top of page

CƠ-ĐỐC NHÂN TRƯỚC SỰ PHÁN XÉT CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Hung Tran

Feb 21, 2024

Một sự kiện quan trọng trong chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội thánh là Cơ-đốc nhân phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời...



Hội...

...thánh đang sống trong giai đoạn gần với thời kỳ cuối cùng hơn bao giờ hết, cho nên người tín đồ của Chúa Jesus cần hiểu rõ chương trình của Đức Chúa Trời cho thời kỳ sau cùng của thế giới được bày tỏ trong Kinh Thánh, trong đó bao gồm chương trình cho Hội thánh. Một sự kiện quan trọng trong chương trình của Đức Chúa Trời cho Hội thánh là Cơ-đốc nhân phải đối diện với sự phán xét của Đức Chúa Trời, là Đấng tạo dựng nên muôn loài. Kinh Thánh cho chúng ta biết Đức Chúa Trời sẽ thi hành sự phán xét (judgment) trên các đối tượng sau:

- Sự phán xét Cơ-đốc nhân.

- Sự phán xét dân Do-thái.

- Sự phán xét các dân tộc sau cơn đại nạn.

- Sự phán xét các thiên sứ phạm tội.

- Sự phán xét người không tin Chúa trong mọi thời đại.

Các sự phán xét trên sẽ xảy ra vào những thời điểm khác nhau và tại những địa điểm khác nhau. Trong bài nầy, chúng ta chỉ chú ý đến sự phán xét của Đức Chúa Trời đối với Cơ-đốc nhân.


1. Cơ-đốc nhân sẽ phải đối diện với sự phán xét của Chúa.

“Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời. Như vậy, mỗi người trong chúng ta sẽ khai trình việc mình với Đức Chúa Trời.” (Rô-ma 14:10,12)

Nhiều con cái Chúa ngày nay hiểu lầm về sự phán xét của Chúa đối với tín đồ khi cho rằng ngày Chúa phán xét là ngày Chúa ban nước thiên đàng cho người tin nhận Chúa Jesus và trừng phạt người từ chối ơn cứu rỗi của Ngài trong hồ lửa đời đời. Kinh Thánh cho biết sự phán xét của Chúa đối với con cái của Ngài là để ban thưởng (reward) cho họ chiếu theo cách họ đã sống và những gì họ đã làm, chứ không phải là định tội hay kết tội (condemn) người tín đồ, để xem họ có đủ tiêu chuẩn vào Thiên đàng hay không. Vì những ai thật lòng tin nhận Chúa Jesus là Cứu Chúa của mình thì đương nhiên được cứu, Rô-ma 8:1 đã khẳng định: “Cho nên hiện nay chẳng còn có sự đoán phạt nào (hay định tội, condemn) cho những ai ở trong Đức Chúa Jesus Christ.” Hoặc Giăng 3:18: “Ai tin Ngài thì chẳng bị đoán xét (nên dịch là “định tội”, condemn) đâu, ai không tin thì đã bị đoán xét (condemn) rồi.”

Như vậy, người khước từ Chúa Jesus sẽ bị định tội và không nhận được sự cứu rỗi; còn người tin nhận Chúa Jesus sẽ không bị định tội mà được cứu, nhưng sẽ phải trải qua cuộc phán xét của Chúa về cuộc đời của mình kể từ khi tiếp nhận Chúa.

Người tín đồ biết mình đã được Chúa cứu bởi đức tin, biết mình sẽ nhận sự sống đời đời bởi lời hứa của Chúa. Tuy nhiên, sự hiểu biết ấy có thể khiến cho người tin Chúa có cảm giác “an tâm”, cho rằng như vậy là đủ để vào thiên đàng mà bỏ qua những sự răn dạy khác của Chúa. Thật ra, Đức Chúa Trời có đưa ra những tiêu chuẩn cho những người đã được cứu phải tuân theo để sống theo ý muốn của Ngài. Chúng ta đừng quên rằng mỗi chúng ta sẽ phải trình diện trước mặt Chúa, mặt đối mặt với Chúa và sẽ phải khai trình về cuộc đời của mình trước mặt Chúa. Nhiều lúc chúng ta đã sống như thể sau nầy sẽ không có chuyện sẽ phải đối mặt với Chúa vậy!


2. Ai sẽ phán xét Cơ-đốc nhân?

Ai sẽ làm quan án để phán xét người tín đồ? Không ai khác hơn là chính Chúa Jesus, Ngôi Hai Đức Chúa Trời, chính Ngài đã tuyên bố:

“Cha (Ngôi Một Đức Chúa Trời) cũng chẳng xét đoán ai hết, nhưng đã giao trọn quyền phán xét (judgment) cho Con (Chúa Jesus).” (Giăng 5:22)

Tại sao Đức Chúa Cha lại trao quyền thi hành sự phán xét cho Chúa Jesus? Chúng ta có lời giải đáp ở câu 27: “Cha đã ban quyền thi hành sự phán xét cho Con, vì là Con Người.”

“Con Người” (Son of Man) là thành ngữ rất đặc biệt Kinh Thánh dùng để chỉ về Chúa Jesus khi nhấn mạnh đến NHÂN TÍNH của Ngài. Chúa Jesus sẽ thực hiện cuộc xét xử mỗi Cơ-đốc nhân một cách công bình và đầy tình yêu thương vì Ngài là Đức Chúa Trời đã từng mang thân xác loài người, Ngài đã trở nên con người như chúng ta, Ngài đã từng mang bản tính con người như chúng ta, Ngài đã từng trãi những kinh nghiệm như chúng ta nhưng Ngài không phạm tội như chúng ta, và trên hết, chính Chúa Jesus đã tự nguyện chấp nhận cái chết VÌ CHÚNG TA ! Như vậy, chỉ có Chúa Jesus là xứng đáng và có đủ thẩm quyền để xét xử loài người chúng ta mà thôi. Phao-lô đã nói: “Chúa là quan án công bình” (II Ti-mô-thê 4:7)


3. Thời điểm thi hành sự phán xét.

Hiện nay chưa phải là lúc Chúa thi hành sự phán xét đối với tín đồ, chúng ta có thể thấy những chuyện bất công xảy ra trong cộng đồng những người tin Chúa (ví dụ: có những người tin Chúa làm việc sai trái mà vẫn bình an vô sự, trong khi những người kính sợ Chúa thì gặp khó khăn v.v…) Nhưng sẽ đến thời điểm Chúa phán xét tất cả mọi người cách công bình, mỗi người sẽ nhận lấy hậu quả của việc mình làm. Chúng ta biết được thời điểm của sự phát xét căn cứ vào các phần Kinh Thánh sau:

“Song khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo khó, tàn tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có gì để trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công bình sống lại ngươi sẽ được trả.” (Lu-ca 14:13-14)

Theo lời dạy trên, những ai bày tỏ tình thương với những người khó khăn sẽ được Chúa ban thưởng lại vào thời điểm “người công bình sống lại”. Vậy, lúc nào người công bình (là những người tin Chúa Jesus) sống lại? Chúng ta có câu giải đáp sau:

“Vì sẽ có tiếng kêu lớn và tiếng của thiên sứ lớn cùng tiếng kèn của Đức Chúa Trời, thì chính mình Chúa ở trên trời giáng xuống; bấy giờ những kẻ chết trong Đấng Christ, sẽ sống lại trước hết.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:16)

“Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17)

Lúc những người công bình sống lại là lúc Chúa Jesus đến trên không trung kêu họ sống lại, và những người tin Chúa đang sống vào thời điểm đó sẽ được biến hóa thân thể (I Cô-rinh-tô 15:52) và sẽ cùng với họ được Chúa cất lên không trung. Như vậy, Chúa Jesus sẽ thi hành sự phán xét ngay sau khi Chúa đến tiếp rước Hội thánh lên trời. Chúa Jesus phán: “Nầy Ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.” (Khải-huyền 22:12)


4. Địa điểm thi hành sự phán xét.

Kinh Thánh cho biết chúng ta sẽ phải trình diện trước “tòa án của Chúa”:

“Vì chúng ta hết thảy sẽ ứng hầu trước tòa án Đức Chúa Trời (Judgment seat of God)” (Rô-ma 14:10)

“Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ (Judgment seat of Christ)” (II Cô-rinh-tô 5:10)

Cả hai thành ngữ “tòa án Đức Chúa Trời”“tòa án Đấng Christ” (Chúa Jesus cũng là Đức Chúa Trời) đều chỉ về một loại tào án mà thôi. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, tòa án là bema. Bema là một cái bệ cao có bậc thang để bước lên và có một chổ ngồi để dành cho viên chức của chính phủ có thẩm quyền để tuyên phán một vấn đề nào đó trước công chúng hoặc để xét xử các vụ kiện tụng. Chúng ta ghi nhận bema được dùng trong các trường hợp sau:

- Quan tổng đốc Phi-lát đã ngồi trên bema (tòa án) để xét xử Chúa Jesus (Giăng 19:13).

- Vua Hê-rốt Ạc-ríp-ba I đã ngồi trên bema (ngai) để truyền phán trước công chúng (Công-vụ 12:21).

- Quan tổng đốc Phê-tu ngồi trên bema (tòa án) để xét xử Phao-lô (Công-vụ 25:6).

Như vậy, Phao-lô đã mượn hình ảnh bema ở trần gian để diễn tả quang cảnh tòa án mà Chúa Jesus là vị quan tòa sẽ xét xử Cơ-đốc nhân.

Ngoài ra, phiên tòa xét xử Cơ-đốc nhân không diễn ra trên mặt đất nhưng sẽ diễn ra tại nơi nào đó trên trời sau khi Chúa Jesus đến đem chúng ta lên trời: “Kế đến chúng ta là kẻ sống, mà còn ở lại, sẽ cùng nhau đều được cất lên với những người ấy giữa đám mây, tại nơi không trung mà gặp Chúa, như vậy chúng ta sẽ ở cùng Chúa luôn luôn.” (I Tê-sa-lô-ni-ca 4:17)


5. Các nguyên tắc xét xử Cơ-đốc nhân.

Chúng ta ghi nhận một số nguyên tắc mà Chúa Jesus sẽ dùng để thẩm tra tín đồ. Sự hiểu biết các nguyên tắc sau đây cũng sẽ giúp chúng ta cẩn thận trong nếp sống hằng ngày và trong sự phục vụ Chúa.

a. Chúa căn cứ vào động cơ (motive) bên trong con người:

“Vậy, chớ nên xét đoán quá sớm, hãy đợi Chúa đến, chính Chúa sẽ tỏ những sự giấu kín trong nơi tối tăm ra ánh sáng, và bày ra những sự toan định trong lòng người.” (I Cô-rinh-tô 4:5)

Loài người chỉ có thể nhìn theo bề ngoài mà đoán định công việc của người tín đồ, nhưng Chúa thì nhìn thấy tấm lòng bên trong con người, Chúa biết rõ động cơ thúc đẩy hành động của họ.

Có những công việc nhìn bên ngoài thì tốt, được người chung quanh khen ngợi, nhưng nếu công việc được thực hiện với động cơ sai trật cho một mục đích sai trật sẽ không đẹp lòng Chúa và sẽ bị đem ra ánh sáng trong ngày phán xét. Loài người có thể che giấu động cơ sai lầm của mình trước mắt người chung quanh bằng các việc làm hào nhoáng bên ngoài, nhưng không che giấu được mắt Chúa vì Ngài thấy trong chổ kín nhiệm trong lòng người. Chúa Jesus đã từng cảnh cáo người Pha-ri-si rằng: “Các ngươi làm bộ công bình qua mặt người ta, song Đức Chúa Trời biết lòng các ngươi, vì sự người ta tôn trọng là sự gớm ghiếc trước mặt Đức Chúa Trời.” (Lu-ca 16:15).

Vì Chúa xem xét động cơ trong lòng nên chúng ta phải cảnh giác với chính mình trong sự phục vụ Chúa. “Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ bởi Chúa mà được cơ nghiệp làm phần thưởng.” (Cô-lô-se 3:23,24)

b. Chúa căn cứ vào cách chúng ta sử dụng các khả năng Chúa ban.

“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quan lý trung tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời.” (I Phi-e-rơ 4:10)

Trong Ma-thi-ơ 25:14-30, Chúa Jesus kể một ví dụ: Một người chủ khi đi phương xa (Chúa Jesus đến thế gian, chịu chết, sống lại và đã thăng thiên về trời). Người chủ trao của cải cho các đầy tớ của mình (Chúa ban cho chúng ta các ân tứ để phục Ngài, chúng ta được gọi là  đầy tớ  của Chúa). Mỗi người đầy tớ được nhận số của cải khác nhau tùy theo khả năng mỗi người: người nhận được 5 ta-lâng, người nhận được 2, người nhận được 1 (Chúa biết rõ khả năng của mỗi người, Chúa ban ân tứ nào cho người nào là quyền quyết định của Chúa, không phải của chúng ta). Khi người chủ trở về để tính sổ (Khi Chúa Jesus trở lại tiếp rước tín đồ, chúng ta sẽ phải khai trình với Chúa cách chúng ta dùng các ân tứ Chúa ban).

Người đầy tớ làm lợi cho chủ mình được chủ khen: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi.” (Ma-thi-ơ 25:21). Chúng ta nhận thấy trong lời khen, người chủ không chú ý đến nguồn lợi mà người đầy tớ mang đến nhưng chú ý đến sự trung tín của người đầy tớ.

Chúng ta chú ý: Các ta-lâng mà những người đầy tớ nhận được là tài sản của người chủ, chứ không phải của người đấy tớ. Các ta-lâng được giao cho đầy tớ là để làm sinh lợi cho người chủ. Các người đầy tớ được tự do sử dụng tài sản của chủ theo ý của mình. Tương tự như vậy, Cơ-đốc nhân ngày nay là những người quản lý hay quản trị (steward) ân tứ Chúa ban cho để phục vụ cho Chúa. Chúng ta được tự do sử dụng ân tứ Chúa ban nhưng đồng thời chúng ta phải chịu trách nhiệm về cách chúng ta sử dụng ân tứ. Chúng ta sử dụng các ân tứ một cách trung tín sẽ được Chúa ban thưởng.

c. Chúa căn cứ vào mục đích của cuộc đời chúng ta.  

Mục đích của cuộc đời người tín đồ hướng về đâu: Những sự hấp dẫn trong thế gian như tiền bạc, tài sản, quyền thế, danh vọng… hay cơ nghiệp mà Chúa dành sẵn cho họ trong các từng trời?

“Hãy ham mến các sự ở trên trời, đừng ham mến các sự ở dưới đất. Khi nào Đấng Christ, là sự sống của anh em hiện ra, bấy giờ anh em cũng sẽ hiện ra với Ngài trong sự vinh hiển.” (Cô-lô-se 3:2,4)

Người tín đồ phải sống trong thế giới nên rất dễ bị ảnh hưởng của lối sống của những người không tin Chúa trong thế giới chung quanh. Thay vì chú tâm đến hạnh phúc trong cõi đời đời thì lại hướng lòng về những thú vui tạm bợ mà thế gian đem đến. Việc xác định mục đích của cuộc đời sẽ chi phối và kiểm soát cách sống của con cái Chúa. Chúa Jesus đã cảnh cáo:

“Các ngươi chớ chứa của cải dưới đất, là nơi có sâu mối, ten rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy; nhưng phải chứa của cải ở trên trời, là nơi chẳng có sâu mối, ten rét làm hư, cũng chẳng có kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy.” (Ma-thi-ơ 6:19,20)

Trong I Cô-rinh-tô 3:12-15, Phao-lô dùng hình ảnh 6 loại vật liệu khác nhau xây lên trên một cái nền để ví sánh với công việc và lối sống của người tín đồ:

“Nếu ai dùng vàng, bạc, đá quý, gỗ, cỏ khô hay rơm rạ để xây trên nền ấy thì công trình của mỗi người sẽ được tỏ ra. Ngày phán xét sẽ làm rõ công trình đó, nó sẽ bị phơi bày trong lửa, và lửa sẽ thử nghiệm giá trị công trình của mỗi người. Nếu công trình của ai xây trên nền được tồn tại thì người ấy sẽ nhận được phần thưởng. Còn nếu công trình của người nào bị thiêu hủy thì sẽ mất phần thưởng.”

6 loại vật liệu khác nhau được chia làm hai nhóm: các vật liệu quý giá gồm vàng, bạc và đá quý thì chịu được lửa; vật liệu tầm thường gồm gỗ, cỏ khô, rơm rạ thì không chịu được lửa. “Lửa” làm hình bóng về sự phán xét của Chúa. Công trình được xây dựng bằng gỗ, cỏ khô, rơm rạ làm hình bóng về người tin Chúa đầu tư thì giờ, công sức cho những gì tạm bợ trong thế gian, đến ngày phán xét, công trình đó bị lửa thiêu hủy, người tín đồ mất phần thưởng. Công trình xây dựng bằng vàng, bạc, đá quý chỉ về việc làm có giá trị trong cõi đời đời, là những công việc làm theo sự hướng dẫn của Lời Chúa, theo ý muốn của Chúa, loại công trình nầy khi qua lửa phán xét sẽ tồn tại, người tín đồ sẽ nhận phần thưởng.

d. Chúa căn cứ vào sự tận dụng thời gian phục vụ của chúng ta.

Những người tin Chúa lâu năm, họ có khoảng thời gian rất dài hầu việc Chúa và có nhiều cơ hội phục vụ hơn những người mới tin Chúa chỉ một thời gian ngắn. Điều nầy có thể khiến người phục vụ Chúa lâu năm tự hào về mình và tự nghĩ rằng mình xứng đáng nhận được phần thưởng nhiều hơn người mới tin Chúa. Tuy nhiên, nguyên tắc của Đức Chúa Trời khác với nguyên tắc của con người.

Trong Ma-thi-ơ 20:1-16, Chúa Jesus dùng một ví dụ để dạy chúng ta nguyên tắc nầy: Có người chủ vườn nho thuê người làm công cho vườn nho của mình. Lúc 6 giờ sáng, người chủ thuê được một số người làm và ấn định công giá là 1 đơ-ni-ê; lúc 9 giờ sáng, người chủ thuê thêm một số người làm khác; lúc 12 giờ trưa và 3 giờ chiều, người chủ lại tiếp tục thuê một số người khác vào làm cho mình; chưa hết, lúc 5 giờ chiều, người chủ lại thuê một số người làm nữa. Cuối ngày, vào lúc 6 giờ chiều, người chủ trả tiền công cho tất cả người làm đều bằng nhau, mỗi người nhận 1 đơ-ni-ê! Những người làm suốt cả ngày liền phân bì với chủ, cho rằng chủ bất công! Người chủ trả lời: “Bạn ơi, ta không xử tệ với ngươi đâu, ngươi chẳng đã định với ta 1 đơ-ni-ê sao? … Ta không có phép dùng của cải của ta theo ý ta muốn sao?”

Tiền công làm việc trọn ngày là 1 đơ-ni-ê và người làm công đã chấp thuận, như vậy, người chủ rất công bằng khi trả 1 đơ-ni-ê cho người làm suốt cả ngày. Tuy nhiên, người chủ trả 1 đơ-ni-ê cho người làm chỉ có một giờ đồng hồ là do sự hào phóng, rộng lượng của người chủ.

Mỗi Cơ-đốc nhân đều có khoảng thời gian trong cuộc đời để phục vụ Chúa, khoảng thời gian nầy dài ngắn khác nhau tùy theo từng người, nhưng bắt đầu đếm kể từ khi tin Chúa. Điều quan trọng là mỗi người cần phải tận dụng khoảng thời gian mình có để phục vụ Chúa. Như vậy, khi Chúa Jesus xét xử để ban thưởng cho con cái của Chúa, Ngài không căn cứ vào độ dài thời gian phục vụ của người tín đồ nhưng căn cứ vào sự tận dụng khoảng thời gian có được để phục vụ.

Qua nguyên tắc xét xử của Chúa, chúng ta nhận thấy Ngài là một quan án công bình và cũng là một quan án đầy lòng thương xót. Công bình đối với những người có cơ hội phục vụ lâu dài; thương xót đối với những người chỉ có khoảng thời gian ngắn trong đời để phục vụ.


6. Sự phán xét của Chúa và sự tự phán xét chính mình.

Một vấn đề thực tế trong cuộc sống cần được giải đáp: Nếu một tín đồ đã từng phạm một tội quan trọng nào đó, chiếu theo sự dạy dỗ của Kinh Thánh nêu trên, tội lỗi đó sẽ bị phơi bày ra trong ngày Chúa phán xét, như vậy, làm thế nào người đó có thể tránh khỏi sự phán xét của Chúa? Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta, Chúa biết rõ chúng ta sẽ bị xấu hổ khi tội chúng ta bị đem ra ánh sáng, nên Chúa ban cho một giải pháp: Đó là sự tự phán xét chính mình (self-judgment).

“Nếu chúng ta biết xét đoán lấy mình, thì khỏi bị xét đoán” (For if we would judge ourselves, we should not be judged) (I Cô-rinh-tô 15:31)

Để tránh khỏi bị Chúa xét xử trong ngày Chúa trở lại về một tội nào đó, chúng ta phải tự làm quan án cho chính mình ngay bây giờ, chúng ta phải tự phán xét chính mình trước ánh sáng của Lời Chúa.

Sự tự phán xét chính mình bao gồm các bước sau:

- Trước hết, chúng ta phải thành thật công nhận rằng mình đã phạm tội với Chúa, đã không sống đúng theo tiêu chuẩn Chúa dạy trong Kinh Thánh.

- Kế đến, hãy đối mặt với Chúa và xưng tội mình qua sự cầu nguyện. Đừng xem thường sự ăn năn tội của mình. Luôn nhớ rằng mình là một tội nhân đang đối diện với Đấng thánh khiết.

- Sau hết, cầu xin Chúa tha thứ tội của mình một cách thành khẩn và quyết lòng từ bỏ tội lỗi.

Một khi chúng ta thành thật ăn năn tội trước mặt Chúa, Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta và làm cho chúng ta sạch tội hoàn toàn vì Chúa hứa như vậy (I Giăng 1:9), phương đông xa cách phương tây bao nhiêu thì Chúa cũng đem tội của chúng ta xa khỏi chúng ta bấy nhiêu (Thi-thiên 103:12), Chúa đạp tội lỗi chúng ta dưới chân Ngài, Chúa ném tội lỗi chúng ta xuống đáy biển (Mi-chê 7:19), Chúa không còn nhớ đến tội lỗi của chúng ta nữa (Giê-rê-mi 31:34). Như vậy, chúng ta sẽ dạn dĩ đứng trước mặt Chúa trong ngày phán xét.



bottom of page