top of page
Hung Tran
Feb 6, 2024
Cuộc đời sẽ lãng phí rất nhiều khi chúng ta khốn khổ về những chuyện mà chúng ta không thể thay đổi...
Trong Phòng Chờ Của Chúa
(Phần 1)
Hai...
...chiến binh mạnh mẽ nhất là kiên nhẫn và thời gian. Leo Tostoy Nếu bạn mà giống tôi thì việc học để kiên nhẫn thật sự là một trong những thách thức lớn nhất trong đời. Bạn đã bao giờ ở trong phòng chờ của bệnh viện, nơi mà gia đình và bạn bè đang chờ đợi bác sĩ có thông tin về người thân của họ mới vừa phẫu thuật không? Phần lớn những người ngồi đợi đều khá lo âu và nhìn vẻ mặt của họ rất căng thẳng, tỏ ra dấu hiệu lo lắng. Họ chờ để được cho biết kết quả, nhưng hiện tại họ không biết gì. Họ chờ, chờ và chờ. Tin tốt hay tin xấu đây?
Nếu chờ lâu hơn vài tiếng so với mong đợi thì sự chờ đợi sẽ càng căng thẳng hơn. Những suy nghĩ của họ có thể trở nên đen tối hơn và tiêu cực hơn, và trong thế giới tự nhiên điều đó là có thể hiểu được. Câu hỏi quan trọng là, chúng ta sẽ như thế nào khi ở trong phòng chờ của Chúa? Chúng ta có lo âu, lo sợ hay lo lắng, hay chúng ta kiên nhẫn chờ đợi và trông mong tin tốt? Nếu chúng ta chờ lâu hơn là chúng ta tưởng, chúng ta có giữ được thái độ tích cực và hy vọng không? Chúng ta thường nói chúng ta tin cậy Chúa, nhưng chúng ta có bày tỏ bông trái của sự tin cậy Ngài không?
Chúa Lúc Nào Cũng Hóa Giải Mọi Vấn Đề
Dường như Chúa hiếm khi vội vàng về bất cứ việc gì, còn chúng ta thì hầu như lúc nào cũng vội vã! Chúng ta không thỏa mãn khi biết Chúa sẽ mở đường; chúng ta muốn biết khi nào Ngài sẽ mở đường! Kinh Thánh hứa với chúng ta rằng vào thời điểm định sẵn, Chúa sẽ làm những gì cần làm, nhưng thời điểm định sẵn đó là khi nào? Đó là thời điểm mà Chúa quyết định nó là thời điểm đúng, Chúa hiếm khi cho chúng ta biết nó sẽ bao lâu. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn là sẽ không quá lâu. Chúa biết khả năng của chúng ta, và Ngài sẽ không bao giờ đẩy chúng ta vượt quá sức!
Những gì mà chúng ta nghĩ là lâu thì chỉ là một thời gian ngắn theo cách của Chúa khi nhìn nhận một vấn đề:
“Hỡi kẻ rất yêu dấu, chớ nên quên rằng ở trước mặt Chúa một ngày như ngàn năm, ngàn năm như một ngày.” 2 Phi-e-rơ 3:8
Chúa nhìn sự việc theo ánh sáng của cõi vĩnh hằng, vì thế, Ngài không có vội vàng. Ngài thấy sự cuối cùng ngay từ lúc khởi đầu. Chúa đã ở nơi chúng ta định đi đến, và Ngài đã biết chính xác chuyện gì sẽ xảy ra! Ngài luôn có lí do hợp lí cho việc Ngài làm, và việc học để tin điều đó sẽ giúp chúng ta tin cậy Ngài dù chúng ta có chờ đợi lâu hay nhanh.
Chúng ta thường muốn nhiều thứ trước khi chúng ta trưởng thành đủ để sử dụng nó đúng cách, nhưng Chúa biết thời điểm nào là tốt nhất, và tôi có thể bảo đảm với bạn Ngài sẽ không cho chúng ta bất cứ điều gì cho đến khi đúng thời điểm. Có thể Chúa nói, “Con hãy chờ,” hay thậm chí Ngài sẽ nói, “Không được con,” nhưng bất cứ điều gì Ngài quyết định cũng sẽ là điều hoàn hảo, được thực hiện vào đúng thời điểm. Bất cứ điều gì Chúa làm liên quan đến cuộc đời chúng ta và mối quan hệ của chúng ta với Ngài đều là vì lợi ích của chúng ta!
Là con cái Chúa, chúng ta có bông trái kiên nhẫn bên trong chúng ta theo Ga-la-ti 5:22, nhưng thường thì phải mất vài năm bước đi với Chúa chúng ta mới thấy bông trái này biểu lộ. Nó được gieo vào chúng ta như hạt giống, nhưng nó cần thời gian và kinh nghiệm để lớn lên và trở nên rõ rệt.
Từ gốc Hy-lạp được dịch là “kiên nhẫn” có nghĩa là “cứ ở dưới.” Nói cách khác, nó có nghĩa bám vào cái gì đó dẫu hoàn cảnh thật khó chịu hay thật đau đớn. Nó có nghĩa là nhìn thấy vấn đề suốt từ đầu đến cuối. Hầu hết chúng ta muốn chạy trốn những gì khiến chúng ta khổ nạn. Việc nghĩ tới chuyện chúng ta sẽ chịu đựng khó khăn khi mà không biết là chúng ta sẽ chịu khổ bao lâu thì thật là khó chịu. Chúa không phải lúc nào đưa ra cho chúng ta câu trả lời mà chúng ta muốn khi chúng ta muốn, vì Ngài cam kết giúp chúng ta tăng trưởng về thuộc linh, và Ngài xem việc đó là quan trọng hơn việc chúng ta được vơi đi những gì chúng ta đang chịu.
Trước khi tôi biết nhiều về việc tin cậy Chúa, lúc đó tôi thật sự thất vọng khi tôi cần Chúa làm gì đó mà tôi biết rõ Ngài rất dễ làm nhưng dường như Ngài không làm gì cả. Bây giờ tôi nhận ra dù hoàn cảnh của tôi chưa có gì thay đổi, nhưng Chúa đang làm việc trong tôi. Ngài đang kéo giãn đức tin của tôi và nhờ làm thế mà Ngài mở rộng đức tin của tôi và làm cho nó mạnh mẽ hơn. Trước đây vì không biết phải tin cậy Chúa thế nào, nên suốt toàn bộ thời gian phải chờ đợi tôi thật khổ sở. Nếu lúc ấy tôi đã biết tin cậy Ngài thì chắc chắn thời gian chờ của tôi sẽ lâu hơn.
Đời dễ dàng hơn khi chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm với Chúa. Chúng ta biết dù Ngài thường không làm sớm, nhưng thật sự Ngài cũng không bao giờ trễ - ít ra là không trễ theo thời gian biểu của Ngài. Kiên nhẫn không chỉ là khả năng chờ đợi, mà đó cũng là cách chúng ta ứng xử trong lúc chờ. Trong cuộc sống thì tất cả chúng ta đều phải chờ đợi nhiều chuyện, nhưng “chờ đợi cách kiên nhẫn” là mục tiêu mà Chúa nghĩ đến cho chúng ta. Chờ đợi cách kiên nhẫn không chỉ không xảy ra trừ khi chúng ta tin tưởng rằng bản tính của Chúa là không có lỗi lầm gì, và Ngài là thiện và bày tỏ sự tốt lành của Ngài cho chúng ta chừng nào chúng ta sống. Chỉ vì một điều gì đó tôi không cảm thấy tốt thì không có nghĩa là nó không tốt. Cuối cùng tôi thấy được rằng những gì tôi nghĩ là xấu lúc đó, xét về lâu về dài, lại là rất tốt cho tôi.
Không Bao Giờ Là Quá Trễ
Ma-thê và Ma-ri đã nhắn tin cho Chúa Giê-su, cho Ngài biết La-xa-rơ, bạn Ngài, đang bị bệnh. Kinh Thánh nói Chúa Giêsu yêu thương Ma-thê, Ma-ri và La-xa-rơ, là những người bạn thân của Ngài. Nói vậy, nhưng khi Ngài nghe La-xa-rơ bị bệnh, Chúa đã nán lại thêm hai ngày tại nơi Ngài đang ở trước khi tới thăm La-xa-rơ (xem Giăng 11:3-6). Tới lúc Chúa Giê-xu đến nơi thì La-xa-rơ đã chết và chôn trong mộ đã bốn ngày. Xét về tự nhiên thì người ta sẽ hỏi, “Nếu Giê-xu yêu thương họ, tại sao Ngài chờ trước khi giúp đỡ họ?”
Ngài chờ đợi bởi vì Ngài muốn tình trạng đó trở thành một tình huống mà không thể nào thay đổi được trước khi Ngài đến. Khi Chúa Giê-xu tới đó, Ma-thê nói, “Ma-thê thưa cùng Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, nếu Chúa có đây, thì anh tôi không chết.” (Giăng 11:21). Chúng ta thường suy nghĩ hay nói những lời tương tự về hoàn cảnh của chúng ta: “Chúa Giê-xu ơi, nếu Ngài muốn, Ngài có thể ngăn việc này xảy ra mà.” Tất nhiên, chúng ta thất vọng và thiếu hiểu biết về lý do Chúa cho phép nỗi đau đớn xảy ra mà đáng lẽ Ngài có thể ngăn cản, như Ma-thê đã phàn nàn.
Nếu bạn quen thuộc với câu chuyện La-xa-rơ, bạn biết Chúa Giê-xu không nhìn sự thật là La-xa-rơ đã chết vài ngày như là một trở ngại không thể vượt qua. Đúng thế, Ngài muốn hoàn cảnh trông chừng bất lực để họ hàng và bạn bè của La-xa-rơ, cũng như chúng ta, biết rằng đối với Chúa mọi sự đều có thể xảy ra, và với Ngài không bao giờ là quá trễ để làm những gì cần làm. Chúa Giê-xu đã kêu La-xa-rơ sống lại, và tôi đoan chắc là sau khi chứng kiến phép lạ mọi người đều vui vẻ vì nó đã diễn ra theo cách ấy. Dù cá nhân tôi chưa bao giờ thấy một người chết được sống lại, nhưng tôi đã nhìn thấy Chúa ban sự sống cho nhiều hoàn cảnh và tình huống chết chóc. Tôi nghĩ chúng ta nên xem câu chuyện này là một ví dụ về lẽ thật, rằng đối với Chúa không bao giờ là quá trễ để làm những điều kì diệu trong cuộc đời chúng ta.
Thay vì muốn Chúa làm theo cách của chúng ta, chúng ta nên nhớ rằng cách của Ngài luôn tốt hơn cách của chúng ta về lâu về dài. Có rất nhiều huyền nhiệm được giấu trong sự khôn ngoan của Chúa. Không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu tại sao sự việc lại xảy ra như nó đã xảy ra, nhưng chúng ta có đặc ân tin cậy Chúa, vì thế chúng ta có thể chịu được nỗi đau của mình.
Kiên Nhẫn Là Sức Mạnh
Kiên nhẫn mang lại cho chúng ta sức mạnh để vui hưởng cuộc sống trong lúc chúng ta chờ đợi những điều chúng ta ước ao. Cuộc đời sẽ lãng phí rất nhiều khi chúng ta khốn khổ về những chuyện mà chúng ta không thể thay đổi. Nếu chúng ta có thể thay đổi điều gì đó gây khó chịu thì chúng ta nên làm việc đó, nhưng nếu không thể thì chúng ta nên tin cậy Chúa và quyết tâm là sẽ không khốn khổ trong lúc chờ đợi xem điều gì Ngài sẽ làm. Ngày nào mà chúng ta phí phạm là ngày mà chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại được, và người khôn ngoan và cẩn trọng sẽ không lãng phí bất kỳ thời gian nào Chúa ban cho người đó sống trên đất này.
Sự thất vọng, sự nản lòng và sự khốn khổ không bao giờ làm cho hoàn cảnh tồi tệ trở nên tốt đẹp, nhưng những thứ này sẽ gây ra bệnh tật, rút ngắn tuổi thọ, và hủy phá các mối quan hệ. Sứ đồ Gia-cơ nói một người kiên nhẫn là “trọn lành toàn vẹn, không thiếu thốn chút nào.” (Gia-cơ 1:4). Thật vậy! Điều này nghe có vẻ tốt cho tôi, và hy vọng nó cũng tốt cho bạn. Khi đọc câu đó, tôi thường bị cám dỗ để nghĩ: Ước gì mình kiên nhẫn được, nhưng mình chưa đạt đến đó, nhưng chúng ta có thể được thoát khỏi tính thiếu kiên nhẫn. Có một cách và cách đó là qua lối suy nghĩ đúng đắn.
Nếu tôi nghĩ tôi phải có điều gì đó mà tôi muốn trước khi tôi có thể hạnh phúc, thì chính suy nghĩ của tôi đang đẩy tôi đến bất hạnh. Nhưng nếu tôi thay đổi suy nghĩ, Tôi tin cậy Chúa và tôi biết thời điểm của Ngài là trọn vẹn; vì thế, tôi sẽ bước vào sự yên nghỉ của Ngài và tận hưởng cuộc sống trong lúc chờ đợi, lúc đó tôi sẽ chẳng thiếu gì cả. Bất cứ điều gì Chúa sẽ làm liên quan đến những nan đề của chúng ta sẽ không gấp rút chỉ vì sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta. Có một điều chắc chắn - dù chúng ta chờ đợi Chúa hành động cho chúng ta bao lâu thế nào đi nữa, kiên nhẫn có sức mạnh để giữ chúng ta cứ vui mừng trong lúc chờ đợi!
Lúc nào cũng có điều gì đó xảy ra dù chúng ta nghĩ rằng chẳng có điều gì xảy ra. Hãy xem cách một cái cây lớn lên. Chúng ta không thấy nó phát triển, nhưng nó đang lớn thật. Nó càng cao hơn, và nhánh của nó giang rộng hơn. Người ta nói cây chậm lớn sẽ sinh ra trái ngon nhất, và tôi nghĩ nguyên tắc này cũng áp dụng cho con người. Có thể không phải lúc nào chúng ta cũng thấy các nhánh của mình lan rộng ra, nhưng rễ của chúng ta đang mọc sâu hơn. Ngày nào đó chúng ta sinh ra trái ngon và nhận thấy rằng trong lúc chúng ta chờ đợi, chúng ta đang tăng trưởng.
Hãy Quên Đi!
Nếu chúng ta quan sát điều gì đó quá gần, chúng ta sẽ không thể thấy nó lớn lên, nhưng nếu chúng ta xa nó một thời gian và trở lại chúng ta sẽ ngạc nhiên về nó. Gia đình tôi có một bất động sản cần bán, dù đã đăng tin ngoài thị trường hơn ba năm nhưng hoàn toàn không có gì xảy ra. Không chỉ không bán được mà chẳng có ai xem qua. Trong hơn ba năm không có ai hỏi giá, giá thấp cũng không có luôn! Tôi thất vọng vì tôi thật sự muốn bán nó. Tôi cầu nguyện về nó rất nhiều và công bố bởi đức tin là nó sẽ được bán. Ngày nào chưa bán được tôi cảm thấy thất vọng khi suy nghĩ về nó. Một sáng nọ, khi tôi bắt đầu cầu nguyện về miếng đất đó, Chúa phán với lòng tôi, Con hãy quên miếng đất đó đi và hãy để Ta lo. Lập tức tôi nhận ra mình đã để quá nhiều thời gian tập trung vào đó, và Chúa muốn tôi loại bỏ chuyện này khỏi suy nghĩ của tôi và tin cậy là Ngài đang làm việc.
Mỗi lần việc bán đất xuất hiện trong đầu tôi, tôi hay nghĩ, Chúa đang lo. Cuối cùng, xét về vụ bán đất thì tôi bước vào sự yên nghỉ của Chúa, và trong vòng hai tuần tôi đã bán được! Tôi muốn nói là tôi đã kiên nhẫn trong lúc chờ đợi ba năm đó, nhưng thực tế thì không phải, tính thiếu kiên nhẫn của tôi chính là lí do miếng đất lâu mới bán được. Chúng ta thường nghĩ chúng ta đang chờ đợi Chúa, nhưng thực tế có thể Ngài đang chờ chúng ta!
Một trong những lý do chính khiến chúng ta mất kiên nhẫn là do sợ không có điều mình muốn, nhưng một lần nữa hãy để tôi nói rằng chúng ta có thể thay đổi suy nghĩ của mình và điều đó sẽ giúp chúng ta rất nhiều. Thay vì nghĩ, Không có gì xảy ra cả, chúng ta có thể nghĩ, Tôi không thấy điều gì xảy ra, nhưng tôi tin Chúa đang làm việc!
Chúa biết mọi việc đã xảy ra trong quá khứ, đang xảy ra ngay hiện tại và sẽ xảy ra trong tương lai, và Ngài kiểm soát tất cả - Ngài không lo lắng và mất kiên nhẫn. Sự mất kiên nhẫn của chúng ta xuất phát từ việc chúng ta không biết câu trả lời sẽ đến khi nào và như thế nào. Càng có ít thông tin, càng dễ mất kiên nhẫn trong phòng chờ của Chúa, nhưng Lời Chúa và kinh nghiệm cho chúng ta biết rằng thời điểm của Ngài là hoàn hảo, và sự chờ đợi mà chúng ta không thích thực tế là đang mang lại ích lợi cho chúng ta.
Chúng ta đọc các câu chuyện trong Kinh Thánh về những con người mà chúng ta gọi là những người nam, người nữ vĩ đại của Đức Chúa Trời, và phần lớn chúng ta đều ước ao trong lòng rằng lời chứng của họ cũng là lời chứng của chúng ta. Ít ra thì chúng ta muốn được thiên hạ ngưỡng mộ giống như các bậc thánh hiền đó, dù chắc chắn là chúng ta không muốn trải qua những kinh nghiệm như họ. Họ quả thật là vĩ đại, nhưng để tôi nhắc bạn là tất cả họ đều đã đợi trong phòng chờ của Chúa. Môi-se chờ đợi bốn mươi năm trong đồng vắng. Đa-vít chờ đợi hai mươi năm để làm vua, nhưng ông phải trốn mười lăm năm trong các hang động để không bị Sau-lơ giết chết. Giô-sép chờ mười ba năm trước khi được giải cứu, mười năm trong số đó là ông ở trong tù. Áp-ra-ham đã chờ đợi hai mươi năm trước khi có đứa con trai mà Chúa hứa ban. Nếu bạn và tôi ở trong phòng chờ của Chúa, thì sẽ có một ngày chúng ta cũng có lời chứng vĩ đại mà ai đó sẽ đọc tới và ngưỡng mộ!
bottom of page