top of page

HungT
Feb 5, 2024
Thái độ và suy nghĩ của bạn thuộc về bạn, và không ai có thể bắt bạn phải có những thái độ và suy nghĩ tồi nếu bạn không muốn!...
Trong Phòng Chờ Của Chúa
(Phần 2)
“Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va; Hãy vững lòng bền chí! Phải, hãy trông đợi Đức Giê-hô-va.” Thi-thiên 27:14
Việc...
...hiểu sai ý nghĩa thật sự của việc chờ đợi Chúa rất là phổ biến. Có thể chúng ta xem thời gian chờ đợi là thời gian thụ động không phải chủ động khi mà đời sống chúng ta gặp khó khăn. Phần lớn chúng ta sẽ thấy không làm gì cả là không thể chấp nhận và nếu chúng ta xem việc chờ đợi Chúa là điều gì đó không ổn, chúng ta sẽ thấy rằng việc hiểu sai sẽ khiến chúng ta thụ động trong khi đó nó có tác dụng thật sự.
Nghiên cứu chuyên sâu nguyên nghĩa của chữ “chờ đợi” sẽ cho thấy việc chờ đợi nơi Chúa thật ra rất là năng động về phương diện thuộc linh. Dù Chúa bảo chúng ta hãy yên lặng khi chúng ta cố gắng thay đổi hoàn cảnh của mình, nhưng Ngài không bảo chúng ta đừng làm gì cả. Ngài muốn chúng ta có thái độ mong đợi về những gì Ngài sắp làm, và Ngài muốn chúng ta hãy hy vọng và mong đợi Ngài làm một công việc lạ lùng trong đời sống chúng ta. Ngài muốn chúng ta cảm ơn Ngài về những gì Ngài đang làm ngay trước khi chúng ta thấy bằng con mắt trần.
Suy nghĩ và thái độ của chúng ta có thể giữ cho chúng ta vui mừng trong lúc chúng ta đang ở trong phòng chờ của Chúa, nếu chúng ta cư xử phải đạo. Hãy xem hai kiểu suy nghĩ này và xem thử kiểu nào mà bạn nghĩ là sẽ mang lại niềm vui:
Có một lối suy nghĩ này:
• Tôi đã chờ quá lâu, tôi không nghĩ mình có thể chờ lâu hơn nữa.
• Chẳng có gì xảy ra cả!
• Tôi cảm thấy Chúa đã quên tôi.
• Tôi sợ không có câu giải đáp cho nan đề của tôi.
• Có lẽ tôi sẽ bỏ cuộc.
Và cũng có lối suy nghĩ:
• Tôi phấn khởi nhìn những việc mà Chúa sẽ làm.
• Tôi tin Chúa đang làm việc dù tôi chưa thấy sự thay đổi.
• Chúa yêu tôi và tôi biết Ngài sẽ lo cho nan đề của tôi.
• Thi-thiên 139 nói lúc nào Chúa cũng nghĩ về tôi, nên tôi biết Ngài chẳng quên tôi bao giờ.
• Tôi sẽ không sống trong sợ hãi và sẽ không bao giờ bỏ cuộc!
Rõ ràng kiểu suy nghĩ nào sẽ mang lại nhiều niềm vui nhất. Nếu thế thì tại sao chúng ta có xu hướng nghiêng về lối suy nghĩ và thái độ tiêu cực? Sứ đồ Phao-lô nói trong Rô-ma 8:6 rằng tâm trí xác thịt là “sự khôn ngoan và lý luận mà không có Đức Thánh Linh” và nó dựa trên lý luận và lôgic nên dẫn tới tội lỗi; vì thế, nếu chúng ta làm theo tâm trí xác thịt, chúng ta không có chọn lựa ngoài việc phải quyết định dựa trên những chuyện xảy ra trong hoàn cảnh của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ bằng tâm trí của Thánh Linh, cũng được nói đến trong câu Kinh Thánh này, chúng ta được hứa ban sự sống và bình an trong tâm hồn. Có được tâm trí của Thánh Linh, chúng ta có thể suy nghĩ như Chúa nghĩ, và suy nghĩ của chúng ta sẽ đầy ắp hy vọng cho dù hoàn cảnh có ra thế nào đi chăng nữa.
Bạn Đang Nhìn Điều Gì?
Chúng ta có thể suy nghĩ bằng tâm trí xác thịt hoặc bằng tâm trí của Thánh Linh, chọn lựa là của chúng ta. Nhưng buồn thay, nhiều người sống cả đời chỉ suy nghĩ đến bất cứ điều gì mà rót vào tâm trí của họ, mà không hề nhận ra rằng kẻ thù của họ là sa-tan là căn nguyên của tất cả lối suy nghĩ tiêu cực, thất vọng, sợ hãi và đầy nghi ngờ. Họ không hề nhận ra rằng họ có thể tự suy nghĩ nếu họ chọn bằng cách phá đổ những ý nghĩ sai lầm, không phù hợp với Lời Chúa và thay thế nó bằng lối suy nghĩ phù hợp với Lời Chúa.
Trong 2 Cô-rinh-tô 4, Phao-lô mô tả có lúc ông và những tín hữu khác trong Chúa trải qua những hoàn cảnh rất khó khăn. Ông nói với họ, “Chúng tôi bị ép đủ cách, nhưng không đến cùng; bị túng thế, nhưng không ngã lòng; bị bắt bớ, nhưng không đến bỏ; bị đánh đập, nhưng không đến chết mất.” (4:8- 9). Ông cũng nói cho chúng ta biết lý do:
“…Bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy.” 2 Cô-rinh-tô 4:18
Phao-lô và các tín hữu biết là họ đã gặp những nghịch cảnh, và tôi chắc chắn là họ đã nhìn thấy vấn đề, nhưng họ cũng nhìn vào một điều khác nữa. Họ thấy Chúa Giê-xu và lời hứa về sự giải cứu và chiến thắng của Ngài. Họ không chỉ nhìn bằng con mắt trần, mà bằng con mắt thuộc linh. Họ nhìn sự việc không phải bằng con mắt trần mà bằng con mắt lòng, nhưng họ tin những thứ này rất là thực hữu.
Chúng ta tin nơi Chúa, dù chúng ta không thể thấy Ngài bằng con mắt trần. Khi chúng ta tin có các thiên sứ, tin có trọng lực. Vào những ngày trời mây mù thì chúng ta không thể nhìn thấy gì cả, nhưng chúng ta tin là mặt trời sẽ mọc lên. Thật ra, có nhiều điều chúng ta tin cách mạnh mẽ cho dù chúng ta không nhìn thấy, vậy tại sao lại không thể tin là Chúa đang làm việc trong lúc chúng ta chờ đợi dù chúng ta chưa thấy một bằng cớ nào hết? Đơn giản là chúng ta chưa huấn luyện bản thân để làm việc đó, nhưng tình trạng này có thể thay đổi.
Sự sống thật của chúng ta đang ở trong chúng ta. Những gì xảy ra bên trong chúng ta (suy nghĩ và thái độ của chúng ta) quan trọng hơn hoàn cảnh của chúng ta. Hoàn cảnh xung quanh chúng ta có khó khăn thế nào đi nữa, nếu chúng ta giữ thái độ tốt và duy trì suy nghĩ tích cực dựa trên Lời Chúa, chúng ta có thể kinh nghiệm bình an và vui mừng. Tôi tin một người bị giam trong tù nhưng học để suy nghĩ tích cực và có một thái độ tốt sẽ được tự do hơn là một người sống bên ngoài xã hội nhưng đầy hận thù, cay đắng và thái độ tiêu cực. Một người có thể cải thiện chất lượng cuộc sống ngay lập tức bằng cách suy nghĩ về những điều tốt đẹp và duy trì thái độ hy vọng.
Chúng ta có thể có những cơ hội tốt, có nhiều tiền, có công việc lương hậu, có gia đình hạnh phúc, nhưng vẫn có một cuộc đời bất hạnh nếu chúng ta không biết ơn, sống ích kỷ và có lẽ hay nỗi giận với những ai làm phật lòng chúng ta. Nhưng chúng ta cũng có thể gặp những nghịch cảnh, sống một mình, và chỉ đủ tiền sống qua ngày, nhưng vẫn có bình an và niềm vui nếu chúng ta sống biết ơn và dành thời gian chúc phước cho người khác. Thái độ và suy nghĩ của bạn thuộc về bạn, và không ai có thể bắt bạn phải có những thái độ và suy nghĩ tồi nếu bạn không muốn!
Không có bằng cớ nào trong Kinh Thánh cho thấy Giô-sép có thái độ nào khác hơn là thái độ tích cực và hy vọng trong suốt mười ba năm chờ đợi Chúa giải cứu. Ông có ước mơ cho cuộc đời của mình và ông không từ bỏ nó cho dù trong hoàn cảnh của ông không có điều nào cho thấy giấc mơ ấy sẽ thành hiện thực (bạn có thể đọc câu chuyện của Giô-sép trong Sáng-thế 37-50).
Áp-ra-ham đã chờ hai mươi năm để nhìn thấy sự ứng nghiệm lời hứa Chúa ban, rằng ông sẽ có một đứa con. Hai mươi năm là quãng thời gian dài trong phòng chờ của Chúa.
Tôi chắc ông có nhiều cơ hội để bỏ cuộc, nhưng chúng ta thấy trong Kinh Thánh dù ông không có lý do để hy vọng nhưng ông đã hy vọng trong đức tin rằng ước mơ của ông sẽ thành hiện thực và ông sẽ nhìn thấy sự ứng nghiệm lời hứa của Chúa. Dù ông thấy cơ thể mình bất lực và sự son sẻ của dạ Sa-ra, nhưng không có sự vô tín hay nghi ngờ nào khiến ông lung lay niềm tin vào lời hứa của Chúa. Ông trở nên mạnh mẽ khi ông dâng Chúa lời ngợi khen và tôn vinh. Ngợi khen là kể lại sự tốt lành của Chúa, nên chắc chắn là Áp-ra-ham đã suy nghĩ về những việc Chúa đã làm cho ông suốt cả cuộc đời. Chắc chắn ông đã xem xét và suy nghĩ về tất cả những công việc vĩ đại mà Chúa đã làm trong quá khứ. Ông chọn nhớ đến và suy nghĩ về những việc tốt lành, chính hành động này giữ ông mạnh mẽ trong lúc ông ở trong phòng chờ của Chúa (xem Rô-ma 4:18-21).
Bạn có đang ở trong phòng chờ của Chúa ngay bây giờ không? Bạn đã ở đó lâu chưa? Có lâu hơn là bạn nghĩ không? Bạn chờ đợi có vui vẻ không? Suy nghĩ và thái độ của bạn như thế nào? Tôi khuyên bạn hãy chọn những suy nghĩ và thái độ giúp tiếp sức cho bạn khả năng chờ đợi kiên nhẫn nơi Chúa, là Đấng làm cho mọi sự được tốt đẹp.
Chờ Đợi Với Hy Vọng
Thật cảm tạ Chúa, hy vọng không phải là điều gì chúng ta phải chờ đợi để cảm nhận thì mới có. Đó là điều chúng ta có thể quyết định cho dù hoàn cảnh có khó khăn thế nào đi nữa. Chúa hứa nếu chúng ta trở thành “tù nhân của hy vọng,” thì Ngài sẽ phục hồi gấp đôi các phước hạnh trước đây của chúng ta. (Xem Xa-cha-ri 9:12). Nói cách khác, nếu bạn sẵn lòng để cho hy vọng khóa chặt bạn tới mức bạn tràn đầy hy vọng đến nỗi cho dù chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn sẽ không thể ngừng hy vọng. Lúc đó Chúa sẽ phục hồi bất cứ thứ gì bạn đã mất trong cuộc đời và ban cho bạn phước hạnh gấp đôi.
Hy vọng không chỉ là ước ao việc nào đó trở nên tốt lành; nó là nguồn sức mạnh mang lại những đột phá khi chúng ta hết lòng bám lấy nó. Trong lúc chờ đợi thì một trong những điều ích lợi nhất chúng ta có thể làm để khiến cho chúng ta mạnh mẽ trong đức tin và tràn đầy hy vọng đó là hãy nhiệt thành nghiên cứu và suy ngẫm Lời Chúa (các lời hứa của Ngài). Lời Chúa vốn có sẵn quyền năng trong đó để khích lệ và thêm sức cho ai đặt hy vọng nơi Ngài.
Tác giả Thi-thiên Đa-vít cũng đã chờ đợi hai mươi năm để thấy lời hứa Chúa ban cho ông trở thành hiện thực. Ông đã nói:
“Tôi trông đợi Đức Giê-hô-va, linh hồn tôi trông đợi Ngài; Tôi trông cậy lời của Ngài.” Thi-thiên 130:5
Hy vọng cần phải có cơ sở. Hy vọng cần phải có một lí do, và Đa-vít nói lý do của ông là Lời Chúa. Đa-vít đặt lòng tin cậy vào sự thành tín của Chúa để làm ứng nghiệm Lời của Ngài.
Tại sao việc học và suy ngẫm Lời Chúa lại ích lợi như thế? Đó là hạt giống, và hạt giống luôn sản sinh tùy theo loại. Khi Lời được gieo vào trong lòng, tức mảnh đất màu mỡ (nhu mì và dịu dàng), thì nó không thể làm gì khác hơn ngoài việc sản sinh một mùa gặt. Chúng ta thấy nguyên tắc này xuyên suốt Lời Chúa, nhưng Mác 4 giúp chúng ta hiểu biết lẽ thật này. Chương này nói về hạt giống như sau:
“Nhưng, những người chịu giống gieo vào nơi đất tốt, là kẻ nghe đạo, chịu lấy và kết quả, một hột ra ba chục, hột khác sáu chục, hột khác một trăm.” Mác 4:20
Tôi hết sức khuyên bạn hãy đọc, hãy nghiên cứu, hãy lắng nghe và suy ngẫm Lời Chúa càng thường xuyên càng tốt, và hãy làm việc này với tấm lòng tin cậy, tấm lòng nhu mì (dịu dàng và nhân từ). Gia-cơ nói khi Lời Chúa được “trồng và đâm rễ” trong lòng chúng ta, nó có quyền năng để cứu tâm hồn chúng ta (xem Gia-cơ 1:21). Lời Chúa thay đổi chúng ta và ban năng lực để chúng ta trở thành người Chúa muốn chúng ta trở thành và làm điều Ngài muốn chúng ta làm. Khi chúng ta ở trong phòng chờ của Ngài, Ngài không muốn chúng ta bỏ cuộc, và Lời Ngài ban cho bạn năng quyền để đứng vững vàng cho đến thời điểm định sẵn của Ngài đến để bạn kinh nghiệm sự đột phá.
Hãy đặt hy vọng nơi Chúa và Lời Ngài! Hãy mong đợi nghe tin tức tốt lành bất cứ lúc nào! Khi chúng ta sống với hy vọng, chúng ta sẽ thấy sự giải cứu khỏi những nan đề, và chúng ta có thể tận hưởng cuộc hành trình.
Vâng Lời Trong Lúc Chờ!
“Hãy trông đợi Đức Giê-hô-va, và giữ theo đường Ngài, thì Ngài sẽ nâng ngươi lên để nhận được đất! Khi kẻ ác bị diệt đi, thì ngươi sẽ thấy điều ấy.” Thi-thiên 37:34
Chờ đợi với hy vọng là một khía cạnh để nhìn thấy được sự chiến thắng trong đời sống chúng ta, nhưng việc chờ đợi và giữ các đường lối Ngài là một khía cạnh khác cần phải được xem xét. Hy vọng là tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc vâng lời, nhưng chúng ta cũng phải nhận ra rằng việc chờ đợi trong những thời điểm thuận lợi cũng là khó khăn lắm rồi, nhưng việc chờ đợi sẽ càng khó khăn hơn khi chúng ta ở trong phòng chờ của Chúa, chịu đựng những hoàn cảnh khó khăn và chúng ta chưa thấy bất kỳ sự thay đổi nào trong một thời gian dài. Trong suốt những thời gian này, không phải lúc nào chúng ta cũng cảm thấy thích làm những việc đúng - thích tử tế và yêu thương người khác, phục vụ hay dâng hiến đâu.
Việc bày tỏ bông trái của Thánh Linh lại càng khó hơn nhiều khi chúng ta có sự căng thẳng và áp lực trong cuộc sống. Muốn cầu nguyện hay học Lời Chúa lại càng khó khăn hơn; tuy nhiên, đó là những thời điểm quan trọng nhất. Làm điều đúng trong khi điều đúng chưa xảy ra với chúng ta là một trong những điều quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm. Phao-lô bảo chúng ta đừng mệt mỏi khi làm việc đúng, vì khi đến kỳ chúng ta sẽ gặt nếu chúng ta không mệt nhọc (xem Ga-la-ti 6:9). Tôi muốn dành thời gian khích lệ bạn cứ tiếp tục làm điều đúng trong lúc chờ trong phòng chờ của Chúa! Hãy làm điều đó vì bạn yêu mến Ngài và vì bạn trân trọng mọi điều Ngài đã làm và đang làm cho bạn ngay bây giờ.
Chúa muốn chúng ta bước đi bởi đức tin, và việc bước đi bởi đức tin có nghĩa chúng ta không bước đi bởi mắt thấy hay cảm giác, mà bởi những gì chúng ta biết là đúng. Làm điều đúng đơn giản là vì nó đúng là một hành động đầy sức thuyết phục. Làm thế sẽ tuyên bố rõ ràng rằng chúng ta tin cậy Chúa và cam kết tôn trọng Ngài qua hành động của chúng ta dù hoàn cảnh của chúng ta thế nào đi nữa.
Khi chúng ta kiên định và không dao động, cứ làm công việc Chúa cách dư dật luôn, Chúa hứa công việc của chúng ta không phải là vô ích (xem 1Cô-rinh-tô 15:58). Chúa luôn nhìn sự trung tín dù không ai nhìn thấy. Và những ai cứ kiên định qua những thử thách sẽ nhận mão trụ của sự sống dành cho người chiến thắng (xem Gia-cơ 1:12).
Chúng ta hãy tin cậy Chúa và mong chờ phần thưởng của mình, cả khi chúng ta đang ở trong phòng chờ của Chúa. Chúng ta hãy mong đợi những điều tốt lành xảy ra cho chúng ta, và chúng ta hãy vui mừng trong niềm hy vọng rằng đối với Chúa mọi sự đều có thể xảy ra!
bottom of page