top of page

HungT
Feb 3, 2024
Thay đổi xảy ra liên tục trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta, và chống cự lại nó giống như cản lại sức gió khi gió cứ thổi...
Tin Cậy Chúa Trong Những Lúc Đổi Thay
Ai không thể thay đổi suy nghĩ của mình chẳng đổi thay được thứ gì. George Bernard Shaw
Nhiều...
...người không thích sự thay đổi và chống cự nó quyết liệt. Nhưng mọi thứ ở đời này luôn thay đổi dù chúng ta có muốn hay không, nên việc không chấp nhận thay đổi thì cũng vô ích. Điều chúng ta cần làm là thay đổi suy nghĩ của mình về sự đổi thay, bởi vì khi nó xảy ra thì cuộc đời sẽ dễ thở hơn. Chúng ta hãy xem một số người suy nghĩ gì về sự thay đổi và lý do tại sao.
Một số người khẳng định, “Tôi ghét sự thay đổi!” Có thể họ cảm thấy như thế vì họ không thích mất quyền kiểm soát hay vì họ bất an và sợ điều mới mẻ, hay thậm chí vì họ có thói quen suy nghĩ rằng họ không thích sự thay đổi. Những suy nghĩ kiểu đó có thể là thói quen mà chúng ta bị tiêm nhiễm từ những người đã ảnh hưởng chúng ta lúc còn nhỏ, hay nó là những đồn lũy mà Sa-tan đã xây dựng trong tâm trí chúng ta nhằm ngăn cản chúng ta không có sự sống tốt nhất mà Chúa Giê-xu muốn chúng ta có.
Thay đổi xảy ra liên tục trong mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta, và chống cự lại nó giống như cản lại sức gió khi gió cứ thổi. Tôi có một cháu gái rất giỏi lên kế hoạch, và bất cứ khi nào có một thay đổi gì trong kế hoạch mà cháu đã lên, thì rất khó để cho cháu điều chỉnh. Thậm chí làm thế khiến cháu lo lắng. Dù chúng ta có làm gì đi nữa cũng không ngăn cản sự thay đổi diễn ra trong một số hoàn cảnh. Có thể có một số thay đổi chúng ta có thể ngăn chặn, nhưng cũng có thể chúng ta đang ngăn cản điều tốt lành mà Chúa lên kế hoạch thực hiện! Chúng ta không thể đi từ chỗ hiện tại tới chỗ chúng ta muốn tới nếu không có sự thay đổi. Cứ làm điều bạn luôn làm thì không thể nào thay đổi kết quả. Một số người muốn có kết quả khác với những gì họ đang kinh nghiệm nhưng lại kịch liệt chống lại sự thay đổi.
Thay Đổi Tư Duy Về Sự Thay Đổi
Nếu bạn không thích sự thay đổi, hãy tự hỏi tại sao. Có thể bạn sẽ thấy chính bạn cũng không hiểu lý luận đằng sau thái độ của bạn, và bạn thấy chỉ cần thay đổi suy nghĩ bạn sẽ có một cái nhìn hoàn toàn mới sự về sự thay đổi.
Đây là một số lối suy nghĩ tai hại về sự thay đổi mà chúng ta hay nghĩ đến và những lối suy nghĩ này thường khiến chúng ta đau khổ.
• Tôi ghét sự thay đổi.
• Tôi sợ thay đổi.
• Tôi không thích sự thay đổi.
• Tôi thích kiểm soát những gì xảy ra trong cuộc đời tôi.
• Tôi thích mọi thứ ngay hiện tại, và tôi không thay đổi gì cả.
Đây là một số lối suy nghĩ gây dựng về sự thay đổi mà chúng ta nên nghĩ tới và những lối suy nghĩ đó sẽ giúp chúng ta vui vẻ điều chỉnh theo sự thay đổi.
• Tôi thích sự thay đổi.
• Tôi tin những thay đổi trong đời sống tôi sẽ làm cho mọi chuyện sẽ tốt hơn.
• Tôi phấn khích nhìn thấy kết quả của sự thay đổi này.
• Tôi muốn sống hết khả năng của mình, và tôi biết sự thay đổi là một phần của tiến trình đó.
• Tôi muốn đến nơi Chúa muốn tôi đến và điều đó có thể đòi hỏi sự thay đổi.
Tất cả chúng ta có thể đổi mới tâm trí của mình bằng cách chọn nghĩ những tư tưởng phù hợp với Lời Chúa và ý muốn Chúa. Chúa nói rõ trong Kinh Thánh là Ngài không thay đổi, còn mọi điều khác phải thay đổi (xem Ma-la-chi 3:6; Hê-bơ-rơ 12:27).
Khi điều gì đó thay đổi, việc này không nhất thiết có nghĩa những gì đã làm trước đó là sai trật, mà có nghĩa là điều gì đó tốt đẹp hơn đang đến! Gần đây một nhân viên thôi khỏi vị trí của mình, chỉ báo trước cho chúng tôi hai tuần và chúng tôi không có ai để thay thế. Công việc của anh ta rất quan trọng và không dễ tìm người thay thế. Tôi có thể cảm thấy căng thẳng, nhưng tôi tiếp tục tin cậy Chúa cung ứng và giúp chúng tôi vươn lên hơn nữa qua sự thay đổi này - làm cho lề lối làm việc sẽ tốt hơn cách thức cũ.
Hóa ra là chúng tôi không cần phải thay thế nhân viên ấy vì hai nhân viên trong nhóm của anh ta đã xung phong và nói, “Chúng tôi tin mình có thể đảm nhận thêm trách nhiệm và làm việc với lượng nhân sự ít hơn trước.” Kết quả thật kỳ diệu, chúng tôi quá vui với sự thay đổi này. Vì thế vấn đề mà lúc đầu chúng tôi chống cự và không thích lại trở thành một nguồn phước lớn lao hơn là chúng tôi mong đợi.
Mọi sự đều có thời và kỳ, và mọi sự điều tốt đẹp trong thời điểm của nó (xem Đa-ni-ên 2:21; Truyền-đạo 3:1,11). Trong Kinh Thánh, chúng ta thấy chừng nào quả đất còn, thì mùa màng vẫn còn (xem Sáng-thế 8:22). Hết mùa đông rồi sang mùa xuân, và hết xuân thì đến hạ và hết hạ thì đến thu, và rồi đến đông. Nhiệt độ, vận tốc gió và độ ẩm thay đổi mỗi ngày. Chúng ta mong có sự thay đổi về thời tiết, nhưng chúng ta cũng nên mong có sự thay đổi trong các lĩnh vực khác của cuộc sống, vì sự đời luôn xảy ra. Chúng ta thay đổi trong nhiều cách lắm khi chúng ta già đi. Những người quanh chúng ta thay đổi, cam kết của họ cũng đổi thay, và khi mọi thứ thay đổi trong cuộc đời của họ, có thể cũng cần những thay đổi trong mối quan hệ của chúng ta với họ.
Khi con cái chúng ta trưởng thành và sống riêng, mối quan hệ của chúng ta với chúng sẽ thay đổi, nhưng chúng nó không nhất thiết sống dưới mức mà chúng ta mong đợi; chúng chỉ cần đổi khác và có thể trở nên tốt hơn.
Ngày nọ con gái tôi ghé nhà tôi đưa một ít đồ rồi đi, và lúc đó tôi đang ở trong tâm trạng muốn có ai đó nói chuyện cho vui, nên khi cháu bắt đầu đi sau khi đến được vài phút, tôi nói, “Sao con lại vội thế, vào đây chơi một chút đi.” Cháu trả lời, “Mẹ ơi, con có gia đình ở nhà và con muốn về.” Tôi bắt đầu bị kéo vào cái cảm giác bị tổn thương, nhưng tôi đã xin Chúa giúp. Tôi nhận ra con bé có nhiều trách nhiệm khác trong cuộc sống, ngoài việc đi thăm tôi. Và tôi không nên làm khó nó qua việc bị chạm tự ái. Tôi thật sự muốn cháu được tự do sống cuộc đời của mình theo cách mà cháu cần mà không có bất cứ áp lực nào từ tôi. Cháu dành nhiều thời gian với tôi và làm nhiều thứ cho tôi rồi. Cho nên đối với tôi, đặt áp lực lên cháu trong những lúc cháu bận rộn với gia đình cháu là một việc ích kỷ, và có khả năng làm tổn hại mối quan hệ của chúng tôi. Chúng ta phải để con cái của mình lớn lên và có quyết định riêng. Dù có thể chúng ta không thích tất cả lựa chọn của chúng, nhưng chúng được phép quyết định và chúng ta nên tôn trọng việc đó.
Thường thì nhiều người lớn vô cùng đau khổ sau khi con cái họ dọn ra sống riêng. Chuyện này đặc biệt khó cho các bà mẹ. Người mẹ đã để cả đời yêu thương và chăm sóc con mình, có lẽ hy sinh cả đời cho con, và giờ đây các con mình ra sống cuộc sống riêng, và người mẹ cố mày mò tìm hướng đi mới. Một phản ứng mà người mẹ lộ ra đó là cứ gây áp lực để con cái dành thời gian với mình và thế là làm hỏng mối quan hệ của mẹ với con, hay đặt con mình vào chỗ mà con cái cảm nhận bị thao túng, đến độ con cái buộc phải làm cho mẹ mình không xuất phát từ tấm lòng mà vì bổn phận và trách nhiệm mà thôi. Phản ứng hay hơn là để cho con cái tự do, phát triển mối quan hệ mới với các con, chủ yếu dựa vào tình bạn hơn là sự ràng buộc mẹ/ con nữa. Sau khi chấp nhận rằng mọi thứ đều thay đổi và bắt đầu suy nghĩ theo cách mới, người mẹ sẽ thấy Chúa không bao giờ đóng cánh cửa này mà không mở cánh cửa khác - cánh cửa thích hợp nhất vào đúng thời điểm đó chính là cánh cửa sau.
Một phụ nữ mà tôi biết mới đây có nói, “Đứa con mà tôi nghĩ sẽ không làm tôi đau lòng thì nó lại làm, còn đứa con mà tôi nghĩ sẽ làm tôi đau lòng thì nó lại không làm!” Người ta không phải lúc nào cũng làm điều chúng ta nghĩ họ sẽ làm, khi chuyện đó xảy ra, thì đây là thời điểm hay nhất trong đời để chúng ta tin cậy Chúa. Người ta có thể thay đổi theo cách mà gây khó khăn cho chúng ta, nhưng ngay cả những lúc như thế này cũng có thể thành ra ích lợi nếu chúng ta giữ thái độ tích cực và tiếp tục tin cậy Chúa. Thật sự, tin cậy Chúa là chìa khóa vạn năng. Nó cho phép chúng ta bước vào sự an nghỉ của Chúa và duy trì sự bình an trong những lúc đổi thay trong đời.
Chúa biết mọi sự xảy ra trong quá khứ, mọi việc đang xảy ra ngay hiện tại và mọi chuyện sẽ xảy ra trong tương lai. Chúa kiểm soát tất cả những sự đó, nên Ngài không lo lắng hay mất kiên nhẫn. Sự thiếu kiên nhẫn và lo lắng của chúng ta xuất phát từ sự thật rằng chúng ta không biết nhiều thứ mà chúng ta muốn biết, đặc biệt trong những lúc thay đổi, và chuyện đó làm cho chúng ta cảm thấy khó chịu. Dĩ nhiên, Chúa có thể bày tỏ mọi sự sẽ xảy ra trong tương lai và cho chúng ta biết những đổi thay trong cuộc đời chúng ta sẽ ra thế nào, nhưng Ngài không làm thế.
Đó là vì Ngài mong chúng ta tin cậy Ngài. Được tin cậy Ngài là đặc ân của chúng ta!
Khi chúng ta có những sự thay đổi bất ngờ trong cuộc sống, hoặc thậm chí là những thay đổi đã được lên kế hoạch, chuyện này thường để lại cho chúng ta nhiều câu hỏi mà chỉ có Chúa mới có câu trả lời. Tất nhiên, chúng ta muốn biết toàn bộ kế hoạch cho cuộc đời chúng ta ngay bây giờ, nhưng tôi tin rằng nếu chúng ta đã biết mọi điều sẽ xảy ra trong tương lai thì cuộc đời hoặc là nhàm chán khi chúng ta sống hết ngày này qua ngày khác hoặc là cuộc đời đáng sợ hơn là không biết gì.
Chúa là tốt lành, và rõ ràng rằng nếu biết những gì sẽ xảy ra trước khi nó xảy ra là điều tốt hơn cho chúng ta, thì Chúa sẽ sắp xếp mọi sự diễn ra theo cách đó. Nếu Ngài không làm điều đó, thì chúng ta có thể giả định rằng chờ đợi và ngạc nhiên là điều tốt hơn cho chúng ta. Tin cậy Chúa có nghĩa chúng ta tin đường lối của Ngài. Chúng ta không chỉ tin cậy Ngài ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, chúng ta cũng phải tin cậy Ngài ban điều tốt nhất của Ngài trong cuộc đời chúng ta, và việc đó bao gồm cả thời điểm của Ngài và sự đối xử của Ngài với chúng ta.
Nếu bạn là người không thích sự thay đổi, tôi khuyên bạn hãy thay đổi suy nghĩ của mình về sự thay đổi, vì làm thế thường mang lại những điều tích cực trong cuộc đời chúng ta.
Khe Suối Cạn
Có thể chúng ta thích cuộc sống hiện tại của mình như vậy, nhưng chuyện gì xảy ra nếu Chúa quyết định này là lúc phải thay đổi? Và chuyện gì xảy ra nếu nơi mà Ngài dẫn dắt chúng ta dường như không tốt bằng nơi hiện tại của chúng ta? Điều đó có vẻ xảy ra với Ê-li, nhưng Kinh Thánh không nói ông không thích hay phàn nàn về điều đó.
Ê-li sống trong thời điểm hạn hán khủng khiếp, nhưng Chúa chăm sóc ông cách kỳ diệu. Ông sống cạnh một con suối và những con quạ đem thức ăn tới cho ông mỗi ngày. Nhưng rồi con suối cạn nước (xem Các-vua 17:7). Sau đó Chúa bảo Ê-li tới một thị trấn khác, tại đó một góa bụa sẽ chăm sóc ông. Khi tới nơi, ông phát hiện người đàn bà chỉ còn bữa ăn cuối cùng, bà định ăn xong rồi hai mẹ con sẽ chết. Nếu bạn hỏi tôi thì đây đúng là một hoàn cảnh ảm đạm, chẳng có gì để mà vui vẻ. Nhưng như tôi đã nói, Kinh Thánh không nói Ê-li phàn nàn. Ông bảo người đàn bà nếu cho ông ăn trước thì nguồn thức ăn sẽ không hết trong suốt cơn hạn hán. Cô làm theo lời ông và đúng là họ đã có dư dật thức ăn (xem 1 Các-vua 17:8-16).
Sự thay đổi này trong cuộc đời của Ê-li không nhất thiết là sự thay đổi có lợi cho ông, nhưng có lợi cho người góa bụa. Có những lúc trong cuộc đời tôi cũng như cuộc đời bạn cũng sẽ có những lúc như thế, khi Chúa thay đổi một việc gì đó trong đời sống chúng ta để giúp đỡ người khác. Có thể sự thay đổi dường như không giúp ích gì cho chúng ta, hoặc ngay cả chúng ta tiến một bước nhưng lại lùi hai bước trong một thời gian, nhưng Ngài đang dùng chúng ta làm tác nhân của Ngài đem đến sự thay đổi trong cuộc sống của người khác. Khi chúng ta đã hoàn tất nhiệm vụ của mình, chúng ta có thể tin cậy là Ngài sẽ cất nhắc chúng ta vào vị trí tốt hơn vị trí mà chúng ta đã để lại phía sau.
Tôi chắc chắn Chúa Giê-xu thích ở với Cha Ngài ở thiên đàng trước khi đến trên đất để trả giá cho tội lỗi chúng ta hơn là lúc Ngài treo trên thập tự, chịu khổ và chết cho chúng ta. Dẫu vậy, Ngài vui mừng chấp nhận nhiệm vụ này vì những điều tốt đẹp sẽ được thực hiện cho người khác. Nếu chúng ta muốn Chúa sử dụng, có thể hết lần này tới lần khác chúng ta cần có những sự thay đổi mà chúng ta không quan tâm.
Nếu “khe nước” của bạn cạn khô thì đừng quá lo lắng. Tôi có thể chắc chắn là Chúa có một kế hoạch mới. Chẳng hạn, nếu một người mất việc vì công ty cắt giảm biên chế mà anh ta không mong đợi, anh ta có thể cảm thấy hoảng sợ bởi sự thay đổi ập đến anh ta. Chuyện này có thể hiểu được, nhưng tiếp tục tin cậy Chúa trong suốt thời điểm thay đổi này là chìa khóa để để sự thay đổi đó đẩy anh ta thăng tiến.
Tin cậy Chúa trong bất kỳ hoàn cảnh nào là yếu tố chính để học sống một cuộc đời bình an, vui mừng và đắc thắng.
Chờ Đến Khi Giông Bão Qua Đi
Hơn ba mươi năm trước, tôi bỏ một vị trí chức vụ trong một hội thánh địa phương để đi theo điều mà tôi tin là sự dẫn dắt của Chúa. Tôi có những cơ hội mục vụ tốt trong hội thánh, nhưng tôi cảm nhận tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn trong một hoàn cảnh khác. Suốt một thời gian, dường như sự thay đổi mà tôi chọn không kết quả như điều mà tôi đã bỏ lại phía sau. Thật ra, hoàn cảnh cứ như thể là tôi đã đi thụt lùi, chứ không phải tiến lên.
Cuối cùng mọi chuyện đã thay đổi, chứng tỏ rằng tôi đã quyết định đúng, nhưng mất nhiều thời gian hơn tôi tưởng. Nếu bạn đang ở trong thời kỳ thay đổi và dường như mọi sự không có kết quả, hãy cứ kiên nhẫn và tiếp tục trung tín làm những gì bạn cảm nhận Chúa dẫn dắt bạn làm. Thật là xấu hổ nếu bạn bỏ cuộc ngay trước khi bạn kinh nghiệm sự đột phá. Hãy nghĩ về chuyện đó theo cách này: Khi bên ngoài có mưa bão, chúng ta thường ở trong nhà và chờ cho đến cơn bão qua đi trước khi tiếp tục kế hoạch của mình.
Một số thay đổi trong cuộc đời chúng ta giống như những cơn giông bão. Nó đến đột ngột, và bất ngờ và có thể ngăn cản chúng ta không làm điều chúng ta đã lên kế hoạch. Không phải giông bão nào cũng được dự báo đâu! Cảm xúc sẽ bùng phát trong những lúc thay đổi, và chúng ta cần chờ cho nó dịu xuống trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Tôi nghĩ rằng khôn ngoan là không quyết định trong lúc cảm xúc hồi trồi hồi trụt. Chúng ta cần thời gian để điều chỉnh theo những sự thay đổi, cần thời gian để suy nghĩ, và cần thời gian để nghe tiếng Chúa. Trước khi bạn đưa ra bất kỳ quyết định quan trọng nào trong thời điểm thay đổi, tôi hết sức khuyên bạn hãy chờ đợi. Hãy để cho bạn một thời gian để làm quen với cách làm việc mới, hay trách nhiệm mới hay những con người mới trong cuộc đời của bạn. Trong lúc chờ đợi, hãy suy nghĩ về hướng đi tích cực. Hãy tin là điều tốt đẹp sẽ xảy ra, và duy trì thái độ tích cực!
Mọi thứ đều sẽ đâu vào đó trong đời sống chúng ta nếu chúng ta cho nó có thời gian. Tôi nhớ một lần khi một số lãnh đạo chủ chốt của chúng tôi trong chức vụ muốn có một sự thay đổi, nhưng tôi thì không phấn khởi lắm, nhưng tôi đã quyết định đồng ý, xuất phát từ sự tôn trọng họ. Tôi thật sự không thích thay đổi đó một thời gian, và thi thoảng tôi đã phải chống cự lại những cảm giác tiêu cực và chỉ trích mà tôi biết là Chúa không ủng hộ. Phải mất vài tháng tôi mới quen với sự thay đổi đó. Tôi đã có thể làm theo cảm giác của mình và nằng nặc đòi bỏ sự thay đổi chỉ vì tôi không thích nó, và tôi có quyền để làm việc đó. Nhưng sâu thẳm bên trong, tôi biết đó không phải là con đường để thăng tiến, nên tôi đã chờ đợi! Giông bão bên trong tôi cũng hết, và mọi thứ trở lại yên bình! Hóa ra những sự thay đổi này lại rất tốt, và rốt cuộc tôi rất vui mừng vì tôi đã làm theo lời khuyên của các đồng nghiệp.
Có thể bạn không thích một sự thay đổi tại công sở mà bạn không thể làm gì được, hoặc một số thay đổi trong hoàn cảnh nào đó hay ai đó trong cuộc đời của bạn. Nhưng nếu bạn quyết định khai thác tối đa sự thay đổi, cuối cùng bạn sẽ thấy hoàn cảnh mới là tốt hơn.
Mới đây tôi đi cắt mái tóc của tôi cho nó ngắn hơn trước, và lúc đầu tôi không thích chuyện này, nhưng giờ tôi lại thích. Tôi nghĩ tóc ngắn làm cho tôi trông trẻ hơn và cũng dễ gội đầu hơn! Chồng tôi là Dave đã để râu suốt bốn mươi năm, rồi một ngày nọ anh ra khỏi nhà tắm và cạo sạch hết. Đối với tôi như thể là chồng tôi không có môi nữa, và tôi không thích chuyện này một thời gian dài. Nhưng giờ thì tôi thích và nghĩ rằng anh trông trẻ hơn và tôi không muốn anh để râu nữa. - Ý mà tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần có thời gian cho mọi việc và khi chúng ta làm thế, chúng ta thường sẽ thích nghi và thật sự thích những đổi thay trong đời.
bottom of page