top of page
Hung Tran
Jun 14, 2023
Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ không để cho cám dỗ đến với bạn nhiều hơn điều Ngài đã đặt để trong bạn nhằm đối đầu với nó...
NGÀY 27: ĐÁNH BẠI CÁM DỖ
“Hãy tránh khỏi tình dục trai trẻ, mà tìm những điều công bình, đức tin, yêu thương, hòa thuận với kẻ lấy lòng tinh sạch kêu cầu Chúa.”
IITi 2Tm 2:22
“Những sự cám dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.”
ICo1Cr 10:13
*Luôn luôn có một đường thoát.
Có thể đôi lúc bạn cảm thấy rằng sự cám dỗ quá mạnh mẽ đối với bạn, nhưng đó là lời dối trá của Sa-tan. Đức Chúa Trời đã hứa rằng Ngài sẽ không để cho cám dỗ đến với bạn nhiều hơn điều Ngài đã đặt để trong bạn nhằm đối đầu với nó. Ngài sẽ không cho phép bất cứ sự cám dỗ nào mà bạn không thể vượt qua được. Tuy nhiên, bạn cũng phải làm phần việc của mình bằng cách rèn luyện bốn điều mà Kinh Thánh dạy để đối đầu với cám dỗ.
Hãy tái tập trung sự chú ý của bạn vào một điều khác. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng trong Kinh Thánh không có chỗ nào bảo chúng ta “chống lại cám dỗ.” Kinh Thánh bảo chúng ta phải “chống trả ma quỷ,” và điều đó khác rất xa, tôi sẽ giải thích sau. Trái lại, chúng ta được khuyên là phải tái tập trung sự chú ý của mình vì một ý tưởng chống cự không có tác dụng gì. Nó chỉ làm tăng thêm sự chú ý của chúng ta vào điều sai trái, và càng thấy nó quyến rũ hơn. Để tôi giải thích:
. Mỗi khi bạn cố gắng ngăn chặn một ý tưởng nào đó trong tâm trí mình, bạn khiến nó đi sâu vào trí nhớ hơn. Chống cự lại nó tức là càng làm cho nó trở nên thuyết phục hơn. Bất cứ điều gì bạn chống lại đều trở nên bền bỉ hơn. Điều này đặc biệt đúng đối với sự cám dỗ. Bạn không đánh bại cám dỗ bằng cách chống lại cảm xúc về nó. Bạn càng chống lại một cảm xúc bao nhiêu, thì nó càng chiếm ngự và điều khiển bạn bấy nhiêu. Bạn làm cho nó mạnh thêm mỗi khi nghĩ tới nó.
. Vì cám dỗ luôn luôn bắt đầu bằng một ý tưởng, nên cách nhanh nhất để vô hiệu hóa sự quyến rũ của nó là chú ý vào một chuyện khác. Đừng chống lại tư tưởng, hãy đổi kênh trong tâm trí bạn và tập trung vào một ý tưởng khác. Đây là bước đầu tiên để đánh bại cám dỗ.
Trận chiến chống tội lỗi thành hay bại là ở trong tâm trí của bạn. Bạn chú ý vào điều gì thì nó sẽ nắm lấy bạn. Đó là lý do tại sao Gióp nói, “Tôi đã có lập ước với mắt tôi; Vậy, làm sao tôi còn dám nhìn người nữ đồng trinh?” (Giop G 31:1). Và Đa-vít cầu nguyện, “Xin hãy giữ con khỏi chú ý vào những điều vô giá trị.” (Thi Tv 119:3a bản TEV-ND).
Bạn có bao giờ xem quảng cáo đồ ăn trên truyền hình và thình lình cảm thấy đói bụng chưa? Bạn có bao giờ nghe một người ho và lập tức cảm thấy cần phải làm thông cổ mình không? Bạn có bao giờ thấy một người ngáp và rồi cũng muốn ngáp theo không? (Có thể đọc tới đây bạn cũng đã ngáp rồi!) Đó là sức mạnh của sự gợi ý. Theo lẽ tự nhiên, chúng ta thường hướng tới điều gì chúng ta chú ý vào. Bạn càng nghĩ nhiều về một điều gì đó, thì nó càng nắm giữ bạn chặt hơn.
Đó là lý do tại sao việc lặp đi lặp lại “Tôi phải ăn ít lại… hay phải bỏ thuốc… hoặc không ham muốn nữa.” là một chiến lược tự làm cho mình thất bại. Nó cứ khiến bạn tập trung vào điều bạn không muốn. Chuyện đó cũng giống như là, “Tôi sẽ chẳng bao giờ làm điều mà mẹ tôi đã làm.” Chính bạn đang lặp lại nó đó.
Hầu hết những chế độ ăn kiêng không có hiệu quả vì chúng cứ khiến bạn nghĩ đến thức ăn hoài, bảo đảm là bạn sẽ thấy đói bụng. Cũng vậy, một phát ngôn viên mà cứ lặp đi lặp lại với mình, “Đừng hồi hộp!” thì đang đẩy mình vào chỗ hồi hộp! Thay vào đó cô ta nên tập trung vào bất cứ việc gì khác ngoại trừ những cảm xúc của mình-tập trung vào Chúa, vào tầm quan trọng của bài phát biểu, hoặc nhu cầu của những người nghe.
Sự cám dỗ bắt đầu bằng cách thu hút sự chú ý của bạn. Điều gì khiến bạn chú ý sẽ gợi lên những tình cảm. Rồi những tình cảm của bạn sẽ thúc đẩy hành vi, và bạn hành động theo điều bạn cảm nhận. Bạn càng tập trung vào việc “Tôi không muốn làm chuyện này” bao nhiêu, thì nó càng lôi kéo bạn vào bẫy của mình bấy nhiêu.
Phớt lờ sự cám dỗ hiệu quả hơn nhiều so với việc chống lại nó. Một khi tâm trí của bạn hướng tới một điều khác, cám dỗ không còn tác dụng nữa. Cho nên, khi cám dỗ gọi điện đến cho bạn, đừng tranh luận với nó, hãy gác máy!
Đôi lúc đòi hỏi bạn phải rời khỏi hoàn cảnh cám dỗ. Đây là lúc mà bỏ chạy là điều tốt. Hãy đứng dậy và tắt TV. Hãy bước ra khỏi nhóm người đang nói hành. Hãy rời bỏ rạp phim khi chưa xem hết. Để tránh bị chích, hãy lánh xa lũ ong. Hãy làm bất cứ việc gì có thể để hướng sự chú ý của bạn vào một việc khác.
Trên phương diện thuộc linh, tâm trí của bạn là nơi dễ tổn thương nhất. Để giảm cám dỗ, hãy làm đầy tâm trí bạn bằng Lời của Đức Chúa Trời và các ý tưởng tốt lành khác. Bạn đánh bại các ác tưởng bằng cách suy nghĩ đến một điều gì đó tốt hơn. Đây là nguyên tắc của sự thay thế. Bạn chiến thắng điều ác bằng điều thiện. Sa-tan không thể lôi kéo sự chú ý khi tâm trí của bạn bận rộn nghĩ tới một việc khác. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh thường bảo chúng ta phải giữ cho tâm trí mình tập trung: “Hãy suy nghĩ đến Đức Chúa Giê-xu” (HeDt 3:1 bản NIV-ND). “Hãy luôn nghĩ về Đức Chúa Giê-xu Christ” (IITi 2Tm 2:8 bản GW-ND).
“Rốt lại, hỡi anh em, phàm điều chi chân thật, điều chi đáng tôn, điều chi công bình, điều chi thánh sạch, điều chi đáng yêu chuộng, điều chi có tiếng tốt, điều chi có nhân đức đáng khen, thì anh em phải nghĩ đến.” (Phi Pl 4:8).
Nếu bạn thật sự muốn đánh bại cám dỗ, bạn phải sắp đặt lại tâm trí của mình và giám sát luồng thông tin đưa vào. Con người khôn ngoan nhất từng sống trên đời đã cảnh báo, “Khá cẩn thận về cách con suy nghĩ; các tư tưởng sẽ định hình cuộc đời con.” (ChCn 4:23 bản TEV-ND). Đừng để cho rác rưởi tự động chen vào trong tâm trí bạn. Hãy lựa chọn. Hãy cẩn thận lựa chọn điều bạn suy nghĩ đến. Hãy làm theo gương của Phao-lô, “Bắt hết các ý tưởng làm tôi vâng phục Đấng Christ.” (IICo 2Cr 10:5). Việc này cần cả đời để rèn luyện, nhưng với sự giúp đỡ của Thánh Linh, bạn có thể lập trình lại cho cách suy nghĩ của mình.
Chia sẻ tranh chiến với một người bạn tin kính hay một nhóm hỗ trợ. Bạn không cần phải truyền thanh cho cả thế gian, nhưng bạn cần ít nhất một người chân thật chia sẻ những tranh chiến của bạn. Kinh Thánh chép rằng, “Hai người hơn một, vì họ sẽ được công giá tốt về công việc mình. Nếu người này sa ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên; nhưng khốn thay cho kẻ ở một mình mà sa ngã, không có ai đỡ mình lên.” ( TrGv 4:9-10).
Tôi muốn nói rõ điểm này: Nếu bạn thất bại trong trận chiến chống lại một thói quen xấu cứng đầu, một sự nghiện ngập hay một cám dỗ, và bạn bị mắc kẹt trong vòng tròn mặc-cảm-thất-bại-vì-không-làm-được-điều-tốt, thì tự bản thân bạn không thể làm cho mình khá hơn được! Bạn cần sự giúp đỡ của người khác. Có một số cám dỗ chỉ có thể vượt qua được khi có người giúp đỡ, cầu thay, khích lệ và xem trọng bạn.
Trong kế hoạch của Đức Chúa Trời cho sự tăng trưởng và tự do của bạn có cả những Cơ-đốc nhân khác nữa. Mối thông công đáng tin cậy và chân thật là liều thuốc giải cho sự tranh chiến đơn độc chống lại những tội lỗi không hề lay chuyển. Đức Chúa Trời phán rằng đó là cách duy nhất để bạn được tự do: “Vậy, hãy xưng tội cùng nhau, và cầu nguyện cho nhau, hầu cho anh em được lành bịnh: người công bình lấy lòng sốt sắng cầu nguyện, thật có linh nghiệm nhiều.” (Gia Gc 5:16).
Bạn có thực sự muốn được thoát khỏi sự cám dỗ dai dẳng cứ làm bạn vấp phạm hết lần này tới lần khác không?
Giải pháp của Đức Chúa Trời rất rõ ràng: Đừng trấn áp nó; hãy xưng nó ra! Đừng che đậy nó; hãy phơi bày ra! Bày tỏ cảm nhận của bạn là khởi điểm cho sự chữa lành.
Che giấu nỗi đau của bạn chỉ làm cho nó thêm trầm trọng mà thôi. Những nan đề phát triển trong bóng tối và ngày càng lớn hơn, nhưng khi đem phơi bày ra ánh sáng của lẽ thật, chúng sẽ tiêu biến đi. Bạn cũng bệnh hoạn giống như những bí mật của mình vậy. Cho nên, hãy tháo mặt nạ xuống, đừng làm ra vẻ bạn là hoàn hảo, và hãy bước đi cách tự do.
Tại Hội thánh Saddleback, chúng tôi đã chứng kiến quyền năng lớn lao của nguyên tắc chặt đứt sự trói buộc của những ham mê tưởng chừng như vô vọng và những cám dỗ dai dẳng thông qua một chương trình mà chúng tôi gọi là Phục Hồi. Đó là một tiến trình phục hồi gồm tám bước, dựa trên Kinh Thánh, đặt nền tảng trên các phước lành của Chúa Giê-xu và xây dựng xung quanh các nhóm nhỏ hỗ trợ. Trong mười năm qua, hơn 5,000 đời sống đã được giải thoát khỏi mọi loại thói quen, đau đớn và nghiện ngập. Ngày nay, chương trình này đã được áp dụng trong hàng ngàn Hội thánh. Tôi mạnh mẽ đề nghị bạn áp dụng nó cho Hội thánh của mình (xem phụ lục 2).
Sa-tan muốn bạn nghĩ rằng tội lỗi và cám dỗ của bạn là độc nhất cho nên bạn phải giữ bí mật. Sự thật là tất cả chúng ta đều đang ở trên cùng một con thuyền. Tất cả chúng ta đều gặp phải những cám dỗ giống nhau, và “mọi người đều đã phạm tội” (RoRm 3:23). Hàng triệu người đã cảm nhận điều bạn đang cảm nhận và cũng đã đối diện với cùng những tranh chiến mà bạn đang đối diện ngay bây giờ.
Lý do khiến chúng ta che giấu những sai lầm của mình chính là lòng kiêu ngạo. Chúng ta muốn những người khác nghĩ rằng mọi sự trong cuộc sống của chúng ta “đang ở trong tầm kiểm soát.” Sự thật là bất cứ điều gì bạn không thể nói đến thì đều đã vượt tầm kiểm soát của cuộc đời bạn: những nan đề về tài chánh, hôn nhân, con cái, tư tưởng, tính dục, các thói quen kín nhiệm, hay bất cứ việc gì khác. Nếu bạn có thể tự mình giải quyết nó, thì bạn đã làm rồi. Nhưng bạn không thể. Sức mạnh ý chí và giải pháp cá nhân là không đủ.
Một số nan đề rất thâm sâu, quen thuộc và lớn đến nỗi bạn không thể tự mình giải quyết. Bạn cần một nhóm nhỏ hay một người bạn có trách nhiệm sẵn sàng khích lệ, hỗ trợ, cầu thay, yêu thương và nâng đỡ bạn. Khi đó, bạn cũng có thể đối với họ như vậy.
Bất cứ khi nào có ai đó giải bày với tôi rằng, “Tôi chưa hề nói chuyện này với ai cả, cho tới bây giờ,” tôi rất hứng thú lắng nghe người đó vì tôi biết họ hẳn đã kinh nghiệm sự giải thoát lớn. Cái van áp lực sẽ được mở ra, và đó là lần đầu tiên họ nhìn thấy một tia hy vọng cho tương lai của mình. Kinh Thánh chép, “Đức Chúa Trời chống cự kẻ kiêu ngạo, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường. Vậy hãy phục Đức Chúa Trời.” (Gia Gc 4:6-7a).
Hãy chống trả ma quỷ. Sau khi đã hạ mình và đầu phục Đức Chúa Trời, chúng ta phải chống trả ma quỷ. Phần cuối của 4:7 chép rằng, “Hãy chống trả ma quỷ, thì nó sẽ lánh xa anh em.” Chúng ta không thụ động nhượng bộ trước tấn công của hắn. Chúng ta phải đánh trả.
Thánh Kinh Tân Ước thường mô tả đời sống Cơ-đốc như là một trận chiến thuộc linh chống lại các thế lực ma quỷ, dùng những từ trong chiến tranh như đánh, chế ngự, đấu tranh, và vượt qua. Các Cơ-đốc nhân thường được so sánh với những người lính đang ở chiến tuyến.
Chúng ta chống trả ma quỷ như thế nào?
Phao-lô nói với chúng ta, “Cũng hãy lấy sự cứu chuộc làm mão trụ, và cầm gươm của Đức Thánh Linh, là lời Đức Chúa Trời.” (Eph Ep 6:17). Bước đầu tiên là tiếp nhận sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời. Bạn không thể nói không trước ma quỷ trừ khi bạn nói vâng với Đấng Christ. Không có Đấng Christ, chúng ta hoàn toàn không được bảo vệ trước ma quỷ, nhưng với “mão trụ cứu chuộc,” tâm trí chúng ta được chính Đức Chúa Trời bảo vệ. Hãy nhớ điều này: Nếu bạn là một tín nhân, Sa-tan không thể ép buộc bạn làm một việc gì cả. Hắn chỉ có thể gợi ý.
Thứ hai, bạn phải dùng Lời của Đức Chúa Trời làm vũ khí chống lại Sa-tan. Chúa Giê-xu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài gặp cám dỗ trong đồng vắng. Mỗi lần Sa-tan gợi ra một cám dỗ, Chúa Giê-xu đối đầu bằng cách trưng dẫn Kinh Thánh. Ngài không tranh luận với Sa-tan. Ngài không nói, “Ta không đói,” khi bị cám dỗ dùng quyền năng của Ngài để đáp ứng nhu cầu cá nhân. Ngài chỉ trưng dẫn Kinh Thánh thuộc lòng. Chúng ta cũng phải làm như vậy. Có quyền năng của Đức Chúa Trời trong Lời Ngài, và Sa-tan sợ điều đó.
Đừng bao giờ thử tranh luận với ma quỷ. Hắn giỏi tranh luận hơn bạn nhiều, và đã có hàng ngàn năm để tập luyện rồi. Bạn không thể gạt Sa-tan bằng logic hay quan điểm của bạn, nhưng bạn có thể dùng thứ vũ khí làm hắn run sợ-lẽ thật của Đức Chúa Trời. Đó là lý do tại sao học thuộc lòng Kinh Thánh là tuyệt đối cần thiết để đánh bại cám dỗ. Bạn có thể đọc được ngay bất cứ khi nào bạn gặp cám dỗ. Giống như Chúa Giê-xu, bạn có lẽ thật cất trong lòng mình, sẵn sàng nhớ lại.
Nếu không học thuộc lòng các câu Kinh Thánh, thì cũng như không có đạn trong súng của bạn! Tôi thách thức bạn mỗi tuần học một câu Kinh Thánh cho đến cuối đời. Hãy hình dung bạn sẽ trở nên mạnh mẽ biết bao.
Hãy nhận biết việc bạn dễ bị tổn thương ra sao. Đức Chúa Trời cảnh báo chúng ta rằng đừng bao giờ tự phụ và quá tự tin; đó là công thức của thảm họa. Giê-rê-mi nói, “Lòng người ta là dối trá hơn mọi vật, và rất là xấu xa: ai có thể biết được?” (Gie Gr 17:9). Điều đó có nghĩa là chúng ta rất thạo việc tự lừa dối mình. Miễn là đúng dịp, bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể phạm bất cứ tội gì. Chúng ta không được thiếu cảnh giác và nghĩ rằng mình đã đi xa cám dỗ rồi.
Đừng vì thiếu cẩn thận mà đưa chính mình vào những hoàn cảnh cám dỗ. Hãy tránh xa chúng. Hãy nhớ rằng tránh khỏi cám dỗ dễ hơn là thoát ra khỏi nó. Kinh Thánh chép, “Vậy thì, ai tưởng mình đứng, hãy giữ kẻo ngã” (ICo1Cr 10:12).
Suy Nghĩ Về Mục Đích Của Tôi: Ngày 27
Vấn Đề Suy Nghĩ: Luôn luôn có một lối thoát.
Câu Gốc: “Đức Chúa Trời là thành tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” 10:13b
Câu Hỏi Suy Gẫm: Tôi có thể nhờ ai giúp mình đánh bại một cám dỗ dai dẳng bằng cách cầu thay cho tôi?
bottom of page