top of page
Hung Tran
Mar 23, 2023
Bạn có để ý thấy rằng tuần làm việc của con người cũng tương đương với tuần làm việc của Đức Chúa Trời không...
CÁC ĐIỀU RĂN VÀ NHỮNG NGÀY CỦA TUẦN LỄ SÁNG TẠO
Năm...
...1971, hai sinh viên đã mạnh dạn và nhẹ nhàng thách thức một trong số những giáo sư của họ (tôi) để bảo vệ vị trí của ông ta về nguồn gốc của mọi thứ. Đó là một việc trông có vẻ hết sức dễ dàng vì tôi bị thuyết phục rằng có hằng hà sa số bằng chứng khoa học thật sự chứng minh cho sự tiến hóa (trên hàng tỉ năm) là thật. Năm 1972, vị giáo sư này bị ngập đầu trong sự thất vọng! Không thể nào tìm thấy được bằng chứng chứng minh cho một vũ trụ già cỗi như các nhà tiến hóa đã đưa ra và được coi là sự thật. Điều này không có ý nói rằng thiếu những tác phẩm viết về đề tài tiến hóa, nhưng rằng không có bằng chứng khoa học thật sự nào lại không dựa trên chỉ những giả thuyết (xin đối chiếu với phần đầu chương hai, “Bảy giả thuyết cơ bản”).
Vào đầu thập niên 70, đối với tôi, chuyện tiến hóa qua nhiều khoảng thời gian dài là chuyện hiển nhiên. Có thể là một ngày trong Sáng-thế ký tương đương với 1 tỉ năm thì sao? Nếu chúng ta có thể bằng cách nào đó áp đặt những khoảng thời gian dài vào Sáng-thế ký 1, tiến hóa và Kinh Thánh hoàn toàn phù hợp với nhau. Và tôi đã nghĩ như thế.
NHỮNG NGÀY-24-GIỜ HAY CÁC THỜI ĐẠI?
Những ngày trong SaSt 1:1-31 là những ngày có 24 giờ! Nếu chúng ta tin Kinh Thánh, thì không thể nào một ngày trong 1:1-31 lại tương đương với 1 tỉ năm. Ngay cả sự logic trong 10 điều răn cũng đòi hỏi những ngày-24-giờ (chắc không ai trong chúng ta khó chịu gì khi ôn lại 10 điều răn), vì thế, hãy xem lại XuXh 20:1-20:
“Bấy giờ, Đức Chúa Trời phán mọi lời này, rằng: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, đã rút ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô, là nhà nô lệ. Trước mặt ta, ngươi chớ có các thần khác. Ngươi chớ làm tượng chạm cho mình, cũng chớ làm tượng nào giống những vật trên trời cao kia hoặc nơi đất thấp này, hoặc trong nước dưới đất. Ngươi chớ quỳ lạy trước các hình tượng đó, và cũng đừng hầu việc chúng nó, vì ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, tức là Đức Chúa Trời kỵ tà, hễ ai ghét ta, ta sẽ nhơn tội tổ phụ phạt lại con cháu đến ba bốn đời, và sẽ làm ơn ngàn đời cho những kẻ yêu mến ta và giữ các điều răn ta. Ngươi chớ lấy danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi mà làm chơi, vì Đức Giê-hô-va chẳng cầm bằng vô tội kẻ nào lấy danh Ngài mà làm chơi. Hãy nhớ ngày nghỉ đặng làm nên ngày thánh. Ngươi hãy làm hết công việc mình trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy là ngày nghỉ của Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi: trong ngày đó, ngươi, con trai, con gái, tôi trai, tớ gái, súc vật của ngươi, hoặc khách ngoại bang ở trong nhà người, đều chớ làm công việc chi hết, vì trong sáu ngày, Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển, và muôn vật ở trong đó, qua ngày thứ bảy thì Ngài nghỉ: vậy nên Đức Giê-hô-va đã ban phước cho ngày nghỉ và làm nên ngày thánh. Hãy hiếu kính cha mẹ ngươi, hầu cho ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho. Ngươi chớ giết người. Ngươi chớ phạm tội tà dâm. Ngươi chớ trộm cướp. Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình. Ngươi chớ tham nhà kẻ lân cận ngươi, cũng đừng tham vợ người, hoặc tôi trai tớ gái, bò, lừa, hay là vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi. Vả, cả dân sự nghe sấm vang, tiếng kèn thổi, thấy chớp nhoáng, núi ra khói, thì run rẩy và đứng cách tận xa. Dân sự bèn nói cùng Môi-se rằng: ‘Chính mình người hãy nói cùng chúng tôi thì chúng tôi sẽ nghe,nhưng cầu xin Đức Chúa Trời chớ phán cùng, e chúng tôi phải chết chăng.’ Môi-se đáp rằng: ‘Đừng sợ chi, vì Đức Chúa Trời giáng lâm đặng thử các ngươi, hầu cho ai kính sợ Ngài ở trước mặt các ngươi, cho các ngươi không phạm tội.’” (XuXh 20:1-20).
Bạn có để ý thấy rằng tuần làm việc của con người cũng tương đương với tuần làm việc của Đức Chúa Trời không (20:9-11)? Vì thế, nếu một người làm việc sáu ngày-24-giờ, thì sự logic của 20:11 đòi hỏi rằng Đức Chúa Trời cũng đã làm việc trong sáu ngày-24-giờ và nghỉ ngơi vào ngày thứ bảy cũng như con người nghỉ một ngày trong tuần.
Các học giả người Hê-bơ-rơ khắp thế giới đã đồng ý rằng chữ “ngày” (từ “ngày” trong tiếng Hê-bơ-rơ là “yom”) của Sáng-thế ký 1 là những ngày-24-giờ. Các học giả này có thể không cần thiết phải tin rằng Đức Chúa Trời có quyền tạo dựng nên mọi thứ trong vòng sáu ngày bình thường, hay họ có thể cũng chẳng cần phải tin rằng Kinh Thánh là Lời thánh của Đức Chúa Trời, nhưng họ tin rằng từ Hê-bơ-rơ: “yom” có nghĩa là “ngày” mà ngày này có 24 giờ. Các học giả trung lập (liberal scholars) đã cố tuyên bố rằng một tác giả nào đó thời xưa, người không biết gì về khoa học và địa chất học đã viết một bài viết ngắn về nguồn gốc con người với các khái niệm quá đơn giản.
Nhiều học giả nói rằng việc những từ đó nói lên điều gì thì không quan trọng, nhưng chỉ đơn giản là ý nghĩ hay thông điệp đằng sau những ký hiệu từ (word-symbols) này mới quan trọng. Tuy nhiên, nếu điều này là thật, thì chúng ta cũng có thể quẳng hết mọi quyển từ điển tiếng Hê-bơ-rơ và tiếng Hy-lạp. Mỗi chữ trong Sáng-thế ký 1 đều có trong từ điển tiếng Hê-bơ-rơ. Mỗi từ đều có ý nghĩa riêng biệt, và có thể tra cứu để tìm xem ý nghĩa đó là gì. Nó không phải là những “ký hiệu từ” tối nghĩa vốn bị giới hạn bởi ý nghĩa chỉ trong chừng mực sự tưởng tượng của người đọc.
MỖI NGÀY CÓ NỬA SÁNG VÀ NỬA TỐI
Đức Chúa Trời đã dùng mỗi từ Ngài có thể dùng (để chúng ta có thể hiểu - ND) để chỉ cho chúng ta thấy việc Ngài đề cập đến một vòng quay của trái đất trước nguồn sáng của nó (mặt trời - ND) hay một ngày-24-giờ trong Sáng-thế ký 1. Ngài đã phán: “...Vậy, có buổi chiều và buổi mai ấy là ngày thứ nhất,… vậy, có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ hai”; v.v...Mỗi ngày có một buổi tối, và một buổi sáng . Trong SaSt 1:5, Đức Chúa Trời phán, “Đức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày, sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ nhứt.”
Mỗi ngày có một buổi sáng và một buổi tối. Điều này đánh đổ tiến hóa hữu thần và thuyết ngày-thời đại (day-age - một ngày trong Sáng-thế ký 1 tương đương với một thời đại dài - ND), vì mỗi ngày (1 tỉ năm?) chỉ có nửa sáng và nửa tối! Bạn không thể tiến hóa bất cứ gì trong 500 triệu năm bóng tối, hay với lập luận đó, trong 500 triệu năm dài đăng đẳng ngập tràn trong ánh sáng mặt trời.
Chúng ta có thể hỏi: “Thế thì A-đam bao nhiêu tuổi khi ông qua đời?” 5:5 chép rằng:“Vậy, A-đam hưởng thọ được chín trăm ba mươi tuổi, rồi qua đời.” Nếu một ngày trong Sáng-thế ký 1 tương đương với 1 tỉ năm như thuyết tiến hóa đòi hỏi, và A-đam sống ít nhất nửa ngày thứ sáu (từ khi ông được tạo dựng - ND), hết ngày thứ bảy, rồi thêm 930 năm nữa, thế thì A-đam bao nhiêu tuổi khi qua đời? Có phải ông được 1.500.000x930 năm không? Hay ông qua đời ở tuổi 930? Bạn không thể chọn cả hai! Bạn không thể vừa lựa chọn khoảng thời gian dài (một ngày tương đương với một khoảng thời gian dài, tiến hóa hữu thần, sáng tạo diễn tiến) và Kinh Thánh. Hoặc A-đam 930 tuổi khi qua đời, hoặc bạn có thể bỏ mặc 1:1 và 5:5!
NGÀY, NĂM VÀ CÁC MÙA
Đức Chúa Trời đã dùng những từ Ngài đã có thể dùng nếu Ngài muốn chúng ta hiểu rằng những ngày trong 1:1-31 dài hơn 24 giờ. Một trong những từ Hê-bơ-rơ này là “olam.” Olam nghĩa là một khoảng thời gian dài và có thể mang nghĩa “đời đời” nữa.
Hãy xem trong 1:14: “Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm.”
Đức Chúa Trời đã phân biệt sự khác nhau giữa ngày, mùa và năm. Làm thế nào mà người ta lại có thể kéo dài một ngày trong Sáng-thế ký thành ra 1 tỉ năm, rồi lại chẳng lưu tâm gì đến 1:14? Nếu một ngày là một tỉ năm, thì một mùa hoặc một năm sẽ là bao lâu? Có phải một năm trong Kinh Thánh tương đương 365 tỉ năm (vòng quay của trái đất quanh mặt trời - ND)?
Ngay cả những nhà tiến hóa cấp tiến còn tuyên bố rằng vũ trụ không già hơn 20 tỉ tuổi! Đức Chúa Trời đã sử dụng tất cả những từ chỉ thời gian này trong một câu để chứng minh cho chúng ta thấy Ngài muốn nói đến một ngày-24-giờ. Bạn sẽ không thể nào nhận thấy ý nghĩa của 1:14 nếu bạn cứ khăng khăng với thuyết tiến hóa hữu thần hay ngày-thời đại hay quan điểm sáng tạo diễn tiến (ban đầu có sự sáng tạo, sau sự sáng tạo, có sự tiến hóa - ND). (Đừng quên rằng chúng ta không hướng Kinh Thánh (“ép” Kinh Thánh - ND) theo khoa học, mà chúng ta hướng khoa học theo Kinh Thánh.)
Nếu “khoa học” nói với chúng ta rằng chúng ta phải có những thời đại địa chất (geologic ages) lâu dài để giải thích sự tồn tại của mọi thứ, nhưng Kinh Thánh cho biết Đức Chúa Trời đã làm điều đó trong 6 ngày bình thường, thì chúng ta phải tin Kinh Thánh bằng đức tin và biết rằng khoa học phải có một nghiên cứu nào đó để minh chứng cho Kinh Thánh, chứ không bác bỏ nó.
10 điều răn trong Kinh Thánh là một trong những nguyên nhân căn bản cho niềm tin trong thuyết tiến hóa. Những người luôn tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học đã kiểm tra sự sáng tạo của Đức Chúa Trời. Họ đã thấy công việc do chính Chúa làm nên (RoRm 1:1-32 và Thi Tv 19:1-14), thế mà họ lại lựa chọn tin theo lời dối trá của thuyết tiến hóa vì họ không muốn nhìn biết tội lỗi mình, như đã được ghi trong 10 điều răn. Chấp nhận niềm tin nơi Đức Chúa Trời, Đấng viết 10 điều răn đó bằng chính ngón tay của mình, trở thành một việc không thể nghĩ ra được. Niềm tin sẽ đặt con người vào chỗ của sự tận hiến và vâng phục Đấng Sáng Tạo của mình. Hơn nữa, vị trí của sự tận hiến và vâng phục này đòi hỏi tinh thần trách nhiệm trước Thượng Đế thánh khiết và cuối cùng là sự phán xét - đây là những thực tế mà người ta không thích nghĩ đến. Chúng ta biết chúng ta là tội nhân. Chúng ta thậm chí không sống đúng theo tiêu chuẩn của chính mình, huống chi những tiêu chuẩn công bình của Chúa. Quả thật, sống trong “vùng đất ảo” (fantasy-land) của thuyết tiến hóa dễ hơn nhiều so với sống trong thực tế là chúng ta đã bị chia cách khỏi Đấng Tạo Hóa bởi chính sự bất khiết và kiêu ngạo của lòng mình. Cuộc sống dường như ít phức tạp và nhiều thoải mái hơn khi chúng ta tin nơi lời dối trá của thuyết tiến hóa.
Không một người có lý trí nào sẽ tranh cãi rằng 10 điều răn của Chúa là không thích hợp hay không chính xác, hay có hại cho xã hội. Nếu mỗi người đều vâng theo nó, chúng ta sẽ có một thế giới gần như hoàn hảo, không có tội phạm, sự phạm tội, và cũng không có ô nhiễm.
Bạn có chú ý thấy rằng tuần lễ sáng tạo bảy ngày được đề cập trong 10 điều răn (XuXh 20:11) không? Điều này không hấp dẫn sao? Trong cái nhìn của tất cả mọi thứ, Đấng Tạo Hóa có thể đã đề cập đến để được ghi nhớ mãi mãi, để kêu gọi sự chú ý đến tuần sáng tạo bảy ngày đầu tiên.
Chẳng có vấn đề gì về việc dịch sang Việt ngữ bản 10 điều răn. Điều chúng ta đọc được đúng là điều mà Đức Chúa Trời đã phán. Ngài phán: “...vì trong sáu ngày Đức Giê-hô-va đã dựng nên trời, đất, biển và muôn vật ở trong đó ...” (20:11). Điều đó có ý nghĩa đúng như những gì nó được ghi lại. Trong sáu ngày, Đức Chúa Trời đã tạo dựng mọi thứ vốn đã và đang tồn tại, bất luận nó tồn tại trên các tầng trời, trên đất hay dưới biển sâu. Ngài đã tạo dựng nó với đầy đủ chức năng lúc đã trưởng thành và với bề ngoài đã có tuổi. Điều đó bao gồm mọi thứ trong thế giới vĩ mô (các ngôi sao, các hành tinh, mặt trời, mặt trăng, các sao chổi, các tiểu hành tinh, các thiên sứ v.v...) và thế giới vi mô (các phân tử, nguyên tử và vi lượng của các con voi, con bọ và cá mập v.v...). Một kỳ sáng tạo sáu ngày không còn chỗ nào cho tiến hóa hữu thần và hàng tỉ năm của nó, hoặc cho một “lỗ hổng” giữa SaSt 1:1 và 1:2. Một số học giả Kinh Thánh của thế kỷ 20 đã tin vào thuyết lỗ hổng (gap theory) do ảnh hưởng của “khoa học” tiến hóa. Những con người thánh thiện này tin rằng khoa học công bố những thời đại địa chất lâu dài và người “tiền sử” đã được chứng minh là thật. Họ tìm đến những đoạn đầu của Sáng-thế ký và cố hướng Kinh Thánh vào khoa học bằng cách mặc nhiên công nhận có một lỗ hổng giữa 1:1 và 1:2. Không hề có chủng tộc tiền A-đam (_) (pre-Adamic) là những con người tội lỗi sống trong lỗ hổng. Chẳng những họ không thể sống trong điều kiện không có ánh sáng, mà tội lỗi và điều ác cũng chưa từng xuất hiện trong vũ trụ (vật chất - ND) mãi cho đến khi A-đam sa ngã. RoRm 5:12 chép:
“Cho nên, như bởi một người mà tội lỗi đã vào trong thế gian, lại bởi tội lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều đã phạm tội.”
Một hậu quả rõ ràng của tội lỗi A-đam gây nên chính là sự chết, nhưng trước khi A-đam phạm tội, thì không có sự chết. Nếu không có sự chết trước khi A-đam phạm tội (điều này được khẳng định rất rõ ràng trong Lời Chúa), thì không thể có chuyện người ta chết trong thế giới tiền A-đam.
Thực ra, toàn bộ sự sáng tạo đã bị ảnh hưởng bởi tội lỗi của A-đam và nó vẫn còn “đè nặng” với các gai nhọn, các gánh nặng và các hậu quả tai hại chờ đợi sự cứu rỗi. 8:22-23 chép rằng:“Vì chúng ta biết rằng muôn vật đều than thở và chịu khó nhọc cho đến ngày nay, không những muôn vật thôi, lại chúng ta, là kẻ có trái đầu mùa của Đức Thánh Linh, cũng than thở trong lòng đang khi trông đợi sự làm con nuôi, tức là sự cứu chuộc thân thể chúng ta vậy.”
Cứ khăng khăng theo thuyết lỗ hổng không những đòi hỏi phải có sự chết trước sự sa ngã (của A-đam), nhưng nó cũng buộc phải có sự thay đổi trong bản văn Kinh Thánh. SaSt 1:2 phải được đổi từ: “Vả, đất là vô hình và trống không” thành “Vả, đất trở nên vô hình và trống không.” Đức Chúa Trời cũng dùng chính chữ “là” (was) này trong 2:25 và 3:1. 2:25 chép:“Vả, A-đam và vợ, cả hai đều (were ) trần truồng...” A-đam và Ê-va đã không được tạo dựng trong tình trạng có sẵn quần áo và rồi “trở nên” trần truồng . Chúng ta cũng có thể nói như vậy với con rắn trong 3:1. Không phải là nó đã “trở nên” quỷ quyệt vì trước đó chưa từng quỷ quyệt; nó đã quỷ quyệt ngay từ ban đầu. Thuyết lỗ hổng cần phải có sự thay đổi trong bản văn Kinh Thánh. Để hiểu hơn về những vấn đề của thuyết lỗ hổng, hãy đọc quyển sách của tiến sĩ John Whitcomb, The Early Earth .
Chúng ta không cần phải “dàn xếp” (accommodate) Kinh Thánh vào những gì chúng ta tin là khoa học thực nghiệm - những thời đại địa chất - bằng cách đặt ra một cái lỗ hổng giữa 1:1 và 1:2 hay bằng cách kéo dài một ngày-24-giờ của Sáng-thế ký 1 thành ra những thời đại địa chất thật lâu. Những người đã làm chuyện này, có lẽ hầu như vô tình, đã phá vỡ một quy luật căn bản: Không bao giờ được hướng Kinh Thánh vào khoa học, nhưng khoa học lúc nào cũng phải theo Kinh Thánh.
Ở ĐỊA VỊ CỦA TÔI, LÀ MỘT TRONG NHỮNG NGƯỜI TẬN HIẾN ĐỜI MÌNH CHO ĐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST TRỄ HƠN
Hầu hết những người khác (ở tuổi 27) và cũng là người đã phải chịu đựng một cuộc tranh chiến xé lòng với vấn đề này. Khi tôi tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ là Chúa và Cứu Chúa của đời sống mình, tôi trở thành một nhà tiến hóa hữu thần. Rồi thì tôi nhận thấy một điều, như nhiều người nam và người nữ khác đã thấy (khi quay về với những lẽ thật của Thánh Kinh), sự sáng tạo của Đức Chúa Trời trong sáu ngày là hoàn toàn đúng đắn và thực tế. Khoa học mà tôi đã học chứng minh sự phức tạp của mỗi loài cây, con vật, giống côn trùng và lại không có một câu trả lời nào khác hơn cho câu hỏi “tại sao” và “làm thế nào” có sự phức tạp này, ngoại trừ câu nói: “không một ai, cộng với không có gì cho ra mọi thứ” hay “tất cả những cái đó là kết quả của sự khách quan cộng với ngẫu nhiên cộng với thời gian.” Đức Chúa Trời của chúng ta, Đấng Sáng Tạo oai quyền, không cần thời gian. Ngài ở trên thời gian. Đấng Tạo Hóa Jêsus đã cho thấy khả năng siêu nhiên của Ngài qua việc làm các phép lạ mà không bị chi phối bởi thời gian. Khi chúng ta tin vào Sáng-thế ký 1 đúng như những gì đã được viết, chúng ta sẽ quỳ xuống và thờ phượng trong một niềm tin trọn vẹn hướng về Đấng Tạo Hóa độc nhất, và cũng rất đáng kính sợ. Như Gióp đã nói:
“Tôi biết rằng Chúa có thể làm được mọi sự, chẳng có ý chỉ nào Chúa lấy làm khó lắm. Trước lỗ tai tôi có nghe đồn về Chúa, nhưng bây giờ, mắt tôi đã thấy Ngài: Vì vậy, tôi lấy làm gớm ghê tôi, và ăn năn trong tro bụi.” (Giop G 42:2, 5-6).
Trên đây, chúng ta đã đề cập đến những tài liệu cho thấy rằng các chi tiết của tiến hóa và những chi tiết riêng biệt trong Sáng-thế ký 1 không trùng khớp nhau (Scott Huse, Sự Sụp Đổ của Thuyết Tiến Hóa và Walter Brown, Ban Đầu ). Chẳng hạn tiến hóa nói rằng loài bò sát phát triển trước rồi mới đến loài chim tiến hóa từ loài bò sát , nhưng Kinh Thánh chép rằng loài chim có trước (SaSt 1:20-23) và rồi mới có loài bò sát (1:24-26). Nếu chúng ta trở lại việc suy nghĩ về những ngày của Sáng-thế ký, thì chắc chắn sẽ có nhiều điều không hợp lý nếu chúng ta coi đó là những khoảng thời gian dài. Chẳng hạn, Đức Chúa Trời đã tạo dựng nên các loài cây cỏ trong ngày thứ ba (1:12, 13), nhưng Ngài tạo dựng côn trùng vào ngày thứ sáu. Nhiều loài thực vật cần phải có côn trùng để thụ phấn cho. Làm thế nào chúng có thể sống sót và tồn tại trong hơn 2 tỉ năm chờ đợi loài côn trùng “tiến hóa”?
Thuyết tiến hóa không có câu trả lời cho việc làm thế nào mà chúng ta đã đến đây. Tiến hóa buộc chúng ta phải vứt bỏ những lời được viết rõ ràng và dễ hiểu của 1:1-11:32, vì cả hai không tương đồng với nhau. Chúng ta tin Kinh Thánh hay chúng ta đã đặt niềm tin của mình lên những suy đoán ngu dại của con người, dựa trên nền tảng của những giả thuyết của cái gọi là khoa học mà lại không thể chứng minh bằng chính thực nghiệm khoa học, theo phương pháp khoa học (xem phần đầu chương 2, “Bảy giả thuyết cơ bản”)?
Vì các nguồn gốc theo thuyết tiến hóa và cả sáng tạo đều không thể xác định được bằng khoa học thực nghiệm, nên chúng ta phải đối diện với vấn đề “đức tin.” Không có người nào ở đó chứng kiến Vụ Nổ Lớn, và cũng chẳng có ai nhìn thấy sự sáng tạo.
Nhiều người trong chúng ta dễ dàng xưng nhận mình tin rằng Đức Chúa Jêsus Christ là Con Thượng Đế, được sanh ra từ một người mẹ xác thịt đồng trinh, cũng như sự sống lại của Ngài từ cõi chết. Chúng ta chấp nhận điều này là thật mà không một chút ngần ngại, nhưng chúng ta lại giới hạn Đức Chúa Trời trong một thực thể “thử và sai” (trial and error - phương pháp thí nghiệm khoa học loại dần cho đến khi đạt kết quả đúng như giả thuyết - ND) vốn không thể “phán để sự sáng tạo xuất hiện,” rồi lại tin vào hàng tỉ năm cũng như một quá trình tiến hóa để cuối cùng “công nhận là nó đúng.”
Tôi cho rằng nguyên nhân chính của việc bác bỏ một quan điểm sáng tạo (đặc biệt là trong những lời tuyên bố của các nhà tiến hóa) chính là sự kiêu ngạo và sự phản loạn cố hữu của con người. Tiến hóa cho phép chúng ta được tự do khỏi Đức Chúa Trời để chúng ta không còn cảm thấy mình có trách nhiệm giải trình trước mặt Chúa. Tiến hóa lấy mất những áp lực (thức tỉnh - ND) trên lương tâm chúng ta!
Thời Đại Mới (New Age) và rộng khắp hiện nay đang dạy rằng: “mỗi chúng ta có trong mình một ý thức thần thánh (god consciousness) và có thể đạt đến trạng thái như thần thánh bằng chính sức lực của chúng ta khi chúng ta học nhìn vào trong chính bản thân mình và phát triển toàn bộ những tiềm năng mà chúng ta có,” hơn nữa đã thúc đẩy những ngọn lửa của tính tự mãn, ích kỷ và sự độc lập khỏi bất cứ một quyền năng nào lớn hơn chính chúng ta. Sự dạy dỗ của Thời Đại Mới này đề cao tiến hóa và là một quan niệm chết người. Nó là con đường của sự chết vì nó dẫn con người ta đến chỗ chối bỏ Đức Chúa Jêsus và phủ nhận Ngài là Cứu Chúa của chính họ. Tư tưởng tiến hóa Thời Đại Mới cũng thuyết phục mọi người rằng họ không thể tin vào 11 đoạn đầu tiên của Sáng-thế ký đích thực là Lời của Đức Chúa Trời.
NƯỚC LỤT BAO PHỦ TRÁI ĐẤT
Ở phần đầu Sáng-thế ký đã có đề cập đến trận Đại Hồng Thủy vào thời Nô-ê. Nếu tiến hóa là thật, thì một trận Đại Hồng Thủy diễn ra khoảng 5.000 năm trước đây là điều không thể! Tiến hóa đòi hỏi hàng triệu năm, không chỉ vài ngàn năm, để cho các sinh vật và hệ thống sinh thái tiến hóa. Đôi lúc chúng ta nghe biến cố lịch sử này được đề cập đến như là trận Đại Hồng Thủy của Nô-ê. Nó không phải là trận Đại Hồng Thủy của Nô-ê. Nó là trận Đại Hồng Thủy của Đức Chúa Trời! Trận lụt chính là hình phạt dành cho tội lỗi vốn đã lan tràn khắp đất. 6:5-14a mô tả lòng Đức Chúa Trời đã tan vỡ thế nào vì sự phạm tội của loài người và sự nhìn nhận Nô-ê là con người công bình duy nhất trên mặt đất.
“Đức Giê-hô-va thấy sự hung ác của loài người trên mặt đất rất nhiều,và các ý tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn, thì tự trách đã dựng nên loài người trên mặt đất, và buồn rầu trong lòng. Đức Giê-hô-va phán rằng: ‘Ta sẽ hủy diệt khỏi mặt đất loài người mà ta đã dựng nên, từ loài người cho đến loài súc vật,loài côn trùng, loài chim trời, vì ta tự trách đã dựng nên các loài đó.’ Nhưng Nô-ê được ơn trước mặt Đức Giê-hô-va. Này là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và toàn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời. Nô-ê sanh ba con trai là Sem, Cham và Gia-phết. Thế gian bấy giờ đều bại hoại trước mặt Đức Chúa Trời và đầy dẫy sự hung ác. Này, Đức Chúa Trời nhìn xem thế gian, thấy điều bại hoại, vì hết thảy xác thịt làm cho đường mình trên đất phải bại hoại. Đức Chúa Trời bèn phán cùng Nô-ê rằng: ‘Kỳ cuối cùng của mọi xác thịt đã đưa đến trước mặt ta, vì cớ loài người mà đất phải đầy dẫy điều hung hăng, vậy, ta sẽ diệt trừ họ cùng đất .’”
SỰ HỦY DIỆT CỦA TẤT CẢ CÁC XÁC THỊT TRÊN MẶT ĐẤT
Đức Chúa Trời phán bảo với chúng ta mục đích Ngài đã tạo nên trận Đại Hồng Thủy là gì? 6:5 chép rằng Đức Chúa Trời thấy sự hung ác và tội lỗi nơi loài người. 6:17 ghi lại mục đích thực sự của trận lũ: “...đặng tuyệt diệt các xác thịt.” Các dạng sống sẽ bị tiêu diệt được liệt kê cách đặc biệt trong 7:21-23:
“Các xác thịt hành động trên mặt đất đều chết ngột, nào chim, nào súc vật, nào thú rừng, nào côn trùng, và mọi người. Các vật có sanh khí trong lỗ mũi,các vật ở trên đất liền đều chết hết. Mọi loài ở trên mặt đất đều bị hủy diệt, từ loài người cho đến loài thú, loài côn trùng cùng loài chim trời, chỉ còn Nô-ê và các loài ở với người trong tàu mà thôi.”
Mục đích của đợt phán xét lớn bằng nước này là để hủy diệt tất cả mọi dạng sống trên đất liền. Sự sống trên đất liền trước đây sinh sôi nảy nở rất tốt trong lưu vực sông Hi-đê-ke và sông Ơ-phơ-rát! Trận lụt không diễn ra để hủy diệt sự sống dưới nước, dẫu rằng nhiều sinh vật sống trong nước đã bị tiêu diệt bởi trận lũ như được thấy trong các hóa thạch.
Phi-e-rơ nói với chúng ta (trong IIPhi 2Pr 3:5-13) rằng có ba hệ thống trời và đất trong kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời.
* Hệ thống thứ nhất đã hoàn toàn bị hủy diệt trong cơn nước lụt vốn là sự đoán phạt của Đức Chúa Trời vào thời Nô-ê. Xin nhớ rằng chính sự hung ác (SaSt 6:11) đã khiến Chúa phải đoán phạt! (Nội dung của các phim ảnh và phim hoạt hình mà bạn đang xem ngày nay trong nhà mình là gì? Bạn có để ý thấy rằng nó đang gia tăng về bạo lực không?)
* Hệ thống trời và đất thứ hai (hệ thống hiện tại của chúng ta, IIPhi 2Pr 3:7) sẽ bị hủy diệt bởi lửa, nóng đến độ sẽ phá hủy toàn bộ cấu trúc phân tử nền tảng của trái đất và bầu trời (3:10). Cội rễ của tội lỗi, sự hung ác, và bạo lực cuối cùng sẽ bị thiêu rụi. Vì thế, hiện nay bạn đang đầu tư những tài nguyên (thời gian, tiền bạc, tài trí) của bạn như thế nào? Chỉ có ba thứ sẽ không bị thiêu hủy - Đức Chúa Trời; Lời Chúa, Kinh Thánh; và con người. Có phải bạn đang đầu tư vào cõi đời đời của Lời Chúa và đầu tư vào con người không (ra đi làm chứng - ND)?
* Hệ thống trời và đất thứ ba được gọi là trời mới đất mới (3:13). Hệ thống trời và đất này là công chính và đời đời cũng đã được đề cập đến trong RoRm 8:21, KhKh 21:1; và có lẽ EsIs 65:17. Nó sẽ tồn tại mãi mãi. Chỉ những ai có tên trong Sách Sự Sống của Chiên Con mới được thừa hưởng trời mới đất mới. Bạn có đến với Chiên Con, Đức Chúa Jêsus, bằng đức tin và tin rằng chỉ mình Ngài có quyền cứu bạn khỏi sự chết và giải phóng cho linh hồn bạn không? Bạn đã tận hiến cả đời mình cho Ngài và hầu việc Ngài chưa? Đức Chúa Jêsus đã đối chiếu biến cố nước lụt trong thời Nô-ê với sự tái lâm của Ngài:
“Việc đã xảy đến trong đời Nô-ê, thì cũng sẽ xảy đến trong ngày Con người: người ta ăn, uống, cưới, gả, cho đến ngày Nô-ê vào tàu, và nước lụt đến hủy diệt thiên hạ hết.” (LuLc 17:26-27). Trong Kinh Thánh, nước lụt là một biến cố thật. Nô-ê không phải là một nhân vật thần thoại (_). Đức Chúa Jêsus và các trước giả của Kinh Thánh tin và dạy về một con người thực tên là Nô-ê và một trận Đại Hồng Thủy toàn cầu. Không có một chỗ nào trong Kinh Thánh đề cập đến trận Đại Hồng Thủy như là một vụ tràn nước từ một dòng sông như một số học giả đã đưa ra giả thuyết. Các từ trong Sáng-thế ký 6-9 hoàn toàn có nghĩa trong từ điển tiếng Hê-bơ-rơ, chúng không phải là những ký hiệu mô tả một biến cố huyền thoại được ghi lại bởi một trước giả nào đó mà sự hiểu biết của ông ta chỉ thu hẹp quanh các bờ sông của con sông Ơ-phơ-rát và Hi-đê-ke. Trận lụt này bao phủ “...hết thảy những ngọn núi cao ở dưới trời” (SaSt 7:19). Trời ở đây tức là bầu khí quyển bao quanh trái đất chúng ta, chỗ có chim bay (xem 1:20).
CHIẾC TÀU CỦA NÔ-Ê
Đức Chúa Trời thúc đẩy Nô-ê đóng một chiếc tàu có chiều dài ba trăm thước, chiều rộng năm mươi thước, chiều cao ba mươi thước chỉ vì một vụ tràn nước từ một con sông thôi sao? Con tàu đủ lớn để mang tất cả các loài động vật trên cạn cần thiết để tái định cư và phát triển trên địa cầu. Các nhà khoa học đã ước chừng Nô-ê đã mang khoảng 35.000 con vật có kích thước cỡ con cừu để chúng ta có tất cả mọi loài động vật hiện nay. Chiếc tàu đủ lớn để mang 125.000 con vật cỡ con cừu. 35.000 con vật có thể chỉ được để trên một tầng của tàu mà thôi. Nô-ê có lẽ đã mang những con thú còn nhỏ (ngay cả những con khủng long sơ sinh) vì chúng ăn ít và chiếm chỗ không nhiều. Nô-ê và gia đình có lẽ đã sống ở tầng trên cùng, và có thể ông đã để côn trùng ở tầng dưới cùng.
Bạn có cần một chiếc thuyền lớn để bảo vệ loài chim trong một vụ nước tràn bờ của một dòng sông nhỏ không? Bạn có bao giờ nghe thấy một vụ tràn bờ nào kéo dài hơn một năm không? Trận Đại Hồng Thủy Sáng-thế ký thì có đấy. Tại sao Đức Chúa Trời lại cho Nô-ê đến những 120 năm để đóng tàu (SaSt 6:3) trong khi việc di chuyển cả gia đình ông và đàn gia súc ra khỏi thung lũng Mesopotamian là hết sức dễ dàng? Trong 120 năm, Nô-ê hoàn toàn có thể cao chạy xa bay khỏi trận lũ nếu đó chỉ là một vụ tràn nước sông nhỏ! (_)
Đức Chúa Trời có thể chăm sóc cho Nô-ê và gia đình cùng con tàu đầy những động vật sống đó trong cả một năm không? 8:1 bắt đầu như sau:“Vả, Đức Chúa Trời nhớ lại Nô-ê cùng các loài thú và súc vật ở trong tàu với người...” Từ “nhớ lại” là một từ đặc biệt. Trong ngôn ngữ Hê-bơ-rơ, nó có nghĩa là sự chăm sóc đặc biệt và luôn luôn chăm nom . Khái niệm về sự thấu hiểu những nhu cầu và thực hiện hành động đáp ứng nhu cầu đó cũng được bao hàm trong ý nghĩa của từ. Không phải là Nô-ê đã bị mắc kẹt trong một chiếc tàu và Đức Chúa Trời thì bận làm những việc khác. Rồi thình lình Chúa nhìn xuống và nói, “Ồ, ta chợt nhớ ra Nô-ê.” Từ này còn mang cả ý nghĩa của sự đáp ứng các nhu cầu.
Một số nhà sáng tạo đã thừa nhận quá trình ngủ (của động vật) có thể đã bắt đầu trong suốt thời gian nước lũ. Có lẽ nhiều loài động vật ngủ suốt cả chặng đường. Vô số các động vật khác không thường ngủ như vậy cũng có thể ngủ suốt như thế trong những điều kiện nào đó của phòng thí nghiệm. Khả năng ngủ đó thể hiện qua các loài động vật như dơi, chồn hôi, chuột chũi, sóc chó, lửng, gấu, một số loài chuột, chim ruồi, rắn, rùa, cóc, nhện, bọ, chuồn chuồn, châu chấu, ốc sên, v.v...Việc một số, nếu không nói là nhiều, loài động vật ngủ một thời gian dài trong năm là điều chẳng có gì khó tin cả. Nhiều người “phỉ báng” Kinh Thánh nói rằng Kinh Thánh chỉ đề cập đến Nô-ê và con tàu như một huyền thoại hay một câu chuyện chứ không phải là một biến cố lịch sử. Phần nào đó thì điều này có thể, vì một việc dường như không thể là quá ít người lại có thể chăm sóc cho một số lớn động vật như vậy. Sự ngủ của động vật và côn trùng đã làm giảm thời gian đòi hỏi chuyện ăn uống và thu dọn bởi 8 hành khách trong chiếc tàu. Không ai biết đích xác chuyện gì đã xảy ra trong một chiếc tàu đã bị đóng kín, nhưng Chúa biết và Ngài chăm sóc nó để các tạo vật của Ngài được sống sót.
BÀN THỜ, CẦU VỒNG VÀ CƠN SAY
Bạn còn nhớ chuyện gì xảy ra khi Nô-ê ra khỏi tàu không? Có ba thứ xuất hiện: bàn thờ, cầu vồng và một cơn say. Cái đầu tiên ghi lại một biến cố trong cuộc đời Nô-ê sau khi ông rời tàu, tức là sự thờ phượng. Ông lập một bàn thờ để thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. 8:20-21 chép:
“Nô-ê lập một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va. Người bắt các súc vật thanh sạch, các loài chim thanh sạch, bày của lễ thiêu dâng lên bàn thờ. Đức Giê-hô-va hưởng lấy mùi thơm và nghĩ thầm rằng: ‘Ta chẳng vì loài người mà rủa sả đất nữa, vì tâm tánh loài người vẫn xấu xa từ khi còn tuổi trẻ, ta cũng sẽ chẳng hành các vật sống như ta đã làm.’”
Kết quả, Đức Chúa Trời đã ban cho Nô-ê một lời hứa qua chiếc cầu vồng. Có phải chiếc cầu vồng là dấu hiệu cho lời hứa của Đức Chúa Trời với con người rằng Ngài sẽ chẳng để cho nước sông dâng lên tạo thành những trận lũ (nhỏ) không? Dĩ nhiên là không! Nếu nó chỉ là một trận lụt nhỏ do nước sông tràn ra trong thời đó thì cầu vồng, được coi là biểu tượng của giao ước, chẳng có ý nghĩa gì cả. Vào thời Nô-ê, đã từng có nhiều trận lụt nhỏ do nước sông tràn lên tại vùng Trung Đông. Ý nghĩa của cầu vồng là Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ hủy diệt sự sống trên trái đất này bằng một trận Đại Hồng Thủy nữa.
Phân đoạn Kinh Thánh ghi lại cơn say của Nô-ê cũng rất quan trọng trong việc nghiên cứu sự sáng tạo. Có thể có vài lý do cho việc đề cập đến biến cố này trong Lời Hằng Sống đời đời của Đức Chúa Trời, nhưng nó cũng có thể dễ dàng cho thấy rằng con người không còn sống trong hệ thống trời và đất đầu tiên nữa (#1) (hệ thống trời và đất trước cơn Đại Hồng Thủy - ND) khi cơn Đại Hồng Thủy đã qua. Hệ thống sinh thái học và môi trường trước cơn lũ đã hoàn toàn bị phá hủy bởi chính cơn lũ. Hệ thống trời và đất hiện tại (#2) thì khác hẳn. Một số đoạn trích từ II Phi-e-rơ 3 giới thiệu cho chúng ta biết kế hoạch đời đời của Đức Chúa Trời, một kế hoạch có ba hệ thống trời và đất: Hệ thống trời và đất thời A-đam đến Nô-ê (hệ thống #1); hệ thống trời và đất hiện tại (hệ thống #2); và Trời Mới Đất Mới thuộc cõi vĩnh hằng (hệ thống #3).
“Trước hết phải biết rằng, trong những ngày sau rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm chê, dùng lời giễu cợt ở theo tình dục riêng của mình, đến mà nói rằng: ‘Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu? Vì từ khi tổ phụ chúng ta qua đời rồi, muôn vật vẫn còn nguyên như lúc bắt đầu sáng thế.’ Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ Nước và làm nên ở giữa nước, thế gian bấy giờ cũng bị hủy phá như vật, là bị chìm đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa, lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác. Song le, ngày của Chúa sẽ đến như kẻ trộm. Bấy giờ các từng trời sẽ có tiếng vang rầm mà qua đi, các thể chết bị đốt mà tiêu tán, đất cùng mọi công trình trên nó đều sẽ bị đốt cháy cả .
Vả, theo lời hứa của Chúa, chúng ta chờ đợi trời mới đất mới, là nơi sự công bình ăn ở.” (IIPhi 2Pr 3:3-7, 10, 13).
Có lẽ hệ thống trời và đất #1 có bầu khí quyển nặng hơn bầu khí quyển hiện tại của chúng ta (#2). Việc áp lực khí quyển tăng cao là kết quả của việc Chúa lấy nước khỏi bề mặt trái đất (xem SaSt 1:6-8) và đặt nó lên trên bầu khí quyển, hay nói chính xác hơn, là khoảng không, hay từng trời mà các loài chim bay lượn (xem 1:20). “Nước ở trên khoảng không” đổ xuống vào thời Nô-ê và có thể lắm đã tạo điều kiện khả dĩ gây nên cơn say của Nô-ê.
Rượu lên men nhanh hơn và thâm nhập vào máu cũng như vào não nhanh hơn trong hệ thống trời và đất #2 khi so với hệ thống #1 vì áp suất không khí đã bị giảm ít nhất là một nửa so với trước vì “nước ở trên khoảng không” đã trút xuống dưới dạng mưa. Tỉ lệ lên men rượu tăng lên gấp đôi khi áp suất giảm đi một nửa. Dường như việc Nô-ê vướng vào chuyện đó là hết sức ngạc nhiên. Ông là một người công bình trước mặt Chúa. Ông đã không quên lập bàn thờ và thờ phượng Ngài, tế lễ cho Ngài, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nô-ê có lẽ đã uống cùng một lượng rượu như trước cơn lũ ông đã uống. Nhưng bây giờ, trong điều kiện hệ thống trời và đất #2 đã khác nhiều so với hệ thống #1 trước khi ông vào tàu, áp suất không khí đã giảm đi một nửa, và rượu lên men nhanh hơn ít nhất là 2 lần, và cũng xâm nhập vào cơ thể ông nhanh hơn, ít nhất là hai lần - đã hạ gục Nô-ê với một cơn say bất ngờ. Chúng ta không biết liệu trước hay sau biến cố này, Nô-ê có lần nào say như vậy không. Có lẽ một trong số những lý do Đấng Tạo Hóa đã ghi lại cho chúng ta biến cố đau lòng này để cho chúng ta thấy sự khác biệt giữa hai hệ thống #1 và #2.
Hệ thống trời và đất hiện tại của chúng ta khác biệt rất nhiều so với trước khi nước lụt xảy ra. Đó là lý do tại sao chúng ta không thấy những con thằn lằn bay với đôi cánh rộng đến 32 bộ, hay những vỏ ốc cao đến 8 bộ hoặc những con khủng long nặng đến 300.000 cân Anh (khoảng 150.000 kg) đi lại trên đất ngày nay. Nhưng con người đã sống trong hệ thống #1 đã và vẫn đang phát đạt, sinh sôi nảy nở trong hệ thống #2. Chỉ một mình Đức Chúa Trời có thể tạo nên sự sống để nó có thể tương thích tốt với cả hai hệ thống trời - đất, hệ sinh thái khác nhau đáng kể. Thật chẳng có ai giống Ngài!
“Hỡi Đức Giê-hô-va, chẳng ai giống như Ngài! Ngài là lớn, danh Ngài có sức mạnh lớn lắm. Chính Đức Giê-hô-va đã làm nên đất bởi quyền năng Ngài, đã lập thế gian bởi sự khôn ngoan Ngài, đã giương các từng trời ra bởi sự thông sáng Ngài. Sản nghiệp của Gia-cốp thì chẳng giống như vậy, vì Ngài đã tạo nên mọi sự, và Y-sơ-ra-ên là chi phái của cơ nghiệp Ngài. Danh Ngài là Đức Giê-hô-va vạn quân.” (Gie Gr 10:6, 12, 16).
TẠO VẬT KỲ DIỆU CỦA THƯỢNG ĐẾ
Một trong những sáng tạo đáng ngạc nhiên của Đức Chúa Trời là loài cá vây chân sống dưới chốn biển sâu. Loài cá này sống ở độ sâu khoảng 1 dặm (1600 m) dưới đại dương. Ở trên trán của con cái có một cái “cần câu cá,” đằng đầu có một con mồi giả. Nó lúc lắc con mồi này trước miệng để nhử “bữa ăn” của mình. À, nhưng có một vấn đề đây - “bữa ăn” của nó sẽ không thể thấy được con mồi, vì ở độ sâu cả dặm dưới đáy biển thì làm gì có ánh sáng, chỉ có bóng tối bao trùm mà thôi. Nguy cơ chết đói đang chờ nó khi nó cứ mãi chờ con mồi thật của mình dẫn xác đến trong bóng đêm. Cuối cùng, nó nhận ra rằng, “Mình phải làm gì đó để giải quyết vấn đề bóng tối này.” Nhưng kìa, mọi sự đã quá trễ. Nó chết vì đói, và đã chết thì không thể nào tiến hóa những bộ phận thích nghi cần thiết cho việc giải quyết vấn đề bóng tối, ngay cả khi tiến hóa nói rằng nó sẽ không tiến hóa gì hết cho đến khi hoàn cảnh (hay môi trường) nói với nó rằng nó cần phải tiến hóa để sống sót.
Khả năng duy nhất là chính Đức Chúa Trời đã tạo dựng con cá vây chân với đầy đủ bộ phận chức năng cần thiết để sống sót ở những nơi sâu thẳm và tăm tối nhất của đại dương. Để giải quyết vấn đề bóng tối, Đức Chúa Trời đã sắm sẵn cho con cá này một loại ánh sáng đặc biệt trên “con mồi” (nó dùng để nhử những con cá khác - ND). Thứ ánh sáng này chứng tỏ một trình độ kỹ thuật cao - nó không hề sinh ra nhiệt! Một hợp chất gọi là Luciferin bị ôxy hóa dưới sự tác động của một enzyme mà các nhà khoa học gọi là Luciferase, và phản ứng này tạo nên thứ ánh sáng không phát nhiệt. Hãy hỏi một nhà tiến hóa xem, làm thế nào một con cá dưới đáy biển sâu có thể tiến hóa để có được một khả năng sản sinh ra thứ ánh sáng kỹ thuật cao trên một con mồi giả đung đưa qua lại trước miệng của nó? Đức Chúa Trời đã sáng tạo mọi vật để bày tỏ quyền năng và sự vinh hiển của Ngài. Không một ai có thể nhìn vào con cá vây chân và nói rằng nó là sản phẩm của “khách quan cộng với thời gian, cộng với sự ngẫu nhiên,” trừ khi người đó đã quyết định không chịu tin vào Thượng Đế của Thánh Kinh (RoRm 1:1-32). Những suy đoán hão huyền của tiến hóa đã dẫn đến những tư tưởng điên rồ và những kết luận không bao giờ có.
Về mặt tự nhiên, con cá vây chân cũng cần phải sinh sản, và nó có một cách rất đặc biệt để làm việc này. Trong bóng tối của độ sâu, thật khó cho con đực cũng như con cái tìm đến nhau. Đức Chúa Trời đã thiết kế những cái trứng của con cái như thế nào đó để chúng nổi hẳn lên trên mặt nước biển, cách nơi nó ra đời đến một dặm. Trên mặt nước biển, những cái trứng hình thành một khối giống như thạch (jelly-like mass) và chúng nở ra. Những con cá con, đực cũng như cái, lớn lên và trưởng thành trên bề mặt nước biển. Tại một thời điểm nào đó trong quá trình phát triển của nó, con đực sẽ tìm con cái, cắn và bám vào bụng nó. Chẳng bao lâu sau đó, các mô của con cái phát triển và dính vào các mô ở miệng con đực, và con cái rớt xuống đáy đại dương mang theo một con đực là “kẻ ăn bám” (parasite) mà chẳng bao giờ hai con tách ra nữa, mãi cho đến khi chết mới chia lìa. Con đực tìm thấy con cái trong ánh sáng chan hòa trên bề mặt đại dương, thế cho nên nó chẳng phải mò mẫm trong bóng tối dưới đáy đại dương để tìm một người bạn tình. Làm thế nào tất cả những điều quá ư kỳ lạ và độc nhất này tiến hóa? Tại sao con cái không đuổi con đực đi khi nó đến và cắn vào bụng mình? Tiến hóa không có lời giải thích nào cả. Cơ cấu tiến hóa nào cho phép hệ thống lưu thông (máu,...- circulatory system) của con đực hòa hợp với của con cái? Và loài cá này tiến hóa từ loài sinh vật nào? Tiến hóa không có câu trả lời.
Một sự khác biệt chính giữa con cá vây chân và các loài cá khác là con cá vây chân không có bong bóng, một túi đựng không khí để giúp nổi lên cũng như ngăn ngừa việc chìm xuống. Nếu nó đã tiến hóa mà không có một cái bong bóng khí, nó sẽ chìm và chết. Nếu nó có một cái bong bóng khí và đã tiến hóa ra con mồi, trong ánh sáng trên bề mặt của đại dương, nó sẽ dễ dàng bị săn đuổi bởi những loài cá ăn thịt khác và “quá trình chọn lọc tự nhiên” sẽ buộc nó đi đến chỗ tuyệt chủng.
Một đặc điểm khác của loài cá vây chân dưới đáy biển sâu là thân thể đặc biệt của nó, vốn đã được tạo dựng để chống lại sức ép. Một áp suất hơn 2.000 cân Anh trên một inch (khoảng 357kg/cm2) sẽ đè lên thân thể con cá dưới độ sâu một dặm. Nó có thể sinh sống dưới áp lực lớn như thế mà không hề hấn gì. Mặt khác, nếu những con cá vây chân đầu tiên là loài cá sống trên mặt nước mà lại không có bong bóng khí, (chúng ta giả sử là do nó bị một dạng đột biến gien đặc biệt nào đó) và rồi chìm xuống đáy biển, nó sẽ bị ép chết. Động vật đã chết thì chẳng bao giờ tiến hóa.
Loài cá vây chân dưới đáy biển sâu đã được sáng tạo với đầy đủ bộ phận chức năng. Đức Chúa Trời phán rằng khi chúng ta xem xét sự sáng tạo của Ngài, thì nó phải khiến tâm trí chúng ta hướng về Đấng Tạo Hóa, cảm tạ Ngài, và tôn vinh Ngài là Chúa (1:1-32).
bottom of page