa Có Tốt Lành Không?
Vâng, Chúa là tốt lành! Bản tính của Ngài là tốt lành và Ngài không thể khác hơn được. Chỉ vì chúng ta không cảm thấy tốt đẹp hay dường như không tốt lành cũng không có nghĩa là Chúa không tốt lành. Có khoảng 700 câu Kinh Thánh cho chúng ta biết Chúa là tốt lành. Tôi thích câu này trong Gia-cơ:
“Mọi ơn phước tốt đẹp và mọi quà tặng toàn hảo đều đến từ thiên thượng, từ Cha của mọi nguồn sáng ban xuống; Ngài không bao giờ thay đổi, và cũng không có bóng biến đổi nào nơi Ngài.” Gia-cơ 1:17
Mọi điều tốt lành đến từ Chúa - đó là bản chất của Ngài, và không có sự biến đổi nào trong chân lí đó. Tôi chắc chắn khi nói điều đó, có một số độc giả muốn nói lại với tôi, “Nếu Chúa luôn tốt lành, vậy thì tại sao người ta chịu khổ?” Có rất nhiều lí do tại sao chúng ta chịu khổ, nhưng chẳng có sự chịu khổ nào do Chúa sắp đặt. Ngài không phải là tác giả gây ra sự chịu khổ mà là sa-tan! Dù tự thân sự việc đó dường như không tốt lành nhưng vì Chúa tốt lành nên Ngài hóa giải bất kì hoàn cảnh nào trong cuộc đời chúng ta để mang lại ích lợi cho chúng ta. Có thể bạn biết về một tình huống nào đó quá kinh khiếp đến nỗi khiến bạn nghĩ, Hoàn cảnh này không đời nào đem lại điều tốt đẹp, nhưng với Đức Chúa Trời mọi sự đều có thể xảy ra.
Tôi có thể nói dứt khoát rằng Chúa đã lấy sự lạm dụng mà tôi đã chịu đựng lúc còn nhỏ và biến nó thành một điều ích lợi cho tôi và ích lợi cho nhiều người khác nữa mà tôi có đặc ân giảng dạy. Sự hiểu biết đó đã không xảy ra lúc tôi cay đắng và đầy ắp sự tự thương hại cũng như thù ghét những kẻ lạm dụng tôi. Nhưng tiến trình này bắt đầu xảy ra từng chút một khi tôi tin cậy Chúa lấy những điều xấu và biến nó thành điều ích lợi. Điều tương tự có thể xảy ra cho bạn. Tôi khuyên bạn hãy tin cậy Chúa luôn luôn vì tôi tin đó là chọn lựa duy nhất mà sẽ mang lại sự giúp đỡ mà bạn cần. Nếu chúng ta không tin cậy Chúa, chúng ta chẳng còn gì ngoại trừ sự rối trí và sự cay đắng về tất cả những thảm kịch chúng ta chứng kiến hay trải qua trong đời.
Chúa tốt lành, và những gì Ngài làm là tốt lành (xem Thi-thiên 119:68). Có thể nào sự chịu khổ là vì ích lợi cho chúng ta không? Một khi chúng ta đã hứng chịu khổ nạn, có thể nào Chúa giải cứu chúng ta lâu hơn thời gian mà chúng ta muốn vì Ngài có ý định dùng những điều xấu để biến thành điều tốt lành trong chúng ta không? Tất nhiên là khả năng đó rất cao, và hầu hết chúng ta có thể làm chứng rằng những điều tuyệt vời đã xảy ra trong chúng ta là kết quả của những điều chúng ta đã trải qua, còn nếu không thì chúng ta không kinh nghiệm gì hết. Nếu được quyền chọn chúng ta sẽ né tránh mọi sự chịu khổ, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng được quyền lựa chọn. Tuy nhiên, chúng ta có thể lựa chọn hoặc tin cậy Chúa hoặc không tin cậy Ngài dùng sự chịu khổ để mang lại điều gì đó ích lợi.
Tôi muốn bàn sau về điều này chi tiết hơn, nhưng trước khi chúng ta đi tiếp trong nỗ lực nắm bắt được ý nghĩa của một số sự chịu khổ của chúng ta, chúng ta phải có một nền tảng trong lòng về niềm tin vững chắc rằng Chúa là tốt lành và Ngài làm những việc tốt lành. Ban đầu, sau khi Ngài tạo dựng những điều mà bây giờ chúng ta tận hưởng, Chúa nhìn tất cả mọi tạo vật, và Sáng-thế 1:31 nói, “Đức Chúa Trời thấy mọi việc Ngài đã làm đều rất tốt đẹp...”
Một số người đã hỏi, “Nếu Chúa là tốt lành, thì tại sao Ngài không tạo ra một thế giới không có sự chịu khổ và thảm kịch?” Thật ra Chúa đã tạo ra một thế giới như thế! Chúng ta chỉ cần nhìn vườn Địa Đàng và kế hoạch nguyên thủy của Đức Chúa Trời cho con người và chúng ta có thể thấy mọi thứ là tốt lành. Tuy nhiên, Chúa ban cho con người ý chí tự do, và buồn thay hậu quả là sự đau khổ. Ngài muốn chúng ta yêu mến Ngài một cách tự nguyện, chứ không như những con rối không có quyền chọn lựa điều phải làm. Ngài muốn chúng ta dùng ý chí tự do để chọn ý muốn của Ngài. A-đam và Ê-va đã không chọn ý muốn của Đức Chúa Trời, hậu quả là sự đau khổ đã bước vào thế gian. Chúa Giê-xu đến để giải cứu chúng ta khỏi lựa chọn thảm kịch của A-đam và Ê-va, nhưng chúng ta sẽ không nhìn thấy hết những gì Ngài đã làm cho đến khi về Thiên Đàng. Phao-lô nói trong Ê-phê-sô rằng Thánh Linh mà chúng ta đã nhận lãnh là “bảo chứng cho cơ nghiệp của chúng ta…” (Ê-phê-sô 1:14).
Câu Kinh Thánh này bảy tỏ nhiều điều cho chúng ta. Khi chúng ta tiếp nhận Giê-su làm Chúa và Đấng Cứu Thế, mọi sự trong cuộc đời chúng ta trở nên tốt hơn. Càng học biết về Ngài và học cách để vâng theo ý muốn Ngài, thì chúng ta sẽ càng được phước hơn. Sa-lô-môn nói con đường của người công bình ngày càng chiếu sáng và sáng cho đến giữa trưa (xem Châm-ngôn 4:18). Phục-truyền 7:22 nói Chúa sẽ từng hồi từng lúc giải cứu chúng ta khỏi kẻ thù.
Ngay cả quả đất cũng thở than, chờ đợi sự cứu chuộc đầy trọn của con cái Đức Chúa Trời. Câu Kinh Thánh này tỏ rõ lẽ thật đó một cách đầy thuyết phục:
“Không những muôn vật mà thôi, nhưng cũng có chúng ta, những người có những trái đầu mùa của Đức Thánh Linh; chính chúng ta rên rỉ trong lòng, nôn nóng trông chờ ngày được trọn quyền làm con, để hưởng sự cứu chuộc thân thể mình.” Rô-ma 8:23
Hiện giờ chúng ta nếm trước sự tốt lành của Chúa, nhưng ngày hầu đến chúng ta sẽ được nếm trọn điều đó. Bao lâu còn có xác thịt thì vẫn còn tội lỗi, và bao lâu còn tội lỗi thì còn sự đau khổ. Chúa không bao giờ hứa giải cứu chúng ta khỏi mọi khổ đau trong lúc chúng ta còn ở trên đất, nhưng Ngài hứa chúng ta có thể tận hưởng quyền năng phục sinh của Ngài, là quyền năng nâng chúng ta vượt trên mọi đau khổ (xem Phi-líp 3:10). Nói cách khác, Ngài ban năng lực để chúng ta chịu đựng với sự vui mừng và bình tĩnh. Chúa Giê-xu nói ở thế gian này chúng ta sẽ có hoạn nạn, nhưng hãy vui mừng vì Ngài đã thắng thế gian rồi (xem Giăng 16:33).
Tôi vui hưởng sự tốt lành của Chúa hết sức có thể bao lâu tôi còn ở trên đất này, và tôi mong đợi những điều tốt đẹp hơn khi tôi không còn ở trong thân thể này và tôi về nhà với Chúa. Cho đến ngày đó, tôi cầu nguyện mình sẽ không bao giờ nói gì khác ngoài, “Chúa là tốt lành!” Dù chúng ta có chịu khổ bất cứ điều gì đi nữa, hoặc giả chúng ta chứng kiến biết bao thảm kịch trên đất, nhưng đó không phải là lỗi của Chúa - Chúa là tốt lành!
Khổ Nạn Không Phải Là Mãi Mãi
Một trong những điều khích lệ nhất cần nhớ khi bạn chịu khổ đó là nó không kéo dài mãi mãi. Ít ra nó sẽ không kéo dài mãi mãi đối với những người tin nơi Chúa Giê-xu, bởi vì dẫu trên đất này có bao nhiêu điều xấu xa như thế nào đi nữa, chúng ta có thể mong đợi được ở đời đời với Chúa, tại đó chúng ta được hứa sẽ không còn đau đớn nữa.
“Ngài sẽ lau ráo mọi giọt nước mắt khỏi mắt họ; sự chết sẽ không còn nữa; đau buồn hay khóc lóc hay đau đớn sẽ không còn nữa,vì những sự thứ nhất đã qua rồi.” Khải-huyền 21:4
Hầu hết những đau đớn sẽ được giải quyết trước khi chúng ta qua đời và về Thiên Đàng, nhưng dù chúng ta xem xét tới cả khả năng tột cùng đó là chịu khổ cả đời đi nữa, thì cuối cùng cũng sẽ được thay thế bằng niềm vui bất tận.
Việc này cũng sẽ qua thôi là cách để suy nghĩ khi bạn bị tổn thương, vì làm thế sẽ giúp bạn không cảm thấy quá sức chịu đựng. Gần đây tôi bị viêm xoang, khiến tôi đau đầu kéo dài 35 ngày. Tôi thường nói, “Việc này cũng sẽ qua thôi,” và cuối cùng nó qua thiệt. Nhưng khi chúng ta chịu khổ một thời gian, chúng ta hay đâm ra suy nghĩ, Chuyện này sẽ không bao giờ chấm dứt. Nhưng phần lớn mọi chuyện rốt cuộc thì cũng kết thúc. Tấm lòng tan vỡ được chữa lành, nếu chúng ta để Chúa Giê-xu làm việc đó trong lòng chúng ta. Thi-thiên 147:3 nói, “Ngài chữa lành kẻ vỡ lòng.” Những thương tổn được chữa lành, những nỗi thất vọng biến thành những giấc mơ tươi đẹp, và việc chấm dứt chuyện này lại mở ra một khởi đầu cho một việc khác.
Tất cả chúng ta có thể nhìn lại quá khứ cuộc đời của mình và nhớ lại nhiều hoàn cảnh rất đau đớn, nhưng những điều ấy đã được giải quyết và chúng ta không còn phải gánh chịu nó nữa. Tôi bị đau lưng kinh niên suốt 30 năm nên khả năng làm việc bị hạn chế. Hai năm trước, tôi đã gặp một bác sĩ mới, ông ấy đủ khôn ngoan để đưa tôi đi xét nghiệm phần xét nghiệm mà tôi chưa bao giờ làm trước đây. Kết quả phát hiện là tôi bị khuyết tật bẩm sinh ngay hông, khiến tôi bị đau lưng. Qua những kỹ thuật tuyệt vời thời nay, tôi đã được thay thế phần hông và không còn đau lưng nữa. Tôi có thể làm nhiều việc trước đây tôi không thể. Một người sẽ nghĩ rằng nếu họ có nan đề tương tự trong ba mươi năm thì tình cảnh đó sẽ kéo dài mãi mãi, nhưng trong trường hợp của tôi nó đã có kết thúc và đó là sự khởi đầu mới của tôi.
Tôi nghĩ chúng ta không nên từ bỏ hy vọng được phục hồi từ những khổ đau. Niềm hy vọng được cải thiện còn tốt hơn là không hy vọng! Tấm lòng của bạn có thể được chữa lành do sự mất mát đột ngột người thân không? Có, vì Chúa là Chúa của mọi sự an ủi và mọi sự đều có thể được với Ngài!
Sứ đồ Phao-lô đã trải qua sự chịu khổ vượt xa phần lớn những sự chịu khổ mà chúng ta gặp, nhưng ông nói nó chỉ là sự chịu khổ nhẹ và tạm.
“Vì hoạn nạn tạm và nhẹ của chúng ta hiện nay sẽ đem lại cho chúng ta vinh hiển đời đời vô lượng vô biên.” 2 Cô-rinh-tô 4:17
Phao-lô đã chọn thái độ tin cậy Chúa và đó cũng là thái độ mà chúng ta nên có. Ông nói rằng ông không nhìn những điều thấy được mà nhìn những điều không thấy được (xem 2 Cô-rinh-tô 4:18). Nói cách khác, Phao-lô nhìn đời theo con mắt thuộc linh chứ không theo xác thịt. Ông tin vào sự tốt lành của Chúa giữa lúc chịu khổ, và ông tin theo Lời Chúa thì ông sẽ sống đời đời ở nơi vinh hiển, nơi đó mọi đau khổ sẽ trở nên phước hạnh.
bottom of page