top of page
Hung Tran
Mar 18, 2023
Căn Bản Cơ-Đốc Giáo Tác giả: John Stott
LỜI TỰA,
“Chống...
...đối Hội thánh, thân thiện với Chúa Cứu Thế.” Đây là lời nói mô tả về một số đông người, đặc biệt là giới trẻ ngày nay.
Những người này chống đối những gì liên hệ đến định chế. Họ không thích tổ chức và những đặc quyền, đặc lợi cố hữu của các tổ chức. Họ bài bác Hội thánh - không phải là không có lý do - vì họ không thể nhìn Hội thánh bị băng hoại bởi những điều tai hại như thế.
Tuy họ bài bác Hội thánh nhưng họ không hề bài bác chính Chúa Giê-xu. Lý do là vì họ nhìn thấy sự trái ngược giữa người sáng lập Cơ-đốc giáo và tình trạng hiện thời của Hội thánh mà Ngài đã thành lập, khiến cho họ xa lánh và chỉ trích Hội thánh. Tuy nhiên, nhân vật Giê-xu và những lời giảng dạy của Ngài vẫn luôn có sức hấp dẫn đối với họ.
Lý do là vì Ngài là nhân vật chống lại những kẻ có đặc quyền và Ngài có những lời dạy mang tính chất cách mạng. Lý tưởng của Ngài dường như chưa hề bị hủy hoại. Bất cứ nơi nào Ngài đến, Ngài đều đem yêu thương và bình an. Một lý do khác là Ngài luôn luôn thực hành những gì mà Ngài giảng dạy.
Nhưng Ngài có thật không?
Có nhiều người trên thế giới được nuôi dưỡng trong những gia đình Cơ-đốc thấm nhuần chân lý về Chúa Cứu Thế và về Cơ-đốc giáo. Nhưng khi khả năng phê bình của họ phát triển và khi họ có thể suy nghĩ độc lập, họ dễ dàng từ bỏ tôn giáo mà họ đã theo từ khi còn thơ bé hơn là nỗ lực tra hỏi về tính chất đáng tin cậy của tôn giáo đó.
Nhiều người khác không lớn lên trong môi trường Cơ-đốc nên họ đã hấp thụ sự giảng dạy của Ấn giáo, Phật giáo hoặc Hồi giáo, hoặc học thuyết nhân bản thế tục, hay là chủ nghĩa cộng sản hoặc thuyết hiện sinh.
Dầu vậy người ta nhận thấy rằng cả hai nhóm người này khi đọc về Chúa Giê-xu, họ bị Ngài thu hút mà không dễ gì thoát ra được.
Vì thế khởi điểm của chúng ta là nhân vật lịch sử Giê-xu ở Na-xa-rét. Ngài chắc chắn đã hiện hữu. Không có lý do nào để nghi ngờ về điều này. Tính chất lịch sử của Ngài đều được các tác giả người ngoại lẫn Cơ-đốc xác nhận.
Ngài cũng là một con người đích thực. Người ta có thể nói nhiều điều về chính con người của Ngài. Ngài được sinh ra, lớn lên, làm việc đổ mồ hôi, ngủ nghỉ, ăn uống, chịu đau khổ và chết giống như người khác. Ngài có thân thể và những cảm xúc thật của con người.
Nhưng chúng ta có thể thật sự tin rằng trong một ý nghĩa nào đó Ngài cũng là “Đức Chúa Trời” không? Phải chăng thần tính của Ngài có tính cach vẽ vời mê tín? Có bằng chứng nào để cho Cơ-đốc nhân xác quyết rằng người thợ mộc Na-xa-rét là Con Độc Sanh của Đức Chúa Trời?
Đây là vấn đề cơ bản mà chúng ta không thể tránh né. Chúng ta phải thành thật. Nếu Chúa Giê-xu không phải là Đức Chúa Trời trong thân xác con người thì Cơ-đốc giáo đã bị diệt vong. Chúng ta chỉ còn lại một tôn giáo với một số lý tưởng đẹp và đạo đức cao quý; tính độc đáo của Cơ-đốc giáo không còn nữa.
Nhưng có những bằng chứng về thần tính của Chúa Giê-xu, những bằng chứng lịch sử vững vàng và hùng hồn mà một người thành thật phải nhìn nhận mà không cần phải loại bỏ lý trí. Có những lời tuyên bố quả quyết và không hề có một chút giả tạo của Chúa Giê-xu về chính mình Ngài. Rồi bản tính vô song của Ngài. Với tính cương nghị nhưng hiền hòa, công chính nhưng đầy thương xót, lòng quan tâm đối với con trẻ và tình yêu đối với những người bị xã hội ruồng bỏ, tính tự chế và lòng hy sinh, Chúa Giê-xu đã khiến cho toàn thế giới phải khâm phục.
Hơn thế nữa, cái chết thảm khốc của Ngài không phải là sự kết thúc. Ngài đã sống lại từ kẻ chết và bằng chứng tỏ tường về sự phục sinh của Ngài có sức thuyết phục hơn hết.
Khi cho rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời, phải chăng căn bản Cơ-đốc giáo đơn thuần chỉ là việc chấp nhận sự kiện này? Câu trả lời là không. Một khi chịu thuyết phục về thần tánh của Chúa Giê-xu, chúng ta phải xem xét bản chất của công việc Ngài. Ngài đã đến để làm gì? Câu trả lời từ Kinh Thánh là Ngài “đã đến thế gian để cứu tội nhân.” Giê-xu Na-xa-rét là Chúa Cứu Thế từ thiên đàng mà những con người tội lỗi như chúng ta cần đến. Vì bị tội lỗi làm cho chúng ta xa cách Ngài nên chúng ta cần được tha thứ và phục hồi để giao thông với Đức Chúa Trời thánh khiết, trọn vẹn. Chúng ta cần được giải phóng khỏi sự ích kỷ và cần được ban cho sức mạnh để sống đúng với lý tưởng của chúng ta. Chúng ta cần học yêu thương, bè bạn cũng như kẻ thù. Đây là ý nghĩa của “sự cứu rỗi.” Đây là những gì mà Chúa Cứu Thế đã đến để chinh phục cho chúng ta qua sự chết và sự phục sinh của Ngài.
Như thế phải chăng căn bản Cơ-đốc giáo là tin rằng Chúa Giê-xu là Con Đức Chúa Trời đã đến để trở thành Cứu Chúa của nhân loại? Cũng không phải như vậy. Chấp nhận thần tính của Ngài, công nhận nhu cầu cứu rỗi của con người và tin vào công việc cứu rỗi của Ngài vẫn không đủ. Cơ-đốc giáo không chỉ là giáo điều mà bao gồm cả hành động. Niềm tin trí tuệ của của chúng ta có thể vượt ra ngoài sự bình phẩm; nhưng chúng ta phải biến niềm tin của chúng ta thành việc làm.
Thế thì chúng ta phải làm gì? Chúng ta phải dâng chính chúng ta, tấm lòng, tâm trí, linh hồn, ý chí, gia đình và cuộc sống của chúng ta một cách cá nhân và không giữ lại gì cho Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta phải khiêm nhường trước mặt Ngài. Chúng ta phải tin cậy Ngài là Cứu Chúa của chính mình và thuận phục Ngài là Chúa của chính mình; rồi tiếp tục trở nên những thành viên trung thành của Hội thánh và là những công dân tận tụy trong cộng đồng.
Đó là căn bản Cơ-đốc giáo và là chủ đề của quyển sách này. Nhưng trước khi đề cập đến thần tính của Chúa Giê-xu, chúng ta cần bước vào chương dẫn nhập nói về con đường đúng. Niềm xác tín Cơ-đốc của chúng ta là chúng ta có thể tìm thấy Đức Chúa Trời trong Chúa Cứu Thế Giê-xu. Chúng ta cần xem xét niềm xác tín này nếu chúng ta tin rằng chính Đức Chúa Trời đang tìm kiếm chúng ta và chính chúng ta cũng phải tìm kiếm Ngài.
bottom of page