top of page
Hung Tran
Feb 18, 2024
Có một sự khác biệt giữa việc tôi bị thất vọng và việc Chúa làm tôi thất vọng...
Tôi Có Thể Tin Cậy Ai Đây?
“...Đáng nguyền rủa thay cho kẻ chỉ tin cậy loài người, kẻ chỉ cậy vào sức mạnh của loài xác thịt, và xoay lòng lìa bỏ CHÚA.” Giê-rê-mi 17:5
“Thờ...
...buổi này bạn không thể tin ai cả” là một câu nói rất phổ biến, câu nói mà hầu hết chúng ta đều bị cám dỗ than vãn hết lần này tới lần khác. Tuy nhiên, cho rằng không một người nào đáng tin cậy thì không đúng, và thật nguy hiểm khi trở thành một người hồ nghi và có suy nghĩ như thế.
Tôi nhìn nhận rằng ngày nay tìm những người để tin cậy khó hơn bất cứ thời điểm nào mà tôi có thể nhớ trong cuộc đời của mình, nhưng tôi thẳng thừng từ chối sống với tấm lòng đầy sự hồ nghi và ngờ vực. Tôi đã quyết định tin điều tốt nhất và tin tưởng người khác trừ khi họ cho tôi một lí do rõ ràng để không làm thế. Tôi đưa ra quyết định này không dựa trên kinh nghiệm của tôi với người ta.
Tới năm bảy tuổi tôi biết mình không thể tin tưởng cha mẹ tôi vì họ chỉ quan tâm đến mình và rất lạm dụng. Tôi không thể tin tưởng những người bà con họ hàng khác, là những người tôi đã xin sự giúp đỡ nhưng họ từ chối và họ dùng những lời bào chữa cho qua: “Tôi không muốn can dự vào; đó không phải việc của tôi.”
Khi tôi lớn lên thành thiếu nữ và rồi đến tuổi trưởng thành, tôi trải qua thêm những kinh nghiệm đau thương khác, mà nó mang theo thông điệp, “Mày không thể tin ai cả?”
Tôi lập gia đình năm 18 tuổi với một thanh niên không chung thủy, ngoài ra anh ta còn là một tên trộm vặt, kết cục anh ta phải vào tù. Tôi chắc mình cũng sẽ gặp những người có thể tin tưởng, nhưng tôi đã quá tức giận với những người đã làm tôi thương tổn và thất vọng đến nỗi tôi có khuynh hướng tập trung vào việc không tin ai.
Tôi cưới Dave vào năm 23 tuổi, từ thời điểm đó trở đi tôi đi nhà thờ đều đặn. Tôi cho rằng vì bấy giờ tôi giao du với những “người đi nhà thờ,” nên tôi có thể tin tưởng họ và sẽ không bị tổn thương, nhưng kết cục điều đó cũng không đúng. Sự thật thì một trong những nỗi thất vọng lớn nhất tôi từng hứng chịu trong cuộc đời là đến từ các cơ đốc nhân. (Tôi có thể nghe một số độc giả sẽ nói, “Amen!”). Có thể bạn đã trải qua điều tương tự, và tôi chắc bạn có một số câu chuyện đau lòng để kể về những điều người ta đã gây ra cho bạn.
Con người, ai cũng có những khiếm khuyết, và chúng ta sẽ lao đầu vào những thất vọng đau đớn nếu chúng ta nghĩ mình hoàn hảo. Chúa Giê-su đến vì những con người yếu đuối, không phải vì những con người mạnh mẽ, và tôi rất biết ơn vì Ngài đã làm thế. Mỗi ngày tôi đều cần lòng thương xót và sự tha thứ. Điều đó có nghĩa tôi cũng cần sẵn sàng ban cho sự thương xót và tha thứ cách rời rộng.
Đề tài lòng tin tưởng - hay nói đúng hơn là việc thiếu lòng tin tưởng - lấp đầy các hàng tít trên báo ngày nay. Dường như những cáo buộc lạm dụng tình dục thường được tường thuật. Chúng ta đã nghe về vụ bê bối Enron, trong đó hàng ngàn người đã bị lừa, bị đánh cắp tài khoản tiết kiệm nhân thọ. Chúng ta bầu cho các nhà lãnh đạo mà chúng ta nghĩ rằng mình có thể tin tưởng, thế nhưng họ đã làm chúng ta thất vọng vì không làm những gì họ đã hứa.
Làm sao chúng ta có thể phân biệt những người tốt và những người xấu? Làm sao để biết người nào đáng tin cậy và người nào thì không? Làm sao chúng ta biết những người mình có thể tin tưởng? Không có câu trả lời dễ dàng, và đôi khi chúng ta thậm chí không thể tin tưởng những người đáng ra phải hết mực nuôi dưỡng và chăm sóc chúng ta. Chỉ cần hỏi một cô gái bị cha mình, một chấp sự trong nhà thờ, lạm dụng. Ai ai, kể cả gia đình của ông ta, đều tin ông là tấm gương mẫu mực về sự liêm chính và đáng tin cậy. Nhưng rốt cuộc thì ông lại bị phát hiện là kẻ lừa dối và xấu xa.
Trong một bài viết có tựa “Bạn có thể tin tưởng ai?” Dr. Erwin W. Lutzer nói,
Tại sao người ta lại không đáng tin cậy? Dù chúng ta thích nghĩ mình được thúc đẩy bởi những phán đoán đúng đắn, nhưng sự thật thì chúng ta bị những ham muốn ích kỷ thúc đẩy. Và vì chúng ta muốn được người ta nghĩ tốt về mình, nên rất dễ chúng ta chỉ chú ý đến con người bề ngoài, nhưng lại hoàn toàn bỏ qua sự liêm chính của tấm lòng. Đúng vậy, một số người không chỉ lừa dối bản thân họ, nhưng rốt cuộc họ cũng lừa dối người khác. Khi sự tự lừa dối đạt tới độ cao, con người ta sẽ trở thành xấu xa, tiêu diệt những người xung quanh nhằm để bảo vệ cái “tôi bệnh hoạn” của mình.
Quả thật khó là biết được ai là người để tin tưởng. Ngoại tình đạt ở mức cao hơn hết trước đây. Nhiều sinh viên đại học thú nhận họ gian lận trong việc thi cử. Nhân viên ăn cắp của chủ. Danh sách này còn dài. Ở bình diện nhỏ hơn nhưng nó gây ra sự thất vọng như nhau, việc tìm được cái nghề ổn định thật vô cùng khó khăn hơn bao giờ hết. Và đôi khi một điều đơn giản đó là tin tưởng ai đó giữ cuộc hẹn đúng giờ cũng là hiếm thật. Chúng ta phải làm gì đây?
Liệu chúng ta có nên chấp nhận một thái độ chua chát và ngờ vực để rồi cùng với mọi người mà thốt lên, “Thời buổi này bạn không thể tin cậy ai cả,” không? Hay chúng ta quyết định tin tưởng mọi người cho đến khi họ cho chúng ta đủ lí do để không làm thế? Tôi ủng hộ việc tin tưởng người khác, vì tôi không chấp nhận sống với một thái độ ngờ vực, làm cho tôi khốn khổ, chỉ vì một số người đã làm tôi thất vọng.
Tin Tưởng Với Đôi Mắt Mở Toang
Chúng ta có thể tin tưởng người khác mà không đặt lòng tin cậy nơi con người, vì thực tế chúng ta chỉ tin cậy nơi Chúa mà thôi. Chúa Giê-xu nói về điều này và sứ đồ Giăng đã ghi lại:
“Nhưng Đức Chúa Jesus không tin họ, vì Ngài biết rõ mọi người.” Giăng 2:24.
Câu Kinh Thánh này không nói Chúa Giê-xu không tin tưởng bất cứ một ai. Trái lại câu này nói Ngài không tin hết những điều họ nói về Ngài. Điều đó có nghĩa gì? Ngài không phó mình cho quan niệm rằng con người sẽ không bao giờ làm Ngài thất vọng. Ngài không đặt mình hoàn toàn vào đôi tay của con người để được an toàn.
“Ngài cũng không cần ai nói với Ngài về người nào vì Ngài hiểu thấu lòng dạ con người.” Giăng 2:25
Chúa Giê-xu đã biết rất rõ về bản chất con người và sự yếu đuối trong bản chất con người. Ngài đến để giúp sức cho những con người yếu đuối và tha thứ cho những thất bại và tội lỗi của họ. Nếu chúng ta muốn có bình an trong đời, chúng ta cũng cần làm điều tương tự.
Không ai trong chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã không làm tổn thương và làm thất vọng người khác, hoặc giả là chúng ta không bị tổn thương và thất vọng. Cá nhân chúng ta đều kinh qua những yếu đuối trong bản chất con người. Tôi chưa bao giờ chủ ý làm bất cứ ai tổn thương, nhưng đôi khi tôi lại làm người khác tổn thương. Một phần tất yếu trong mọi mối quan hệ đó là sẵn sàng chấp nhận bị thất vọng nhưng vẫn tìm cách để tiếp tục xây dựng lòng tin tưởng thay vì bỏ cuộc.
Nên tôi quyết định tin tưởng với đôi mắt mở to. Điều đó có nghĩa là tôi không mong bất cứ ai (ngoại trừ Chúa) không làm cho tôi thất vọng. Thậm chí ban đầu tôi cũng thất vọng với Chúa khi mọi việc không diễn ra như tôi hy vọng. Tuy nhiên, có một sự khác biệt giữa việc tôi bị thất vọng và việc Chúa làm tôi thất vọng. Những mong đợi của tôi chính là nguyên do làm tôi thất vọng, không phải Đức Chúa Trời. Vì Kinh Thánh dạy nếu chúng ta đặt hy vọng vào Ngài, thì Ngài không bao giờ làm chúng ta thất vọng (xem Rô-ma 5:5).
Những Sự Mong Đợi Sai Lầm
Bao nhiêu nỗi thất vọng của chúng ta là do lỗi người khác và bao nhiêu là do lỗi của bản thân chúng ta? Tôi nghĩ đó là một câu hỏi lí thú. Tôi đã nói Chúa không bao giờ làm chúng ta thất vọng. Chúng ta có thể cảm thấy thất vọng về điều gì đó Ngài làm hoặc không làm, nhưng ấy là do lòng mong đợi của chúng ta không đúng. Thay vì muốn điều Chúa muốn, chúng ta lại muốn điều chúng ta muốn.
Mong đợi một người nào đó sẽ không bao giờ làm bạn tổn thương hay làm bạn thất vọng là sự mong đợi sai lầm, đơn giản là vì bản chất con người không hoàn hảo. Chúng ta muốn người ta biết điều chúng ta muốn hay chúng ta cảm nhận thế nào, và khi họ không biết những điều đó, chúng ta đâm ra thất vọng. Chúng ta thất vọng vì người ta không hiểu chúng ta, nhưng tại sao tôi phải bắt lỗi chồng tôi chỉ vì anh không hiểu cái cảm giác của tôi, cho dù bản chất của chồng tôi hoàn toàn không cảm nhận theo cùng một cách như tôi (phụ nữ)? Cá tính của anh khác của tôi, và một số điều thật sự quan trọng với tôi lại hoàn toàn không quan trọng với anh ấy, và ngược lại. Tôi có thể giải thích cho anh cảm nhận của tôi và sau đó anh có thể bày tỏ sự đồng cảm với tôi vì anh yêu tôi, nhưng xét về kinh nghiệm làm phụ nữ, anh vẫn không biết hết cảm nhận của tôi, đơn giản là vì chồng tôi là đàn ông.
Nếu một phụ nữ muốn được cảm thông hoàn toàn, tốt hơn hết là cô ta nên nói chuyện với một phụ nữ khác, một người có cá tính tương tự là điều lí tưởng. Nếu chồng tôi muốn bàn về thể thao với một người thật sự quan tâm, thì nói chuyện đó với tôi sẽ thật vô nghĩa. Do tôn trọng tôi có thể giả đò quan tâm, nhưng tôi không hiểu sự phấn khởi của anh, đơn giản là vì tôi chưa bao giờ cảm nhận chuyện này và chắc chắn là sẽ không bao giờ.
Khi tôi viết điều này, Dave và tôi đã cưới nhau được 50 năm, một trong những lí do hôn nhân của chúng tôi thành công đó là vì trước đây rất lâu chúng tôi đã học biết về tầm quan trọng của việc không mong đợi những điều như thế từ hai phía, là thứ mà mỗi chúng ta thiếu đi cái khả năng đó. Có một số điều chúng ta có thể học cách trao ban cho người khác phát xuất từ lòng tốt, nhưng cũng có những điều chúng ta không thể nào trao ban. Dave muốn tôi hưởng thụ cuộc sống, và anh biết tôi không thể hưởng thụ trừ khi tôi được tự do để thật sự là chính mình, nên anh mừng về con người tôi, chứ không phải con người mà anh ao ước nơi tôi. Tôi làm điều tương tự đối với anh ấy. Chúng tôi mất nhiều năm để đạt tới vị trí này, và mãi cho đến khi chúng tôi làm được chuyện này, thì cả hai chúng tôi đã trải qua nhiều sự tổn thương và thất vọng từ hai phía, chỉ vì là có những mong đợi sai lầm.
Chúa Giê-xu biết các môn đồ sẽ làm Ngài thất vọng, nên Ngài được chuẩn bị khi họ làm Ngài thất vọng và không bị tổn thương bởi những hành động của họ. Giu-đa phản bội Chúa Giê-xu, Phi-e-rơ chối Ngài, tất cả các môn đồ đều ngủ gục trong thời khắc quan trọng nhất của Ngài thay vì cầu nguyện với Ngài như Ngài đã yêu cầu, nhưng dẫu vậy Ngài vẫn yêu thương họ hoàn toàn. Ngài không có thái độ ngờ vực, cho rằng, “Các ngươi làm tổn thương Ta nên Ta sẽ không bao giờ tin tưởng các ngươi nữa.” Ngài không có những mong đợi sai trật.
Mong đợi người ta làm việc đúng và cố gắng không làm tổn thương chúng ta thì không có gì sai cả, nhưng cùng lúc chúng ta cũng không nên mong họ không bao giờ thất bại. Đơn giản con người là bất toàn.
Tôi đã phí nhiều năm tháng thất vọng và bực bội bởi vì những kế hoạch của tôi không diễn ra như tôi mong đợi, cho đến khi tôi học được rằng rất ít khi sự việc xảy ra chính xác như tôi muốn. Bây giờ thì tôi luôn dự tính cho những việc xảy ra mà không dự tính trước, và làm thế cho phép tôi giữ được lòng bình an. Hãy luôn nhớ rằng khôn ngoan thì luôn dự tính cho những chuyện bất ngờ xảy ra mỗi ngày.
Hãy Nhìn Mặt Tích Cực
Chúng ta đã nói về tất cả hạng người mà chúng ta không thể tin tưởng, nhưng còn những người đã chứng tỏ hết lần này tới lần khác rằng họ có thể đáng tin tưởng thì sao? Như đã nói, không ai là toàn hảo, nhưng trên đời này vẫn có một số người nổi bật, có sự liêm khiết và chân thật. Chúng ta có thể tin là họ giữ lời và không bao giờ chủ ý phá đổ lòng tin tưởng của chúng ta.
Tôi được đặc ân quen biết một số ít những người như thế và tôi biết ơn vì cớ họ. Khi tôi bị tổn thương và bị cám dỗ để có thái độ “mày không thể tin tưởng ai” len lỏi vào lòng tôi, thì tôi nhớ đến những con người ít ỏi đó, là những người tiếp tục mang lại niềm hy vọng cho tôi.
Tốt hơn hết là luôn nhìn mặt sáng, tích cực của mọi vấn đề thay vì nhìn mặt chua chát, tiêu cực. Một cái nhìn mang lại cho chúng ta bình an, còn cái nhìn kia cướp đi sự bình an, vậy tại sao không làm tất cả những gì bạn có thể để làm cho cuộc đời của bạn được tốt đẹp theo khả năng của bạn bằng cách nhìn mặt tích cực?
Sự Phân Biệt
Có một ân tứ của Thánh Linh được ban cho chúng ta được gọi là ơn phân biệt các linh (xem 1 Cô-rinh-tô 12:4-11). Đó là một ân tứ siêu nhiên từ Chúa, đôi khi cho phép chúng ta có khả năng phân biệt được ai xấu và ai tốt. Tôi thường cầu nguyện xin ân tứ phân biệt. Tôi biết Chúa có thể khiến tôi biết điều gì đó trục trặc về một ai đó mà về tự nhiên tôi không tài nào biết được.
Gần đây tôi có cảm nhận như thế về một người tôi vừa mới gặp. Mỗi lần tôi thấy họ là tôi nghĩ, Tôi không tin tưởng bạn. Lúc đầu tôi hành hại bản thân mình vì đã nghi ngờ và chỉ trích, nhưng sau đó hai người khác nhau đã kể cho tôi nghe vào hai dịp khác nhau rằng người mà tôi đang nói đến thực chất không như vẻ ngoài của họ. Họ thể hiện là người tin kính, tin tưởng mạnh mẽ về một đời sống tin kính, nhưng thật ra trong đời sống hàng ngày thì họ không như thế.
Gần đây tôi cũng trải qua một cảm giác đó là có điều gì đó không ổn với một nhân viên của mình. Tôi không biết đó là chuyện gì, nhưng tôi cảm thấy khó chịu khi ở với họ. Sau vài tháng, chúng tôi phát hiện người đó không thực hiện đúng chức năng công việc, họ đã che đậy một số chuyện mà đáng lẽ phải được phơi ra ánh sáng. Vì tôi đã cảm nhận có điều gì đó trục trặc, nên sự thất vọng tôi cảm nhận không lớn cho bằng việc tôi thất vọng do ngạc nhiên. Sự phân biệt có thể ngăn chặn chúng ta không giao du với những thành phần xấu, nó cũng giúp chúng ta chuẩn bị trước đối với những chuyện trước khi nó xảy ra.
Khi tôi có cảm giác có điều gì đó không đúng hay tôi không thoải mái với một người nào đó, tôi không bao giờ lệ thuộc vào cảm giác đó, vì tôi biết mình có thể sai và tôi không muốn phán xét ai hay đóng lòng mình với họ chỉ dựa vào một cảm nhận. Nhưng việc đó giúp tôi cẩn thận hơn và quan sát kỹ hơn. Tôi cầu nguyện rằng nếu có một vấn đề thì Chúa sẽ bày tỏ, và Ngài luôn luôn làm thế. Hãy cầu nguyện xin ơn phân biệt. Nó sẽ giữ bạn không bị lừa dối và bị tổn thương.
Một người thuộc linh thật sự là một người biết phân biệt:
“Một người thuộc linh có thể nhận biết mọi sự, còn chính người ấy, không ai có thể nhận biết chính xác được.” 1 Cô-rinh-tô 2:15.
Tin Cậy Đức Chúa Trời!
Dù không phải lúc nào chúng ta cũng tin tưởng con người, nhưng chúng ta có thể luôn luôn tin cậy Chúa! Cha thiên thượng của chúng ta đã chứng minh hết lần này tới lần khác rằng Ngài có thể đáng tin cậy khi chúng ta giao phó điều gì đó cho Ngài.
Tôi nhận thấy có những thắc mắc chúng ta sẽ cần nói đến, ví dụ: Nếu Chúa là tốt lành và Ngài tể trị, vậy thì tại sao Ngài không làm gì đó về những hoàn cảnh kinh khiếp trong cuộc đời của người ta? Làm sao chúng ta có thể tin tưởng một người có khả năng làm cho nỗi đau của chúng ta vơi đi nhưng lại không làm? Cha tôi, một người rất xấu xa, sống đến 83 tuổi, còn mới đây tôi dự đám tang của một tín hữu 37 tuổi, người vợ và mẹ của hai đứa con nhỏ. Tại sao người xấu đôi khi lại sống lâu còn người tốt thì chết trẻ?
Có một số câu trả lời, nhưng các câu trả lời của chúng ta có thể là không đủ để làm thỏa mãn mọi người. Khả năng của tôi có khiếm khuyết, dẫu vậy tôi sẽ cố gắng hết sức để nói về những chủ đề này ở phần sau của sách.
Nhưng một lần nữa, hãy để tôi nói rằng việc tin cậy Chúa luôn luôn cần có một số thắc mắc không được trả lời nhưng vẫn tin cậy Ngài. Một phần của việc tin cậy Chúa mà không có những giới hạn nghĩa là chúng ta không ngừng tin cậy Ngài khi chúng ta vẫn còn có những câu hỏi mà không có câu trả lời! Có thể chúng ta không biết câu trả lời, nhưng chúng ta có thể yên nghỉ trong đức tin rằng Chúa biết câu trả lời.
Tin cậy Chúa là một đặc ân, đó là một chọn lựa chúng ta có thể đưa ra nếu chúng ta chọn làm thế. Sau nhiều năm thắc mắc vô số điều, tôi quyết định tin cậy Chúa vì nếu không làm thế thì không có cách nào để tôi có thể hạnh phúc. Tôi tin Ngài xứng đáng để tôi tin cậy. Tôi đã trải qua những chuyện như đặt lòng tin tưởng việc gì đó hay tin ai đó và tôi phát hiện ra không ai mà không có những lỗi lầm để xứng đáng cho tôi tin tưởng hoàn toàn, thì lúc đó tôi tin tưởng Chúa. Tôi đã cố gắng tin cậy bản thân, và đó là một thảm họa vô cùng. Tôi đã cố gắng tin cậy người khác, và dù có một số người thật sự tốt, và tôi thấy bản chất con người là lầm lỗi. Không nên tin các nhà lãnh đạo, không nên tin thị trường chứng khoán và không nên tin các quỹ hưu trí. Sau khi cân nhắc những chọn lựa khác của mình thì tôi thấy Đức Chúa Trời vẫn trỗi vượt hơn hết - nên tôi tin cậy Đức Chúa Trời.
Thật lý thú là khi tôi viết dòng cuối cùng này, tôi cảm nhận một niềm vui bất tận trong tâm hồn tôi! Điều đó cho tôi biết rằng Chúa vui mừng khi tôi tin cậy Ngài. Ngài thích việc đó, vì Ngài sống trong dân sự Ngài nên khi Ngài vui mừng chúng ta cũng vui mừng.
Nếu bạn đã từng thắc mắc niềm vui của bạn đã đi đâu mất rồi thì hãy kiểm tra lại niềm tin của bạn. Phao-lô nói với người Rô-ma rằng niềm vui và bình an được tìm thấy trong niềm tin (xem Rô-ma 15:13). Tôi đã thử nghiệm nguyên tắc này trong đời sống mình và biết điều này đúng. Khi tôi tin cậy Chúa, tin Lời Ngài và những lời hứa của Ngài, tôi có sự bình an, sự vui mừng và tận hưởng cuộc sống. Nhưng khi tôi không tin cậy Ngài, tôi đầy nghi ngờ, sợ hãi, lo lắng và lo âu. Việc này gây ra nhiều căng thẳng và tôi mang một gánh nặng mà tôi không muốn mang.
Chúng ta chỉ có hai chọn lựa: tin cậy Chúa hoặc không tin cậy Ngài. Đây không phải việc chúng ta có thể làm nửa vời mà lại muốn hưởng đầy đủ lợi ích của nó! Nhưng như đã gợi ý trước đó, trên hết là hãy thành thật với Chúa. Đối với Chúa việc bạn giả vờ không đưa bạn đến đâu cả. Nếu bạn gặp khó khăn trong việc tin cậy Chúa nhưng bạn lại muốn tin cậy Ngài, thì hãy cầu nguyện lời này, “Lạy Cha, con tin Ngài giúp con học để tin cậy Ngài.” Chúa sẵn sàng gặp gỡ bạn ngay tại vị trí hiện tại của bạn và đưa bạn tới nơi bạn cần phải tới. Đó là tin tức tốt lành của Phúc Âm.
bottom of page