top of page
1. NƠI NÀO CÓ ĐẤNG CHRIST – NƠI ĐÓ CÓ HY VỌNG (IPhi 1:1 IPhi 5:12-13)
“Còn sự sống, còn hy vọng! ”
Ngày...
...nay người ta vẫn trích dẫn câu nói cổ xưa ấy của người La Mã, giống như mọi câu phương ngôn khác, nó mang yếu tố chân lý nhưng không bảo đảm tính chắc thật.Không phải yếu tố sự sống quyết định sự hy vọng, nhưng chính niềm tin vào sự sống. Tín đồ Đấng Christ có “hy vọng” (IPhi 1:3) vì người đặt đức tin và hy vọng nơi Đức Chúa Trời (IPhi 1:21). “hy vọng” là chủ đề chính trong thư thứ nhất của Phi-e-rơ. Ông nói với tất cả con cái Chúa, “Phải có hy vọng! ”
Trước khi nghiên cứu chi tiết bức thư hấp dẫn này, chúng ta hãy làm quen với người viết, những người nhận thư, và hoàn cảnh cụ thể dẫn đến việc viết thư.
1.Tác Giả:
Tác giả tự xưng là “Phi-e-rơ, sứ đồ của Chúa Giê-xu Christ” (IPhi 1:1). Một số người theo chủ nghĩa tự do đã thắc mắc tự hỏi một ngư dân bình thường làm sao có thể viết nên bức thư này được, nhất là Phi-e-rơ và Giăng đều được gọi là “người dốt nát không học” (Cong 4:13). Tuy nhiên, nhóm từ này chỉ có nghĩa “những người không chuyên môn, không được đào tạo chính qui” tức là, họ không phải những nhà lãnh đạo tôn giáo chuyên nghiệp.Chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp sứ đồ Phi-e-rơ được Đức Chúa Giê-xu huấn luyện trong 3 năm, cũng không nên xem nhẹ công việc của Đức Thánh Linh hành động trong cuộc đời của ông. Sứ đồ Phi-e-rơ là hình ảnh minh hoạ trọn vẹn về chân lý được bày tỏ trong ICo 1:26-31.
Ông được đặt tên là Si-môn, nhưng Chúa Giê-xu đổi thành Phi-e-rơ, có nghĩa “hòn đá” (Gi 1:35-42). Trong tiếng A-ram từ tương đương với Phi-e-rơ là Sê-pha, do đó Phi-e-rơ là người có ba tên gọi. Trong Tân Ước, ông được gọi là “Si-môn” gần năm mươi lần và ông thường được gọi là “Si-môn Phi-e-rơ”. Có lẽ hai tên gọi nói lên hai bản chất của Cơ Đốc nhân: Bản chất cũ (Si-môn) có khuynh hướng sa ngã yếu đuối, và bản chất mới (Phi-e-rơ) có khả năng đắc thắng. Là Si-môn, ông chỉ là một mảnh đất sét thuộc con người, nhưng Chúa Giê-xu Christ đã biến ông thành đá. Phi-e-rơ và Phao-lô là hai nhà lãnh đạo hàng đầu trong Hội Thánh đầu tiên.Phao-lô được giao trách nhiệm đặc biệt phục vụ Chúa giữa dân ngoại, còn Phi-e-rơ thì cho người Do Thái (Ga 1:1-10). Chúa đã truyền cho Phi-e-rơ làm vững mạnh anh em mình (Lu 22:32) và chăn bầy (Gi 21:15-17 IPhi 5:1-4) và việc viết thư là một phần trong chức vụ đó. Sứ đồ Phi-e-rơ cho các độc giả của ông biết đây là thư khuyên lơn và làm chứng về cá nhân (IPhi 5:12). Một số bài tiểu luận được viết góp nhặt qua tư liệu trong nhiều quyển sách như cách các sinh viên năm thứ nhất vẫn thường làm trong mỗi học kỳ nhưng bức thư này hình thành từ cuộc đời đã sống vì vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhiều biến cố trong cuộc đời của Phi-e-rơ đã hình thành nên bức tranh của thư tín.
Si-la (Sin-vanh) hợp tác viết thư này (IPhi 5:12). Si-la là một trong những “người đứng đầu” trong Hội Thánh đầu tiên (Cong 15:22) và là một tiên tri (Cong 15:32). Điều này có nghĩa ông nhận sứ điệp từ Đức Chúa Trời cho hội chúng qua sự mạc khải của Đức Thánh Linh (ICo 14:1-40). Sứ đồ và tiên tri làm việc với nhau để lập nền móng Hội thánh (Eph 2:20) và khi nền móng đã được lập xong, họ nhường chỗ cho chức vụ khác. Trong Hội thánh ngày nay không còn có sứ đồ và tiên tri giống như trong bối cảnh thời Tân Ước nữa.
Điều thú vị là Si-la hợp tác với chức vụ của Phi-e-rơ, vì nguyên thuỷ Si-la thế chỗ cho Ba-na-ba cùng đi với Phao-lô (Cong 15:36-41). Phi-e-rơ cũng đề cập đến Giăng Mác (IPhi 5:13) đã bỏ chức vụ gây ra sự phân rẽ giữa Phao-lô và Ba-na-ba.Phi-e-rơ đã hướng dẫn Mác tin nhận Đấng Christ ("Mác, con trai ta")và chắc chắn ông vẫn quan tâm đến người. Một trong những Hội Thánh đầu tiên có thể đã nhóm lại trong nhà Giăng Mác tại Giê-ru-sa-lem (Cong 12:12). Cuối cùng, Phao-lô đã tha thứ và thừa nhận Giăng Mác là người giúp đỡ xứng đáng trong công tác truyền giáo (IITi 4:11).
Sứ đồ Phi-e-rơ cho biết ông viết thư tại “Ba-by-lôn” (IPhi 5:13) nơi đó có một Hội Thánh đang nhóm lại. Không có bằng chứng nào từ lịch sử Hội Thánh hoặc lời truyền khẩu cho biết Phi-e-rơ thi hành chức vụ tại Ba-by-lôn cổ xưa, lúc ấy có một cộng đồng người Giu Đa sống tại đó. Có một thành phố khác đặt tên là “Ba-by-lôn” tại Ai Cập, nhưng chúng ta không có chứng cứ nào cho biết Phi- e-rơ đã từng viếng thăm tại đây. Có thể “Ba-by-lôn” là tên gọi khác của thành phố Rô-ma, chúng ta có lý do tin rằng Phi-e-rơ hầu việc Chúa tại Rô-ma và có thể ông đã tuận đạo tại đó. Rô-ma được gọi là “Ba-by-lôn” trong Kh 17:5 và Kh 18:10.Dùng “tiếng lóng” trong khi viết thư và nói chuyện là điều bình thường đối với các tín hữu bị bắt bớ.
Tuy nhiên, để nói điều này, chúng ta không nên gán cho ông những gì ngoài những điều có liên quan đến ông. Ông không thành lập Hội Thánh Rô-ma cũng không hầu việc trong chức vụ giám mục đầu tiên của Hội Thánh. Chủ trương của Phao-lô không hầu việc Chúa nơi nào có bất cứ sứ đồ khác đã đến trước (Ro 15:20) vì vậy Phao-lô sẽ không thi hành chức vụ tại Rô-ma nếu Phi-e-rơ đến đó trước tiên. Có lẽ Phi-e-rơ đến Rô-ma sau khi Phao-lô ra khỏi tù lần thứ nhất, khoảng năm 62 sau Chúa. Thư Phi-e-rơ thứ nhất được viết khoảng năm 63. Phao-lô tử đạo năm thứ 64, và có lẽ cùng năm ấy hay sau đó một ít lâu Phi-e-rơ cũng hy sinh đời mình cho Đấng Christ.
2.Người Nhận Thư:
Phi-e-rơ gọi họ là “những khách lạ” (IPhi 1:1) có nghĩa “những ngoại kiều, những người tạm trú”.Họ được gọi là “người ở trọ, khách đi đường” trong IPhi 2:11. Họ là công dân Nước Trời bởi tin nơi Đấng Christ (Phi 3:20), và vì vậy họ không phải là cư dân thường trú trên đất. Giống như Áp-ra-ham, họ có con mắt đức tin hướng về thành phố tương lai của Đức Chúa Trời (He 11: 8-16). Họ sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian (Gi 17:16).
Vì Cơ Đốc nhân là “khách lạ” trong thế gian, nên họ bị thế gian coi là “xa lạ” (IPhi 4:4). Cơ Đốc nhân có các tiêu chuẩn và giá trị khác với người thế gian, và điều này tạo cơ hội vừa làm chứng cho Chúa vừa bị chống đối. Trong thư chúng ta sẽ khám phá thấy một số độc giả đang trải qua thử thách hoạn nạn vì lối sống khác biệt của họ.
Những Cơ Đốc nhân này là dân “tản lạc” cũng như dân “xa lạ”. Chữ “bị tản lạc” (diaspora) là thuật ngữ chuyên môn dành cho người Giu-đa sống ngoài lãnh thổ Palestine. Từ ngữ này được dùng trong Gi 7:35 và Gia 1:1. Tuy nhiên, việc dùng từ ngữ này Phi-e-rơ không có ngụ ý chỉ viết thư này dành riêng cho người Giu-đa mà thôi vì một số câu trong thư cho thấy một số độc giả của ông đã qui đạo từ ngoại giáo (IPhi 1:14,18 IPhi 2:9-10 IPhi 4:1-4). Chắc chắn trong những Hội Thánh nhận thư này có cả người Do Thái lẫn ngoại bang. Chúng ta sẽ thấy nhiều câu tham khảo và ám chỉ đến Kinh Thánh Cựu Ước có trong các chương.
Các Cơ Đốc nhân bị tản lạc ở năm địa phận trong đế quốc La Mã, tất cả thuộc Tiểu Á phía Bắc (nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay). Đức Thánh Linh không cho phép Phao-lô đến truyền giáo trong xứ Bi-thi-ni (Cong 16:7), vì vậy ông đã bắt đầu công việc này. Trong ngày lễ Ngũ Tuần có người Giu-đa từ xứ Bông và Cáp-ba-đốc đến (Cong 2:9), và có thể họ đã đem Phúc Âm đến cho các tỉnh lân cận. Có thể các tín hữu Do Thái ở trong đoàn truyền giáo của Phi-e-rơ đến nhập cư tại các thành phố của các tỉnh này. Các tín hữu bị tản lạc “đi từ nơi này đến nơi khác” trong thời gian ấy và họ trung tín chia sẻ Lời Đức Chúa Trời tại bất cứ nơi nào họ đến (Cong 8:4).
Điều quan trọng cho chúng ta biết về “những khách lạ bị tản lạc” đó là họ đã trải qua một giai đoạn khó khăn bắt bớ. Trong thư có ít nhất mười lăm lần Phi-e-rơ đề cập đến sự đau đớn và ông dùng tám từ ngữ khác nhau trong tiếng Hy Lạp để nói lên điều đó. Một số người trong các Cơ Đốc nhân chịu đau khổ vì họ đang sống nếp sống tin kính Chúa, làm điều thiện và công bình (IPhi 2:19-23 IPhi 3:14-18 IPhi 4:1-4,15-19). Những người khác đang chịu sỉ nhục vì danh Đấng Christ (IPhi 4:14), bị người không tin rủa sả (IPhi 3:9-10). Phi-e-rơ viết thư khích lệ họ làm chứng tốt cho những kẻ bắt bớ họ, và nhắc họ nhớ rằng sự đau đớn của họ chịu dẫn đến vinh hiển (IPhi 1:6-7 IPhi 4:13-14 IPhi 5:10).
Nhưng Phi-e-rơ cũng có một mục đích khác trong trí khi viết thư. Ông biết rằng “lửa thử thách” sắp bắt đầu, sự bắt bớ từ chính quyền trong khắp đế quốc La Mã (IPhi 4:12). Khi Hội Thánh bắt đầu thành lập tại Giê-ru-sa-lem, người ta cho rằng đó là một “phái” của Do Thái giáo truyền thống. Cơ Đốc nhân đầu tiên là người Do Thái, và họ nhóm lại tại hiên đền thờ. Chính quyền La Mã không hành động chống lại các Cơ Đốc nhân vì tôn giáo Do Thái được thừa nhận. Nhưng khi biết rõ Cơ Đốc giáo không phải là một “phái” của Do Thái giáo, chính quyền La Mã phải hành động để ngăn chặn sự phát triển của Cơ Đốc giáo.
Vài sự kiện xảy ra làm bùng lên “lửa thử thách”. Đầu tiên, Phao-lô binh vực cho đức tin Cơ Đốc giáo trước toà án tại Rô-ma (Phi 1:12-14). Phao-lô đã được thả tự do nhưng sau đó bị bắt trở lại. Lần binh vực thứ hai thất bại, và người tử vì đạo (IITi 4:16-18). Thứ hai, bạo chúa Nê-rông đổ tội đốt thành phố Rô-ma (tháng 7, năm 64 sau Chúa) cho Cơ Đốc nhân, qui trách nhiệm cho họ là người chủ mưu đốt phá thành. Có lẽ vào khoảng thời gian đó Phi-e-rơ có mặt tại Rô-ma và bị Nê-rông giết hại, Phao-lô cũng chung cảnh ngộ. Đầu tiên việc Nê-rông bắt bớ các Cơ Đốc nhân có tính chất địa phương, nhưng có thể cơn bách hại đã lan rộng.Trong bất cứ trường hợp nào, Phi-e-rơ muốn chuẩn bị cho các Hội Thánh trước cơn bắt bớ xảy đến.
Chúng ta không nên nghĩ rằng tất cả các Cơ Đốc nhân ở mọi nơi trong lãnh thổ của đế quốc La Mã đều trải qua cùng cơn hoạn nạn như nhau trong cùng một thời gian.Nơi này nơi khác có sự khác nhau dầu đau khổ và chống đối giống nhau (IPhi 5:9). Bạo chúa Nê-rông khởi xướng việc bắt bớ Hội Thánh và các đời vua về sau theo gương của ông ta. Chắc chắn thư Phi-e-rơ là nguồn giúp ích lớn lao cho con cái Chúa chịu cơn hoạn nạn dưới các triều đại Trajan (năm 98 đến 117), Hadrian (117-138), và Diocletian (284-305). Cơ Đốc nhân sống trong thế gian ngày nay có thể biết được giá trị của thư Phi-e-rơ khi cơn bắt bớ bắt đầu xảy ra cho họ. Cá nhân tôi tin rằng Hội thánh sẽ không trải qua cơn đại nạn, nhưng tôi tin rằng trong ngày cuối cùng sẽ có những sự khó khăn và bắt bớ xảy đến cho con cái Đức Chúa Trời.
Có thể Si-la là người thảo bức thư này gởi cho các tín hữu trong các tỉnh của đế quốc Rô-ma, và cũng là thư ký chép thư tín này.
3.Sứ Điệp:
Thư Phi-e-rơ thứ nhất là bức thư khích lệ đức tin (IPhi 5:12). Chúng ta đã biết chủ đề hoạn nạn xuyên suốt bức thư, nhưng đồng thời chủ đề vinh hiển cũng được đề cập tới (IPhi 1:7-8,11,21 IPhi 2:12 IPhi 4:11-16 IPhi 5:1,4,10-11). Một trong những lời khích lệ Phi-e-rơ gởi cho các thánh đồ đang chịu thử thách là lời bảo đảm rằng ngày kia sự thử thách của họ sẽ biến thành sự vinh hiển cao trọng (IPhi 1:6-7 IPhi 4:13-14 IPhi 5:10). Điều này có thể đạt được chỉ vì Đấng Cứu Chuộc đã chịu đau đớn vì chúng ta và đã đi vào vinh hiển (IPhi 1:11 IPhi 5:1). Trong bức thư thường đề cập đến sự đau đớn chịu khổ của Đấng Christ (IPhi 1:11 IPhi 3:18 IPhi 4:1,13 IPhi 5:1).
Phi-e-rơ là sứ đồ của sự hy vọng như Phao-lô là sứ đồ đức tin và Giăng là sứ đồ của tình yêu. Là con cái Chúa, chúng ta có “hy vọng” vì chúng ta tin cậy Đấng Christ sống (IPhi 1:3). Hy vọng làm cho chúng ta có thể giữ lòng mình trong sự tiết độ và “đợi chờ ơn sẽ ban cho trong ngày cuối cùng” (IPhi 1:13) lúc Chúa Giê-xu Christ hiện ra. Chúng ta không nên hổ thẹn về sự hy vọng của mình nhưng phải sẵn sàng giải thích và binh vực niềm hy vọng của chúng ta (IPhi 3:15). Giống như Sa-ra, những người vợ Cơ Đốc có thể hy vọng nơi Đức Chúa Trời (IPhi 3:5). Vì đau đớn sinh ra vinh hiển và vì Chúa Giê-xu sắp trở lại, nên chúng ta thật có thể hy vọng nơi Ngài!
Nhưng sự đau đớn không tự động mang lại vinh hiển cho Đức Chúa Trời và ơn phước cho con cái Ngài. Một số tín hữu đã yếu đuối, sa ngã trong thời kỳ chịu khổ và đã làm tối danh Chúa. Chỉ khi chúng ta nhờ cậy ân điển của Đức Chúa Trời chúng ta mới có thể làm sáng danh Chúa trong giờ thử thách. Phi-e-rơ cũng nhấn mạnh đến ân điển của Đức Chúa Trời trong thư tín này. “Tôi viết mấy chữ này đặng khuyên anh em và làm chứng với anh em rằng ấy là ơn thật của Đức Chúa Trời, anh em phải đứng vững trong đó.” (IPhi 5:12).
Chữ “ân điển” được dùng trong mỗi chương của thư: IPhi 1:2,10,13 IPhi 2:19 ("ơn phước") và IPhi 2:20 (“ơn phước trước mặt Đức Chúa Trời") IPhi 3:7 IPhi 4:10 IPhi 5:5,10,12.Ân điển là sự ban cho nhưng không của Đức Chúa Trời dành cho tội nhân không xứng đáng và các thánh đồ khao khát. Khi nương cậy nơi ân điển Đức Chúa Trời, chúng ta có thể chịu đựng đau đớn và chuyển thử thách thành chiến thắng. Chỉ một mình ân điển cứu rỗi chúng ta (Eph 2:8-10). Ân điển Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta sức mạnh trong giờ thử thách (IICo 12:1-10). Ân điển làm cho chúng ta có thể hầu việc Đức Chúa Trời cho dù có khó khăn như thế nào (ICo 15:9-10). Bất cứ điều gì bắt nguồn từ ân điển sẽ dẫn đến vinh hiển (Thi 84:11 IPhi 5:10).
Khi nghiên cứu thư Phi-e-rơ thứ nhất chúng ta sẽ thấy cách nào ba chủ đề chịu khổ, ân điển và vinh hiển kết hợp với nhau để hình thành sứ điệp nâng đỡ đức tin các con cái Chúa đang trải qua thử thách và bắt bớ. Những chủ đề này được tóm tắt trong IPhi 5:10, câu Kinh Thánh chúng ta nên thuộc nằm lòng.
Nhà văn và chủ bút theo phái hoài nghi, ông H.L.Mencken có lần đã định nghĩa hy vọng là “niềm tin bệnh hoạn về những điều không thể xảy ra”. Nhưng định nghĩa đó không hợp với ý nghĩa của lời Kinh Thánh trong Tân Ước. Hy vọng thật của Cơ Đốc nhân hơn hẳn việc ” hy vọng như vậy”. Niềm tin này bảo đảm một tương lai phước hạnh và vinh hiển.
Người tin Chúa trong Cựu Ước gọi Đức Chúa Trời là “Niềm hy vọng của Y-sơ-ra- ên” (Gie 14:8). Người tin Chúa trong Tân Ước khẳng định rằng Chúa Giê-xu Christ là hy vọng của mình (ITi 1:1 Co 1:27). Tội nhân chưa được cứu “không có hy vọng” (Eph 2:12) và nếu chết không có Đấng Christ, người ấy sẽ tuyệt vọng đời đời.Nhà thơ người Ý, Dante, trong tác phẩm Divine Comedy (tạm dịch Hài Kịch của Thượng Đế), đã ghi câu đề tặng thế giới người chết: “Ai vào đây hãy bỏ đi mọi hy vọng! ”
Hy vọng vững chắc cống hiến cho chúng ta sự khích lệ và khả năng cần thiết cho cuộc sống hàng ngày. Nó không đặt chúng ta vào trong chiếc ghế xích đu mãn nguyện ngồi chờ Chúa Giê-xu Christ trở lại. Thay vào đó, nó đặt nơi phố chợ, trên chiến trường nơi chúng ta cứ tiếp tục bước đi khi gánh nặng cứ đè nặng và trận chiến càng cam go. Hy vọng không phải là thuốc an thần nhưng là liều thuốc kích thích, sự tiếp máu. Giống như chiếc neo, hy vọng trong Đấng Christ làm chúng ta vững chắc trong mọi cơn giông bão của cuộc đời (He 6:18-19) nhưng không giống như chiếc neo, hy vọng đưa chúng ta tiến về phía trước, chớ không ngăn chúng ta lại.
Theo dòng tư tưởng của Phi-e-rơ không mấy khó khăn. Mọi điều bắt đầu bằng sự cứu rỗi, bằng mối tương giao riêng tư của chúng ta với Đức Chúa Trời qua Chúa Giê-xu Christ. Nếu nhìn biết Đấng Christ là Đấng Cứu rỗi, chúng ta sẽ có hy vọng! Nếu có hy vọng, chúng ta có thể bước đi trong sự nên thánh và hài hoà. Sẽ không có nan đề nào gây ra cho những người chung quanh chúng ta trong xã hội, tại gia đình, và Hội Thánh Chúa. Sự cứu rỗi và thuận phục sửa soạn cho sự chịu khổ nhưng nếu nhìn xem Đấng Christ, chúng ta có thể đắc thắng và Đức Chúa Trời sẽ biến những nỗi khổ của chúng ta trở thành vinh hiển.
Đây Là Một Phương Hướng Lập Bố Cục Thư I Phi-e-rơ
I.ÂN ĐIỂN VÀ SỰ CỨU RỖI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI –IPhi 1:1-2:10
a. Sống trong hy vọng – IPhi 1:1-12
b. Sống trong nên thánh – IPhi 1:13-21
c. Sống trong hoà thuận – IPhi 1:22-2:10
II.ÂN ĐIỂN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ THUẬN PHỤC – IPhi 2:11-3:12
a.Thuận phục các bậc cầm quyền – IPhi 2:11-17
b.Thuận phục người chủ – IPhi 2:18-25
c.Thuận phục trong gia đình – IPhi 3:1-7
d.Thuận phục trong Hội thánh – IPhi 3:8-12
III.ÂN ĐIỂN ĐỨC CHÚA TRỜI VÀ HOẠN NẠN – IPhi 3:13-5:11
a.Tôn Chúa Giê-xu Christ làm Chúa – IPhi 3:13-22
b.Có quan điểm của Đấng Christ – IPhi 4:1-11
c.Làm sáng danh Đấng Christ – IPhi 4:12-19
d.Trông đợi sự tái tâm của Đấng Christ – IPhi 5:1-6
e.Nhờ cậy ân điển của Đấng Christ – IPhi 5:7-11
Phần ghi chú thêm: Thư I Phi-e-rơ và Thư Ê-phê-sô
Nhiều học giả Kinh Thánh đã chú ý đến nét tương đồng giữa thư Ê-phê-sô và thư Phi-e-rơ thứ nhất. Những điểm tương đồng này phủ nhận ý kiến cho rằng sứ điệp của Phao-lô và Phi-e-rơ khác nhau. Thật ra, chính Phi-e-rơ đã bác bỏ quan niệm này! (IIPhi 3:15-16). Trong khi Phao-lô và Phi-e-rơ đồng ý làm việc trong các lãnh vực khác nhau của chức vụ (Ga 2:1-10), họ vẫn rao giảng cùng một Phúc Âm và cùng tôn cao một Chúa. Bạn có thể tự tra cứu một số đoạn văn tương đương này.
- Ê-phê-sô:Eph 1:3 Eph 3:5,10 Eph 3:6,21 Eph 3:8 Eph 4:2 Eph 4:7,11 Eph 4:13,15
- IPhi-e-rơ:IPhi 1:3 IPhi 1:12 IPhi 4:11 IPhi 1:8 IPhi 3:9 IPhi 4:10 IPhi 2:2
Lời Đức Chúa Trời không sai lầm. Bất cứ điều gì Đức Thánh Linh đã viết ra đều thật, và không thể mâu thuẫn điều gì. Khi nghiên cứu thư Phi-e-rơ thứ nhất bạn có thể liên hệ đến những dẫn chứng về thập tự giá trong Kinh Thánh và thấy các đoạn văn khác chỉ nói về một đề tài.
Thư Phi-e-rơ thứ nhất và các sách Phúc Âm
Chúng ta sẽ thấy Phi-e-rơ trích dẫn lời của Đấng Christ về các sự kiện và các cuộc nói chuyện ghi lại trong các sách Phúc âm. Đây là một số tham khảo giúp bạn nghiên cứu.
- IPhi-e-rơ:IPhi 1:16 IPhi 1:17 1;18 IPhi 1:22 IPhi 2:19 IPhi 3:9 IPhi 3:14 IPhi 4:11 IPhi 4:13 IPhi 4:18 IPhi 5:3 IPhi 5:7 IPhi 5:8
- Các sách Phúc âm: Mat 5:48 Mat 22:16 Mac 10:45 Gi 15:12 Mat 5:39 Lu 6:32 Mat 5:38 Mat 5:10 Mat 5:16 Mat 24:22 Mat 20:25 Gi 13:1 Gi Mat6:25 Lu 22:31
2. VINH HIỂN (IPhi 1:2-12)
Vào một ngày hè êm ả, vợ chồng chúng tôi thăm một trong những nghĩa trang nổi tiếng nhất thế giới nằm ở Stoke Poges, một làng nhỏ cách không xa lâu đài Windsor ở Anh quốc. Tại đây nhà thơ Thomas Gray đã sáng tác bài thơ nổi tiếng “Elegy Written in a Country Churchyard” của ông (tạm dịch Khúc Bi Ai Viết Nơi Nghĩa Trang Quê Hương), một bài thơ mà hầu hết chúng ta đã đọc khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Khi chúng tôi đứng lặng yên giữa những ngôi mộ cổ, một khổ thơ của bài thơ ấy hiện lên trong tâm trí:
Kiêu hãnh về tộc họ, vẻ phù hoa của quyền thế
Mọi vẻ đẹp ấy, mọi giàu sang đã từng trao cho
Cùng đợi chờ giờ phút không thể tránh khỏi
Những con đường vinh quang chỉ dẫn đến nơi mộ phần
Vinh quang của con người chóng qua, nhưng vinh quang của Đức Chúa Trời còn đời đời và Ngài đã trù hoạch cho chúng ta cùng dự phần vinh hiển với Ngài! Trong phần đầu của bức thư, Phi-e-rơ chia sẻ bốn khám phá kỳ diệu ông đã kinh nghiệm về vinh hiển của Đức Chúa Trời.
1. Cơ Đốc nhân được sinh ra để hưởng sự vinh hiển (IPhi 1:2-4)
Bởi sự chết và sống lại của Chúa Giê-xu Christ, con cái Chúa đã được “lại sinh” để có hy vọng sống, và hy vọng đó bao gồm vinh hiển của Đức Chúa Trời. Nhưng, chúng ta muốn nói gì khi đề cập đến “sự vinh hiển của Đức Chúa Trời”?
Sự vinh hiển của Đức Chúa Trời có nghĩa gồm tóm tất cả thuộc tính và việc làm của Đức Chúa Trời. “Vinh hiển” không phải là thuộc tính riêng biệt hoặc đặc tính của Đức Chúa Trời, như là sự thánh khiết, khôn ngoan, hoặc nhân từ của Ngài.Mọi thuộc tính và việc làm của Đức Chúa Trời là đặc điểm của vinh hiển. Ngài vinh hiển trong sự khôn ngoan và năng quyền, để mọi ý nghĩ và hành động của Ngài đều được ghi dấu bởi vinh hiển. Ngài bày tỏ vinh hiển của Ngài qua công cuộc sáng tạo (Thi 19:1-14), trong cách Ngài đối đãi dân Y-sơ-ra-ên, và nhất là trong kế hoạch Ngài cứu rỗi linh hồn tội nhân.
Khi sinh ra lần thứ nhất, chúng ta không sinh ra vì sự vinh hiển. “Vì, mọi xác thịt ví như cỏ, mọi sự vinh hiển của nó ví như hoa cỏ. Cỏ khô, hoa rụng” (IPhi 1:24, trích từ Es 40:6). Bất cứ vinh quang yếu ớt nào con người có được cuối cùng cũng nhạt phai và biến mất nhưng vinh hiển của Đức Chúa Trời còn lại đời đời.Việc làm của con người vì vinh hiển của Đức Chúa Trời sẽ còn lại và họ sẽ nhận được phần thưởng (IGi 2:17). Nhưng những thành quả vị kỷ của con người tội lỗi ngày kia sẽ qua đi không còn thấy nữa. Lý do chúng ta soạn tự điển bách khoa nhằm để có thể học biết về những con người nổi tiếng đang bị quên lãng!
Phi-e-rơ đưa ra hai lời mô tả giúp chúng ta hiểu rõ hơn lẽ thật lạ lùng về sự vinh hiển.
a.Sự sinh lại của Cơ Đốc Nhân (IPhi 1:2-3).
Phép lạ này bắt đầu với Đức Chúa Trời: Chúng ta được Đức Chúa Cha chọn lựa (Eph 1:2-4). Điều này xảy ra trong nơi kín nhiệm đời đời, và chúng ta không biết gì cho đến khi được bày tỏ ra trong Lời Hằng Sống của Đức Chúa Trời. Sự chọn lựa này không căn cứ trên bất cứ điều gì chúng ta đã làm, vì lúc đó chúng ta chưa hiện hữu. Cũng không dựa trên bất kỳ điều gì Đức Chúa Trời thấy chúng ta sẽ có được hoặc sẽ làm. Ngài lựa chọn dựa trên ân điển và tình yêu của Ngài.Chúng ta không thể nào giải thích được điều ấy (Ro 11:33-36), nhưng chúng ta có thể vui mừng về điều ấy.
“Biết trước” không nói lên rằng Đức Chúa Trời chỉ biết trước thời gian chúng ta sẽ tin và do đó Ngài chọn chúng ta. Điều này nảy sinh câu hỏi, “Ai hoặc điều gì khiến chúng ta quyết định chọn Đấng Christ và đem chúng ta hoàn toàn ra khỏi tay Đức Chúa Trời?” Trong Kinh Thánh, “biết trước” có nghĩa “xác lập tình yêu cho một người hoặc nhiều người cách riêng tư”. Cách này đã được dùng trong Am 3:2: “Ta đã biết chỉ một mình các ngươi trong mọi họ hàng trên đất”. Đức Chúa Trời đặt để lòng yêu thương chọn lựa trên dân tộc Y-sơ-ra-ên. Những câu Kinh Thánh khác dùng chữ “biết” một cách đặc biệt đó là ICo 8:3 Gi 10:14,27 Mat 7:23 Thi 1:6.
Nhưng kế hoạch cứu rỗi chứa đựng những điều khác hơn tình yêu chọn lựa của Đức Chúa Cha nó cũng bao gồm công việc của Đức Thánh Linh trong việc cáo trách tội nhân và đem tội nhân đến tin nhận Đấng Christ. Lời giải nghĩa hay nhất về điều này chép trong IITe 2:13-14. Thêm vào đó, Đức Chúa Con phải chịu chết trên thập tự giá vì tội chúng ta, nếu không, chẳng thể có sự cứu rỗi nào cả. Đức Chúa Cha chọn lựa chúng ta, Đức Chúa Con mua chuộc chúng ta, và Đức Thánh Linh biệt riêng chúng ta ra cho danh Ngài. Nếu nhận được cả ba công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta kinh nghiệm sự cứu rỗi thật.
Về phần Đức Chúa Cha, tôi đã được cứu khi Ngài chọn tôi trong Đấng Christ trước khi sáng thế. Về phần Đức Chúa Con, tôi được cứu khi Ngài chết thay tôi trên thập tự giá. Nhưng về phần Đức Thánh Linh, tôi đã được cứu vào một đêm tháng Năm, năm 1945 khi tôi nghe Phúc Âm và tin nhận Đấng Christ. Lúc ấy cả ba việc xảy ra cùng một lúc, nhưng cần có Ba Ngôi Đức Chúa Trời mang tôi đến sự cứu rỗi. Nếu tách rời ba công tác này, chúng ta hoặc sẽ phủ nhận quyền tể trị của Đức Chúa Trời hoặc trách nhiệm của con người và điều đó dẫn đến tà giáo.
Phi-e-rơ không phủ nhận phần việc của con người trong chương trình cứu chuộc tội nhân của Đức Chúa Trời. Trong IPhi 1:23 ông nhấn mạnh Phúc Âm được rao giảng ra cho họ, việc họ nghe và tin nhận (IPhi 1:12). Gương của Phi-e-rơ trong ngày lễ Ngũ Tuần là bằng chứng chúng ta không “phó mặc mọi sự cho Đức Chúa Trời” và bỏ qua việc nài nỉ tội nhân hư mất đến với Đấng Christ (Cong 2:37-40). Cùng một Đức Chúa Trời đặt ra cứu cánh - sự cứu rỗi cho chúng ta - Ngài cũng đưa ra phương tiện để đạt được mục đích - đó là việc rao giảng Phúc Âm ân điển của Đức Chúa Trời.
b.Hy vọng của Cơ Đốc nhân (IPhi 1:3-4).
Trước hết đó là hy vọng sống vì được lập trên nền tảng Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:23), và làm nên bởi Đức Chúa Con Đấng từ kẻ chết sống lại. “Hy vọng sống”chứa mầm sống bên trong vì vậy có thể đem lại cho chúng ta sự sống. Vì hy vọng sống có sự sống nên nó phát triển, trở nên lớn mạnh và đẹp đẽ hơn theo thời gian. Thời gian phá huỷ hầu hết hy vọng chúng nhạt phai và tàn lụi theo năm tháng. Nhưng thời gian trôi qua chỉ làm cho hy vọng của Cơ Đốc nhân thêm vinh hiển.
Phi-e-rơ gọi hy vọng này là cơ nghiệp (IPhi 1:4). Là con cái nhà vua, chúng ta thừa hưởng cơ nghiệp của Ngài trong sự vinh hiển (Ro 8:17-18 Eph 1:9- 12). Chúng ta ở trong ý muốn và lời chứng đời đời của Đấng Christ, và dự phần vinh hiển với Ngài (Gi 17:22-24).
Hãy lưu ý sự mô tả về cơ nghiệp này, vì hoàn toàn không giống với của thừa kế đời này. Trước hết cơ nghiệp ấy không thể hư đi nghĩa là không có gì làm tàn hại nó được. Vì không ô uế, nên cơ nghiệp ấy không thể bị vấy bẩn hoặc bị coi khinh bất cứ cách nào. Nó sẽ không bao giờ già cũ đi vì còn lại đời đời cơ nghiệp ấy không thể qua đi, cũng không thể làm thất vọng chúng ta bất cứ cách nào.
Trong các c.5,9, cơ nghiệp này được gọi là “sự cứu rỗi”. Người tin Chúa được cứu bởi đức tin trong Đấng Christ (Eph 2:8-9), nhưng đến khi Chúa tái lâm sự cứu rỗi ấy mới được trọn vẹn. Lúc ấy chúng ta sẽ mặc lấy thân thể mới bước vào môi trường mới, thành phố trên trời. Trong c.7, Phi-e-rơ gọi hy vọng này là “sự hiện ra của Chúa Giê-xu Christ”. Phao-lô gọi hy vọng này là “hy vọng hạnh phước” (Tit 2:13).
Thật là hồi hộp khi biết rằng chúng ta được sinh ra trong sự vinh hiển! Khi được tái sinh, chúng ta đổi sự vinh hiển chóng qua của con người và mặc lấy vinh hiển đời đời của Đức Chúa Trời!
2. Cơ Đốc nhân được Đức Chúa Trời giữ gìn để hưởng vinh hiển (IPhi 1:5)
Vinh hiển không chỉ “để dành” cho chúng ta, nhưng chúng ta còn được giữ gìn để nhận được vinh hiển! Trong các chuyến đi của tôi, thỉnh thoảng tôi đến nghỉ tại khách sạn hoặc nhà trọ, tôi thấy rằng người ta nhầm lẫn trong việc đặt phòng hoặc huỷ bỏ. Điều này không xảy ra cho chúng ta khi vào Nước thiên đàng, vì nhà đời đời và cơ nghiệp tương lai của chúng ta được bảo đảm và sắm sẵn.
Một thánh đồ e ngại có thể hỏi, "Nhưng giả sử chúng ta không đạt được thì sao?”Trái lại, chúng ta sẽ nhận được vì mọi con cái Chúa đều được “quyền phép của Đức Chúa Trời giữ cho”. Chữ “giữ” là từ ngữ dùng trong quân đội có nghĩa “được bảo vệ, được che chở”. Thì của động từ cho thấy chúng ta luôn luôn được Đức Chúa Trời bảo vệ, Ngài đảm bảo an toàn cho chúng ta cho đến lúc vào thiên đàng.Phao-lô dùng từ này để mô tả những người lính bảo vệ thành Đa-mách khi ông trốn thoát khỏi sự vây bắt của họ (IICo 11:32). Hãy xem Giu 1:24-25 và Ro 8:28-39.
Cơ Đốc nhân được gìn giữ không bởi sức riêng nhưng bởi quyền năng của Đức Chúa Trời. Đức tin trong Đấng Christ kết hiệp chúng ta lại cùng Ngài đến nỗi quyền năng Ngài bảo vệ chúng ta và dẫn dắt chúng ta. Chúng ta được giữ gìn không bởi sức riêng nhưng bởi sự thành tín của Đức Chúa Trời. Ngài giữ gìn chúng ta trong bao lâu? Cho đến lúc Chúa Giê-xu Christ hồi lai và chúng ta cùng dự phần trong sự mạc khải đầy trọn trong ơn cứu rỗi lớn lao của Ngài. Chân lý này cũng được nhắc lại trong câu 9.
Thật khích lệ khi biết chúng ta “được giữ gìn để nhận sự vinh hiển”. Theo Ro 8:30, chúng ta đã được vinh hiển. Tất cả những gì đợi chờ là sự mạc khải công khai về vinh hiển này (Ro 8:18-23). Nếu có tín hữu nào bị hư mất, Đức Chúa Trời sẽ không còn vinh hiển. Để bảo đảm chắc chắn chúng ta sẽ ở trên trời nên Đức Chúa Trời đã ban cho chúng ta vinh hiển Ngài làm của bảo chứng (Gi 17:24 Eph 1:13-14).
Bảo đảm về Nước Trời là nguồn giúp đỡ lớn lao cho chúng ta ngày nay. Như Tiến sĩ James M. Gray diễn tả điều ấy trong lời bài ca của ông, “Nào ai ngại hành trình trên đường về nhà?” Nếu sự hoạn nạn ngày nay có nghĩa là vinh hiển ngày mai, thì hoạn nạn trở nên phước hạnh cho chúng ta. Người chưa được cứu có được “vinh hiển” trong hiện tại, nhưng theo sau là sự đau khổ đời đời xa cách vinh hiển của Đức Chúa Trời (IITe 1:3-10). Trong ánh sáng của ý tưởng này, hãy suy gẫm IICo 4:7-18 - và vui mừng!
3. Cơ Đốc nhân được Đức Chúa Trời chuẩn bị để hưởng vinh hiển (IPhi 1:6-7)
Chúng ta nên nhớ rằng tất cả mọi điều Đức Chúa Trời hoạch định và thi hành nhằm sửa soạn những gì Ngài dành sẵn cho chúng ta trên trời . Ngài đang chuẩn bị chúng ta để sống và hầu việc trong tương lai. Tuy nhiên chẳng ai biết được những gì Ngài dành sẵn cho tại trên trời nhưng chúng ta biết chắc điều này: cuộc sống hiện nay là trường học Đức Chúa Trời dùng để đào luyện chúng ta cho thánh chức tương lai trong cõi vĩnh hằng. Điều này giải thích cho sự bắt bớ xảy đến trong cuộc sống hiện tại: chúng là những học cụ và sách giáo khoa của Đức Chúa Trời dùng trong trường kinh nghiệm của Cơ Đốc nhân.
Phi-e-rơ dùng chữ “thử thách” thay vì chữ “hoạn nạn” hay “bách hại”, vì ông đang đề cập những vấn đề phổ quát mà Cơ Đốc nhân đối mặt khi ở giữa những người không tin.Ông chia sẻ vài sự kiện nói về sự thử thách.
a.Sự thử thách thoả mãn nhu cầu.
Nhóm từ “nếu cần” cho thấy có những thời điểm đặc biệt lúc Đức Chúa Trời biết chúng ta cần phải trải qua những thử thách. Khi thì thử thách nhằm kỷ luật chúng ta lúc không vâng ý Đức Chúa Trời (Thi 119:67). Khi thì, thử thách chuẩn bị chúng ta cho sự tăng trưởng thuộc linh, hoặc ngăn cản chúng ta khỏi phạm tội (IICo 12:1-9). Chúng ta thường không biết nhu cầu đang được thoả đáp, nhưng có thể tin cậy Đức Chúa Trời để biết và làm điều tốt đẹp nhất.
b.Thử thách thường đổi thay.
Phi-e-rơ dùng chữ “trăm bề” có nghĩa “muôn màu muôn vẻ”. Ông dùng cùng một chữ này để mô tả ân điển của Đức Chúa Trời trong IPhi 4:10. Cho dù “hiện trạng” trong các ngày của chúng ta hiện nay có là gì đi nữa - ngày thứ hai “tươi đẹp” hay ngày thứ ba “ảm đạm” - thì Đức Chúa Trời vẫn có đủ ân điển thoả mãn mọi nhu cầu.Chúng ta không nên nghĩ rằng vì chúng ta đắc thắng một thử thách là tự động “thắng được tất cả”. Thử thách khác nhau, và Đức Chúa Trời làm cho thử thách phù hợp với sự mạnh mẽ và nhu cầu của chúng ta.
c. Thử thách không dễ dàng.
Phi-e-rơ không cho rằng chúng ta có thái độ thiếu thận trọng đối với thử thách, vì điều này sẽ bị đánh lừa. Thử thách sinh ra điều ông gọi là “sự nặng nề”. Từ này có nghĩa “từng trải sự phiền muộn và đau đớn”. Nó được dùng để mô tả hoàn cảnh của Chúa chúng ta trong vườn Ghết-sê-ma-nê (Mat 26:37), và sự sầu não của thánh đồ khi người yêu dấu của họ qua đời (ITe 4:13). Phủ nhận sự đau đớn trong thử thách lại khiến thử thách trở nên nặng nề hơn. Cơ Đốc nhân phải thừa nhận sẽ gặp phải nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và không nên mang lấy vẻ can đảm để cho mọi người thấy mình “thiêng liêng hơn”.
d.Đức Chúa Trời tể trị trong cơn thử thách.
Thử thách không kéo dài mãi mãi thử thách đến “có thời hạn”. Khi Đức Chúa Trời cho phép con cái Ngài trải qua cơn rèn thử, mắt Ngài luôn nhìn vào đồng hồ thời gian tay Ngài luôn ở trên bộ điều nhiệt. Nếu chúng ta nổi loạn chống nghịch, có thể Ngài phải kéo dài thời gian thăm phạt nhưng nếu chúng ta thuận phục Ngài, Ngài sẽ không để chúng ta chịu đau đớn trễ hơn một phút nào. Điều quan trọng đó là chúng ta học được bài học Ngài muốn dạy và chúng ta mang vinh quang về cho một mình Ngài.
Phi-e-rơ dùng hình ảnh người thợ vàng để minh hoạ cho chân lý này. Không có người thợ vàng nào lại cố tình phí phạm kim loại quí hiếm này. Người thợ luyện nó trong lửa để tẩy sạch các chất cặn bã sau đó đổ ra khuôn thành một mẫu vàng óng ánh đẹp đẽ giá trị. Người ta nói rằng thợ vàng ở đông phương luyện vàng trong lửa cho đến khi anh ta có thể thấy khuôn mặt của mình phản chiếu trong đó. Chúa chúng ta cũng giữ chúng ta trong lò lửa thử thách cho đến khi chúng ta phản chiếu vinh hiển và vẻ đẹp của Chúa Giê-xu Christ.
Điểm quan trọng đó là sự vinh hiển không được bày tỏ trọn vẹn cho đến ngày Chúa Giê-xu tái lâm tiếp rước Hội Thánh Ngài. Những từng trải thử thách chúng ta chịu ngày nay sửa soạn chúng ta cho sự vinh hiển ngày sau. Khi nhìn xem Chúa Giê-xu Christ, chúng ta sẽ mang đến “sự ngợi khen, tôn quí, vinh hiển” cho Ngài nếu chúng ta trung tín trong mọi đau đớn trong cuộc sống này (Ro 8:17-18). Điều này giải thích tại sao Phi-e-rơ kết hợp sự vui mừng với đau khổ lại với nhau.Trong khi không thể nào vui mừng giữa biết bao thử thách hoạn nạn, chúng ta có thể vui mừng khi nhìn tới phía trước. Chữ “đều đó” trong câu 6 nói đến “sự cứu rỗi” (sự trở lại của Đấng Christ) đề cập đến trong câu 5.
Y như người thợ phân kim thử vàng để xem nó là vàng thật hay giả, thử thách trong cuộc sống cũng thử nghiệm đức tin chúng ta để cho biết chúng ta có đức tin thật hay không. Đức tin không được thử nghiệm thì không thể tin cậy được! Có quá nhiều Cơ Đốc nhân có “đức tin sai lầm” và sẽ lộ ra trong cơn thử thách của cuộc đời. Hột giống rơi nhằm đá sỏi mọc lên cây không có rễ, khi mặt trời mọc lên cây ấy bị khô héo (Mat 13:1-9,18-23). Mặt trời trong ví dụ tượng trưng cho “cơn bách hại hay sự bắt bớ”. Người bỏ “đức tin” khi gặp thử thách khó khăn chỉ chứng tỏ rằng người ấy thật sự không có đức tin nào cả.
Thánh Gióp đã trải qua nhiều thử thách đau đớn, Đức Chúa Trời cho phép những thử thách ấy xảy ra cho ông nhưng ông hiểu về ngọn lửa thử luyện tới một mức độ nào đó."Nhưng Chúa biết con đường tôi đi khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng” (Giop 23:10). Và ông đã trở nên như vàng!
Thất đáng khích lệ khi biết chúng ta được sinh ra vì sự vinh hiển, được giữ vẹn vì sự vinh hiển và đang được chuẩn bị để hưởng vinh hiển. Nhưng khám phá thứ tư Phi-e-rơ muốn chia sẻ với chúng ta có thể là khám phá tuyệt diệu nhất.
4. Cơ Đốc nhân có thể hưởng vinh hiển ngay trong hiện tại (IPhi 1:8-12)
Triết lý sống của Cơ Đốc nhân không phải “là điều khó xảy ra”. Nó đòi hỏi một nỗ lực trong hiện tại để có thể chuyển sự đau đớn ra vinh hiển. Phi-e-rơ đưa ra bốn lời chỉ dẫn để hưởng vinh hiển trong hiện tại, ngay cả lúc ở giữa cơn hoạn nạn.
a.Yêu mến Đấng Christ (IPhi 1:8).
Lòng kính yêu Đấng Christ của chúng ta không đặt trên cái nhìn xác thịt, vì chúng ta không thấy Ngài. Tình yêu ấy đặt trên mối tương giao thuộc linh của chúng ta với Ngài và lời Ngài dạy dỗ chúng ta về Ngài. Đức Thánh Linh đã tuôn đổ tình yêu của Đức Chúa Trời vào lòng chúng ta (Ro 5:5), và chúng ta đáp lại tình yêu với Ngài. Khi ở trong sự thử thách nào đó, bạn thấy đau đớn, hãy lập tức hướng lòng đến Đấng Christ bằng tình yêu và sự thờ phượng thật. Tại sao vậy? Vì điều này sẽ xua tan độc hại ra khỏi kinh nghiệm của bạn và thay vào đó bằng sự chữa lành.
Quỉ Sa-tan muốn dùng thử thách trong cuộc đời để đem chúng ta đến sự tuyệt vọng, nhưng Đức Chúa Trời muốn đem lại cho chúng ta đều tốt nhất. Nếu chúng ta yêu mình hơn Đấng Christ, chúng ta sẽ không kinh nghiệm được vinh hiển trong hiện tại. Lửa sẽ thiêu đốt chúng ta, chớ không thánh hoá chúng ta.
b.Tin cậy Đấng Christ (IPhi 1:8).
Chúng ta phải sống bằng đức tin chớ không phải mắt thấy. Một bà lớn tuổi ngã và bị gãy chân trong khi dự một hội nghị Thánh Kinh Mùa hè. Bà ta nói với vị mục sư đến thăm, “Tôi biết Chúa dẫn dắt tôi đến dự hội nghị. Nhưng tôi không hiểu tại sao điều này lại xảy ra! Và tôi không thấy có điều chi hay từ việc này cả.”Thật khôn khéo, vị mục sư trả lời, “Ro 8:28 không nói rằng chúng ta thấy tất cả mọi sự hiệp lại làm ích cho kẻ yêu mến Đức Chúa Trời. Câu ấy nói chúng ta biết điều đó”.
Đức tin có nghĩa đầu phục Đức Chúa Trời và vâng lời Ngài cho dù hoàn cảnh hoặc hậu quả có ra sao. Tình yêu và đức tin đi đôi với nhau: khi bạn yêu thương ai, bạn tin cậy người ấy. Đức tin và yêu thương đi đôi với nhau giúp cho sự trông cậy thêm mạnh mẽ vì nơi nào bạn thấy có đức tin và tình yêu, nơi đó bạn tìm thấy sự tin tưởng ở tương lai.
Làm thế nào chúng ta có thể lớn lên trong đức tin suốt thời gian chịu thử thách khổ nạn? Giống như cách chúng ta trưởng thành trong đức tin khi gặp thuận cảnh:bằng cách được nuôi bằng lời của Đức Chúa Trời (Ro 10:17). Mối tương giao với Đấng Christ qua lời của Ngài không những làm đức tin chúng ta lớn mạnh nhưng còn làm cho tình yêu chúng ta sâu đậm hơn. Một nguyên tắc cơ bản của nếp sống Cơ Đốc là chúng ta cần dành nhiều thì giờ học tập lời Chúa khi Đức Chúa Trời thử luyện chúng ta và khi Sa-tan cám dỗ chúng ta.
c.Vui mừng trong Đấng Christ. (IPhi 1:8).
Bạn không thể vui mừng trong nghịch cảnh được, nhưng bạn có thể vui mừng khi tập trung tâm trí bạn vào Chúa Giê-xu Christ. Mỗi kinh nghiệm thử thách giúp chúng ta học biết điều mới mẻ và kỳ diệu về Đấng Cứu Rỗi. Áp-ra-ham khám phá ra những chân lý mới mẻ về Chúa trên ngọn núi nơi ông dâng con mình làm của lễ thiêu (Sa 22:1-19). Ba bạn Hê-rơ-rơ tìm thấy sự gần gũi của Ngài khi họ ở trong lò lửa thử thách (Da 3:1-30). Phao-lô học biết sự dư dật của ân điển Ngài khi ông chịu đau đớn vì một cái giằm xóc vào xương thịt ông (IICo 12:1-10).
Hãy chú ý sự vui mừng Ngài ban cho “không thể tả được và đầy vinh hiển”. Niềm vui này quá cao sâu và lạ lùng đến nỗi chúng ta không thể diễn đạt hết được bằng lời. Ngôn từ làm chúng ta thất bại! Phi-e-rơ đã chứng kiến sự vinh hiển trên Núi Hoá Hình lúc Chúa Giê-xu trò chuyện với Môi-se và Ê-li về sự đau đớn và chết Ngài sắp phải gánh chịu (Lu 9:28-36).
d.Nhận lãnh từ nơi Đấng Christ (IPhi 1:9).
“Tin...nhận...” là phương cách Đức Chúa Trời thoả đáp mọi nhu cầu chúng ta. Nếu chúng ta yêu mến Ngài, tin cậy Ngài, và vui mừng trong Ngài, chúng ta có thể nhận nơi Ngài mọi điều cần thiết để chuyển thử thách thành chiến thắng.Chúng ta có thể dịch câu 9, “Vì anh em đang nhận phần thưởng về đức tin tức là sự cứu rỗi sau cùng của linh hồn”. Nói cách khác, chúng ta có thể kinh nghiệm một ít vinh hiển ngày sau ngay trong đời này. Charles Spurgeon thường nói."Đức tin nhỏ sẽ dẫn linh hồn bạn vào thiên đàng, nhưng đức tin lớn sẽ mang thiên đàng đến với tâm linh bạn”. Ngóng trông thiên đàng trong thời gian chịu đau đớn thì chưa đủ vì bất cứ ai cũng có thể làm điều đó. Đều Phi-e-rơ kêu gọi chúng ta phải làm là thực hành yêu thương đức tin và vui mừng, để có thể kinh nghiệm được vinh hiển ngay trong hiện tại.
Điều lạ lùng đó là “sự cứu rỗi” chúng ta trông đợi - sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ - là một phần trong kế hoạch vĩ đại của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta trong cõi đời đời. Các tiên tri trong Cưụ ước nói về sự cứu rỗi này và tra xem tường tận những gì Đức Chúa Trời đã bày tỏ ra cho họ. Họ nhìn thấy sự đau đớn của Đấng Mê-si-a, và cũng nhìn thấy sự vinh hiển theo sau nhưng họ không thể hiểu trọn vẹn sự nối kết giữa hai sự việc. Thật ra, trong một số lời tiên tri, sự đau đớn và vinh hiển của Đấng Mê-si-a được trộn lẫn trong một câu hay một đoạn.
Khi Chúa Giê-xu đến thế gian, các đạo sĩ Do Thái trông đợi Đấng Mê-si-a chiến thắng sẽ đánh bại kẻ thù dân Y-sơ-ra-ên và thiết lập vương quốc vinh hiển đã hứa cho dòng dõi Vua Đa-vít. Ngay cả các môn đệ Ngài cũng không hiểu rõ điều cần thiết Ngài phải chết trên thập tự giá (Mat 16:13-28). Họ vẫn cứ hỏi về vương quốc Do Thái ngay sau khi Ngài sống lại (Cong 1:1-8). Nếu các môn đệ không hiểu rõ về chương trình của Đức Chúa Trời, chắc chắn họ không cần đến các đấng tiên tri trong Cựu Ước!
Đức Chúa Trời phán dạy các đấng tiên tri rằng họ đang thực hiện chức vụ cho thế hệ tương lai. Giữa sự đau đớn của Đấng Mê-si-a và sự trở lại trong vinh hiển của Ngài là thời gian chúng ta gọi là “thời đại Hội thánh”. Chân lý về Hội thánh là lẽ mầu nhiệm giấu kín trải qua các đời trong Cựu Ước (Eph 3:1-13). Người tin trong Cựu Ước nhìn thấy Hội thánh bằng con mắt đức tin và trông thấy hai ngọn núi: Núi Gô-gô-tha, nơi Đấng Mê-si-a chịu khổ và chết (Es 53:1-12), và núi Ô-li- ve, nơi Ngài sẽ tái lâm trong vinh quang (Xa 14:4). Họ không thể nhìn thấy thung lũng ở giữa hai ngọn núi, đó là thời đại hiện tại của Hội thánh.
Ngay cả các thiên sứ cũng quan tâm đến những việc Đức Chúa Trời đang làm trong và qua Hội Thánh Ngài! Hãy đọc ICo 4:9 và Eph 3:10 để biết thêm về cách nào Đức Chúa Trời đang “bày tỏ” cho các thiên sứ qua Hội thánh.
Nếu các đấng tiên tri trong Cựu Ước ra sức tìm tòi các chân lý về ơn cứu rỗi dù phương tiện quá ít, thì chúng ta phải càng tìm kiếm nhiều về chủ đề này, vì bây giờ chúng ta có trọn vẹn Lời Kinh Thánh của Đức Chúa Trời! Cùng một Thánh Linh dạy dỗ các đấng tiên tri và bởi họ Ngài viết lời Đức Chúa Trời, cũng có thể dạy chúng ta những chân lý trong Kinh Thánh nữa (Gi 16:12-15).
Hơn nữa, chúng ta có thể biết được những chân lý này từ Cựu Ước cũng như từ Tân Ước. Bạn có thể tìm thấy Đấng Christ trong mọi chương đoạn trong Kinh Thánh Cựu Ước (Lu 24:25-27). Thật là thích thú khi gặp Đấng Christ trong Luật pháp Cựu Ước, Thi Thiên, và các lời viết của các vị tiên tri. Trong thời gian bị thử thách, bạn có thể đến với Kinh Thánh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, và bạn sẽ tìm thấy tất cả những gì bạn cần được khích lệ và soi sáng.
Vâng, đối với Cơ Đốc nhân, đó là sự vinh hiển suốt chặng đường đến thiên đàng! Khi tin nhận Đấng Christ, chúng ta được sinh ra để nhận vinh hiển. Chúng ta đang được giữ gìn vì sự vinh hiển. Khi vâng lời Ngài và trải qua sự thử thách, chúng ta đang được Ngài sửa soạn cho sự vinh hiển. Khi yêu mến Ngài, tin cậy Ngài và vui mừng trong Ngài, chúng ta kinh nghiệm sự vinh hiển ngay tại trần thế và ngay bây giờ.
Sự vui mừng không thể nói ra được và vinh hiển không xiết kể!
3. SỐNG THÁNH SẠCH TRONG THẾ GIAN TỘI LỖI (IPhi 1:13-21)
Trong phần đầu chương, Phi-e-rơ nhấn mạnh việc bước đi trong sự trông cậy nhưng bây giờ ông nhấn mạnh việc bước đi trong sự nên thánh. Hai việc đi đôi với nhau, vì “Ai có sự trông cậy đó trong lòng, thì tự mình là nên thánh sạch, cũng như Ngài là thanh sạch” (IGi 3:3).
Ý nghĩa sâu xa của chữ thánh sạch ấy là “khác nhau”. Một người thánh thì không phải là người tách riêng ra, nhưng là người khác biệt. Cuộc đời người ấy có phẩm chất thánh khiết để khác biệt. “Cách sống ” hiện tại của nguời ấy không những khác với cách sống trong quá khứ, nhưng còn khác với “cách sống” của những người không tin ở chung quanh. Đời sống nên thánh của Cơ Đốc nhân có vẻ xa lạ với người hư mất. (IPhi 4:4), nhưng không xa lạ với những con cái Chúa khác.
Tuy nhiên, sống trong thế gian và luôn bước đi trong sự nên thánh là việc không dễ dàng. Bầu không khí chống nghịch Đức Chúa Trời chung quanh chúng ta mà Kinh Thánh gọi là “thế gian” luôn luôn thúc ép chúng ta, tìm đủ cách buộc chúng ta làm theo. Trong đoạn này, Phi-e-rơ giới thiệu cho các độc giả năm điều khích lệ để gây dựng họ (và chúng ta) giữ cách sống biệt riêng, nên thánh trong thế gian tội lỗi này.
1. Vinh hiển của Đức Chúa Trời (IPhi 1:13)
“Sự mạc khải của Chúa Giê-xu Christ” là cách diễn đạt khác cho “niềm hy vọng sống”và “sự hiện ra của Chúa Giê-xu Christ”. Cơ Đốc nhân sống trong thì tương lai hành động và quyết định của họ trong hiện tại được điều hướng bởi niềm hy vọng tương lai. Giống như một đôi nam nữ đã đính hôn dự định mọi kế hoạch của họ trong ánh sáng của lễ cưới tương lai, Cơ Đốc nhân ngày nay cũng sống trong mong ước được nhìn thấy Chúa Giê-xu Christ như vậy.
“Hãy bền chí như thể thắt lưng” có nghĩa “giữ ý tưởng của bạn luôn sáng suốt minh mẫn! Hãy suy nghĩ có kỷ luật! ” Hình ảnh của một người mặc áo choàng, phải thắt lưng áo lại cho gọn gàng anh ta mới tự do chạy nhảy được. Khi tập trung tư tưởng vào sự tái lâm của Đấng Christ và sống một cách phù hợp, chúng ta sẽ thoát khỏi nhiều việc thuộc về thế gian vướng víu tâm trí chúng ta và ngăn trở đời sống tâm linh chúng ta lớn lên. Có thể Phi-e-rơ mượn ý tưởng lễ Vượt Qua, vì sau đó trong phần này ông mô tả Đấng Christ là Chiên Con (c.19). Người Giu-đa trong lễ Vượt Qua được lệnh dùng bữa vội vã, sẵn sàng lên đường (Xu 12:11).
Quan điểm quyết định hậu quả thái độ quyết định hành động. Cơ Đốc nhân tìm kiếm vinh hiển Đức Chúa Trời được thôi thúc vâng lời trong hiện tại hơn Cơ Đốc nhân coi thường sự trở lại của Chúa. Sự tương phản được minh hoạ qua hai cuộc đời của Áp-ra-ham và Lót (Sa 12:1-13:18 He 11:8-16). Áp-ra-ham có đôi mắt đức tin hướng về thành phố trên trời, vì vậy ông không quan tâm đến của cải vật chất đời này. Nhưng Lót, người đã quen thú vui thế gian tại Ai Cập, dần dần hướng về Sô-đôm. Áp-ra-ham mang lại phước hạnh cho gia đình của ông, nhưng Lót mang lại sự đoán phạt. Quan điểm quyết định hậu quả.
Chúng ta không những có tâm trí kỷ luật, nhưng còn phải có tâm trí điềm tĩnh. Từ này có nghĩa “bình tĩnh, vững vàng, tự chủ cân nhắc mọi vấn đề”. Đáng tiếc một số người bị những vấn đề nghiên cứu về lời tiên tri “lôi cuốn” và đánh mất sự quân bình thuộc linh. Sự kiện Đấng Christ sắp trở lại phải khích lệ chúng ta bình tâm và tự chủ (IPhi 4:7). Việc quỉ Sa-tan đi rình mò chung quanh là một lý do khác để chúng ta có tâm trí điềm tĩnh. (IPhi 5:8). Bất cứ tâm trí người nào không kỷ luật và cuộc sống của họ “chao đảo” vì những tìm tòi theo lời tiên tri là bằng chứng cho thấy họ thật sự không hiểu lời tiên tri trong Kinh Thánh.
Chúng ta cũng cần có tâm trí lạc quan. “Bền lòng đến cuối cùng” có nghĩa “đặt trọn hy vọng”. Phải có cái nhìn tin tưởng vào tương lai! Ngày nọ một người bạn gởi cho tôi một lời nhắn, “Khi cảnh vật u tối, hãy cố gắng nhìn lên! ” Quả thật đó là một lời khuyên hay! Bầu trời phải tối để các vì sao xuất hiện.
Kết quả của việc đặt để tâm trí vào các việc trên trời là điều con cái Chúa kinh nghiệm ân điển của Đức Chúa Trời trong đời sống. Chắc chắn chúng ta sẽ từng trải phước hạnh khi nhìn thấy Chúa Giê-xu Christ nhưng chúng ta cũng kinh nghiệm ân điển ngay hôm nay khi trông mong Ngài trở lại. Chúng ta đã được cứu bởi ân điển (IPhi 1:10). Trông mong Đấng Christ trở lại làm cho đức tin và trông cậy nơi chúng ta thêm mạnh mẽ trong những ngày khó khăn, điều này cho thêm chúng ta ân điển của Đức Chúa Trời. Tit 2:10-13 là một phân đoạn khác cho thấy mối tương quan giữa ân điển và sự tái lâm của Chúa Giê-xu Christ.
2. Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời (IPhi 1:14-15)
Lập luận ở đây hợp lý và đơn giản. Con cái thừa hưởng bản chất của cha mẹ. Đức Chúa Trời là thánh vì vậy, là con cái của Ngài, chúng ta phải sống đời sống nên thánh. Chúng ta là “người dự phần bản tính Đức Chúa Trời” (IIPhi 1:4) và phải bày tỏ bản tính ấy trong nếp sống tin kính.
Phi-e-rơ nhắc cho độc giả của ông nhớ lại họ là gì trước khi tin nhận Đấng Christ. Họ là con cái của sự không vâng phục (Eph 2:1-3), nhưng bây giờ trở nên con cái vâng lời. Sự cứu rỗi thật luôn luôn kết quả bằng sự vâng lời (Ro 1:5 IPhi 1:2). Họ cũng là người làm theo đời này, “tự khuôn rập” theo những tiêu chuẩn và thú vui của đời. Ro 12:2 cũng dịch từ này là “làm theo đời này”. Những người chưa được cứu nói với chúng ta rằng họ muốn được “tự do và biệt riêng” tuy nhiên họ bắt chước lẫn nhau!
Nguyên nhân điều này là sự dốt nát dẫn đến mê muội. Người chưa được cứu thiếu khôn ngoan thiêng liêng, và điều này gây ra cho họ chìm đắm trong mọi sự ngu muội của thế gian xác thịt (Cong 17:30 Eph 4:17). Vì chúng ta sinh ra trong bản chất sa ngã, cho nên mặc nhiên sống trong cuộc đời tội lỗi. Bản chất quyết định sự ưa muốn và hành động. Một con chó và một con mèo hành động khác nhau vì chúng có bản chất khác nhau.
Chúng ta vẫn còn trong hoàn cảnh tội lỗi buồn bã ấy nếu không nhờ ân điển của Đức Chúa Trời. Ngài đã gọi chúng ta! Ngày nọ, Chúa Giê-xu kêu gọi Phi-e-rơ và các bạn của ông, Ngài phán “Hãy theo Ta, và Ta sẽ khiến các ngươi trở nên tay đánh lưới người” (Mac 1:17). Họ đáp lời kêu gọi của Ngài bằng đức tin, và điều này đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của họ.
Có lẽ điều này giải thích tại sao trung thư Phi-e-rơ dùng chữ “kêu gọi” rất nhiều.Chúng ta được gọi nên thánh (IPhi 1:15). Chúng ta được gọi “ra khỏi chốn tối tăm đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài” (IPhi 2:9). Chúng ta được gọi để chịu đau khổ và theo gương khiêm nhường của Đấng Christ (IPhi 2:21). Giữa cơn bắt bớ, chúng ta được kêu gọi “để thừa hưởng phước lành” (IPhi 3:9). Trên hết, chúng ta được gọi đến “sự vinh hiển đời đời của Ngài” (IPhi 5:10). Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trước khi chúng ta kêu xin Ngài ban sự cứu rỗi. Đó là ân điển trọn vẹn.
Nhưng ân điển lựa chọn tội nhân để trở nên thánh nhân của Đức Chúa Trời luôn luôn bao gồm trách nhiệm, chớ không chỉ là đặc quyền. Ngài đã chọn chúng ta trong Đấng Christ “đặng làm chúng ta nên thánh không chỗ trách được trước mặt Ngài” (Eph 1:4). Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta cho chính Ngài, và Ngài là thánh vì vậy, chúng ta phải nên thánh. Phi-e-rơ trích trong Luật pháp Cưụ ước để ủng hộ cho lời khuyên dạy của ông (Le 11:44-45 Le 19:2 Le 20:7,26).
Sự thánh khiết của Đức Chúa Trời là một phần quan trọng trong bản tính của Ngài.“Đức Chúa Trời là sự sáng, và trong Ngài không có sự tối tăm” (IGi 1:5). Bất cứ sự thánh khiết nào chúng ta có được trong bản tính và hành động đều phải bắt nguồn từ Ngài. Về cơ bản, “nên thánh” có nghĩa “được biệt riêng để cho Đức Chúa Trời sử dụng theo ý tốt của Ngài”. Nó bao gồm sự biệt ruêng khỏi những điều không sạch và hoàn toàn tận hiến cho Đức Chúa Trời (IICo 6:14-7:1). Chúng ta phải nên thánh “trong mọi cách ăn nết ở của mình”, để mọi việc chúng ta làm đều phản ánh sự thánh khiết của Đức Chúa Trời.
Đối với một Cơ Đốc nhân tận hiến thì không có điều gì gọi là “đời” hay “thiêng liêng” cả. Tất cả mọi sự trong cuộc sống là thánh khi chúng ta sống cho sự vinh hiển Đức Chúa Trời. Thậm chí những hoạt động bình thường như ăn uống cũng được làm vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời (ICo 10:31). Nếu có việc làm nào không vì vinh hiển Đức Chúa Trời, chúng ta có thể biết chắc điều đó ở ngoài ý muốn của Đức Chúa Trời.
3. Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:16)
“Có chép rằng! ” là câu nói mang uy quyền lớn lao đối với người tin Chúa. Chúa chúng ta đã dùng Lời Đức Chúa Trời để đánh bại Sa-tan, và chúng ta cũng vậy (Mat 4:1-11 Eph 6:17). Nhưng Lời Đức Chúa Trời không những là gươm để chiến đấu nó còn là ánh sáng soi lối chúng ta trong thế gian mờ tối (IIPhi 1:19 Thi 119:105), là thức ăn làm chúng ta mạnh mẽ (Mat 4:4 IPhi 2:2), và nước tẩy rửa tâm linh chúng ta (Eph 5:25-27).
Lời Đức Chúa Trời có chức năng thánh hoá cuộc đời của những Cơ Đốc nhân tận hiến (Gi 17:17). Những người vui vẻ về Lời Đức Chúa Trời, suy gẫm, và tìm cách làm theo sẽ kinh nghiệm sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời và phước hạnh trong cuộc sống mỗi ngày (Thi 1:1-3). Lời Đức Chúa Trời bày tỏ ý muốn của Ngài, vì vậy chúng ta phải học hỏi bày tỏ tấm lòng của Đức Chúa Trời, vì thế chúng ta phải yêu mến. Toàn thể tâm trí, ý chí và tấm lòng chúng ta phải được Lời Đức Chúa Trời điều hướng.
Phi-e-rơ trích dẫn trong sách Lê-vi-ký, “Các ngươi phải nên thánh vì Ta là thánh” (Le 11:44). Điều này có nghĩa là luật Cựu Ước vẫn có thẩm quyền đối với Cơ Đốc nhân trong thời Tân ước sao? Hãy nhớ rằng các Cơ Đốc nhân đầu tiên không có Kinh Thánh Tân Ước. Lời Đức Chúa Trời duy nhất họ có được là Cựu Ước, và Đức Chúa Trời dùng Lời ấy để dẫn dắt và nuôi dưỡng họ. Con cái Chúa ngày nay không ở dưới luật pháp đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên tuy nhiên, ngay cả trong những điều luật này chúng ta cũng nhìn thấy bày tỏ những nguyên tắc thuộc linh. Chín điều răn được nhắc lại trong các thư tín, do đó chúng ta phải vâng theo. (Điều răn giữ ngày Sa-bát được ban riêng cho dân Y-sơ-ra-ên và không ứng dụng cho chúng ta ngày nay. Ro 14:1-9). Khi đọc và nghiên cứu Cựu Ước, chúng ta học biết nhiều về đặc tính và công việc của Đức Chúa Trời, chúng ta nhìn thấy các chân lý sáng tỏ qua các kiểu mẫu và biểu tượng.
Bước đầu tiên hướng đến việc giữ thanh sạch trong thế gian ô dơ là hãy hỏi, “Kinh Thánh dạy gì?” Trong Thánh Kinh, chúng ta tìm thấy lời dạy dỗ, nguyên tắc, lời hứa, và con người để hướng dẫn chúng ta trong mọi quyết định trong ngày hôm nay.Nếu chúng ta thực sự sẵn lòng vâng theo Đức Chúa Trời, Ngài sẽ chỉ cho chúng ta Lời Ngài (Gi 7:17). Trong khi các phương cách hành động của Đức Chúa Trời thay đổi từ đời này qua đời kia, thì bản tính của Ngài vẫn y nguyên và các nguyên tắc của Ngài vẫn không thay đổi. Chúng ta không nên tra cứu Kinh Thánh chỉ để có kiến thức về Kinh Thánh. Chúng ta phải học Kinh Thánh để có thể biết rõ hơn về Đức Chúa Trời. Quá nhiều học viên Kinh Thánh nhiệt thành đã hài lòng với những bố cục và lời giải thích, nhưng không thật sự tìm biết Đức Chúa Trời.Biết Lời Đức Chúa Trời là đều tốt, nhưng điều này phải giúp chúng ta biết rõ hơn về chính Đức Chúa Trời.
4. Sự đoán xét của Đức Chúa Trời (IPhi 1:17)
Là con cái Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải nghiêm túc với tội lỗi và về cách sống thánh khiết. Cha trên trời là thánh (Gi 17:11) và là Cha công bình (Gi 17:25). Ngài không ưng chịu tội lỗi. Ngài là Đấng nhân từ hay tha thứ, nhưng Ngài cũng là Đấng nghiêm phạt không cho phép con cái Ngài vui thích tội lỗi. Chung cuộc, chính vì tội lỗi, Ngài đã sai Con Ngài chết trên thập tự giá. Nếu chúng ta gọi Đức Chúa Trời là “Cha”, chúng ta phải phản ánh bản tính của Ngài.
Sự đoán xét Phi-e-rơ viết ở đây là gì? Đó là sự đoán xét về công việc của người tin Chúa. Sự đoán xét này không liên quan đến sự cứu rỗi, ngoại trừ sự cứu rỗi ấy phải sinh ra việc lành (Tit 1:16 Tit 2:7,12). Khi chúng ta tin nhận Đấng Christ, Đức Chúa Trời tha tội chúng ta và tuyên bố chúng ta là công bình trong Con Ngài (Ro 5:1-10 Ro 8:1-4 Co 2:13). Tội lỗi chúng ta đã bị đoán phạt trên thập tự giá (IPhi 2:24), do đó tội lỗi không thể nghịch lại chúng ta (He 10:10-18).
Nhưng lúc Chúa tái lâm, sẽ có thời kỳ đoán xét gọi là “Toà Án Đấng Christ” (Ro 14:10-12 IICo 5:9-10). Mỗi chúng ta sẽ khai trình công việc của mình, và nhận lãnh phần thưởng xứng đáng với công việc. Đây là “sự đoán xét trong gia đình”, Đức Chúa Cha chăm lo đến con yêu dấu của Ngài. Trong tiếng Hy Lạp chữ được dịch làphán xét mang nghĩa “phán xét để tìm ra điều tốt”. Đức Chúa Trời sẽ xét từng chi tiết trong các động cơ thi hành chức vụ của chúng ta Ngài sẽ tra xét tấm lòng chúng ta. Nhưng Ngài bảo đảm với chúng ta rằng mục đích của Ngài là làm vinh hiển chính Ngài qua nếp sống và công tác của chúng ta, và “Bấy giờ ai nấy sẽ nhận sự khen ngợi của Đức Chúa Trời (ICo 4:5). Thật là một sự khích lệ!
Đức Chúa Trời ban cho chúng ta nhiều phước hạnh và đặc ân, khi chúng ta lớn lên trong nếp sống Cơ Đốc nhưng Ngài không ban cho chúng ta đặc quyền để bất tuân lệnh Ngài và phạm tội. Ngài không bao giờ nuông chiều con cái Ngài hoặc làm theo ý muốn của họ. Ngài không vị nể người nào. Ngài “không thiên vị ai, chẳng nhận của hối lộ” (Phu 10:17). “Vì trước mặt Đức Chúa Trời chẳng vị nể ai đâu” (Ro 2:11). Nhiều năm vâng lời không thể mua được một giờ không vâng lời. Nếu con cái Chúa không vâng lời, Đức Chúa Trời phải trừng phạt (He 12:1-13). Nhưng khi con cái Ngài vâng lời và hầu việc Ngài bằng lòng yêu thương, Ngài lưu tâm và chuẩn bị phần thưởng thích hợp.
Phi-e-rơ nhắc các độc giả của ông nhớ rằng họ chỉ là “khách bộ hành” trên đất. Cuộc sống ngắn ngủi quá đến nỗi không thể phung phí trong sự bất tuân và tội lỗi (IPhi 4:1-6). Chính lúc Lót không làm khách bộ hành, và trở thành cư dân của thành phố Sô-đôm, lúc ấy ông đã mất đi sự thánh khiết và lời chứng tốt của mình. Mọi điều ông gắn bó chỉ dành cho lửa! Bạn hãy nhớ rằng bạn là “khách lạ và bộ hành”trên đất này (IPhi 1:1 IPhi 2:11).
Trong cái nhìn về sự sửa phạt yêu thương của Đức Chúa Cha đối với con cái Ngài ngày nay và sẽ xét đoán công việc của từng người trong tương lai, chúng ta có bổn phận phải nuôi dưỡng thái độ kính sợ Ngài. Đây không phải là nỗi sợ hãi của một nô lệ trước người chủ, nhưng là lòng kính sợ đầy yêu thương của người con trước cha của mình. Đó không phải là nỗi lo sợ cơn đoán phạt (IGi 4:8), nhưng là nỗi sợ làm Ngài thất vọng hoặc phạm tội nghịch lại lòng yêu thương Ngài. Đó là “sự kính sợ Đức Chúa Trời” (IICo 7:1), sự kính sợ cách khiêm cung dành cho Đức Chúa Cha.
Thỉnh thoảng tôi cảm thấy ngày nay có sự bất cẩn thậm chí phạm thượng trong cách chúng ta nói chuyện về Đức Chúa Trời hoặc thưa chuyện với Ngài. Cách đây non một thế kỷ, Giám mục B. F. Westcott nói, “Mỗi năm làm cho tôi run sợ vì những lời táo bạo mà con người dùng để nói đến những điều thiêng liêng”. Vị giám mục kính sợ Chúa sẽ nghe những gì người ta nói ngày nay! Một nữ diễn viên không kính sợ Chúa đã gọi Đức Chúa Trời là “Người sống ở tầng trên”. Một cầu thủ bóng chày gọi Ngài là “một người Mỹ vĩ đại sống trên trời”. Một người Giu-đa thời Cựu Ước sợ hãi Đức Chúa Trời đến nỗi không dám xưng danh thánh của Ngài, tuy nhiên ngày nay chúng ta nói về Ngài cách không thận trọng và bất kính. Trong lời cầu nguyện giữa hội chúng, thỉnh thoảng chúng ta quá quen thuộc đến nỗi những người khác thắc mắc không biết chúng ta đang tìm cách bày tỏ lời cầu xin của chúng ta hoặc đang cố gây ấn tượng cho người nghe bởi việc chúng ta gần gũi với Đức Chúa Trời!
5. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời (IPhi 1:18-21)
Đây là động cơ cao nhất để có đời sống thánh khiết. Trong đoạn này, Phi-e-rơ nhắc các độc giả nhớ lại kinh nghiệm cứu rỗi của họ, sự nhắc nhở mà tất cả chúng ta thường xuyên cần đến. Đây là lý do Chúa chúng ta thiết lập lễ Tiệc Thánh, để con cái Ngài thường nhớ rằng Ngài đã chết vì họ. Hãy lưu ý những điều Phi-e-rơ nhắc nhở ở đây.
Ông nhắc họ nhớ họ là gì. Đầu tiên, họ là nô lệ cần được tự do. Đối với chúng ta chữ cứu chuộc là một từ thần học nhưng đối với người dân thế kỷ đầu tiên trong đế quốc La Mã nó mang ý nghĩa đặc biệt. Có khoảng 50 triệu nô lệ trong toàn đế quốc! Nhiều nô lệ trở nên Cơ Đốc nhân và thờ phượng thông công trong các Hội Thánh địa phương. Nô lệ có thể mua tự do cho mình, nếu tích luỹ đủ tiền hoặc người chủ có thể bán cho người nào chịu trả tiền và cho anh ta được tự do.Trong thời ấy sự cứu chuộc là việc làm quí giá.
Chúng ta không bao giờ được quên kiếp nô lệ của tội lỗi (Tit 3:3). Môi-se kêu gọi dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng họ đã trải qua kiếp nô lệ tại Ai Cập (Phu 5:15 Phu 16:12 Phu 24:18,22). Thế hệ ngã chết trong đồng vắng đã quên ách nô lệ tại Ai Cập và luôn luôn muốn quay trở lại!
Không những chúng ta mang kiếp sống nô lệ, nhưng còn là kiếp sống vô vị trống rỗng nữa. Phi-e-rơ gọi là “sự ăn ở không ra chi của tổ tiên truyền lại” (IPhi 1:18), và ông mô tả cách chi tiết trong IPhi 4:1-4. Khi ấy, họ nghĩ rằng cuộc sống của họ “trọn vẹn” và “hạnh phúc”, trong khi thực sự họ trống rỗng và buồn rầu. Ngày nay những người chưa được cứu đang sống cách tối tăm nhờ vào những điều thay thế.
Trong thời gian phục vụ Chúa tại Ca-na-đa, tôi gặp một phụ nữ nói với tôi bà đã tin Chúa lúc còn nhỏ nhưng bị lôi cuốn vào “cuộc sống xã hội” đầy hấp dẫn và thoả mãn cho cái tôi của bà. Ngày kia, bà đang lái xe đến một sòng bạc và tình cờ mở máy thu thanh đúng buổi phát thanh Tin Lành. Ngay lúc ấy, xướng ngôn viên nói, “Một số quí bà biết chơi cờ bạc giỏi hơn biết Kinh Thánh! ” Những tiếng nói ấy đã bắt phục bà. Đức Chúa Trời phán với tấm lòng bà, bà quay trở về nhà và từ giờ phút đó cuộc đời bà tận hiến trọn vẹn cho Đức Chúa Trời. Bà thấy cuộc sống là phù phiếm và vô vị khi sống ngoài ý muốn Đức Chúa Trời.
Phi-e-rơ không chỉ nhắc họ nhớ họ là ai, nhưng ông còn muốn họ nhớ Đấng Christ đã làm gì. Ngài đã đổ huyết báu của Ngài để mua chuộc chúng ta ra khỏi kiếp nô lệ của tội lỗi và buông tha chúng ta tự do mãi mãi. “Cứu chuộc” có nghĩa “giải phóng cho được tự do bằng việc trả giá cao”. Một nô lệ có thể được tự do bằng việc bỏ tiền ra mua, nhưng không có khoản tiền nào có thể cho tội nhân hư mất được tự do. Chỉ có huyết báu Chúa Giê-xu Christ mới cứu chuộc được chúng ta.
Phi-e-rơ là một chứng nhân về sự đau đớn của Đấng Christ (IPhi 5:1) và ông thường đề cập đến sự chết hy sinh của của Ngài trong thư của ông (IPhi 2:21 IPhi 3:18 IPhi 4:1,13 IPhi 5:1). Trong cách xưng hô Đấng Christ là “Chiên Con”, Phi-e-rơ muốn nhắc độc giả của ông nhớ lời dạy Cưụ ước thật quan trọng trong Hội Thánh đầu tiên, và cho chúng ta ngày nay. Đó là bài học về sự chết thay: một nạn nhân vô tội phó đời mình cho người có tội.
Bài học về sự hy sinh bắt đầu trong Sáng thế ký chương 3, lúc Đức Chúa Trời giết con thú may áo cho A-đam và Ê-va mặc. Con chiên chết thay cho Y-sác (Sa 22:13)và chiên con trong lễ Vượt Qua đổ huyết vì mỗi gia đình Do Thái (Xu 12:1-50). Đấng Mê-si-a được giới thiệu như Chiên Con vô tội trong Es 53:1-12. Y-sác hỏi, “Chiên con ở đâu?” (Sa 22:7), và Giăng Báp-tít trả lời khi ông chỉ Chúa Giê-xu và nói, “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Gi 1:29). Trên trời, những người được chuộc và thiên sứ đồng hát, “Đáng ngợi khen Chiên Con! ” (Kh 5:11-14).
Phi-e-rơ nói rõ sự chết của Đấng Christ là một việc đã sắp xếp chớ không phải là sự tình cờ vì được Đức Chúa Trời sắp xếp trước khi tạo dựng trời đất (Cong 2:23). Từ cái nhìn của con người, Chúa chúng ta bị giết một cách độc ác nhưng trong quan điểm của Đức Chúa Trời, Ngài phó sự sống mình vì kẻ có tội (Gi 10:17-18). Nhưng Ngài đã từ kẻ chết sống lại! Hiện nay, hễ ai nhận Ngài sẽ được cứu rỗi đời đời.
Khi bạn và tôi suy gẫm về sự hy sinh của Đấng Christ vì tội chúng ta, chắc chắn chúng ta muốn vâng lời Đức Chúa Trời và sống thánh khiết để làm sáng danh Ngài.Lúc còn là một thiếu nữ trẻ, bà Frances Ridley Havergal nhìn một bức tranh vẽ Đấng Christ bị đóng đinh trên thập tự giá với lời chú thích bên dưới: “Ta đã làm điều này vì con? Con đã làm gì cho Ta?” Nhanh chóng, bà viết một bài thơ, nhưng bà không hài lòng về bài thơ ấy và quăng vào lò sưởi. Tờ giấy không bị cháy! Sau đó theo lời đề nghị của người cha, bà đã cho in bài thơ và chúng ta hát ngày nay.
Ta hy sinh vì con hết,
Huyết tuôn tim này tan tành
Đem con ra từ nơi chết
Chuộc tội đặng con lại sinh
Ta đã phó tánh mạng cho con rồi
Phó chi cho Ta con ơi?
Thật là một câu hỏi hay! Tôi tin chúng ta có thể trả lời Đức Chúa Trời thật tốt.
Ghi chú thêm: “vật hay hư nát” và “quí báu”. Hãy lưu ý Phi-e-rơ dùng những chữ “vật hay hư nát” và “không hay hư nát” nhiều lần: IPhi 1:4,18,23 IPhi 3:4. Chữ “quí báu”cũng vậy: IPhi 1:19 IPhi 2:4,6,7 IIPhi 1:1,4.
4. MỐI LIÊN HỆ CƠ ĐỐC ĐẦM ẤM (IPhi 1:22-2:10)
Một trong những biến cố đau thương trong cuộc đời là con dân Đức Chúa Trời thường không hiệp ý với nhau. Bạn cho rằng những ai bước đi trong sự hy vọng và thánh khiết sẽ đồng đi trong sự thuận hoà, nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Trong cái nhìn của Đức Chúa Trời, chỉ có một thân (Eph 4:4-6) nhưng theo con người, chúng ta thấy Hội Thánh bị phân rẽ và thỉnh thoảng có sự tranh chiến. Nhu cầu rất cấp thiết ngày nay là sự hiệp một thuộc linh.
Trong phần này của bức thư, Phi-e-rơ nhấn mạnh đến sự hiệp một trong Chúa bằng cách đưa ra bốn bức tranh sống động về Hội Thánh.
1. Chúng ta là con cái trong một gia đình (IPhi 1:22-25 IPhi 2:1-3)
(IPhi 1:22-25). Khi nghiên cứu những ẩn ý trong sự kiện này, bạn sẽ được khích lệ xây dựng và duy trì mối thông công hiệp một trong vòng con dân Đức Chúa Trời.
a.Chúng ta đã cùng kinh nghiệm sự tái sinh (IPhi 1:23-25)
Con đường duy nhất bước vào gia đình thiêng liêng của Đức Chúa Trời là được sinh lại trong đời sống thuộc linh bởi tin nơi Chúa Giê-xu Christ (Gi 3:1-16). Giống như cha mẹ phần xác sinh chúng ta ra, cũng có cha mẹ thuộc linh sinh ra chúng ta: Đó là Thánh Linh Đức Chúa Trời (Gi 3:5-6) và Lời Đức Chúa Trời (IPhi 1:23). Sự tái sinh cho chúng ta bản tính mới (IIPhi 1:4) cũng như niềm hy vọng sống và mới mẻ (IPhi 1:3).
Lần sinh đầu tiên chúng ta thuộc về “xác thịt”, và xác thịt bị hư nát. Bất cứ điều gì sinh ra thuộc về xác thịt cuối cùng phải chết và hư hoại. Điều này giải thích tại sao loài người không thể thống nhất được nền văn minh: Tất cả đều dựa trên loài người xác thịt và kết quả là phải chia lìa. Giống như những bông hoa đẹp của mùa xuân, công việc của con người có vẻ thành công một thời gian nhưng rồi hoa bắt đầu tàn héo và chết. Suốt chặng đường từ Tháp Ba-bên trong Sa 11:1-11 đến “Ba-by-lôn Lớn” trong Kh 17:1-18:24, kết cuộc của mọi nỗ lực của con người nhằm đạt đến sự thống nhất đều thất bại.
Nếu chúng ta cố công xây dựng sự hiệp một trong Hội Thánh trên nền tảng sự sinh ra đầu nhứt, chúng ta sẽ thất bại nhưng nếu xây dựng sự hiệp một trên căn bản của sự tái sinh, chúng ta sẽ thành công. Mỗi con cái Chúa đều có cùng một Thánh Linh ngự bên trong (Ro 8:9). Chúng ta xưng nhận cùng một Cha (IPhi 1:17) và cùng dự phần bản tính thiêng liêng với Ngài. Chúng ta tin cậy cùng một Lời Hằng sống, và lời Ngài không bao giờ hư đi hoặc tàn phai. Chúng ta đã tin nhận một Phúc Âm và đã sinh ra trong cùng một Thánh Linh. Những đặc trưng bên ngoài của xác thịt dầu có thể phân rẽ chúng ta nhưng trở nên vô nghĩa khi so sánh với những đặc điểm của Thánh Linh liên hiệp chúng ta lại.
b.Chúng ta bày tỏ cùng một tình yêu (IPhi 1:22).
Phi-e-rơ dùng hai từ khác nhau để nói về tình yêu: philadelphia, có nghĩa là “tình yêu anh em”, và agape, là tình yêu hy sinh giống như Đức Chúa Trời. Thật là quan trọng khi chúng ta dự phần cả hai loại tình yêu này. Chúng ta có tình yêu anh em vì là anh em chị em trong Đấng Christ và có sự giống nhau. Chúng ta có tình yêu giống như Đức Chúa Trời vì thuộc về Đức Chúa Trời và do đó chúng ta có thể bỏ qua những khác biệt.
Theo bản chất, tất cả chúng ta đều ích kỷ vì vậy việc ban cho chúng ta tình yêu này là một phép lạ của Đức Chúa Trời. Vì chúng ta “vâng theo lẽ thật bởi Thánh Linh”, Đức Chúa Trời đã thánh hoá tâm linh chúng ta và tuôn đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta (Ro 5:5). Tình yêu dành cho anh em là một bằng chứng cho thấy chúng ta thật sự được sinh bởi Đức Chúa Trời (IGi 4:7-21). Bây giờ chúng ta là “con cái vâng lời” (IPhi 1:14) không còn muốn sống trong những ao ước vị kỷ của nếp sống cũ nữa.
Thật buồn khi người ta tìm cách “tạo ra” tình yêu, vì sản phẩm ấy không có giá trị và tự tạo. “Miệng nó trơn láng như mỡ sữa, nhưng trong lòng có sự giặc giã: các lời nó dịu dàng hơn dầu, nhưng thật là những thanh gươm trần” (Thi 55:21). Tình yêu chúng ta chia sẻ cho nhau và cho thế giới tối tăm phải sinh bởi Thánh Linh Đức Chúa Trời. Đó là quyền năng liên tục trong đời sống chúng ta, không phải là điều chúng ta có thể mở tắt như máy thu thanh .
Tình yêu này không chỉ là tình yêu thiêng liêng, nhưng còn là tình yêu thành thật ("chân thật"). Chúng ta yêu ”bằng tấm lòng trong sạch”. Chúng ta không có động cơ thu lợi nhưng ban cho. Có một loại “triết lý thành công” phổ biến ngày nay giúp một người có thể khéo léo sử dụng người khác để đạt được những điều người ấy muốn. Nếu chúng ta có tình yêu chân thật xuất phát từ tấm lòng trong sạch, chúng ta không thể nào “sử dụng con người” cho ích lợi của chúng ta.
Đây cũng là tình yêu nồng nàn, và đây là thuật ngữ của thể thao có nghĩa “cố gắng hết sức mình”. Yêu thương là điều chúng ta phải học thực hiện, như một vận động viên tranh tài tại thế vận hội phải làm với kỷ năng riêng của mình. Chúng ta bày tỏ tình yêu với người khác khi chúng ta đối xử họ giống như cách Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tha thứ chúng ta, do đó chúng ta tha thứ người khác. Đức Chúa Trời thiện lành với chúng ta, vì vậy chúng ta cũng tử tế với người khác. Đó không phải vấn đề của cảm tính nhưng thuộc về ý chí, đây là điều chúng ta phải thường xuyên hành động nếu chúng ta muốn thành công.
Chúng ta có hai nguồn trợ lực diệu kỳ: Lời Đức Chúa Trời và Thánh Linh Đức Chúa Trời.Lời Đức Chúa Trời mà chúng ta tin cậy và vâng theo để trở nên con cái Ngài cũng dưỡng nuôi và ban năng lực cho chúng ta. Không thể nào yêu lẽ thật lại ghét anh em. Thánh Linh Đức Chúa Trời sanh “các bông trái Thánh Linh” trong đời sống chúng ta, và bông trái đầu tiên là tình yêu thương (Ga 5:22-23). Nếu chúng ta có đầy lời Đức Chúa Trời (Co 3:16) và Thánh Linh của Đức Chúa Trời (Eph 5:18), chúng ta sẽ thể hiện tình yêu của Đức Chúa Trời trong kinh nghiệm sống mỗi ngày của chúng ta.
(IPhi 2:1-3) xem thêm giải nghĩa IPhi 1:22-25
c.Chúng ta cùng được nuôi dưỡng như nhau (IPhi 2:1-3).
Lời Đức Chúa Trời có sự sống, ban sự sống, và nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta phải ham thích Lời Đức Chúa Trời giống như em bé mới sinh khát sữa vậy! Chúng ta phải khao khát Lời trong sạch trọn vẹn của Đức Chúa Trời, vì chỉ Lời Đức Chúa Trời mới có thể giúp chúng ta lớn lên. Khi còn nhỏ, tôi không thích uống sữa (ba tôi làm việc cho hãng sữa Borden Dairy! ), vì vậy mẹ tôi thường thêm vào các loại si-rô và bột khác nhau để làm cho sữa của tôi ngon hơn. Nhưng si-rô và bột thật sự chẳng thay đổi được gì cả. Thật buồn có nhiều Cơ Đốc nhân không ham thích lời Đức Chúa Trời, nhưng thay vào đó họ “ưa chuộng” sự đãi ngộ của tôn giáo. Tăng trưởng, chúng ta khám phá ra rằng Lời Kinh Thánh là sữa cho em bé, nhưng cũng là thức ăn đặc cho người trưởng thành (He 5:11-14 ICo 3:1-4). Lời Chúa cũng là bánh (Mat 4:4) và mật ngọt (Thi 119:103).
Thỉnh thoảng con cái không thích ăn vì chúng đã ăn những thức ăn không có lợi.Phi-e-rơ khuyên các độc giả của ông phải “để qua một bên” tất cả mọi thái độ sai trật của tấm lòng làm ngăn trở sự ham thích lời Chúa và làm cho đời sống tâm linh không lớn lên. “Độc ác” có nghĩa hung dữ nói chung. “Gian dảo” là lọc lừa, dùng lời nói và hành động không ngay thẳng để đạt được đều mình muốn. Dĩ nhiên, nếu hung dữ và lọc lừa, chúng ta sẽ tìm cách che giấu và điều này lại kéo theo “tánh đạo đức giả”. Nguyên nhân của ý chí ươn hèn thường là do ganh tỵ, và kết quả của lòng ganh tỵ là nói xấu, nhằm phá hại người khác. Nếu trong đời sống chúng ta có những thái độ và hành động như vậy, chúng ta sẽ mất đi lòng ham thích lời Đức Chúa Trời. Nếu thôi ăn nuốt lời Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không tiếp tục lớn lên, và không hưởng ("nếm trải") phước hạnh chúng ta tìm thấy trong Chúa. Khi con cái Chúa lớn lên trong Lời Chúa, họ là những người đem lại bình an, chớ không phải là người gây khó khăn, và họ thúc đẩy sự hiệp một trong Hội Thánh.
2. Chúng Ta là những viên đá trong cùng một toà nhà (IPhi 2:4-8)
Chỉ có một Đấng Cứu rỗi, là Chúa Giê-xu Christ, và chỉ có một ngôi nhà thiêng liêng, đó là Hội Thánh. Chúa Giê-xu Christ là viên đá góc của Hội Thánh (Eph 2:20), xây nên toà nhà. Cho dù chúng ta có thuận ý với nhau hay không, tất cả các Cơ Đốc nhân thật đều thuộc về nhau như các viên đá trong toà nhà của Đức Chúa Trời.
Phi-e-rơ đưa ra lời mô tả đầy đủ về Chúa Giê-xu Christ, viên đá góc nhà. Ngài là hòn đá sống vì Ngài đã đắc thắng sự chết. Ngài là hòn đá lựa chọn của Đức Chúa Cha, và Ngài là viên đá quí. Phi-e-rơ trích dẫn Es 28:16 và Thi 118:22 để mô tả về Ngài và cho thấy rằng mặc dù được Đức Chúa Trời lựa chọn Chúa Giê-xu Christ cũng bị con người loại bỏ ra. Ngài không phải là Đấng Mê-si-a họ đang mong đợi, vì vậy họ vấp phạm vì cớ Ngài. Chúa Giê-xu liên hệ đến cùng một ý trong Kinh Thánh khi Ngài biện luận với các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái (Mat 21:42 Thi 118:22). Mặc dầu con người khước từ, nhưng Đức Chúa Trời tôn vinh Chúa Giê-xu Christ!
Nguyên nhân người theo đạo Do Thái vấp phạm vì cớ Đấng Christ là do họ không thừa nhận lời Kinh Thánh (IPhi 2:8). Nếu họ tin và vâng theo lời Kinh Thánh, họ đã nhận Đấng Mê-si-a và được cứu. Dĩ nhiên, con người ngày nay vẫn còn vấp phạm vì cớ Đấng Christ và thập tự giá của Ngài (ICo 1:18). Những ai tin vào Đấng Christ “sẽ không bị hổ thẹn”
Trong lần đề cập đầu tiên về Hội Thánh, Chúa Giê-xu ví sánh Hội Thánh với một toà nhà: “Ta sẽ lập Hội Thánh Ta” (Mat 16:18). Con cái Chúa là những viên đá sống trong nhà của Ngài. Mỗi lần có người tin nhận Đấng Christ, một viên đá khác được khai thác ra khỏi hầm tội lỗi và được gắn chặt vào toà nhà bởi ân điển.Đối với chúng ta dường như Hội Thánh trên đất này là một đống gạch vụn và tro bụi, nhưng Đức Chúa Tời nhìn thấy toàn cấu trúc Hội Thánh lớn lên (Eph 2:19-22). Để trở thành một phần trong Hội Thánh Ngài thật là một đặc quyền chúng ta có được, “một cư dân của Đức Chúa Trời bởi Đức Thánh Linh”.
Phi-e-rơ viết thư này cho các tín hữu cư ngụ trong năm tỉnh khác nhau, tuy nhiên ông nói rằng tất cả họ đều thuộc về một “nhà thiêng liêng” trên trời. Có sự hiệp một trong vòng các con dân Đức Chúa Trời trổi hơn mọi hội đoàn địa phương và các mối thông công cá nhân. Chúng ta thuộc về nhau vì cùng thuộc về Đấng Christ.Điều này không có nghĩa những khác biệt về giáo lý và niềm tin là sai, vì mỗi Hội Thánh phải được Đức Thánh Linh thuyết phục cách đầy trọn. Nhưng có nghĩa là chúng ta không nên cho phép những khác biệt phá hoại sự hiệp một thiêng liêng chúng ta có được trong Đấng Christ. Chúng ta phải đủ trưởng thành đủ để có thể bất đồng nhưng không hề có ý trở nên cay cú.
Một nhà thầu khoán tại Michigan đang xây một ngôi nhà và việc xây dựng tầng đầu tiên diễn ra êm thắm. Nhưng khi tiến hành tầng thứ hai, họ gặp toàn rắc rối.Chẳng có loại vật liệu nào trùng khớp cho việc xây dựng. Sau đó họ khám phá ra lý do: Họ đang làm việc với hai bản thiết kế khác nhau! Một khi họ bỏ bản thiết kế cũ, mọi chuyện tốt đẹp và họ xây nên một ngôi nhà xinh xắn.
Cơ Đốc nhân rất thường ngăn trở việc xây dựng Hội Thánh vì họ đang chạy theo những kế hoạch sai. Khi Sa-lô-môn xây dựng đền thờ, những người thợ của vua làm theo các bản thiết kế một cách cẩn thận đến nỗi mọi thứ đều ăn khớp với nhau tại nơi xây dựng (IVua 6:7). Nếu tất cả chúng ta theo kế hoạch thiết kế của Đức Chúa Trời vạch ra trong Lời Ngài, chúng ta sẽ làm việc chung với nhau mà không bất hoà và cùng xây Hội Thánh làm sáng danh Ngài.
3. Chúng ta là thầy tế lễ trong cùng một đền thờ (IPhi 2:5,9)
Chúng ta là “chức tế lễ thánh” và là “thầy tế lễ nhà vua”. Điều này tương đương với chức tế lễ trên trời của Chúa chúng ta, vì Ngài vừa là Vua vừa là Thầy Tế lễ (xem He 7:1-28). Vào thời Cựu Ước, trong dân Y-sơ-ra-ên không có vua nào làm công việc của thầy tế lễ có một vị vua tìm cách làm điều đó đã bị Đức Chúa Trời hình phạt (IISu 26:16-21). Ngôi Nước trên Trời của Chúa chúng ta là ngôi ơn phước và bởi đức tin chúng ta đến gần ngôi ấy để nhận được mọi sự chúng ta cần để sống và phục vụ Ngài (He 4:14-16).
Trong thời Cựu Ước, con dân Chúa có thầy tế lễ nhưng ngày nay, con cái Chúa là thầy tế lễ. Mỗi cá nhân tín hữu có đặc ân bước vào sự hiện diện của Đức Chúa Trời (He 10:19-25). Chúng ta không đến với Đức Chúa Trời thông qua một người nào trên thế gian này, nhưng chỉ thông qua một Đấng Trung Bảo, là Chúa Giê-xu Christ (ITi 2:1-8). Bởi vì Ngài là Đấng Sống vinh hiển, cầu thay cho chúng ta, nên chúng ta có thể hầu việc như các thầy tế lễ thánh.
Điều này có nghĩa chúng ta phải sống cuộc sống của các thầy tế lễ trong đền thờ. Hầu việc như một thầy tế lễ quả thật là một đặc ân. Trong dân Y-sơ-ra-ên không có ai có thể phục vụ tại nơi bàn thờ hoặc vào nơi hòm giao ước hoặc các nơi thánh của đền thờ ngoại trừ những người được sinh ra trong chi phái Lê-vi và được biệt riêng để hầu việc Đức Chúa Trời. Mỗi thầy tế lễ và người Lê-vi đều thực hiện chức vụ khác nhau, dầu vậy họ tập trung dưới sự lãnh đạo của thầy tế lễ thượng phẩm, hầu việc để làm sáng danh Đức Chúa Trời. Là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời ngày nay, chúng ta phải kết hợp với nhau trong công việc theo sự chỉ dẫn của Thầy Tế lễ Thượng Phẩm lớn của chúng ta. Mỗi công việc chúng ta làm vì sự vinh hiển của Chúa là hầu việc Ngài.
Phi-e-rơ đặc biệt đề cập đến đặc ân dâng “của lễ thiêng liêng”. Cơ Đốc nhân ngày nay không mang các con sinh tế như những người đến thờ phượng Đức Chúa Trời trong Cựu Ước nhưng chúng ta có của lễ riêng dâng lên cho Đức Chúa Trời. Chúng ta phải dâng thân thể chúng ta làm của lễ sống (Ro 12:1-2), cũng như dâng môi miệng chúng ta ngợi khen Đức Chúa Trời (He 13:15) và việc thiện chúng ta làm cho người khác (He 13:16). Tiền bạc và của cải vật chất chúng ta chia sẻ cho người khác trong sự hầu việc Chúa cũng là của lễ thiêng liêng (Phi 4:10-20). Ngay cả những người chúng ta đưa dắt về cho Đấng Christ là những của lễ làm sáng danh Đức Chúa Trời (Ro 15:16). Chúng ta dâng những của lễ này bởi Chúa Giê-xu Christ, vì chỉ lúc ấy Đức Chúa Trời mới chấp nhận. Nếu chúng ta làm bất cứ điều gì vì lòng ưa thích và dành vinh hiển riêng cho mình, điều đó sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận làm của lễ thánh.
Đức Chúa Trời muốn dân Y-sơ-ra-ên của Ngài trở nên “nước thầy tế lễ” (Xu 19:6), làm mẫu mực thánh cho Đức Chúa Trời nhưng dân Y-sơ-ra-ên đã làm Ngài thất vọng.Thay vì ảnh hưởng tích cực đến những dân tộc không biết Chúa chung quanh họ, dân Y-sơ-ra-ên bắt chước và làm theo những tập tục của các dân tộc ấy. Đức Chúa Trời phải đoán phạt dân sự của Ngài nhiều lần vì tội thờ thần tượng, nhưng họ vẫn chết mất trong tội lỗi. Ngày nay, dân Y-sơ-ra-ên không còn đền thờ và thầy tế lễ.
Là thầy tế lễ của Đức Chúa Trời, thật là quan trọng cho chúng ta giữ được địa vị biệt riêng trong thế gian này. Chúng ta không được sống cô lập, vì thế gian cần ảnh hưởng và lời chứng của chúng ta nhưng chúng ta không được cho phép thế gian tiêm nhiễm và thay đổi chúng ta. Biệt riêng không phải sống tách biệt đó là sự tiếp xúc nhưng không bị lây nhiễm.
Sự việc mỗi cá nhân con cái Chúa có thể chạy đến với Đức Chúa Trời cách riêng tư và dâng lên Ngài những của lễ thiêng liêng không phải khuyến khích tính vị kỷ hay “chủ nghĩa cá nhân” trong chúng ta. Chúng ta đều là thầy tế lễ, phục vụ cho cùng một Thầy Tế lễ Thượng Phẩm, hầu việc trong cùng một đền thờ. Sự việc chỉ có một Thầy Tế lễ Thượng Phẩm và một Đấng Trung Bảo trên trời cho thấy sự hiệp một giữa vòng con dân Đức Chúa Trời. Trong khi phải tiếp tục bước đi với Đức Chúa Trời, chúng ta không được làm tổn hại đến các Cơ Đốc nhân khác qua việc làm ngơ hoặc bỏ mặc họ.
Một vài nhà khoa học xã hội đã viết những quyển sách giải quyết các vấn đề họ gọi là “cái tôi phức tạp” trong xã hội hiện đại. Ngày nay người ta coi trọng đến việc chăm lo cho bản thân mình và quên nghĩ đến người khác. Tôi đã thấy thái độ này đã len lỏi vào trong Hội Thánh. Âm nhạc trong Hội Thánh ngày nay tập trung vào cá nhân và bỏ qua mối thông công của Hội Thánh. Nhiều quyển sách và bài giảng xoay quanh những từng trải cá nhân mà xao lãng chức vụ chung đối với toàn thân thể. Tôi nhận ra rằng cá nhân phải chăm lo đến bản thân mình nếu người ấy muốn giúp đỡ người khác, nhưng phải có sự quân bình.
4. Chúng ta là công dân của cùng một nước (IPhi 2:9-10)
Việc mô tả Hội Thánh trong các câu này tương ứng với việc Đức Chúa Trời mô tả dân Y-sơ-ra-ên, trong Xu 19:5-6 và Phu 7:6. Trái với dân Y-sơ-ra-ên không vâng lời và chống nghịch, con dân Đức Chúa Trời ngày nay là dân tộc thánh được Ngài lựa chọn. Điều này không nói rằng Đức Chúa Trời cắt đứt quan hệ với dân Y-sơ-ra-ên, vì tôi tin rằng Ngài sẽ làm tròn lời hứa và giao ước của Ngài và thiết lập vương quốc của lời hứa. Nhưng đối với Đức Chúa Trời và thế gian điều này không có nghĩa Hội Thánh ngày nay là dân tộc Y-sơ-ra-ên ngày xưa.
Chúng ta là dòng giống được lựa chọn, lập tức rao ra ân điển của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không chọn dân Y-sơ-ra-ên vì họ là một dân tộc lớn, nhưng vì Ngài yêu thương họ (Phu 7:7-8). Đức Chúa Trời đã chọn chúng ta vì lòng yêu thương và ân huệ của Ngài. “Các ngươi đã không chọn Ta, nhưng Ta đã chọn các ngươi” (Gi 15:16).
Chúng ta là dân thánh. Chúng ta đã được biệt riêng thuộc về Đức Chúa Trời. Quyền công dân chúng ta ở trên trời, vì vậy chúng ta vâng theo luật pháp trên trời và tìm cách làm đẹp lòng Chúa trên trời. Dân Y-sơ-ra-ên quên rằng họ là một dân tộc thánh, họ bắt đầu phá bỏ bức tường ngăn cách với thế giới tội lỗi. Đức Chúa Trời đòi hỏi họ đặt “sự cách biệt giữa điều thánh và điều chẳng thánh, giữa thuần khiết và ô uế” (Le 10:10) nhưng họ lờ đi những khác biệt và không vâng lời Đức Chúa Trời.
Chúng ta là con dân Đức Chúa Trời. Khi chưa được cứu, chúng ta không phải là con dân Đức Chúa Trời vì chúng ta thuộc về thế gian và Sa-tan (Eph 2:1-3,11-19). Bây giờ đã tin nhận Ngài, chúng ta là một phần trong con dân Đức Chúa Trời. Chúng ta là ” một dân thuộc sở hữu riêng của Ngài” vì Ngài đã mua chúng ta bằng huyết báu của Con Ngài (Cong 20:28).
Tất cả những đặc ân này kéo theo một trách nhiệm: bày tỏ sự khen ngợi Đức Chúa Trời ra cho thế gian hư mất. Động từ “bày tỏ ra” có nghĩa “nói ra, quảng bá”. Vì thế gian “đang chìm trong bóng tối”, người ta không biết “Danh” Đức Chúa Trời nhưng họ sẽ nhìn thấy danh vinh hiển của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Mỗi công dân trên trời là một “sự quảng cáo” sống cho những đức hạnh của Đức Chúa Trời và các ơn phước trong đời sống theo Chúa. Đời sống chúng ta phải toả ra “ánh sáng kỳ diệu” mà Đức Chúa Trời đã lấy ân điển Ngài gọi chúng ta bước vào.
Nói cho cùng, chúng ta đã nhận được sự nhân từ thương xót từ Đức Chúa Trời! Nếu không bởi lòng nhân từ Ngài, chúng ta sẽ hư mất và bị đùa đến sự đoán phạt đời đời! Đức Chúa Trời nhắc nhở dân Y-sơ-ra-ên nhiều lần rằng Ngài đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ tại Ai Cập để họ có thể làm sáng danh và hầu việc Ngài, nhưng chẳng bao lâu dân sự quên lời nhắc nhở và quay trở lại con đường lầm lạc tội lỗi. Chúng ta là dân được Đức Chúa Trời lựa chọn chỉ vì lòng nhân từ Ngài, và chúng ta cần phải trung thành với Ngài.
Chúng ta đang sống trong thế giới thù địch, kẻ thù thường xuyên rình mò chúng ta, tìm cơ hội để lẻn vào và tàn hại chúng ta. Là công dân thiên quốc, chúng ta phải hiệp một. Chúng ta phải bày tỏ cho thế gian nhìn thấy một biểu hiện hiệp một mà ân điển và lòng thương xót Đức Chúa Trời có thể thực hiện. Khi tôi viết những lời này, các tờ báo đang đăng tin về “mối bất hoà” giữa những người phục vụ tổng thống Hoa Kỳ. Những người này không cùng đứng trên mặt trận đoàn kết, và đất nước gặp không ít hoang mang. Tôi tự hỏi những người chưa được cứu nghĩ gì khi họ thấy các công dân thiên quốc và tôi tớ của Đức Chúa Trời tranh chiến lẫn nhau.
Trong bốn bức tranh mỗi bức đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiệp một và hoà thuận. Chúng ta thuộc về một gia đình của Đức Chúa Trời và cùng dự phần bản tính của Đức Chúa Trời. Chúng ta là những viên đá sống trong một toà nhà và là thầy tế lễ trong một đền thờ. Chúng ta là công dân của vương quốc trên trời.Chính Chúa Giê-xu Christ là nguồn và trung tâm của sự hiệp một này. Nếu chúng ta tập trung tư tưởng và tình cảm vào Ngài, chúng ta sẽ cùng nhau bước đi và làm việc với nhau nếu quan tâm đến mình, chúng ta chỉ gây chia rẽ.
Hiệp một không loại bỏ tính đa dạng. Không phải tất cả các con cái trong gia đình đều giống nhau, cũng không phải mọi viên đá trong ngôi nhà đều giống hệt nhau.Thật ra, chính sự đa dạng tạo nên vẻ đẹp và phong phú cho gia đình và căn nhà.Thiếu vắng sự đa dạng là thiếu hiệp một đó chỉ là sự đơn điệu, và sự đơn điệu tạo nên vẻ ảm đạm chán ngắt. Thật là hay khi ca đoàn hát đồng ca, nhưng tôi thích họ hát phối bè hơn.
Cơ Đốc nhân có thể khác nhau nhưng vẫn làm việc chung với nhau. Tất cả mọi người cùng giữ trong lòng “một đức tin” và tìm cách tôn cao “một Chúa” có thể yêu thương nhau và cùng đi chung đường (Eph 4:1-6). Đức Chúa Trời có thể gọi chúng ta vào trong những chức vụ khác nhau, hoặc dùng những phương cách khác nhau, nhưng chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau và tìm cách giới thiệu cho thế giới biết về sự hiệp một.
Rốt cuộc, ngày kia hết thảy chúng ta sẽ tụ họp với nhau nơi thiên đàng vinh hiển (Gi 17:24) vì vậy nếu chúng ta học biết yêu thương nhau ngay tại trần thế có phải là điều tốt đẹp biết bao không! Thánh Augustine đã nói: “Về mặt cần thiết, sự hiệp một. Về mặt không cần thiết, tự do. Về tất cả, việc lành.”
4. NGƯỜI KHÁC ĐANG NHÌN XEM BẠN (IPhi 2:11-24)
Phần chính của thư Phi-e-rơ (IPhi 2:11-3:12) nhấn mạnh đến sự vâng phục trong đời sống người tin Chúa. Chắc chắn đây không phải là chủ đề phổ biến trong thời đại vô luân và tìm kiếm “thỏa mãn cá nhân” ngày nay, nhưng đây là chủ đề quan trọng. Phi-e-rơ ứng dụng chủ đề vâng phục cho đời sống người tin Chúa trong vai trò công dân (IPhi 2:11-17), người làm công (IPhi 2:18-25), vợ chồng (IPhi 3:1-7), và thuộc viên của Hội Thánh (IPhi 3:8-12).
Vâng phục không có nghĩa là nô lệ hoặc bị bắt phải tuân phục nhưng chỉ là sự nhận biết quyền tể trị của Đức Chúa Trời trong đời sống chúng ta. Đức Chúa Trời đã thiết lập ngôi nhà, quyền chấp chánh, và Hội Thánh , Ngài có quyền phán bảo chúng ta cách nào để vận hành. Đức Chúa Trời muốn mỗi chúng ta thực thi quyền hạn nhưng trước khi thực thi quyền hạn, chúng ta phải ở dưới quyền hạn. Sa-tan ban cho cho cha mẹ đầu tiên của chúng ta tự do không có quyền hạn, nhưng kết cuộc họ mất cả quyền hạn lẫn tự do. Người con trai hoang đàng tìm thấy tự do khi anh ta phục tùng ý muốn của cha mình.
Phi-e-rơ chia sẻ với các độc giả của ông ba động cơ tốt đẹp để phục tùng quyền tể trị của Chúa và sống nếp sống tận hiến vâng phục Đấng Christ.
1. Vì ích lợi cho những linh hồn hư mất (IPhi 2:11-12)
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải thường xuyên tự nhắc nhở mình là ai Phi-e-rơ đã làm điều này trong câu 11. Trước tiên, chúng ta là con rất yêu dấu của Đức Chúa Trời. Trong thư của ông, tám lần Phi-e-rơ nhắc nhở người đọc nhớ lại lòng yêu thương của Đức Chúa Trời dành cho họ. (IPhi 2:11 IPhi 4:12 IIPhi 1:7 IIPhi 3:1,8,14-15,17). Tự thân chúng ta, không có điều gì Đức Chúa Trời có thể yêu thương được nhưng Ngài yêu chúng ta vì Chúa Giê-xu Christ. “Này là Con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đàng” (IIPhi 1:17). Vì đức tin chúng ta đặt nơi Chúa Giê-xu Christ, chúng ta “được chấp nhận trong Con yêu dấu” (Eph 1:6).
“Mối quan hệ yêu thương” của chúng ta với Chúa Giê-xu Christ phải là niềm khích lệ chúng ta sống nếp sống kính sợ Chúa trong thế gian vô đạo này. “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì gìn giữ các điều răn Ta” (Gi 14:15). Vì bổn phận chúng ta có thể làm nhiều hơn sự vâng lời, và đó là sự vâng lời vì lòng tận hiến. “Nếu các ngươi yêu mến Ta, thì vâng giữ lời Ta.” (Gi 14:23).
Không những chúng ta là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta cũng là “khách lạ và bộ hành” trong thế gian này. Chúng ta là “những ngoại kiều” có quyền công dân ở một nước khác - tại trên trời. Giống như tổ phụ khi xưa, chúng ta sống tạm trong cuộc đời này, đang tiến về quê hương trên trời (He 11: 8-16). Nếu đã từng sống ở nước ngoài, bạn biết rằng các công dân nước sở tại nhìn xem và thường tìm cớ chỉ trích bạn. (Công bằng mà nói, chúng tôi phải thú nhận rằng đôi khi chúng tôi có phê phán những người nước ngoài sống trong đất nước chúng tôi). Cách đây vài năm, một tiểu thuyết bán rất chạy có tựa đề Những Người Mỹ Xấu Xí miêu tả những giằng co trong một người Mỹ khi ông ta tìm cách thoả đáp các nhu cầu của một người nước ngoài nhưng vẫn giữ uy tín với những người bạn Mỹ của mình, đáng tiếc là, người ấy hoàn toàn hiểu nhầm hoàn cảnh.
Chúng ta cũng là những chiến binh trong trận chiến thuộc linh. Có những ham muốn tội lỗi tranh chiến cùng chúng ta và muốn đánh bại chúng ta. (Ga 5:16-26) Cuộc chiến thật sự của chúng ta không phải với những người chung quanh, nhưng với những ham muốn bên trong chúng ta. D.L.Moody nói, "Tôi gặp nhiều rắc rối với D. L. Moody nhiều hơn người nào mà tôi biết”. Nếu chiều theo những sở thích tội lỗi này, chúng ta sẽ bắt đầu sống như những người không biết Chúa chung quanh chúng ta, và trở nên những chứng nhân vô ích. Chữ “tranh chiến” mang ý nghĩa “một chiến dịch quân sự”. Chúng ta không thắng một trận rồi chiến tranh chấm dứt! Đó là cuộc chiến đấu dai dẳng, chúng ta phải luôn luôn đề phòng.
Trên hết, chúng ta là chứng nhân cho người chưa được cứu ở chung quanh. Chữ “dân ngoại bang” ở đây không có liên hệ đến chủng tộc, vì đó là từ đồng nghĩa với “người chưa được cứu” (ICo 5:1 ICo 12:2 IIIGi 1:7). Những người chưa được cứu soi mói, nói nghịch chúng ta (IPhi 3:16 IPhi 4:4), và tìm lời biện bạch để chối bỏ Phúc Âm.
Nếu chúng ta dự định làm chứng cho người không biết Chúa ở chung quanh, chúng ta phải sống “thành thật”. Chữ này không chỉ đề cập đến việc nói sự thật và làm điều đúng đắn. Nó còn mang theo ý nghĩa của nét đẹp, sự dễ mến được mọi người ngưỡng mộ và khâm phục. Theo cách dùng từ của thập niên sáu mươi, chúng ta phải là “những người đẹp” trong nghĩa tốt đẹp nhất của ngôn từ.
Chúng ta không chỉ làm chứng bằng môi miệng nhưng chúng ta phải hỗ trợ “lời nói” bằng “nếp sống” nữa. Trong hành vi chúng ta đừng nên có điều gì làm cớ cho người không tin chống nghịch với Đấng Christ và Phúc Âm. Lời nói chúng ta phải đi đôi với việc làm. Chúa Giê-xu phán điều này trong Mat 5:16, và lời phán này được vang vọng trong toàn bộ Kinh Thánh.
Trong hơn ba mươi năm chức vụ, tôi đã thấy những ảnh hưởng đầy quyền năng mà Cơ Đốc nhân làm ra trên những người hư mất khi họ bày tỏ nếp sống tin kính Chúa cùng với lời làm chứng yêu thương của mình. Tôi nhớ nhiều trường hợp trở lại đạo Chúa cách kỳ diệu chỉ do những Cơ Đốc nhân đầy lòng yêu Chúa bày tỏ gương sáng của mình. Mặc khác, tôi đau buồn nhớ lại một số người hư mất chối bỏ Lời của Chúa vì cuộc sống bất nhất của tín hữu Cơ Đốc.
Phi-e-rơ khích lệ độc giả làm chứng cho người chưa biết Chúa, bằng lời nói và hành động, để ngày nào đó Đức Chúa Trời thăm viếng và cứu rỗi họ. “Ngày thăm viếng” nghĩa là ngày Chúa Giê-xu Christ trở lại và mọi lưỡi sẽ xưng rằng Ngài là Chúa. Nhưng tôi nghĩ rằng “sự thăm viếng” Phi-e-rơ muốn nói ở đây là thời điểm Đức Chúa Trời thăm viếng những người hư mất và cứu vớt họ bởi ân điển Ngài. Chữ được dùng trong bối cảnh này được chép trong Lu 19:44. Khi những người này tin nhận Chúa, họ sẽ làm sáng danh Ngài và dâng lời tạ ơn vì chúng ta trung tín làm chứng cho họ ngay khi họ gây khó khăn cho cuộc sống chúng ta.
Vào mùa xuân năm 1805, nhiều tù trưởng và chiến binh da đỏ gặp nhau trong cuộc họp hội đồng hành chính tại Buffalo Creek, Nữu Ước để nghe giới thiệu về sứ điệp Cơ Đốc giáo do ông Cram thuộc Hội Truyền Giáo thành phố Boston. Sau bài giảng, Red Jacket, một trong những tù trưởng đứng đầu phát biểu ý kiến. Ông nói:
“Hỡi anh em, anh em nói rằng chỉ có một cách thờ phượng và hầu việc Đấng Thiêng Liêng. Nếu chỉ có một tôn giáo, tại sao người da trắng các anh bất đồng về tôn giáo nhiều đến thế? Tại sao tất cả không nhất trí khi mọi người trong các anh cùng đọc Kinh Thánh?
“Hỡi anh em, anh em nói với chúng tôi rằng anh em đang rao giảng Phúc Âm cho người da trắng trong vùng này. Những người này là lân cận của chúng tôi. Chúng tôi đã quen với họ. Chúng tôi đợi một ít lâu để xem lời giảng của anh em tác động đến họ như thế nào. Nếu chúng tôi tìm thấy họ tốt, thành thật và không có ý định lường gạt người da đỏ, chúng tôi sẽ suy nghĩ lại những gì ông đã nói.”
2. Vì ích lợi cho Nước Chúa (IPhi 2:13-17)
Dĩ nhiên, chúng ta phải làm mọi điều vì vinh hiển Đức Chúa Trời và sự tốt đẹp của Nước Ngài! Nhưng Phi-e-rơ thận trọng cho thấy rằng con cái Chúa sống trong xã hội là đại diện cho Chúa Giê-xu Christ. Chúng ta có trách nhiệm “quảng cáo đức tánh của Đức Chúa Trời” (IPhi 2:9, bản dịch của tác giả). Điều này đặc biệt là sự thật khi đề cập đến mối giao hảo của chúng ta với chính quyền và con người có quyền hành.
Là công dân biết Chúa, chúng ta phải phục tùng quyền đã giao cho nhà chức trách.Chữ “lập lên” có nghĩa “sự tạo lập hay thể chế”. Nó không có ý nói đến luật lệ cá nhân, nhưng liên hệ đến những thể chế làm ra luật pháp và buộc mọi người tuân theo. Người ta có thể phục tùng thể chế nhưng vẫn không làm theo luật pháp.
Chẳng hạn, khi Đa-ni-ên và ba bạn của ông từ chối không chịu nghe theo qui định ăn uống của vua, họ không vâng theo luật pháp nhưng cách họ làm chứng tỏ họ tôn trọng vua và kính trọng những người có quyền hành (Da 1:1-21). Họ không phải là người phản loạn họ thận trọng không làm bối rối cho người thi hành mệnh lệnh hoặc gây khó dễ cho họ nhưng họ không chịu nhường bước. Họ ngợi khen Đức Chúa Trời và đồng thời tôn trọng quyền hành của vua.
Phi-e-rơ và các sứ đồ khác đối diện với thách thức tương tự không lâu sau lễ Ngũ Tuần (Cong 4:1-5:42). Hội đồng Do Thái yêu cầu họ ngừng rao giảng danh Chúa Giê-xu, nhưng Phi-e-rơ và cộng sự của ông không nghe theo. (Cong 4:19 Cong 5:29). Họ không gây bạo loạn hoặc rắc rối hay phủ nhận quyền hành của Toà công luận. Họ phục tùng phép tắc nhưng từ chối không chịu chấm dứt rao giảng Phúc Âm. Họ bày tỏ lòng kính trọng các bậc lãnh đạo cho dù những người này chống đối Phúc Âm.
Chúng ta tôn trọng chức vụ dầu có thể không kính trọng người làm chức vụ ấy. Chúng ta phải tìm cơ hội hợp tác với bậc cầm quyền và làm theo luật pháp càng nhiều càng tốt, nhưng chúng ta không nên để cho luật pháp làm lay động ý chí chúng ta và làm chúng ta bất tuân lời Đức Chúa Trời. Chẳng may, một số tín hữu sốt sắng nhưng dốt nát dùng những khác biệt này làm cơ hội đưa ra những bài giảng ồn ào và mâu thuẫn về “tự do” và “sự tách rời của Hội Thánh và đất nước”.
Khi Hội Thánh địa phương xây dựng và trang trí một toà nhà, họ phải vâng theo luật lệ tại địa phương. (Tôi đã trải qua vài lần xây dựng nhà thờ và tôi biết điều đó! ) Chính quyền không có quyền can dự vào công việc nơi toà giảng hoặc buổi họp bàn thảo công việc, nhưng chính quyền có quyền kiểm soát mọi vấn đề liên quan đến trật tự trị an. Nếu luật pháp yêu cầu toà nhà phải có một số lối ra nhất định, bình chữa lửa, hoặc các đèn báo nguy, Hội Thánh phải tuân theo. Nhà nước không bắt bớ khi đưa ra luật lệ, còn Hội Thánh cũng không phải là thoả hiệp khi làm theo các luật lệ ấy. Nhưng tôi biết một số con cái Chúa quá sốt sắng đã làm tối danh Chúa bởi thái độ và hành động của họ liên quan đến những vấn đề trên.
Phi-e-rơ nêu tên những chức vụ chúng ta phải kính trọng. “Nhà vua” nghĩa là “người đứng đầu một nước”. Trong các quốc gia dân chủ, chúng ta có tổng thống hay thủ tướng. Phi-e-rơ không phê phán chính quyền La Mã hoặc có ý muốn đế quốc ấy bị sụp đổ. Hội Thánh Đức Chúa Trời có thể sống động và phát triển trong mọi hệ thống chính trị xã hội. “Các quan” là những người ở dưới quyền tối cao của nhà vua thừa hành luật pháp và thực thi sự công bằng. Nói cách lý tưởng, họ sẽ hình phạt người sai phạm và khen ngợi những người làm điều ngay lành. Lý tưởng này không phải lúc nào cũng được thực hiện trong thời Phi-e-rơ (Cong 24: 24-27), và trong thời chúng ta hiện nay cũng vậy. Hơn nữa, chúng ta nên tự nhắc mình phải tôn trọng chức vụ cho dù chúng ta thấy khó có thể tôn trọng con người giữ chức vụ đó.
Hai cụm từ quan trọng: “ý muốn Đức Chúa Trời” (IPhi 2:15) và “tôi mọi Đức Chúa Trời” (IPhi 2:16). Khi chúng ta làm điều gì trong ý muốn của Đức Chúa Trời và trong vai trò là tôi tớ của Đức Chúa Trời, lúc ấy chúng ta đang làm “vì ích lợi cho Nước của Chúa”. Đức Chúa Trời mong muốn chúng ta làm ngậm miệng những người chỉ trích bằng các việc tốt đẹp chứ không phải bằng cách chống đối lại chính quyền.Chữ “làm ngậm miệng” trong câu 15 theo nghĩa đen là “khoá miệng”, như thể những người nhạo báng vô tín giống như một bầy chó đang sủa, cắn.
Có người sẽ lý luận, “Nhưng là Cơ Đốc nhân chúng ta không được tự do sao?” Vâng, chúng ta được tự do trong Đấng Christ, nhưng không bao giờ nên dùng sự tự do cho riêng chúng ta. Chúng ta nên dùng sự tự do đó cho người khác. Đáng buồn, có “những người lợi dụng tôn giáo kiếm tiền bất chính” sống bám vào những người dốt nát và dùng “tôn giáo” để che đậy hành vi xấu xa của họ. Con cái Chúa thật tự mình vâng phục bậc cầm quyền vì trên hết người đó tuân phục Đấng Christ.Người ấy dùng tự do làm công cụ xây dựng chớ không dùng nó làm vũ khí đấu tranh. Một gương tốt cho thái độ này đó là tiên tri Nê-hê-mi, ông sẵn lòng từ bỏ mọi quyền hạn để giúp dân tộc của mình và cất lại vách thành Giê-ru-sa-lem.
Nếu chúng ta thật lòng phục tùng bậc cầm quyền “vì ích lợi cho Đức Chúa Trời”, chúng ta sẽ bày tỏ lòng kính trọng tất cả những người xứng đáng tôn trọng. Có thể chúng ta không đồng tình với chủ trương của họ hoặc việc họ thi hành pháp luật, nhưng chúng ta phải tôn trọng cương vị họ đang nắm giữ. (Ro 13:1-14). Chúng ta cũng “yêu thương anh em”, dĩ nhiên anh em ở đây nghĩa là con cái Chúa trong Hội Thánh. Đây là chủ đề lặp đi lặp lại trong bức thư này (IPhi 1:22 IPhi 3:8 IPhi 4:8 IPhi 5:14). Một cách chúng ta bày tỏ lòng yêu thương anh em đó là chúng ta phục tùng các giới chức trách “được chỉ định”, vì chúng ta gắn bó với nhau trong việc làm chứng cho Chúa.
“Kính sợ Đức Chúa Trời” và “tôn trọng vua” phải đi đôi với nhau, vì “các quyền đều bởi Đức Chúa Trời chỉ định” (Ro 13:1). Sa-lô-môn có cùng lời khuyên: “Hỡi con, hãy kính sợ Đức Giê-Hô-Va và tôn kính vua” (Ch 24:21). Chúng ta tôn kính vua vì kính sợ Đức Chúa Trời. Thật đáng chú ý các thì trong các động từ cho thấy chúng ta phải thường xuyên giữ thái độ này. “Hãy yêu anh em không thôi! Kính sợ Đức Chúa Trời mãi mãi! Không ngừng tôn kính vua! ”
Là Cơ Đốc nhân, chúng ta phải sử dụng sự nhận thức trong mối quan hệ của chúng ta với chính quyền. Có những lúc việc đặt quyền của chúng ta sang một bên là đúng, có những lúc khác việc sử dụng quyền công dân của mình là đúng. Phao- lô sẵn lòng chịu đau đớn tại thành Phi-líp (Cong 16:16-24), nhưng ông không chịu “trốn lén ra khỏi thành phố” như một tội phạm (Cong 16:35-40). Khi bị bắt vì lời buộc tội sai, Phao-lô dùng quyền công dân của mình để bảo vệ (Cong 22:22-29) và đòi được xử công bằng trước mặt hoàng đế Sê-sa (Cong 25:1-12).
3. Vì ích lợi cho chúng ta (IPhi 2:18-24)
Trong đoạn này Phi-e-rơ nhắm vào các nô lệ là Cơ Đốc nhân trong Hội Thánh, và một lần nữa ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự phục tùng. Một số nô lệ mới trở lại đạo cho rằng tự do thiêng liêng cũng bảo đảm cho tự do về chính trị và cá nhân nữa, họ tạo nên khó khăn cho chính mình và Hội Thánh. Phao-lô giải quyết vấn đề này trong ICo 7:20-24, và cũng đề cập đến trong thư của ông gởi cho Phi-lê-môn.Cuối cùng Phúc Âm cũng phá đổ đế quốc La Mã và tập tục nô lệ khủng khiếp, cho dù Hội Thánh đầu tiên không rao giảng chống lại điều nào cả.
Ngày nay không có tín hữu nào là nô lệ cả, ít ra cũng trong ý niệm của Tân ước, nhưng những gì Phi-e-rơ viết vẫn ứng dụng được cho những người làm công. Chúng ta phải phục tùng tất cả những người cấp trên chúng ta, dầu họ có tử tế với chúng ta hay không. Những công nhân Cơ Đốc đừng bao giờ lợi dụng những chủ nhân Cơ Đốc. Người làm công nên làm tốt công việc trong ngày và nhận đồng lương cách trung thực.
Đôi lúc công nhân Cơ Đốc có thể bị người cùng làm việc hoặc nhân viên giám sát không tin Chúa xử sự sai. Vì lý do lương tâm người ấy nên chấp nhận dù không làm điều gì sai trái. Mối tương giao của Cơ Đốc nhân đối với Đức Chúa Trời quan trọng hơn nhiều so với mối tương giao với con người. “Vì đây là ơn (đáng biết ơn)” để chịu đựng sự mắng nhiếc, nói vu cho chúng ta (Mat 5: 10-12). Bất kỳ ai kể cả người chưa tin Chúa cũng có thể “chịu đựng nhẫn nhục” khi họ làm sai! Nhưng người yêu mến Chúa sẵn sàng chấp nhận như vậy” khi làm điều đúng. “Đây là ơn phước của Đức Chúa Trời”. Đức Chúa Trời có thể ban cho chúng ta ơn phục tùng và “nhịn chịu” để làm sáng danh Đức Chúa Trời.
Dĩ nhiên khuynh hướng của con người là chống trả lại và đòi hỏi sự công bằng.Nhưng đó là phản ứng tự nhiên của nguời chưa biết Chúa, nhưng chúng ta phải làm hơn điều họ làm (Lu 6:32-34). Bất kỳ ai cũng có thể chống trả lại nhưng người tín hữu đầy dẫy Đức Thánh Linh cần phải phục tùng và để cho Đức Chúa Trời đánh trận (Ro 12:16-21).
Trong Kinh Thánh, bổn phận luôn luôn được gắn liền với giáo lý. Khi Phao-lô viết thư cho các nô lệ, ông liên hệ lời khuyên răn của ông với giáo lý về ân điển Đức Chúa Trời (Tit 2:9-15). Phi-e-rơ kết hợp lời khuyên của ông với gương của Chúa Giê-xu Christ, “Tôi tớ Chịu Khổ” của Đức Chúa Trời (Tit 2:21-25 Es 52:13-53:12). Phi-e-rơ từng trải trong kinh nghiệm riêng tư rằng con dân của Đức Chúa Trời hầu việc qua sự đau khổ. Khởi đầu, Phi-e-rơ đã phản đối Đấng Christ chịu khổ trên thập tự giá (Mat 16:21) nhưng sau đó ông nhận biết bài học quan trọng ấy là chúng ta phải bước tới bằng sự hầu việc và hầu việc bằng sự chịu khổ. Ông cũng học biết rằng sự chịu khổ này luôn luôn dẫn đến vinh hiển!
Phi-e-rơ khích lệ những nô lệ đang chịu đau khổ bằng cách đưa ra ba “bức tranh” về Chúa Giê-xu Christ.
a.Cuộc đời của Ngài là tấm gương cho chúng ta noi theo (IPhi 2:21-23).
Tất cả những gì Chúa Giê-xu làm trên đất, như được ghi lại trong bốn sách Phúc âm, là một tấm gương trọn vẹn cho chúng ta noi theo. Nhưng đặc biệt Ngài là tấm gương cho chúng ta trong cách Ngài phản ứng lại với sự chịu khổ. Mặc dù Ngài không có tội trong lời nói và việc làm, nhưng Ngài chịu đau đớn trong tay bậc cầm quyền. Dĩ nhiên điều này kết hợp với lời dạy của Phi-e-rơ trong các câu 19 và 20. Chúng ta tự hỏi ông đã phản ứng thế nào trong những tình huống giống như vậy! Sự việc Phi-e-rơ dùng gươm trong vườn Ghết-sê-ma-nê cho thấy rằng ông muốn tranh đấu hơn là vâng phục ý chỉ của Đức Chúa Trời.
Chúa Giê-xu minh chứng rằng con người có thể ở trong ý muốn Đức Chúa Trời, được Đức Chúa Trời yêu thương hết mực, nhưng vẫn chịu khổ cách bất công. Ngày nay có loại thần học hời hợt được nhiều người yêu chuộng tuyên bố rằng các Cơ Đốc nhân sẽ không chịu khổ nếu họ ở trong ý muốn Đức Chúa Trời. Người đề cao những ý tưởng như vậy không suy gẫm nhiều về thập tự giá.
Sự khiêm nhu và thuận phục của Chúa chúng ta không phải là bằng cớ của sự mềm yếu, nhưng là bằng chứng của quyền năng. Chúa Giê-xu có thể điều động các đội quân thiên đàng đến giải cứu Ngài! Những lời Ngài phán với Phi-lát trong Gi 18:33-38 cho thấy rằng Ngài hoàn toàn làm chủ tình huống. Chính Phi-lát là người đang bị xử án chớ không phải Chúa Giê-xu! Chúa Giê-xu đã giao phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Cha luôn luôn xử đoán cách công bình.
Chúng ta không được cứu do làm theo gương của Chúa Giê-xu, vì mỗi chúng ta sẽ vấp phải, câu Gi 22: “Ngài không hề phạm tội”. Tội nhân cần Đấng Cứu rỗi, chớ không phải gương sáng. Nhưng sau khi được cứu, người ấy sẽ khao khát “noi theo dấu chân Ngài” và bắt chước gương của Đấng Christ.
b.Ngài chết thay tội chúng ta (IPhi 2:24).
Ngài chịu chết thay cho tội nhân. Trọn phần này phản ánh “Chương nói về Tôi Tớ ” vĩ đại của Đức Chúa Trời, Es 53:1-12, đặc biệt là các câu 5-7, câu 9 và 12. Chúa Giê-xu không chết như một người tử vì đạo nhưng Ngài là Đấng Cứu thế chịu chết, Đấng vô tội chết thay cho người có tội. Chữ “phơi bày” có nghĩa “mang như vật hi sinh”. Dân Do thái không đóng đinh tội phạm nhưng họ ném đá cho chết. Nhưng nếu tội nhân đặc biệt nguy hiểm, người ta sẽ treo thi thể tội phạm ấy lên trụ hình cho đến chiều tối, như là dấu của sự xấu hổ (Phu 21:23). Chúa Giê-xu chết trên cây gỗ - thập tự giá - và gánh chịu sự rủa sả tội lỗi của luật pháp (Ga 3:13).
Những nghịch lý của thập tự giá chẳng hề thôi gây ngạc nhiên cho chúng ta. Đấng Christ chịu thương tích để chúng ta được chữa lành. Ngài chịu chết thay để chúng ta được sống. Chúng ta đồng chết với Ngài, do đó chúng ta “chết với tội lỗi” (Ro 6:1-23) để “sống trong sự công bình”. Sự chữa lành Phi-e-rơ đề cập trong câu 24 không phải là chữa lành xác thịt, đúng hơn là chữa lành tâm linh (Thi 103:3). Ngày kia, khi chúng ta mặc lấy thân thể vinh hiển, mọi tật bệnh không còn Nhưng trong lúc chờ đợi ngày ấy, ngay cả những tôi tớ hàng đầu của Đức Chúa Trời vẫn vướng phải những đau đớn thể xác (Phi 2:25-30 IICo 12:1)
Không phải Chúa Giê-xu là Đấng Nêu Gương hoặc là vị Giáo sư đã cứu rỗi chúng ta, nhưng chính Chúa Giê-xu là Chiên Con không tì vít của Đức Chúa Trời cất đi tội lỗi của thế gian (Gi 1:29).
c.Ngài là Đấng chăn chiên canh giữ chúng ta nơi thiên đàng (IPhi 2:25).
Trong Cựu Ước, chiên chết vì người chăn nhưng tại đồi Gô-gô-tha, người chăn chết vì chiên (Gi 10:11). Mọi tội nhân giống như chiên đi lạc: dại khờ, lạc mất, quanh quẩn trong hiểm nguy, xa cách nơi an toàn, không thể tự cứu mình. Người chăn đi ra tìm kiếm chiên bị lạc mất (Lu 15:1-7). Người chăn chết vì chiên mình! .
Bây giờ chúng ta được trở về trong bầy và được an toàn trong sự chăm sóc của Ngài, Ngài canh chừng kẻo chúng ta lạc đường và quay về tội lỗi. Chữ “giám mục có nghĩa “người canh giữ, người trông coi”. Giống như trưỡng lão trông coi bầy của Đức Chúa Trời, là Hội Thánh địa phương (IPhi 5:2), cũng vậy Đấng Cứu rỗi ở trong sự vinh hiển canh giữ chiên của Ngài để bảo vệ và hoàn thiện họ (He 13:20-21).
Tiếp đến là lẽ thật lạ lùng Phi-e-rơ muốn chia sẻ: khi chúng ta sống nếp sống tin kính Chúa, và thuận phục trong thời gian bị đau khổ, chúng ta sẽ theo gương Chúa Giê-xu và trở nên giống Ngài hơn. Chúng ta thuận phục và vâng lời, không chỉ vì lợi ích của người hư mất và ích lợi cho công việc Chúa, nhưng còn vì ích lợi cho chúng ta để có thể lớn lên trong đời sống thuộc linh và trở nên ngày càng giống Đấng Christ hơn.
Thế gian không biết Chúa đang nhìn xem chúng ta, nhưng Đấng Chăn chiên trên trời cũng đang trông nom chúng ta vì vậy chúng ta không có điều gì phải sợ hãi.Chúng ta có thể thuận phục Ngài và biết rằng Ngài làm mọi việc vì tốt lành cho chúng ta và vì danh vinh hiển của Ngài.
bottom of page