top of page

CHƯƠNG 6 : HÃY TIN CẬY CHÚA VÀ LÀM VIỆC LÀNH (2)

HungT

Feb 15, 2024

Đừng phạm sai lầm khi nghĩ rằng bản thân bạn đã có quá nhiều nan đề và không thể giúp người khác. Chính qua các việc lành mà thế gian sẽ nhận biết chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời...



Tin Cậy Chúa Và Làm Việc Lành

(Phần 2)


“Chớ mệt nhọc về sự làm lành, vì nếu chúng ta không trễ nải, thì đến kỳ, chúng ta sẽ gặt.” Ga-la-ti 6:9



Chúng...

...ta đã học biết rằng việc vâng lời Chúa và làm theo sự hướng dẫn của Thánh Linh là “làm việc lành.” Nhưng trong chương này, tôi đặc biệt muốn tập trung vào việc vâng lời Chúa và làm các việc lành bằng cách giúp đỡ những người thiếu thốn.

Sứ đồ Phao-lô bảo các tín hữu Ga-la-ti chớ mệt mỏi làm lành (xem Ga-la-ti 6:9). Ông bảo họ làm lành cho tất cả mọi người khi có dịp tiện và cơ hội mở ra, đặc biệt là những người trong gia đình đức tin (6:10). Chúng ta nên xem việc giúp đỡ những người thiếu thốn là một cơ hội để làm việc lành! Đó là cơ hội để chúng ta chúc phước cho người khác và bản thân chúng ta cũng được phước. Người nào tập trung giúp đỡ người khác là người hạnh phúc!

Tôi thật lòng tin rằng sự ban cho bắt nguồn từ sự tin cậy Chúa. Chúng ta làm việc đó vì Chúa bảo chúng ta làm, và chúng ta tin lời hứa của Ngài để đáp ứng các nhu cầu tài chính của chúng ta. Việc làm các việc lành mang lại nhiều điều kì diệu cho những ai siêng năng thực hành. Công-vụ 20:35 nói, “Ban cho có phước hơn nhận lãnh.” Việc xả thân sẽ khai phóng niềm vui trong đời sống chúng ta và giúp chúng ta có hạnh phúc trong lúc chờ đợi Chúa đáp ứng nhu cầu của chúng ta. Nên nếu bạn đang thắc mắc, “Làm sao tôi có thể vui mừng khi có nan đề?” Câu trả lời rất đơn giản: Đừng nghĩ về bản thân nữa mà hãy tập trung làm điều gì đó tốt lành cho người khác. Chúng ta không cần phải tập trung vào các nan đề của mình suốt cả ngày để rồi Chúa mới đáp lời chúng ta. Hãy nói với Chúa những gì bạn muốn và cần, sau đó tin cậy Ngài cung ứng trong lúc bạn tập trung làm việc lành!

Một trong những câu Kinh Thánh ưa thích của tôi là Công Vụ 10:38. Câu này nói rằng Chúa Giê-xu được xức dầu bằng Thánh Linh và “…Ngài đi từ nơi nọ qua chỗ kia làm phước và chữa lành hết thảy những người bị ma quỷ ức hiếp…” Chúng ta được dạy phải bắt chước hành vi của Ngài và làm theo tấm gương của Ngài, và đây là một trong những cách tốt nhất chúng ta có thể làm việc đó. Thế gian đầy những con người bị ma quỷ áp chế, và chúng ta được xức dầu bởi Thánh Linh để giúp đỡ họ như Chúa Giê-xu đã làm.

Mỗi lần chúng ta làm việc lành, chúng ta đang gieo hạt giống mà sẽ khai phóng mùa gặt cho chúng ta. Đừng phạm sai lầm khi nghĩ rằng bản thân bạn đã có quá nhiều nan đề và không thể giúp người khác. Làm thế thì nó sẽ giữ bạn mãi mãi kẹt cứng trong các nan đề của mình.

Vào một dịp cuối tuần nọ, khi tôi dạy dỗ về chính chủ đề này - tin cậy Chúa và làm việc lành - tại một trong những hội nghị của tôi, cả khán trường đã bị mất điện. Sự cố này xảy ra cả một giờ ngay trước phần khai mạc, nên chúng tôi phải hủy buổi nhóm và chứng kiến hàng ngàn người ra về. Sau đó lại có điện 10 phút trước giờ kết thúc buổi nhóm. Chúng tôi phải chờ đợi và bắt đầu buổi hội nghị vào sáng hôm sau.

Tôi phải tin cậy Chúa trong khi tôi cố gắng dạy cho hội nghị về chủ đề tin cậy Chúa! Ngoài những việc chúng tôi phải xử lý, người giám đốc hội trường đã gắn bản thông báo bên ngoài với hàng tít: “Hội nghị của Joyce Meyer đã bị hủy.” Họ nghĩ là họ giúp đỡ chúng tôi, nhưng họ quên nói là chỉ hủy đêm đó thôi và sẽ bắt đầu lại vào sáng hôm sau. Tôi nhìn thấy cảnh tượng một khán trường rộng lớn và tôi đang giảng cho những cái ghế trống. Trong thâm tâm tôi cảm thấy hơi run nhưng tôi cứ nói, “Chúa ơi, con đặt lòng tin cậy nơi Ngài,” và rốt cuộc chúng tôi có một hội nghị tuyệt vời.

Trong lúc giảng dạy, tôi đã dùng các đạo cụ nghe nhìn để giúp người ta hiểu tốt hơn nguyên tắc tin cậy Chúa và làm việc lành. Đoàn đạo cụ của chúng tôi đã chế ra hai chai thuốc cao xấp xỉ 1m. Chúng tôi đặt chúng trên một cái bàn và đề chữ “tin cậy Chúa” và chữ kia là “làm việc lành.” Hai cái chai cũng đề chữ không hạn chế đổ vào và bệnh nhân có thể uống thuốc theo nhu cầu. Thuốc trong hai chai không bao giờ là quá liều.

Khi tôi dạy về cách nào để xử lý những thử thách, những khó khăn, những vấn đề và những khốn khó đủ loại, tôi nói, “Khi những triệu chứng này xuất hiện, hãy lập tức uống một viên có tên “tin cậy Chúa” và uống viên kia “làm việc lành.” Ví dụ này dường như đã giúp người nghe hiểu rằng làm việc lành cho người khác trong lúc tin cậy Chúa làm ơn cho chúng ta chính là phương thuốc mà chúng ta cần cho tâm hồn của chúng ta.

Lời Chúa như là thuốc chữa cho tâm hồn chúng ta nếu chúng ta làm theo chỉ dẫn. Thuốc không giúp gì cho chúng ta nếu chúng ta không uống, và Lời Chúa cũng không giúp gì cho chúng ta nếu chúng ta biết Lời Chúa mà không làm theo. Chẳng hạn, nếu bạn phạm tội, bạn có thể làm như mọi người khác thường làm và cảm thấy có tội và bị lên án, hoặc bạn có thể uống một liều thuốc “Cha ơi, xin tha thứ cho con” thì nó sẽ chữa lành tâm hồn của bạn. Nếu ai đó làm tổn thương bạn và làm bạn vấp phạm, thì thay vì giận dữ hay buồn bã, bạn có thể uống viên thuốc lành mạnh “Tôi tha thứ cho bạn” và vui hưởng suốt cả ngày hôm đó. Nếu chúng ta xem Lời Chúa là thuốc chữa cho tâm hồn, chúng ta sẽ tìm thấy sự giúp đỡ cho tất cả những nan đề chúng ta đối diện trong cuộc sống.

Để tôi nói lại lần nữa rằng tôi tin sự tin cậy Chúa và làm việc lành là thuốc chữa cho tâm hồn chúng ta, và tôi thật sự khuyên bạn phải uống tùy theo nhu cầu của bạn và uống càng thường xuyên càng tốt. Dẫu vậy, tôi phải cảnh báo bạn, cũng có những tác dụng phụ đấy! Những tác dụng đó là sự bình an, sự vui mừng, sự ổn định, niềm tin quyết, và các phần thưởng trên thiên đàng.


Làm Việc Lành Có Tiêu Chuẩn Nào Không?


Làm việc lành có thể đơn giản như việc khen ai đó hay lắng nghe ai đó đang bị tổn thương. Nó cũng có thể là việc dâng hiến thời gian hoặc tài chính để giúp những người thiếu thốn.

Kinh Thánh ghi đầy các câu Kinh Thánh nói về việc giúp đỡ người nghèo và người thiếu thốn và đưa ra sự khích lệ cho những người đang bị tổn thương. Thật ra Kinh Thánh nói chúng ta phải “tìm kiếm” để làm các việc lành và bày tỏ những hành động tử tế. Điều này có nghĩa chúng ta nên tìm cách để giúp đỡ những người khác.

“Hãy giữ, đừng có ai lấy ác báo ác cho kẻ khác; nhưng hãy tìm điều thiện luôn luôn, hoặc trong vòng anh em, hoặc đối với thiên hạ.” 1Tê-sa-lô-ni-ca 5:15

Bạn có muốn được hữu dụng ở thế gian này và sống với mục đích thỏa nguyện không? Charles Dickens đã nói, “Người nào làm vơi đi gánh nặng của người khác thì sẽ không vô dụng ở đời này.”

Chúa bảo chúng ta không chỉ giúp đỡ người bị tổn thương, mà cũng hãy chúc phước cho kẻ thù của mình! Tại sao chúng ta phải làm thế? Vì chúng ta lấy thiện thắng ác (xem Rô-ma 12:21). Chúng ta đã được ban cho vũ khí bí mật, hoạt động giống như phép lạ khi nan đề xảy đến, khi người ta làm chúng ta bị tổn thương, hay khi chúng ta có những nhu cầu cá nhân - hãy làm việc lành!

Một trong những điều đầu tiên chúng ta phải làm khi ai đó làm cho chúng ta bị tổn thương hoặc đối xử tệ với chúng ta là hãy cầu nguyện cho họ. Chúng ta phải cầu nguyện như thế nào? Hãy xin Chúa tha thứ cho họ và mở mắt họ để họ thấy hành vi của họ đã làm buồn lòng Chúa thế nào. Nếu họ chưa được cứu, thì hãy cầu nguyện cho họ được cứu. Làm như thế, bạn sẽ khai phóng bản thân ra khỏi sự khổ sở khi bạn giận dữ với họ và bực bội về điều họ đã làm.

Có thể cảm giác của bạn đối với họ không thay đổi ngay lập tức, nhưng rất khó để giữ cơn giận với người mà bạn cầu nguyện đều đặn cho họ. Chúng ta nên dâng mình để làm các việc lành trong mọi lúc, nhưng khi chúng ta bị tổn thương chúng ta hay bị cám dỗ để hướng nội và không còn hướng ngoại. Đây là một sai lầm lớn. Làm việc lành lúc nào cũng là việc quan trọng, nhưng việc này đặc biệt quan trọng khi bản thân bạn cũng có nan đề. Chúa Giê-xu sắp dối diện với cái chết đau đớn cùng cực, nhưng Ngài vẫn cứ tốt với người ta bằng cách xin Cha Ngài tha thứ cho những người đóng đinh Ngài, và bằng cách an ủi tên tội phạm bị đóng đinh với Ngài, người đã xin Ngài giúp đỡ (xem Lu-ca 23:32-43). Tôi không biết bạn thì sao, nhưng khi bản thân tôi có nan đề, thì giữ mình không cằn nhằn với người khác thì thật là khó khăn. Tuy nhiên, qua nhiều năm tôi đã học được rằng đây (khi có nan đề) là thời điểm tốt nhất để thực hành sự tử tế và làm việc lành. Khi chúng ta không có nan đề, thì việc đối xử tử tế với người khác không đòi hỏi sự kỷ luật. Nhưng khi chúng ta bị tổn thương thì đòi hỏi rất nhiều sự kỉ luật để tin cậy Chúa và tiếp tục thực hiện ý muốn của Ngài.

Tôi thích Thi-thiên 37 và tôi đọc chương này thường xuyên. Các câu 1-5 đưa ra cho chúng ta sự khôn ngoan này: Đừng bực bội, hay đừng lo lắng về những người làm ác, vì Chúa sẽ xử lý họ vào thời điểm của Ngài. Trong khi bạn chờ đợi, hãy tin cậy Chúa và làm việc lành. Hãy thỏa thích nơi Chúa thì Ngài sẽ ban cho bạn điều lòng mình ao ước. Hãy dâng đường lối mình cho Ngài và Ngài sẽ làm ứng nghiệm.

Đây không chỉ là một số câu Kinh Thánh chúng ta đọc để làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái. Các câu này cung cấp cho chúng ta những sự dạy dỗ cần phải làm theo. Khi chúng ta làm theo, kết cuộc không chỉ nhu cầu chúng ta được đáp ứng, mà chúng ta có thể thành một tấm gương tốt cho những người chưa biết Chúa. Chính qua các việc lành mà thế gian sẽ nhận biết chúng ta thuộc về Đức Chúa Trời (xem 1 Phi-e-rơ 2:12).


Điều Răn Lớn Nhất


Dù mỗi điều răn từ Đức Chúa Trời đều lớn lao và quan trọng, nhưng Chúa Giê-xu nói điều răn lớn nhất hay quan trọng nhất là bước đi trong tình yêu thương - phải yêu mến Chúa và yêu con người như yêu bản thân (xem Ma-thi-ơ 22:36-39). Ngài cũng nói qua tình yêu này mà thế gian sẽ biết chúng ta là môn đồ của Ngài.

“Ta ban cho các ngươi một điều răn mới, nghĩa là các ngươi phải yêu nhau; như ta đã yêu các ngươi thể nào, thì các ngươi cũng hãy yêu nhau thể ấy. Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn đồ ta.” Giăng 13:34-35

Chúng ta không thể bàn về tình yêu thương mà không nói về việc làm các việc lành, vì đó là cách người ta thấy tình yêu thương. Tình yêu thương không chỉ là một lí thuyết hay sự dạy bảo mà làm cho bài giảng thuyết cảm động, mà nó là thực hữu và thực tế. Tình yêu có thể được nhìn thấy và cảm nhận, và tình yêu thương có quyền năng làm phép lạ để thay đổi đời sống.

Thế gian nghi ngờ lời chứng của chúng ta chỉ vì giữa vòng chúng ta có quá nhiều sự phân rẽ. Nếu hội thánh có thể hiệp một, thì lời chứng của chúng ta là không thể phủ nhận! Tình yêu tìm cách để đồng thuận; chứ chẳng tìm điều chi để mà bất đồng.

Một gia đình hòa thuận thật đầy quyền năng! Dave và tôi đã học được từ lúc khởi sự chức vụ rằng chúng tôi không thể thành công nếu có sự xung đột trong tấm lòng của chúng tôi. Chúng tôi đã nỗ lực để đẩy lùi mọi xung đột xa khỏi đời sống chúng tôi, và chúng tôi đã thấy được sức mạnh mang lại sự bình an và sự hiệp một.

Đừng can dự vào bất cứ sự xung đột nào trong gia đình bạn, ở hàng xóm bạn, tại hội thánh bạn hay nơi làm việc của bạn. Người nào tránh được sự xung đột và bỏ qua sự vấp phạm lấy làm vinh dự thay (xem Châm-ngôn 19:11). Khi chúng ta tôn trọng Chúa bằng cách bước đi trong đường lối Ngài, Ngài cũng công khai tôn trọng chúng ta trong đời sống chúng ta.

Bước đi trong tình yêu thương đòi hỏi chúng ta đưa ra những chọn lựa mỗi ngày nhằm giúp chúng ta sống vượt trên cảm xúc. Chúng ta không thể cùng lúc làm mọi việc mà chúng ta “cảm thấy” muốn làm và cùng lúc làm theo điều răn của Ngài. Tôi không phải lúc nào cũng “cảm thấy” thích dành thời gian đối xử tử tế với người ta, nhưng mỗi lần tôi làm thế là tôi đang bước đi trong tình yêu thương. Tình yêu không phải là một cảm giác mà chúng ta có, mà là một lựa chọn chúng ta đưa ra liên quan đến cách chúng ta sẽ đối xử với mọi người.

Một câu Kinh Thánh giúp tôi cứ bước đi trong tình yêu thương đó là Ma-thi-ơ 7:12:

“Ấy vậy, hễ điều chi mà các ngươi muốn người ta làm cho mình, thì cũng hãy làm điều đó cho họ, vì ấy là luật pháp và lời tiên tri.”

Rất dễ để nhìn thấy rằng nếu chúng ta luôn đối xử với người khác như cách mình muốn được đối xử lại thì cách cư xử của chúng ta sẽ thay đổi. Đó là lời dạy dỗ đơn giản, một lời dạy chúng ta có thể áp dụng vào đời sống hằng ngày. Khi hoàn cảnh nào đó xuất hiện khiến chúng ta khó đối xử tốt với ai đó, thì hãy tự hỏi bản thân, “Mình muốn người này làm gì cho mình nếu mình là người cần sự thương xót?”

Những tháng ngày của chúng ta thường đầy ắp những sự phiền toái nhỏ nhặt. Có thể chúng ta đang chờ để có một chỗ đậu xe tại một trung tâm mua sắm đông đúc nhưng có người khác nhanh chóng đỗ vào khoảng trống trước khi chúng ta tới đó. Chúng ta lập tức cảm thấy giận dữ, thậm chí cảm thấy bị nhục mạ, cho rằng họ quá thô lỗ. Chúng ta có thể la ó hay bóp còi, hay làm những điều xấu xa khác, nhưng chẳng có điều nào làm chúng ta cảm thấy thoải mái hơn, và làm thế kéo chúng ta xuống dưới mức của người thế gian. Chúa sẽ ban phước cho bạn bằng cách nào đó nếu bạn tin cậy Ngài và cứ làm việc lành!

Hãy bắt đầu nhìn xem tất cả những phiền toái và những biến cố bất ngờ như là những cơ hội để bày tỏ tình yêu thương thay vì để hoàn cảnh khiến bạn tức giận.

Trong 1 Cô-rinh-tô 13:4-8, Kinh Thánh cho chúng ta định nghĩa tuyệt vời về lối cư xử của tình yêu thương. Xin hãy để thời gian xem xét mỗi điểm này và tự hỏi mình cần tăng trưởng trong lĩnh vực nào:

Tình yêu hay nhẫn nhục, tình yêu hay nhân từ.

• Tình yêu không ganh tị.

• Tình yêu không khoe khoang,

• Không tự cao,

• Không cư xử trái lẽ,

• Không tìm tư lợi,

• Không nhạy giận,

• Không ghim gút,

• Không vui về việc bất chính, nhưng vui về sự chân thật.

• Tình yêu dung thứ tất cả,

• Tin tưởng tất cả,

• Hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.

• Tình yêu sẽ trường tồn mãi mãi.


Giúp Đỡ Người Nghèo


Kinh Thánh nói nhiều về việc giúp đỡ người nghèo, và có những lời hứa tuyệt vời dành cho người giúp đỡ kẻ nghèo. Đây là một số câu ấy:

Ai thương xót người nghèo là cho CHÚA vay mượn, Ngài sẽ trả lại đầy đủ việc phước thiện người ấy đã làm.

Sứ đồ Gia-cơ nói “Sự theo đạo trong sạch và không nhơ nhuốc trước mặt Đức Chúa Trời Cha chúng ta là thăm viếng các cô nhi và các quả phụ trong cơn khốn khó của họ…” (Gia-cơ 1:27).

Tôn giáo thật phải được thể hiện bằng các hành động bên ngoài, vì Cơ-đốc giáo thật không chỉ tác động trái tim của con người, nhưng luôn cả hành vi nữa. Chúa là Đấng ban cho và người nào có mối quan hệ với Ngài cũng sẽ muốn ban cho. Đức Thánh Linh là Đấng giúp đỡ và ai được đầy dẫy Thánh Linh cũng sẽ là một người giúp đỡ.

Đây là bài tập lành mạnh cho bạn, hãy tự hỏi, “Tôi đang làm gì để giúp người khác?” Bạn có nhớ đến người mới đây nhất mà bạn giúp không? Tất nhiên, chúng ta thường giúp gia đình qua các hoạt động hàng ngày, hay tặng quà vào dịp Giáng Sinh, nhưng tôi đang nói về những điều sâu xa hơn. Tôi đang nói về việc sống để ban cho. Một đời sống vui mừng, có ý nghĩa không thể tìm thấy ở những gì chúng ta nhận mà ở những gì chúng ta ban cho.

Có bao nhiêu người mà chúng ta biết là cần giúp đỡ, nhưng chúng ta thậm chí không nghĩ đến việc chính mình là người giúp họ? Khi chúng ta bắt đầu hỏi những câu hỏi này, chúng ta sẽ thấy câu trả lời của mình đôi khi là hơi thất vọng. Tuy nhiên, khi tôi thấy thất vọng nơi bản thân tôi, tôi lại tìm được hy vọng và bắt đầu làm điều đúng.

Tôi muốn khích lệ bạn hãy chủ ý giúp đỡ những người có nhu cầu. Hãy tìm kiếm họ và tìm cách giúp họ. Thật dễ để biện hộ và chẳng làm gì cả, nhưng đó không phải là hành vi thích đáng dành cho một cơ đốc nhân. Đây là một số lời biện hộ của tôi trong quá khứ hoặc tôi đã nghe những người khác hay nói:

• “Tôi bận lắm.”

• “Vấn đề của họ là do lỗi lầm của họ mà thôi.”

• “Tôi cũng có nan đề đây này.”

• “Tôi không muốn can dự vào.”

• “Tôi chẳng biết phải làm gì cả.” Thay vì tìm lý do không thể giúp đỡ, tại sao không sốt sắng tìm cách để chúng ta có thể giúp? Có thể bạn biết một người có nhu cầu mà một mình bạn không thể đáp ứng, nhưng bạn có thể tổ chức một nhóm người làm việc cùng nhau để giúp đỡ người đó. Điều nhỏ nhất mỗi chúng ta phải làm là cầu nguyện xin Chúa bày tỏ cho chúng ta bất cứ điều gì Ngài muốn chúng ta làm để giúp đỡ người mà mình biết đang bị tổn thương và đang thiếu thốn. Đừng bao giờ quên rằng mỗi lần bạn làm việc tốt cho ai đó thì bạn cũng giúp bản thân.

Gần đây, ba phụ nữ đã tham dự hội nghị của chúng tôi và nghe tôi nói về nhu cầu cần giúp đỡ đào giếng tại những đất nước thuộc thế giới thứ ba, nơi người dân không thể tiếp cận nguồn nước nếu họ không đi xa vài giờ đồng hồ, đôi khi là mất cả ngày để lấy nước, và khi lấy được rồi thì nước rất bẩn và nhiễm bệnh. Chúng tôi có đặc ân cung cấp bảy trăm giếng nước và đã chứng kiến nó thay đổi toàn bộ các ngôi làng.

Ba người phụ nữ này muốn làm điều gì đó, thế là họ tập hợp hai mươi mốt gia đình lại, và họ tổ chức bán hàng tại nhà. Trong các hội nghị tiếp theo mà họ tham dự, họ đã đem một của dâng hơn hai ngàn đô-la để giúp đào một cái giếng và xây một nhà thờ cạnh cái giếng. Bằng cách đó chúng tôi cung cấp nguồn nước tự nhiên và nước của Lời Chúa, và cả hai đều mang lại sự sống!

“Hãy ban cho để các ngươi sẽ được ban cho. Người ta sẽ đong thật đầy, đè xuống, lắc xuống, và đổ vào cho tràn ra ngoài, rồi đem để trên đùi các ngươi, vì các ngươi đong cho người ta mức nào, các ngươi cũng sẽ được đong lại mức ấy.” Lu-ca 6:38

Tôi không tin động cơ dâng hiến của chúng ta là để nhận lại. Chúng ta nên ban cho vì ước ao của chúng ta là giúp đỡ những người khác, tuy nhiên Lời Chúa hứa rằng khi chúng ta giúp đỡ, thì chúng ta sẽ được báo đáp bội phần hơn.

Gióp đã nói một câu rất hợp thời. Ông nói nếu ông không dùng đôi tay mình để giúp những người thiếu thốn thì xin cánh tay ông gẫy đứt nơi cùi chỏ (xem Gióp 31:16-22).

Những câu Kinh Thánh mà tôi nói đến đã ảnh hưởng sâu xa trong đời sống tôi, tôi cầu nguyện bạn sẽ để thời gian đọc các câu này nhiều lần trước khi đọc tiếp. Bạn và tôi có khả năng để làm vơi đi nỗi khổ cực, và chúng ta đừng để bất cứ cơ hội nào vụt mất. John Bunyan đã nói, “Bạn không thể sống ý nghĩa hôm nay trừ khi bạn thi ân bất cầu báo.”


Hãy Làm Cho Chúa Nở Nụ Cười


Thật kỳ diệu khi nghĩ rằng chúng ta có thể làm cho Chúa nở nụ cười, nhưng Kinh Thánh nói chúng ta có thể làm việc này. Đa-vít đã cầu nguyện lời này, “Xin hãy mỉm cười với con là tôi tớ Ngài; xin hãy dạy con các luật lệ Ngài.” (Thi Thiên 119:135 - Theo bản The Message).

Khi chúng ta làm theo ý muốn Chúa, Ngài sẽ nở nụ cười! Tôi nghĩ Ngài cười lớn hơn nữa khi sự vâng lời của chúng ta có cả việc giúp đỡ người khác, vì khi chúng ta làm vậy, chúng ta đang bắt chước Ngài. Tôi nghe con trai tôi hay nhận xét về các cháu, “Các cháu thấy con làm việc đó nên chúng bắt chước con đó.” Khi nó kể cho tôi nghe, nó luôn mỉm cười! Mỗi lần bạn làm cho ai đó nở nụ cười, tôi nghĩ Chúa cũng nở nụ cười với bạn!



HỘI THÁNH TIN LÀNH TRƯỞNG NHIỆM GARDEN GROVE
Quận Cam-vùng nam California
​11832 South Euclid St, Garden Grove,
CA. 92840
Orange County​-Southern California
​Tel: 714-638-4422    

Email: vpcgg.ca@gmail.com

SUBSCRIBE FOR EMAILS

Thanks for submitting!

Copyright Ⓒ 2023-2025 vpcgg (PC-USA). All rights reserved. 

bottom of page